Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Thổ
Showing posts with label ₪ Dân tộc Thổ. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Thổ. Show all posts

Friday, June 24, 2016

Bánh đầu chó của đồng bào dân tộc Thổ, Quỳ Hợp, Nghệ An (Thái Tâm)


Cũng gần giống với bánh sừng trâu trong mâm cỗ tết của đồng bào dân tộc Thái miền tây Nghệ An. Bánh đầu chó là một loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của các gia đình đồng bào dân tộc Thổ vùng Quỳ Hợp (Nghệ An) vào những dịp lễ, tết.

Là một loại bánh dùng trong các dịp lễ, tết… nhưng quy trình gói bánh đầu chó rất đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém… dễ làm, hầu như ai cũng có thể tự tay gói cho mình và gia đình những chiếc bánh dân giã này – nhất là các bà, các chị phụ nữ Thổ vốn khéo tay, chịu thương chịu khó.
Để gói bánh, cần chuẩn bị trước một lượng gạo nếp tuỳ theo nhu cầu mỗi gia đình, lạt giang và lá gói – nhất thiết phải là lá chít (lá cây chổi đót – thuộc họ lau, có nhiều ở các triền núi, bờ khe vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong…) Đặc biệt, bánh chỉ sử dụng rặt nếp không có nhân như bánh chưng, bánh tét.

Nếp vo kỹ, xóc qua muối vừa đủ, để ráo nước. Lá chít còn tươi, lấy về rửa sạch xếp thành lớp. Mỗi chiếc bánh đầu chó chỉ dùng hai lá đ gói. Lá được xếp thành hình phễu, xúc gạo nếp đã vo đổ vào (mỗi chiếc độ một muôi nếp) dùng tay dém chặt khéo léo cuộn lá thật chặt thành hình đầu con chó, xong buộc chặt bằng một sợi lạt giang dẻo. Bánh gói xong, xếp vào nồi, đổ ngập nước và nấu kỹ trong khoảng 2 giờ. Bánh chín, vớt ra để ráo và bảo quản nơi thoáng mát. Thường trong mâm cỗ cúng những ngày tết, đĩa bánh đầu chó với dăm ba chiếc nằm khiêm tốn bên những xôi, thịt, rau dưa… cũng toát lên không khí lễ hội.
Ngoài chức năng là phẩm vật trong mâm cỗ cúng gia tiên, những ngày tết cùng với bánh chưng, bánh dày… bánh đầu chó còn là món quà mừng tuổi cho lũ trẻ. Nếu như trong quan niệm đồng bào Thái, con trâu được xem là con vật thân thiết gần gũi với mỗi gia đình nên những ngày tết họ gói bánh sừng trâu với mong muốn sức khoẻ như trâu mộng… Ở đồng bào dân tộc Thổ, con chó lại được xem là con vật trung thành, gần gũi… vậy nên chiếc bánh đầu chó còn mang ý nghĩa gắn kết, gần gũi trong cộng đồng. Sẽ là may mắn cho bất cứ ai trong những ngày xuân sang, tết đến… đến các xóm đồng bào Thổ trong bữa cơm đón tết được chủ nhà trang trọng mời đĩa bánh đầu chó… Không là sơn hào hải vị, nhưng từ trong sâu xa tâm thức dân gian qua chiếc bánh dân giã, cũng cảm hết giá trị chân tình của chủ nhà qua món quà quê bình dị…

Thái Tâm (sưu tầm Theo Tạp Chí Ẩm Thực)

Tổng Quan Dân Tộc Thổ (Vi Đức Hồi)

Dân số: 74.458 người (2009).
Ngôn Ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, ngữ hệ Nam Á.
Tên gọi khác: Người Nhà Làng, Mường, Con Kha, Xá Lá Vàng…
Nhóm địa phương: Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng…
Địa bàn cư trú: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đắk Lắk , Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Điện Biên, Đắk Nông, Hà Nội.

Địa bàn cư trú:
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thổ ở Việt Nam có dân số 74.458 người, có mặt tại 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Thổ cư trú tập trung tại tỉnh Nghệ An (59.579 người, chiếm 80,0% tổng số người Thổ tại Việt Nam), Thanh Hóa (9.652 người, chiếm 13,0% tổng số người Thổ tại Việt Nam), Lâm Đồng (966 người), Đồng Nai (657 người), Đắk Lắk (541 người), Bình Dương (510 người), thành phố Hồ Chí Minh (362 người), Điện Biên (226 người), Đắk Nông (216 người), Hà Nội (211 người)


2.    Kinh Tế Truyền Thống
2.1.    Trồng trọt
Cây trồng chính là lúa nương và gai. Người Thổ đến cư trú ở vùng đất này từ nhiều thể kỷ trước, khi đó đất rộng, người thưa, đồng bào tự do chọn đất khai phá để sản xuất. Mỗi mảnh nương họ thường sử dụng ba, bốn vụ rồi bỏ hoang.
Trước kia người Thổ canh tác dùng gậy chọc lỗ, nhưng về sau đã sử dụng sức kéo, dùng cày để làm đất. Chiếc gậy chọc lỗ thường được làm bằng cây kiền kiển, dài khoảng một sải rưỡi, gọi là cần món, tức lủ cày của người Mọn. Tiếng Thổ, chọc lỗ là tẩm, gieo hạt là rói. Theo tập quán của đồng bào, thông thường cứ Ba nam chọc lỗ thì bảy nữ theo sau tra hạt. Kỹ thuật dùng gậy chọc lỗ trong canh tác thường chỉ được sử dụng ở trên nương mới năm đầu khai phá. Vì lúc đó trên mặt đất còn nhiều mùn, dùng gậy chọc lỗ, ít làm xáo trộn đất trên mặt nương, do đó khi mưa xuống ít bị trôi mùn đi.
Người Thổ trên rẫy
Đồng bào Thổ thường chỉ dùng cày để làm đất đối với nương sử dụng từ năm thứ hai trở đi. Chiếc cày được gọi là nôn, có hình dáng giống chiếc cày chìa vôi. Với nương dùng cày, sau khi dọn sạch nương, người ta gieo vãi hạt giống, rồi cày lấp hạt, tiếp đó người ta bừa lấp hạt giống xuống dưới đất để chim muông khỏi nhặt ăn.


Cùng với cây lúa, người Thổ còn trồng các loại cây lương thực phụ như ngô, khoai, sắn. Những cây lương thực phụ này, khi mùa màng thất bát thì dùng làm lương thực, còn bình thường nó là thức ăn chăn nuôi: lợn, gà, vịt,… Bên cạnh cây lương thực, một nét đặc trưng của trồng trọt người Thổ là đồng bào người Thổ ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp trồng cây gai. Đồng bào Thổ trồng nhiều cây gai để lấy sợi đan võng nằm, đan lưới săn thú, lưới đánh cá, đồ đựng, đan túi đeo.
2.2.    Chăn nuôi
Người Thổ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như các dân tộc khác trong vùng. Những con vật nuôi trong từng gia đình thường là trâu, bò, lợn, gà, vịt, chó, mèo,… Phương thức chăn nuôi cũng là chăn thả, chăn ở nhà hai bữa: sáng sớm và chiều tối, còn cả ngày thả tự đi tìm kiếm ăn, tối lùa chúng về chuồng. Người Thổ nuôi trâu, bò để kéo cày và làm vật hiến sinh, hoặc làm thịt ăn trong các dịp cưới xin, ma chay, các ngày lễ hội lớn của dân tộc. Các con lợn, gà, vịt được nuôi nhiều hơn đại gia súc và cũng nhằm phục vụ cho cúng bái và ăn thịt.
2.3.    Khai thác tự nhiên
Sinh sống ở vùng núi rừng tỉnh Nghệ An, người Thổ cũng như các dân tộc khác đã tận dụng nguồn tài nguyên lâm thổ sản, thuỷ sản từ rừng và các dòng sông nơi đồng bào cư trú.
Đồng bào Thổ thu hái các loại rau rừng như: bạ, chặc, pứ, cạch côi, khả, lột, đâm cu, băng, mảu; các loại củ như: chè cù, chè pô, da nắm, nu; các loại quả như: tlai, chu, quẹo, phổ, bẳm, sỉ, khởi, căm, khim, nương, quả thị xanh, củ cải, củ mài, quả tre rừng. Mùa nào thức ấy, các loại rau, củ, hoa quả dại trên rừng thực sự có mặt thường xuyên trong nhà đồng bào và tham gia vào bữa ăn hàng ngày của từng gia đình.
Người Thổ thường săn thú rừng như mọi dân tộc khác. Tuy nhiên nét đặc trưng trong săn bắn thú rừng của người Thổ là người ta tổ chức săn bằng lưới. Một tấm lưới dùng để săn thú thường có độ dài trung bình là 9 – lOm, rộng khoảng 3 – 4m, sợi dây gai to tròn với tiết diện khoảng l,5cm, được đan hình mắc áo với trọng lượng khoảng 30 – 40kg. Người ta tổ chức săn đuổi con thú bằng chó đi lùng sục và người khua chiêng đánh trống ầm ĩ trong rừng sâu, làm con thú sợ, tìm đường chạy trốn. Người địa phương quen đường đi lối lại của con thú, đặt lưới trên đường con thú hay qua lại. Khi động, bị chó sục sạo, người xua đuổi, con thú chạy ra bị mắc vào lưới, không chạy được nữa. Lúc đó người ta dùng giáo sắt sắc đâm chết con thú. Người Thổ còn tổ chức đánh bẫy các con thú: voi, bò tót, cầy, cáo, nhím, chim các loại. Hố bẫy voi đào sâu đến 7m, trên miệng hố làm “sàn”, trên “sàn” phù lớp đất mỏng, hoá trang giống như đường đi bình thường. Con voi đi qua, giẫm lên sàn, sàn sập, sa xuống hố, không lên được nữa. Khi đó đồng bào Thổ dùng dao sắc chặt vòi, giết chết con voi. Bầy bò tót thường bẫy bằng thòng lọng lớn. Khi bò tót chui đầu vào thòng lọng, thòng lọng chịt giữa cổ con vật, con vật không đi được nữa, khi đó người ta bắt sống con vật. Đồng bào Thổ còn làm các loại bẫy nhỏ hơn để bắt hươu, nai, hoẵng. Các loại bẫy nhỏ thường dùng nguyên tắc cần bật; dùng mũi tên “tự động” để bắt hổ, báo, gấu, lợn rừng. Nghề săn thú rừng có ý nghĩa quan trọng đối với người Thổ, bởi nó vừa bảo vệ mùa màng, vừa bảo vệ người và các con vật nuôi trong từng gia đình. Chính vì vậy, trong người Thổ hình thành những quy định về phân chia thành quả săn bắn được.


Người Thổ cũng thường hay đánh bắt các loại thuỷ sản trên sông cá, tôm, cua, ốc, trai, hến. Đồng bào Thổ có cách bắt cá cổ truyền, ít thấy ở dân tộc khác. Trên dòng sông Dinh, sông Hiếu, lòng sông rộng, nước chảy mạnh, về đêm, bằng tay không đồng bào bắt được cá ngủ (gọi là bắt cá “nạc”), tức là bắt cá theo kiểu con rái cá. Việc bắt cá ngủ với khối lượng lớn đòi hỏi phải có trình độ đạt mức kỹ năng, kỹ xảo cao trong nghề đánh bắt cá. Dụng cụ đánh bắt cá ở đây cũng có nét độc đáo: hom giỏ kết bằng tai hoa mây (lá ngáng), xúc vợt (việc), vó trời (cuộng), , chài,…
2.4.    Ngành nghề thủ công
Người Thổ có nghề thủ công tương đối phát triển là nghề đan lưới bằng dây gai và nghề đan mây, tre.
Phụ nữ Thổ đang đan lưới
Nghề đan lưới bằng sợi gai phát triển ở vùng Nghĩa Đàn, Quý Châu, Quỳ Hợp. Ở đây, người Thổ đan võng nằm, đan lưới săn thú rừng, đan lưới đánh bắt cá, đan túi đeo,… Võng nằm có nhiều cỡ, rộng, hẹp, dài, ngắn khác nhau. Nhưng người Thổ quen phân biệt võng theo “mát” võng bốn mặt, hoặc võng ba mặt, tức là tính theo số sợi gai cấu tạo nên mắt võng. Võng bốn mắt tốn gai hơn, công bện lâu hơn, nhưng lại bền, đẹp hơn, được ưa dùng hơn. Lưới săn thú rừng thường được đan với sợi gai to, cỡ bằng ngón tay cái, lộ mắt cáo rộng tới 15- 20cm. Lưới săn thú rừng thường có hình chữ nhật, chiều rộng khoảng 3 – 4m, chiều dài khoảng 15 – 20m. Người Thổ còn đan lưới đánh cá trên các sông, đan rìu – chiếc túi lưới luôn mang theo bên người để đựng măng, nấm, rau, quả dại hái được ở trên rừng. Lưới đánh cá và rìu được đan bằng sợi gai nhỏ và mắt cáo nhỏ.
Nghề đan mây, tre phát triển ở vùng Con Cuông, Tương Dương. Những sản phẩm đan mây, tre được nhiều người ưa thích như: ghế mây, mâm mây, bồ đựng quần áo, hộp đựng kim chỉ. Đó là các sản phấm của cư dân Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng.
2.5.    Trao đổi, mua bán
Sống trong nền kinh tế tự túc, tự cấp, nhưng người Thổ không phát triển nghề dệt, mà lại phát triển nghề thủ công đan lưới và đan mây, tre, cho nên, việc trao đổi mua bán hàng hoá ở người Thổ khá phát triển. Nét mang tính đặc trưng ở đây là người Thổ thường lấy sản phẩm thủ công của mình là võng nằm, lưới đánh cá, ghế mây, mâm mây, bồ đựng quần áo bằng mây ra chợ bán để lấy tiền mua vải may quần áo, hoặc đôi khi mua ngay quần áo may sẵn như váy người Thái để mặc. Đồng bào Thổ còn lấy lâm thổ sản ra chợ bán hoặc đổi lấy muối ăn, xoong, nồi, dao, cuốc, kim khâu, dầu thắp, giấy vở cho trẻ em đi học; mua chỉ thêu, đồ trang sức làm đẹp cho phụ nữ.
3.    Văn hoá truyền thống
3.1.    Làng
Người Thổ cư trú thành từng bản, mỗi bản có từ chục đến vài chục nóc nhà. Nơi chọn làm bản thường là sườn đồi núi, hoặc dọc theo các dòng sông, gần nương, gần nguồn nước. Trong bản thường có nhiều dòng họ cùng cư trú, trong các dòng họ đó có một dòng họ có ưu thế về số lượng người cũng như về khả năng kinh tế và quan hệ xã hội. Trong làng có miếu thờ thổ công. Miếu làng có giá trị tập hợp dân làng không phân biệt giàu, nghèo, không phân biệt dân tộc theo ý thức tôn giáo.
Làng là đơn vị xã hội nhỏ nhất. Đứng đầu làng là ông trùm làng, được dân làng bầu lại hàng năm. Trùm làng có nhiệm vụ quan trọng nhất là đốc thúc các công việc sưu dịch, thuế khoá và những khoản đóng góp khác của làng mình lên cấp trên theo quy định của quan trên. Ngoài ra, trùm làng còn đảm đương việc cai quản xây dựng, sửa sang, tu bổ các đền, miếu, cũng như cai quản các ông từ trông coi các đền miếu trong làng. Trùm làng là người chủ trì buổi lễ xin ý kiến thần linh bổ nhiệm người chủ cho mỗi vụ gieo trồng; là người xử phạt các vụ chửa hoang, ngoại tình ở trong làng. Những gia đình có con cái mắc tội chửa hoang, những người ngoại tình, phải nộp phạt cho dân làng, nhưng thực chất những hiện vật, hoặc tiền nộp phạt đó, đều vào tay trùm làng. Cùng với trùm làng, ở mỗi làng còn có ông cậu trông coi việc giấy tờ và một số tuần giữ gìn an ninh. Người dân cư trú trong làng, ngoài việc đóng, góp cho quan trên, hàng năm còn phải đến làm rẫy cho trùm làng-, đồng thời phải biếu xén, lễ lạt mỗi khi trong nhà trùm làng có công, có việc. Ở một vài nơi, trong làng có chủ sắc chuyên việc cúng lễ, được làng giao cho vài ba sào ruộng, để sản xuất và dùng vào việc cúng lễ đó.
Về mối quan hệ giữa các gia đình trong làng, nét nổi bật nhất là tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Biểu hiện chính của tinh thần này là sự giúp nhau trong việc dựng nhà, có quy định về góp công sức, vật liệu cho gia đình làm nhà mới.
3.2.    Nhà ở
Phần lớn người Thổ ở nhà sàn. Nguyên vật liệu làm nhà là gỗ, tre, nứa, lá có sẵn tại chỗ, ở trong làng. Khi cần làm nhà, người ta vào rừng chọn nguvên vật liệu lấy về dựng nhà, không cần mua bán. Nhà thường được dựng đơn giản, cột ngoãm, chôn cột xuống đất. Do vùng miền núi Nghệ An nhiều rừng, lắm cây, kỹ thuật làm nhà đơn giản, cho nên dụng cụ làm nhà cũng đơn giản chỉ cần một con dao, một chiếc rìu là có thể dựng được ngôi nhà thông thường.
3.3.    Y phục, trang sức
Do nhiều nguồn di cư từ nhiều nơi khác nhau đến và trong tâm trạng cũng muốn “lánh xa” tiếp xúc xã hội, cho nên, người Thổ không phát triển nghề dệt, không tự sản xuất ra vải làm trang phục, mà chủ yếu là do đổi chác với các cư dân khác trong vùng, cho nên trang phục của người Thổ có tính phụ thuộc, có nhiều nét dị biệt, thiếu đồng bộ. Đàn ông Thổ mặc tương tự như người Kinh với chiếc quần tráng, cạp vấn, chiếc áo dài lương đen và đầu đội khăn nhiễu tím. Trang phục phụ nữ Thổ, tuỳ từng vùng có những khác biệt. Ở vùng Lâm La (huyện Quỳ Hợp), phụ nữ mặc váy vải sợi bông màu đen giống như người Kinh, có thêu thêm hai đường chỉ màu từ cạp xuống tới gấu váy dọc theo hai bên sườn; mặc áo năm thân vải sợi bông, nhuộm màu nâu hoặc để nguyên trắng, tương tự như trang phục của phụ nữ Kinh. Ở vùng khác thuộc huyện Quỳ Hợp, chị em phụ nữ thường mua, hoặc đổi lấy váy người Thái về mặc. Đó là chiếc váy sợi bông, nhuộm chàm, dệt kẻ sọc ngang. Khi mặc, những đường sọc của váy tạo thành các đường trong song song xung quanh thân người. Một số người còn mặc váy có thêu hoa văn hoặc san bằng vải sợi tơ dệt hoa văn ở phần chân váy. Áo phụ nữ vùng này là chiếc áo cánh trắng cổ viền, ống tay hẹp, tương tự như áo phụ nữ người Kinh. Ở các vùng trên, phụ nữ đều đội khăn vuông trắng, giống như người Mường và để tang bằng khăn dài trắng giống như người Kinh.
3.4.    Ẩm thực
Bánh đầu chó- món bánh nổi tiếng của người Thổ (Ảnh sưu tầm)
Bữa ăn thường ngày của người Thổ là cơm rau. Thịt, cá không có trong thực đơn thường ngày. Hàng ngày, đi làm, gặp cơ hội, săn bắn được con chim, con thú, hoặc đánh bắt được con cá, con tôm thì chế biến làm thực phẩm ăn luôn. Những gia súc, gia cầm nuôi trong nhà thường được giết mổ trong các dịp có cúng bái, sau đó dùng để ăn. Thường ngày cũng có khi làm thịt gà, vịt, trong trường hợp có khách quý, thông gia đến thăm gia đình.
3.5.    Phương tiện vận chuyển
Cũng như các dân tộc khác, người Thổ sử dụng gùi như công cụ vận chuyển hàng.

3.6.    Ngôn ngữ
Tiếng nói: Tiếng nói của dân tộc Thổ thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Tiếng nói của các nhóm có sự khác nhau.Tiếng nói của nhóm cư dân Cuối được nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học gọi là tiếng nói của lớp cư dân bản địa. Tiếng của họ có nhiều yếu tố giống tiếng nói của cư dân Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng. Đây là nhóm cư dân có tiếng nói mang nhiều yếu tố cổ xưa hơn cả. Tuy nhiên, cư dân các nhóm khác nhau vẫn có thể giao tiếp với nhau được bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Môi trường xã hội của người Thổ là các dân tộc nói tiếng Thái, tiếng Kinh. Sinh sống lâu năm trong môi trường xã hội đó, hầu như tất cả người Thổ đều biết tiếng Thái và tiếng Kinh (Việt).
Chữ viết: Người Thổ chưa có chữ viết riêng của dân tộc mình. Sau này, người Thổ học tiếng Việt và sử dụng chữ Quốc Ngữ (tiếng Việt). Ngày nay tiếng Việt và chữ Quốc Ngữ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống của người Thổ.
3.7.    Tín ngưỡng tôn giáo
Người Thổ tin vào đa thần, quan niệm “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn. Quan niệm của đồng bào về cõi âm khá phức tạp, có đủ các loại ma thần khác nhau. Người Thổ cho rằng, thần ở trên trời, ma ở dưới đất, có những người lùn ở dưới mặt đất, có “tó khụ ” – con thuồng luồng ở dưới nước. Có làng thờ hàng chục vị thần (14 – 15 vị), bao gồm nhiên thần, nhân thần và những vật vô tri, vô giác. Đó là các vị thần Đông, thần Tây, thần Đức Ồng, thần Thuỷ Te… Có nơi còn thờ cả thần Cao Sơn, thần Cả – Anh Cả, thần Đẹt – Em bé. Người Thổ cho rằng, cỏ ma ở khắp nơi: ma đồng, ma bãi, ma nhà, ma cây đa đầu làng, ma trẻ em chết yểu. Đồng bào thờ những người có công khai phá đất đai, những người có công đánh giặc.
Trong phạm vi gia đình, người Thổ thờ cúng tổ tiên, bên cạnh đó thường cúng bà mụ, mỗi khi có trẻ bị ốm đau, cúng vía cho người lớn vào những dịp lễ, tết và khi đau ốm. Một nét đáng chú ý là trong nghi lễ cúng bái, các thầy mo người Thổ thường cúng ma, cúng thần linh các loại ví» cúng chữa bệnh trừ tà đuổi quỷ cho người ốm đau bằng tiếng Cuối, nhưng lại cúng tổ tiên gia đình của mình bằng tiếng phiên âm Hán – Việt.
3.8.    Lễ Hội
Lễ xuống đồng của người Thổ (Ảnh sưu tầm)
Lễ hội là một bộ phận của cuộc sống của dân tộc. Người Thổ có nhiều lễ hội liên quan đến tín ngưỡng đa thần. Tuy nhiên đồng bào coi trọng nhất là các lễ: lễ xuống đồng, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới. Lễ xuống đồng được tổ chức vào đầu mùa làm rẫy.Ở vùng Tân Kỳ, Nghìn Đàn, Quỳ Hợp, đồng bào Thổ tổ chức lễ xuống đồng rất linh đình. Lễ cơm mới được tổ chức hàng năm trong từng gia đình. Nghi lễ này được tổ chức nhằm mục đích tạ ơn tổ tiên và thần linh đã cho vụ mùa bội thu. Đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho vụ mùa năm sau cũng được thu hoạch gấp bội phần năm qua. Nghi thức vào nhà mới được đồng bào Thổ hết sức coi trọng. Khi dựng nhà mới người Thổ có tập quán giúp nhau với tinh thần tương thân tương ái. Khi vào nhà mới, niềm vui không chỉ là của chủ nhà, mà là niềm vui chung của anh em họ hàng và của dân làng. Ngày vào nhà mới, người ta chúc sức khoẻ chủ nhà, chúc làm ăn luôn gặp may mắn.
3.9.    Văn học dân gian
Phụ nữ Thổ hát múa (Ảnh sưu tầm)
Văn học dân gian của người Thổ khá phong phú và đặc sắc.vốn văn vần: ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, giải đố tồn tại từ lâu đời, được nhiều người biết và sử dụng thành thạo trong cuộc sống. Phải chăng điều này gắn với việc trước đây đồng bào Thổ chưa dùng chữ viết. Tục hát ví – hát bạn, hát “nhà tơ” – lối hát ví dặm vốn là hát của người Kinh được lưu truyền trong dân tộc Thổ. Phần lớn các bài hát kể về sự tích đều được kể bằng tiếng Cuối. Tục kể đắng – một hình thức kể chuyện sự tích, có nhân vật, có tình tiết khá hấp dẫn. Những chuyện kể về người có công lập làng, dựng bản, khai phá đất đai, tạo ra nương rẫy được các cụ già cao tuổi ưa thích và hay kể cho con cháu nghe. Các làn điệu dân ca: đu đu điềng điềng, tập tính tập tang là những làn điệu dân ca mang nét đặc sắc của dân tộc Thổ. Trong các bài hát dân ca, đâu đó còn nhiều sự pha trộn giữa tiếng Thổ với tiếng Kinh ở Nghệ An.
3.10.    Gia đình
Mỗi ngôi nhà là nơi ở của một gia đình. Gia đình người Thổ là gia đình phụ hệ nhỏ. Trong gia đình thường chỉ có hai thế hệ là bố mẹ và các con cái của họ. Một số gia đình còn có thêm ông bà, khi ông bà còn sống. Con cái sinh ra trong gia đình được tính theo dòng bố; các con trai được quyền kế thừa tài sản do cha mẹ để lại, có nghĩa vụ thờ cúng, chăm sóc mồ mả của tổ tiên. Con gái đi lấy chồng, được bố mẹ chia cho ít của hồi môn và về nhà chồng hưởng tài sản bên nhà chồng.
Gia đình người Thổ còn là gia đình phụ quyền. Trong gia đình, người chồng, người cha có quyền hành lớn giải quyết các công việc hệ trọng như: sản xuất, làm nhà, cưới xin, ma chay, quan hệ dòng tộc, ứng xử cộng đồng,… Người con trai cả cũng là người có quyền lớn hơn cả người mẹ, sau khi bố mất.
Trong gia đình người Thổ, quan hệ giữa các thành viên đều bình đẳng, cùng lao động, cùng hưởng thụ sản phẩm làm ra, không phân biệt con trai hay con gái. Tuy nhiên, với người già, trẻ em, phụ nữ chửa đẻ thường chỉ làm việc nhẹ nhàng trong gia đình.
3.11.    Tục lệ cưới xin
Người Thổ có chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc. Quan hệ hôn nhân giữa những người trong cùng huyết thống bị nghiêm cấm, coi đó là sự loạn luân không thể chấp nhận được và bị phạt rất nặng. Trước đây, người Thổ chủ yếu kết hôn giữa những người cùng dân tộc Thổ. Hiện tượng kết hôn với người dân tộc khác hầu như không có, có chăng là chỉ trường hợp lấy vợ lẽ.
Hôn nhân của người Thố cũng là hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Trong bản người Thổ không gặp những gia đình đa thê, đa phu. Chỉ có những người có chức sắc đôi khi lấy vợ lẽ, nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt và không được cộng đồng người Thổ ủng hộ. Sau hôn lễ đôi vợ chồng trẻ cư trú bên nhà chú rể.
Trước khi đi đến kết hôn, theo phong tục dân tộc, con trai, con gái người Thổ được tự do tìm hiểu người bạn đời của mình. Hình thức tìm hiểu của họ rất độc đáo. Theo phong tục này, trai, gái gặp nhau trong các dịp hội hè, lễ tết được tự do trao đổi tâm tình theo từng cặp trai gái một hay một số đôi trai gái. Cách tìm hiểu độc đáo là hiện tượng “ngủ mái”. Có thể một trai nằm trò chuyện cùng vài ba cô gái một lúc và ngược lại. Trong đêm ngủ mái, trai gái làm quen với nhau một cách lành mạnh, tôn trọng nhau, là những kỷ niệm trong sáng trong cuộc đời của con người. Tập quán dân tộc không chấp nhận ngủ mái có cử chỉ sàm sỡ. Ai vi phạm sẽ bị cộng đồng lên án, coi thường, ghẻ lạnh và sau đó khó có cơ hội “ngủ mái” khác trong tuổi trẻ của mình. Từ những đêm “ngủ mái” có nhiều đôi lứa dần dần hình thành, dẫn tới việc tiến hành những nghi thức cho một cuộc hôn nhân theo phong tục dân tộc.
Tục lệ cưới xin của dân tộc Thổ gồm lễ ăn hỏi, thăm hỏi hàng tháng, lễ cưới. Nhà trai nhờ người làm mối – ông Pin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức ăn hỏi cô gái làm con dâu gia đình nhà trai. Khi được nhà gái nhận lời, hai gia đình quan hệ thăm hỏi thường xuyên với nhau trong vài ba năm trước khi tổ chức lễ cưới. Trong thời gian ba năm quan hệ thăm hỏi này, chàng trai phải có lễ thăm nhà gái đều đặn mỗi tháng một lần. Lễ vật thăm hỏi thông thường là bốn chiếc bánh chưng, một ché rượu. Nếu chàng trai tự ý bỏ thăm hỏi một lần, coi như bỏ vợ. Ngoài lễ thăm hỏi hàng tháng, trong những dịp tết Nguyên đán, lễ mồng 5 rằm tháng Bảy, lễ cơm mới, chàng trai đều phải có lễ lớn hơn gồm một thúng xôi và nhiều rượu thịt đến thăm nhà cô gái. Cũng trong thời giann chờ cưới đó, vào những ngày mùa chàng trai luôn phải tham gia lao động nặng nhọc ở bên nhà gái. Khi tổ chức lễ cưới, mọi chi phí do nhà trai chịu. Thông thường, nhà trai phải dẫn một con trâu, 100 đồng bạc trắng, 30 vuông vải mộc trả ơn công mẹ đẻ, 6 thúng xôi, một con lợn.
3.12.    Tập quán tang ma
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, coi người khi sống không chỉ có xác, mà còn có hồn-linh hồn. Xác sẽ bị huỷ hoại, nhưng hồn còn sống mãi với thời gian. Do vậy, khi có người chết, người ta bày tỏ lòng thương nhớ đối với người chết thông qua việc làm tang ma. Người chết được gọi hồn vía về để nhập liệm, rồi làm cỗ bàn cúng tế trong nhiều ngày. Thời gian quàn linh cữu ở trong nhà, tuỳ theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Những gia đình giàu cỏ quàn trong nhà cả tuần, còn gia đình khó khăn về kinh tế chỉ quàn trong nhà vài ba ngày. Suốt trong thời gian quàn linh cữu trong nhà, người ta tổ chức ăn uống rất tốn kém, gia đình nhà giàu có, mổ vài con trâu làm tang lễ và cỗ bàn mời người đến giúp tang chủ làm tang lễ.
Sau khi mai táng, người Thổ tổ chức các lễ cúng 3 ngày, 50 ngày và 100 ngày, tương tự như tập quán người Kinh trong vùng. Người Thổ không có tục bốc mả. Hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, đồng bào tổ chức quét mả, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu gia đình. Còn vào các dịp tết Đoan ngọ (5 – 5), tết Trung nguyên (15 – 7), tết Cơm mới (10 – 10) đều được đồng bào tổ chức cúng bái chu đáo, thể hiện lòng kính trọng tổ tiên – cội nguồn sinh ra mình.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Tấm lòng của người đàn ông dân tộc Thổ với văn hóa cồng chiêng (Minh Tâm)

Ông Hoàng Văn Thái và vợ với bộ cồng chiêng.

Mang trong mình dòng máu dân tộc Thổ cùng với niềm đam mê tiếng cồng chiêng, ông Hoàng Văn Thái (xóm 7B, xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn) đã đánh thức “giấc ngủ dài” văn hóa cồng chiêng nơi đây. Ông còn dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền lửa loại hình văn hóa đặc trưng của dân tộc mình cho những thế hệ mai sau.

Nhiều năm qua, căn nhà của ông Hoàng Văn Thái trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người đam mê cồng chiêng không chỉ trong xã mà còn các xã lân cận. Cuối tuần nào bà con cũng tìm đến nhà ông Thái để hát múa và chơi cồng chiêng bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng. Sáng cuối tuần, người dân trong làng, ngoài xã kéo đến nhà ông như đi hội. Tiếng cồng chiêng trầm bổng hòa chung với tiếng kèn, tiếng trống, không khí bốc chốc rộn ràng, vui nhộn.
13 năm đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường lửa Tây Nguyên, ông Hoàng Văn Thái trở về quê hương và công tác tại UBND huyện Nghĩa Đàn. Xã Nghĩa Mai quê ông vốn là nơi sinh sống của hơn 70% đồng bào Thổ, Thái và Thanh, nhưng những nét văn hóa truyền thống đang ngày càng bị mai một. Bản thân ông là người dân tộc Thổ nên từ khi về hưu, ý thức về việc lưu giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa người Thổ luôn thôi thúc ông.
Ông kể, nhắc đến văn hóa cồng chiêng, người ta thường chỉ nhớ tới cồng chiêng Tây Nguyên mà ít người biết tại quê nhà của ông đã từng một thời rực rỡ về văn hóa cồng chiêng người Thổ. Dân tộc Thái, Thanh cũng có cồng chiêng nhưng cồng chiêng của bà con dân tộc Thổ ở Nghĩa Mai và ở các bản làng khác của huyện Nghĩa Đàn lại có bản sắc riêng biệt. Cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi…của người Thổ. Tuy nhiên, cuộc sống phát triển, nhà nhà đều bận rộn lao động, làm ăn nên cồng chiêng một thời gian dài đã rơi vào quên lãng.

Người dân trong và ngoài xã đến “điểm hẹn” nhà ông Thái để hát múa và chơi cồng chiêng 

Ông cho biết, so với cồng chiêng Tây Nguyên, cồng chiêng người Thổ khác ở số lượng mỗi bộ và khác về cách đánh. Cồng chiêng người Thổ mỗi bộ có 4 chiếc và được treo trên giá theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, nhưng để sử dụng được cần phải đi kèm, kết hợp nhuần nhuyễn với trống và kèn cùng những điệu múa phụ họa. Tuy nhiên, cồng chiêng vẫn là nhạc cụ giữ vai trò điều phối nhịp, chuyển làn điệu trong suốt quá trình biểu diễn. Nhớ lại những năm tháng hồi còn thanh niên, những đêm cồng chiêng, trai gái say sưa nhảy múa, hát hò bên chum rượu cần từ sáng đến đêm, nhiều đôi nên vợ nên chồng từ ấy. Ông cười: “Tui và vợ tui trước cũng nhờ chơi chung cồng chiêng với nhau mà quen rồi thành vợ, thành chồng”.
Ông quyết định làm sống lại văn hóa cồng chiêng cho người dân trong xã. Để có được những bộ cồng chiêng ưng ý, ông không quản ngại đi khắp các xã trong huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong… để tìm mua. Ở độ tuổi ngoài 60, ông còn sang tận Lào để tìm mua loại nhạc cụ độc đáo này.
Không chỉ vậy, ông còn đi đến gõ cửa từng nhà vận động bà con lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Không phụ tâm huyết của ông, những bản làng, xã nơi có đồng bào người Thổ sinh sống như làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, làng Lơ ở xã Nghĩa Quang, Nghĩa Yên… giờ đây ít nhất đã có riêng một bộ cồng chiêng. Dù cách nhà hơn chục cây số nhưng ông Lê Văn Đình (67 tuổi, xã Nghĩa Yên) vẫn thường xuyên lui tới nhà ông Thái để chơi cồng chiêng. Ông chia sẻ: “Chơi cồng chiêng phải có nhiều người cùng tụ họp thì mới vui, mới ý nghĩa”.
Điều mà ông Thái trăn trở nhất hiện nay là cả xã Nghĩa Mai chỉ còn hơn 10 người biết chơi cồng chiêng và phần lớn là những người từ 50 đến 65 tuổi. Ông tâm sự: “Để học được cồng chiêng không phải là quá khó, nếu thực sự chăm chỉ thì một người chỉ cần 5 -7 ngày là có thể chơi thành thục, nhưng cái khó giới trẻ chỉ lo chạy theo dòng nhạc thị trường mà không mấy mặn mà với văn hóa của dân tộc, trong đó có cồng chiêng”. Ông cũng mong các cấp chính quyền, nhất là ngành văn hóa cần có sự quan tâm đặc biệt tới cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thổ. Bởi, ông sợ, nếu chậm trễ, một ngày không xa, cồng chiêng người Thổ sẽ bị chìm vào quên lãng.

Minh Tâm (sưu tầm)

Trang phục của dân tộc Thổ muôn màu rực rỡ (Phùng Mai)

Trang phục của dân tộc Thổ  màu sắc sặc sỡ, kiểu cách đặc biệt, đến nay vẫn giữ được đặc sắc dân tộc đậm đà. Mỗi khi đón mừng ngày lễ, thanh niên nam nữ dân tộc Thổ giỏi ca múa đều mặc trang phục dân tộc diễm lệ, cảnh tượng ấy như cầu vồng bắc xuống nhà cửa thôn xóm dân tộc Thổ, bắc xuống vùng núi quê hương dân tộc Thổ.
Hình thức sinh sống đặc biệt của dân tộc thiểu số làm cho trang phục của họ chứa đựng nhiều nội hàm như lịch sử, văn hóa, xã hội, tập quán, tôn giáo.v.v...Dân tộc Thổ là một dân tộc yêu mến thiết tha cuộc sống và thiên nhiên, lộng lẫy và đoan trang là đặc trưng cơ bản nhất của trang phục truyền thống dân tộc Thổ, áo của nam nữ dân tộc Thổ đều thêu hoa cổ đứng, phụ nữ thường mặc áo thêu hoa, cổ áo hơi cao, vạt chéo, tay áo ngũ sắc đỏ, xanh, đen, vàng, trắng, màu sắc sặc sỡ, đẹp đẽ trang nhã, thường gọi là tay áo ngũ sắc hoặc thất sắc.

Theo sử sách ghi chép, phụ nữ dân tộc Thổ ngày xưa cũng tung hoành trên sa trường như nam giới, họ khoác chiến bào, đầu đội mũ sắt, dũng mãnh tiến lên. Dần dần lấy áo cánh tay thêu hoa kiểu chiến bào và kiểu mũ Niu-da-er làm trang phục, trông hết sức lộng lẫy và đẹp mắt. Sau này người dân tộc Thổ từ kinh tế du mục chuyển sang kinh tế nông nghiệp, phụ nữ rời khỏi lưng ngựa sang lao động sản xuất nông nghiệp và nội trợ gia đình là chính, lao động sản xuất nông nghiệp nặng nhọc không còn thích hợp đội "Niu-da-er", từ từ thay thế bằng các kiểu mũ mới.
Điều đáng mừng là theo đà phát triển  của ngành du lịch phong tục tập quán dân tộc Thổ , trang phục dân tộc Thổ lại được biểu hiện trên vũ đài du lịch phong tục tập quán vẻ quyến rũ mê hồn và phong thái đa sắc màu của trang phục dân tộc Thổ 

Phùng Mai (sưu tầm).

Nét đặc trưng trong đời sống của đồng bào Thổ (Phùng Mai)

Sống tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp và Tân Kỳ tỉnh Nghệ An, trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thổ mang những nét đặc trưng riêng có…

Bản làng người Thổ thường tập trung chủ yếu những nơi có mó nước, khe, suối, theo từng cụm và theo từng dòng họ, nhóm người. Ngày trước, người Thổ thường ở nhà sàn giống nhà sàn người Mường, còn ngày nay phần lớn ở nhà trệt theo kiểu miền xuôi.

Trong làng thường có miếu thờ các vị thần và thành hoàng làng. Các thầy mo có vị trí khá cao trong cộng đồng

Người Thổ coi trọng lễ xuống đồng (cầu móng) đầu năm mới, lễ cúng cơm mới, mừng nhà mới… với những nghi thức trang trọng

Ngoài chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, người Thổ rất giỏi săn bắn…

Và rất giỏi đánh bắt cá trên các ao hồ, sông suối

Bằng những dụng cụ đánh bắt đặc trưng khá đa dạng như nơm, đăng…

Dân tộc Thổ nổi tiếng với nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai như võng, lưới săn thú, lưới đánh cá… Họ đem những đồ dùng này để đổi lấy những thứ mình không làm ra được, chủ yếu là quần áo, vì người Thổ không biết dệt vải

phục của người Thổ tương đối đơn giản. Phụ nữ, váy áo cơ bản giống người Thái, tuy nhiên phụ nữ Thổ không dùng mũ, nón che mưa, nắng mà chủ yếu dùng chiếc khăn vuông khổ rộng khoảng 80 cm bằng vải phin trắng, gấp lại để đội đầu, còn trang phục đàn ông giống như người Kinh

Người Thổ vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, như: Đu đu điềng điềng, Ên ên- Ạc ạc, hát thuôm, hát ghẹo, hát cuối, hát dặm…

Cùng với những nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn, cồng…

Phùng Mai (sưu tàm)

Tục "ngủ mái" độc đáo của người Thổ ở xứ Thanh (Hoàng Bao)

Làm lễ cưới cho một đôi trai gái.

Trước hôn nhân, trai gái có thể thoải mái ngủ với nhau để chọn bạn tình trăm năm mà không bị ngăn cấm.
Đó là phong tục “ngủ mái” độc đáo của đồng bào dân tộc Thổ ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Tây Nam, huyện Như Xuân là vùng đất mà người dân tộc Thổ định cư từ hàng ngàn năm trước. Hiện dân tộc này đang còn lưu giữ nhiều nét phong tục độc đáo trong yêu đương, cưới hỏi và tục “ngủ mái” (quan hệ trước hôn nhân) là một nét văn hóa lạ của dân tộc này.
Ngược Quốc lộ 45, khi quan đỉnh dốc Trầu là chúng ta đặt chân tới xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, nơi tập trung đông người dân tộc Thổ ở huyện miền núi này. Theo truyền thống thì cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay những ngày hội hè khi hoa rừng bung nở, cỏ cây đâm chồi nảy lộc cũng là mùa trai gái các bản làng bắt đầu đi tìm bạn tình.
“Khi đến tuổi lập gia đình, con gái con trai tự do thoải mái tìm hiểu nhau. Khi đã ưng cái bụng, con gái có thể đưa con trai về nhà mình và ngủ chung với nhau. Họ có thể trò chuyện, tâm sự cả đêm nhưng bố mẹ không ngăn cấm. Điều quan trọng là hai người không có huyết thống với nhau và không được để có bầu trước khi cưới” 

Trong lễ cưới, thịt heo là món không thể thiếu.

Con gái lớn lên có thể thích hò hẹn, “ngủ mái” bao nhiêu người cũng được, nó sẽ không ảnh hưởng tới chuyện chồng con sau này của cô gái. 
“Tuy nằm chung giường, chung chiếu, chung chăn và không có ai giám sát, nhưng luật của Thổ rất nghiêm nên trai gái sẽ không dám làm những chuyện tày đình. Sau khi tìm hiểu, nếu ưng cái bụng đôi trai gái đã có ý từ trước đồng ý về sống cùng nhau, chàng trai sẽ về thông báo với gia đình để chuẩn bị sính lễ đến nhà cô gái làm đám nói. Cùng với những lễ vật đã được sắm rất chu đáo, bên nhà trai sẽ nhờ một người có uy tín trong họ hàng để làm ông mai dẫn đến nhà gái”.
Theo các cụ cao niên bản Thấng Sơn, ngoài tục “ngủ mái”, lễ cưới của người dân tộc Thổ cũng có nhiều nghi lễ độc đáo, riêng biệt. Lễ cưới của người Thổ thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, gần Tết Nguyên đán. Bởi sau khi thu hoạch thời gian rảnh rỗi, có nhiều lương thực, vật nuôi béo tốt… giúp cho việc tổ chức làm đám thêm thuận lợi đông vui.
Lễ cưới hỏi của người Thổ khá phức tạp, cầu kỳ. Đầu tiên, nhà trai phải tiến hành làm lễ dạm ngõ. Trong lễ dạm ngõ nhà trai chuẩn bị một chai rượu, sáu miếng trầu, sáu miếng cau để tới nói chuyện với nhà gái. Những người đại diện cho gia đình nhà trai tới thưa chuyện với nhà gái gồm bố đẻ, ông chú và một người có uy tín của dòng họ.
Sau 3 ngày từ hôm dạm ngõ, nếu nhà gái không mang lễ vật tới trả thì họ đã đồng ý kết mối thông gia, cho đôi trẻ đến với nhau. Nhà trai sẽ tiến hành bước tiếp theo là ăn hỏi, lễ ăn hỏi phải có rượu, trầu cau, trà, thuốc bánh kẹo, hoa quả. Sau lễ ăn hỏi là lễ thăm nhà, lễ này gồm trầu cau, rượu các loại bánh gai, bánh rán, bánh nổ, bánh thính… để tạo mối tình thông gia thêm khăng khiết.

Trang phục độc đáo của người Thổ được mặc trong lễ cưới hỏi - hội hè.

Khi đã hoàn thành các lễ trên, chàng rể tương lai phải tới nhà gái ở rể lao động định mỗi tháng một vài ngày, cho tới khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Nếu nhà trai có điều liện không muốn con ở rể có thể nộp cho nhà gái 1, 2 con trâu, bò. Trong quá trình đi ở rể, chàng trai không được ăn cùng mâm với mẹ và chị của vợ. Chàng rể phải làm việc nặng nhọc và chỉ được nuôi ăn, còn quần áo và mọi nhu cầu khác phải tự túc.
Trong ngày hôn lễ, những món cỗ cưới không thể thiếu gồm có thịt lợn, lòng lợn luộc, chả xương băm, cháo nấu bằng nước luộc thịt, xôi và bánh đa. Tất cả các món ăn được để lên một chiếc lá chuối, còn cháo cho vào bát.
Lúc đón dâu, nhà gái chăng dây bạc ngang cổng không cho vào, bắt phải trả lời được những câu hát đố của trai tài gái giỏi bên nhà gái mới được vào. Trả lời không được thì phải đặt vài ba quan tiền, nếu không sẽ bị té nước. Khi nhà trai vào cổng nhà gái mang tất cả nón mũ của nhà trai và một cơi trầu đặt trên một chiếc bàn trước cổng. Mỗi người nhà trai phải chuộc lại nón mũ bằng một số tiền nhất định và nhà gái mời lại người đó một miếng trầu.

Chiêng, trống dùng trong lễ cưới hỏi của người Thổ.

Đám cưới của người Thổ rất lạ và có lẽ chẳng có dân tộc nào có đó là lễ rước dâu diễn ra vào ban đêm, những người đi trước dùng nứa làm đuốc dẫn đường. “Theo quan niệm, đám cưới đi ban đêm để sau này cuộc sống bên nhà chồng có gì trục trặc tới mức chia tay thì “vía” của người con gái không biết lối quay về nhà bố mẹ đẻ nên đành cam chịu trọn đời sống với gia đình nhà chồng” 
Trong khi làm lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ sẽ được những bậc cao niên trong dòng họ, cha, chú trong dòng họ mừng tuổi bằng tiền, mỗi người tham gia mừng tuổi đều được cô dâu chú rể mời một chén rượu và một miếng trầu cau. Về nhà chồng, nàng dâu không được ngồi với bố mẹ và anh chồng. Nàng dâu phải đổi theo họ chồng được gọi bằng tên chồng khi chưa có con và gọi theo tên con khi đã có con.
mỗi khi tổ chức xong đám cưới gia đình, nhà trai lại mổ lợn làm cơm mời anh em bè bạn và có lời cảm ơn vì đã giúp đỡ trong ngày cưới. Sau 3 ngày kể từ ngày cưới, người Thổ xứ Thanh lại có phong tục cũng rất quan trọng đó là lễ cúng gia tiên bên nhà vợ. 
Đồ lễ được đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị 1 con gà, 1 chai rượu, 1 đĩa cơm nếp. Lễ cúng này có ý nghĩa con cháu đã về nhà chồng đủ 3 ngày, hôm nay về thăm nhà có mâm lễ báo cáo với tổ tiên xin ông bà tổ tin phù hộ cho hai cháu sống mạnh khỏe hạnh phúc, đến lúc này lễ cưới mới chính thức hoàn thành.

 Hoàng Bao (sưu tầm)

Những nét văn hoá của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An (Băng Châu)

Cũng như nhiều dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc Thổ có nhiều truyền thuyết, chuyện cổ tích mang đậm dấu ấn dân tộc mình được lưu truyền qua các thế hệ theo lối “kể đắng” (kể chuyện) như Sự tích lèn Chành Đanh, Hòn đá cục xôi, Mèo và diều…Hầu như làng nào cũng có một vài người có khả năng "kể đắng" rất diễn cảm.

Dân tộc Thổ là một trong những dân tộc sinh sống xen kẽ cùng hai dân tộc Kinh và Thái trong cộng đồng các dân tộc ở khu vực miền núi tây bắc Nghệ An, với dân số khoảng 80.000 người, sống tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và thị xã Thái Hoà, định cư từ khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. 
Người Thổ có nhiều dòng họ, trong đó họ Trương là một họ lớn chiếm số đông trong cộng đồng, tiếp đến là các họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm…

 Đời sống của đồng bào dân tộc Thổ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy, trồng lúa nước và chăn nuôi. Công cụ sản xuất điển hình là chiếc “ cày nại” (cần nọn) gần giống chiếc cày chìa vôi của dân tộc Kinh. Ngoài ra còn có chiếc gậy chọc lỗ tra hạt “cần nón”, “tắm rói”- Đây là công cụ điển hình của phương thức canh tác nương rẫy. Ngoài chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, người Thổ còn rất giỏi săn bắn và đánh bắt cá. Từ xưa họ đã săn bắt tập thể bằng các loại bẫy đơn giản như bẫy sập, thòng lọng,  lưới…có thể bắt được cả những loại thú lớn như voi, hổ , bò rừng…Kết thúc những buổi săn là việc chia thịt thú rừng săn được cho tất cả các gia đình trong làng không phân biệt giàu nghèo. Người Thổ còn rất giỏi đánh bắt cá trên các ao hồ, sông suối. Nghề đánh bắt cá bằng những dụng cụ đánh bắt đặc trưng khá đa dạng như chài lưới, đăng, xúc..được xem là nghề cổ truyền. Đặc biệt  tất cả các dụng cụ dùng trong công việc đánh bắt cá đều tự tay họ làm .

Ngày trước đồng bào Thổ ở nhà sàn và nhà đất lợp tranh như người Kinh. Nhà sàn dân tộc Thổ gần giống nhà sàn người Mường vùng Tây Bắc, Việt Bắc. Nay phần lớn đã ở nhà đất theo kiểu miền xuôi nhưng cách bố trí trong nhà vẫn theo truyền thống dân tộc mình. Đồng bào dân tộc Thổ không có tập quán trồng bông dệt vải…quần áo của họ thường mua bán trao đổi với người Thái và người Kinh, do vậy y phục dân tộc Thổ không đồng nhất, không có bản sắc riêng. Đàn ông thường mặc giống người Kinh, phụ nữ có sự khác biệt tuỳ theo từng vùng, có nơi mặc váy Thái, váy dài có có sọc viền chân váy (vùng Quỳ Hợp, Tân Kỳ và một số địa phương thuộc Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà như ở vùng làng Đóng , làng Dong..) Có nơi váy của phụ nữ như của người Kinh (vùng Lâm La - Nghĩa Đàn). Áo của phụ nữ Thổ thường là loại áo 5 thân màu nâu hoặc trắng gần giống với áo của người Kinh.

Khác với người Kinh, người Mường, hôn nhân trong cộng đồng dân tộc Thổ thường là hôn nhân nội tộc. Chế độ hôn nhân này có thể xem như là một biểu hiện cao nhất về ý thức củng cố cộng đồng trong điều kiện sống xen kẽ với các dân tộc khác. Ngày trước còn nhiều hủ tục như ở rể, cưới vợ lẽ..nay đã bãi bỏ. Hiện tại, một số nhóm họ dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ vẫn còn phong tục “ngủ mái”- Một hình thức kết bạn, đi tìm hiểu người yêu. Thường khi người con trai con gái đến tuổi cập kê, được phép của gia đình cô gái , người con trai đến “ngủ mái” tại nhà cô gái - người mình chọn để tìm hiểu. Trong đêm “ngủ mái”, trai gái có quyền tự do tâm sự với nhau một cách lành mạnh. Tục lệ lên án và có những hình phạt nặng các hành vi dung tục mờ ám trong đêm “ngủ mái”. Sau đêm “ngủ mái” nếu người con trai và người con gái đồng ý lấy nhau thì bàn các bước thực hiện những nghi thức bắt buộc như nhờ người làm mai mối (ông Pin) sau đó là những cuộc thăm hỏi thường xuyên rồi dạm hỏi và xin cưới…

Mang dấu ấn của sự cộng cư nhiều thành phần sắc tộc, người Thổ thờ thần. Hầu như trong tất cả mọi làng người Thổ đều có đền miếu thờ cúng quanh năm các vị thần  và thành hoàng làng. Có làng thờ tới 15 vị thần. Mỗi nghề lại thờ một vị thần với những hình thức nghi lễ riêng. Những người làm nghề tôn giáo - các bậc sư sãi - có vị vị trí khá cao trong cộng đồng. Quan niệm của đồng bào cho rằng vạn vật đều có linh hồn. Khi có người ốm, người ta cúng “ vía mụ bà” và buộc “ vòng vía” cho bệnh nhân. Thường trong các buổi cúng, thầy cúng dùng tiếng Cuối để khấn. Người Thổ rất coi trọng lễ xuống đồng ( cầu móng)  đầu năm mới, lễ cúng cơm mới, lễ mừng nhà mới…với những nghi thức trang trọng. Hàng năm vào dịp lễ xuống đồng, làng chọn một người đàn ông khoẻ mạnh làm ăn khấm khá, nhẹ vía để làm người phát nhát dao đầu tiên và cũng là người chọc lỗ tra hạt giống đầu tiên (gọi là chủ giống).

Cũng như nhiều dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc Thổ có nhiều truyền thuyết, chuyện cổ tích mang đậm dấu ấn dân tộc mình được lưu truyền qua các thế hệ theo lối “kể đắng” (kể chuyện) như Sự tích lèn Chành Đanh, Hòn đá cục xôi, Mèo và diều…Hầu như làng nào cũng có một vài người có khả năng “ kể đắng” rất diễn cảm. Trong nền văn hoá của mình, người Thổ đến nay vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo mang đậm dấu ấn đặc trưng như Đu đu điềng điềng, Ên ên- Ạc ạc, hát Thuôm, hát ghẹo, hát cuối, hát dặm..múa sạp, múa nón… 
Cùng với những nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn, người Thổ còn có những nhạc cụ của dân tộc mình như cây đàn Thổ (gần giống cây đàn đáy của người Kinh). Đặc biệt phải kể đến cây đàn Tính tang - loại đàn được làm từ một ống tre có hai dây bằng chính thanh cật tre tước ra và căng ngay trên phần mặt có cữ tăng giảm âm vực, sử dụng bằng cách dùng một thanh tre nhỏ có bọc vải một đầu gõ lên, cho âm thanh rất hay. Từ nhạc cụ đơn giản này, hiện tại một số nghệ nhân dân tộc Thổ tại Quỳ Hợp đã cải tiến thành một giàn đàn gồm 8 ống dài ngắn theo cung bậc với cách sử dụng như với loại đàn Tam thập lục …hầu như trong mọi gia đình, dòng họ của đồng bào Thổ ở Nghệ An đều có những dàn cồng chiêng được các thế hệ lưu giữ với cách sử dụng của các nghệ nhân rất độc đáo, thể hiện qua những âm hưởng tiết tấu và những vũ điệu sinh động diễn tả những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.

Băng Châu (ưu tầm)