Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Những chợ phiên Tây-Đông Bắc
Showing posts with label ₪ Những chợ phiên Tây-Đông Bắc. Show all posts
Showing posts with label ₪ Những chợ phiên Tây-Đông Bắc. Show all posts

Saturday, April 8, 2017

Chợ hợ phiên Dào San (Phương Liên)

Chợ phiên Dào San họp vào các ngày thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần ở trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ. Đây là chợ vùng cao đặc trưng, điển hình  của  Lai Châu và cả vùng Tây Bắc.
Từ tờ mờ sáng, trên các nẻo đường ẩn hiện trong sương mây của 8 xã vùng cao, biên giới huyện Phong Thổ đã rậm rịch bước chân người, ngựa, tiếng xe máy. Núi rừng bừng thức dậy, bừng sáng, náo nức, nhộn nhịp.
Từng tốp, từng đoàn trai gái Mông, Hà Nhì, Dao, Thái…váy áo xênh xang, hoa văn đủ sắc màu, cả trầm lắng, cả sặc sỡ đổ về chợ, nổi bật trên nền núi biếc, rừng xanh. Chợ Dào San không đơn thuần là chợ đầu mối trao đổi, mua bán hàng hoá như thảo quả là lâm sản có giá trị kinh tế cao, các mặt hàng lâm thổ sản, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống…Cái đặc trưng, độc đáo, điển hình ở phiên chợ này là “văn hoá chợ’, nơi phát lộ và giao lưu bản sắc văn hoá của nhiều dân tộc. Đồng bào đi chơi chợ như trẩy hội, như đi chơi tết. Ta có thể bắt gặp những chàng trai Mông tay ôm khèn, tay dắt ngựa, vai đeo đài quay băng (radio cassette), “khoe” những bài dân ca Mông, rồi dừng chân độc diễn, thi diễn một điệu múa  khèn. Ta có thể chứng kiến các tốp trai gái Thái, Hà Nhì hát đối đáp, trao duyên. Phụ nữ Mông địu con đi chơi chợ, vừa đi vừa xe lanh, dừng chân ngồi trên đá thêu hoa, hay ngồi che ô cho chồng ngủ. Hoặc túm tụm, xúm xít từng tốp con gái Mông ríu rít nói cười, xem con trai Mông chơi cù, múa khèn, xem trai gái Thái chơi “tó mắc lẹ”…

Chợ phiên Dào San đông đúc bà con dân tộc

Đi chợ phiên Dào San, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi trập trùng, những thác nước lấp lánh, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối, cầu treo, bản làng thấp thoáng, ẩn hiện trong sương mây trên dọc đoạn đường núi quanh co gần 40 km từ trung tâm huyện lỵ…
Phương Liên

Tam Đường Đất – Phiên chợ vùng cao giữa lòng phố thị (Hoàng Hải)


Tam Đường Đất là một trong những chợ thu hút đông đảo đồng bào dân tộc ở các bản xa của tỉnh Lai Châu về tụ họp. Chợ như một “bức tranh” vẽ những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao Tây Bắc. Tam Đường Đất họp từ tờ mờ sáng chủ nhật hàng tuần. Bà con đem đến đây đủ các loại hàng hoá của các bản làng với gạo, ngô, gà, lợn, mật ong, mía, mận, đào..., khiến phiên chợ nào cũng nhộn nhịp, đông vui.

Trước khi tách tỉnh Lai Châu mới và tỉnh Điện Biên như hiện nay, chợ Tam Đường Đất thuộc thị trấn Tam Đường của thị xã Lai Châu. Sau khi chia tách tỉnh, thị trấn Tam Đường nhường chỗ cho TP Lai Châu. Tuy nhiên, chợ Tam Đường Đất vẫn được giữ lại.



Tên gọi Tam Đường Đất xuất phát từ việc chợ họp tại một bãi đất của thị trấn Tam Đường. Hiện nay, nền chợ đã được đổ bê tông, nhưng người dân vẫn gọi là chợ Tam Đường Đất.


Chợ là nơi bà con đem đến hàng hoá của các bản làng với gạo, ngô, gà, lợn, mật ong, mía, mận, đào..






Không chỉ vậy, chợ còn là nơi hội tụ những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao Tây Bắc.

Bà con dân tộc tỉnh Lai Châu váy áo sặc sỡ đi chợ Tam Đường Đất.

Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ từ rất sớm.

Được mẹ cho ăn những đồ ăn chỉ có xuống chợ mới đưc thưởng thức


Tan phiên chợ bà con ai cũng vui.

Bé giúp mẹ đi chợ.
Đến Tam Đường Đất, du khách đưc thưởng thức những món ăn của bà con dân bản mang đến chợ.
Hoàng Hả

SẮC MÀU CHỢ PHIÊN VÙNG CAO LAI CHÂU (Bùi Trang)

Vùng cao Lai Châu nói chung ít có chợ. Những chợ còn giữ được nét văn hóa chợ vùng cao đáng kể như chợ Dào San ở xã Dào San, huyện phong Thổ và chợ Sìn Hồ ở thị trấn huyện lỵ Sìn Hồ. Tuy đã được cải tạo, nâng cấp và các hoạt động mua bán diễn ra hàng ngày, nhưng chợ họp đông nhất vẫn vào các ngày phiên (chủ nhật hàng tuần). Bên cạnh những ky ốt, những sạp hàng mang dáng dấp hiện đại của các tiểu thương vẫn là những đặc trưng của văn hóa chợ vùng cao truyền thống. Chợ họp rất muộn, thường phải 9 giờ sáng chợ mới đông.

Chợ vùng cao Lai Châu là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa
Vùng cao Phong Thổ, Sìn Hồ là nơi cư trú của nhiều tộc người, nhưng chủ yếu vẫn là các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… Văn hóa của họ làm nên nét văn hóa đặc trưng tại các phiên chợ vùng cao. Ngoài ra còn phải kể đến một số lượng đáng kể người Kinh, người Thái, người Giáy… cũng mang hàng hóa về làm phong phú thêm cho các phiên chợ này. Thường thì nhìn vào trang phục là biết ai thuộc tộc người nào. Nhưng khi đã ở phiên chợ thì còn có thể nhìn vào hàng hóa của những người bán hàng để biết thành phần tộc người của người đó: Người Kinh bán những mặt hàng công nghiệp mang từ Trung Quốc sang hoặc từ miền xuôi lên; người Mông hay bán các loại gừng, rau cải, bí ngô; người Hà Nhì bán măng, nấm, ớt; người Dao bán dâu da, dưa nương, các loại phong lan; người Thái bán bông, vải; người Giáy bán hương, bánh… Đành rằng cách phân biệt này không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp nhưng đúng với đa số.


Chợ vùng cao Lai Châu là nơi trao đổi hàng hóa “kiểu vùng cao”
Cũng như các chợ ở miền xuôi, chợ vùng cao là nơi trao đổi hàng hóa. Các mặt hàng phổ biến nhất ở các phiên chợ vùng cao là rượu, rau (gồm cả một số loại quả, măng, nấm, củ…), thuốc nam và các mặt hàng thủ công. Các loại rau, ớt được rải bán trên lá, các tấm li nông, lá chuối trải trên mặt đất hoặc đựng trong những chiếc gùi truyền thống. Các loại củ đáng kể có khoai lang và sắn. Khoai lang luộc được để 3 – 4 củ thành một nhóm, bày bán từng nhóm trên một tấm ly lông. Sắn luộc cả vỏ, cắt thành khóm bày bán từng khóm như khoai lang. Các mặt hàng thủ công chủ yếu do các nghệ nhân người địa phương chế tác rồi mang ra chợ bán như lưỡi cày, thùng gỗ, ghế mây, rượu…
Chợ vùng cao Lai Châu phản ánh sinh hoạt kinh tế tự cấp tự túc


Chợ vùng cao còn là nơi phản ánh nền kinh tế tự cung tự cấp rất rõ ràng của người dân vùng cao. Các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… khai thác rất nhiều loại củ rừng nhưng ít khi mang ra chợ bán, cũng như các loại quả cây trong vườn nhà của họ có rất nhiều như mận, lê, táo, chuối… Sự phân biệt rạch ròi những sản phẩm thu hái để phụ vụ nhu cầu của chính mình và của gia đình mình, với những sản phẩm thu hái để làm hàng hóa với họ rất rõ ràng.
Chợ phiên vùng cao Lai Châu là nơi giao thương biên mậu Việt – Trung
Ngày nay, bên cạnh các mặt hàng truyền thống còn xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng công nghiệp được mang từ miền xuôi lên hoặc từ Trung Quốc sang. sự xuất hiện của những mặt hàng “Made in China” giúp cơ cấu hàng hóa trở nên phong phú và đa dạng hơn, từ những đồ nhỏ nhặt, giá trị thấp như cái kim, sợi chỉ cho đến các mặt hàng giá trị lớn hơn là máy móc, đồ điện tử. Đó không chỉ là hàng hóa mà còn chứa đựng các yếu tố văn hóa vật chất, tinh thần của người dân Trung Quốc, góp phần quan trọng trong việc làm đa dạng hóa đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao.


Chợ vùng cao là điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa
Khác với chợ ở miền xuôi, người dân vùng cao đi chợ không đặt nặng vấn đề mua bán, mà chủ yếu là đi chơi. Hầu như ai đi chợ cũng mang theo một ít hàng, tuy nói là để bán nhưng rất lèo tèo, nếu bán được thì lấy tiền đó làm tiền quà, nếu không bán được thì đem đổi lấy vài que kem, hoặc đổi lẫn cho nhau, hoặc gom lại đổi mấy bát thắng cố, bát đậu canh…
Đến với các phiên chợ vùng cao, du khách không chỉ được thưởng thức các sản vật độc đáo của địa phương mà còn được đắm mình trong sắc màu văn hóa của các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… lẫn trong làn sương lạnh vùng cao và khung cảnh thiên nhiên tráng lệ của núi rừng trùng điệp…
 Bùi Trang

Đặc sắc phiên chợ vùng cao Sin Suối Hồ, Lai Châu (Nông Thanh Vững)

Thịt lợn "đen" là sản vật không thể thiếu trong phiên chợ Sin Suối Hồ

Chợ vùng cao bản Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện biên giới Phong Thổ, nằm cách thành phố Lai Châu chừng 30 km.
Hình thành từ khi bản Sin Suối Hồ là bản du lịch năm 2014, chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã.

Theo những người cao niên trong bản Sin Suối Hồ, trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ phiên, bà con phải ngược về chợ trung tâm xã Mường So (huyện Phong Thổ) hoặc chợ San Thàng (thành phố Lai Châu) cách khoảng 20 – 30km.

Đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu, mua sắm thiết bị di động tại phiên chợ

Chợ Sin Suối Hồ luôn thu hút người dân bản xứ tới mua, bán

Khi bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tự họp với nhau, bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương.

Góc chợ phiên vùng cao Sin Suối Hồ

Nông sản sạch được bán tại chợ Ả

Ngoài ra, trong chợ còn bày bán đồ gia dụng, đồ dùng sinh hoạt thường ngày để phục vụ nhu cầu của người dân

Đồng bào dân tộc Mông lựa chọn những mặt hàng truyền thống

Chợ phiên hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Đặc biệt, những gian hàng váy áo của đồng bào Mông luôn cuốn hút du khách.

Đồng bào dân tộc Mông lựa chọn những mặt hàng truyền thống

Ướm những bộ quần mới

“Chợ cũng có đội ngũ dọn dẹp vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch cộng đồng. Chợ Sin Suối Hồ hoạt động không phục vụ lợi ích cá nhân mà phục vụ cộng đồng. Qua đây vừa góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số; vừa thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương", Trưởng bản Chỉnh chia sẻ thêm.
Ngoài những sản vật địa phương, đến chợ phiên Sin Suối Hồ ta dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ xúng xính váy Mông; những đứa trẻ địu em trên lưng và chia nhau từng chiếc kẹo... Những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao trên đã tạo nên nét riêng của phiên chợ vùng cao Tây Bắc.
Nông Thanh Vững

Đặc sắc chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng (Huy Long)

Chợ phiên Tả Sìn Thàng được tổ chức 6 ngày một lần

Điện Biên TV - Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nét văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao Tủa Chùa. Tại đây, cảnh vật, con người hòa quyện vào nhau như để vẽ nên một bức tranh đa sắc màu, phản ánh chân thực cuộc sống của những con người vốn cần cù, chịu khó quanh năm lam lũ. Chợ phiên Tả Sìn Thàng xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cũng lưu giữ những đặc trưng riêng. Không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hóa của các dân tộc trong vùng, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là điểm hẹn lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc giao duyên.

Đã thành thông lệ, cứ 6 ngày một lần, đến ngày chợ họp thì không kể là ai, không kể là kẻ giàu sang hay người nghèo khó, ai nấy đều cố gắng có mặt như một lời hẹn ước. Từ khi trời còn tang tảng sáng, từ khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chân ngựa, tiếng đàn môi, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Nhà nào có điều kiện thì đi xe máy, còn nhà không có điều kiện thì đi bộ đến chợ, bất kể xa hay gần. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo sắc sỡ bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hóa đa dạng và phong phú. Tất cả đều đổ dồn về chợ phiên như một điểm hẹn.
Nằm ngay thung lũng trung tâm của 5 xã gồm: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sả Phình, Trung Thu, Sính Phình, chợ phiên Tả Sìn Thàng là hình ảnh sống động náo nhiệt của núi rừng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao ở Tủa Chùa. Ông Nguyễn Hữu Điển, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn đang được lưu truyền, lưu giữ cơ bản được nét chính của 2 chợ phiên Tả Sìn Thàng và chợ phiên xã Xá Nhè. Đây là một trong những nét văn hóa rất độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao, đặc biệt đó là người Mông ở trên Tủa Chùa. Tủa Chùa gồm 4 ngành Mông chính (Mông Đu, Mông Đơ, Mông Lềnh và Mông Sua) nhưng khi về đến chợ thì các nét văn hóa được diễn ra ngoài mục tiêu mua bán còn là hoạt động về văn hóa." 
Rất dễ để có thể nhận ra, ở chợ phiên Tả Sìn Thàng, người bán người mua tấp nập, nhưng vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như hoạt động ở các chợ khác. Tại các phiên chợ luôn hiện lên sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khóe toan tính trong thói quen mua bán của những cư dân vùng cao này. Họ mua hàng thường quan tâm tới chất lượng, hoặc sở thích. Nếu ưng một món đồ nào đó, thường họ xem rất kỹ sau đó mới hỏi giá, nếu giá hơi cao so với túi tiền, họ có thể trả thấp hơn một chút, nhưng nếu chất lượng món đồ làm vừa lòng họ, họ cũng không hề mặc cả. Điều đó có thể coi như là một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có.

Chợ được nằm ngay thung lũng trung tâm của 5 xã phía bắc huyện Tủa Chùa

Từ câu chuyện bán công cụ lao động tại mỗi phiên chợ của ông Mùa A Chư và anh Sùng A Vảng - người dân xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa có thể cho thấy, người ta đến chợ phiên không đề cao tính thương mại. Khi được hỏi về lợi nhuận sau khi xuất bán mỗi vật dụng, những người này không ngần ngại cho hay.
Do nguyên liệu làm dao, liềm, cuốc... ở địa phương không có nên họ thường phải đi mua lại từ các gia đình thu gom phế liệu ngoài thị trấn về để tái chế tạo. Mặc dù không hề niêm yết về giá đối với mỗi sản phẩm cùng chủng loại nhưng hầu như đã có sự thống nhất. Không có giá bán thứ 2. Thế nên ở đây người ta chỉ cạnh tranh nhau về chất lượng, về mẫu mã sản phẩm chứ không lo phải cạnh tranh về giá cả, vì đã có sự thống nhất.
Trên thực tế, hàng hóa mang đến trao đổi ở chợ phiên Tả Sìn Thàng đôi khi cũng chỉ là một vài mớ rau, một ít mận, mấy bắp hoa chuối rừng, vài lít rượu hoặc một vài chai mật ong... Có khi cũng có người mang đến một con bò, con ngựa, một đôi lợn, con gà… Bán được hay không gần như không mấy quan trọng. Có người đi cả ngày đường đến chợ chỉ để mua một đôi dép, cân muối hoặc một vài nhu yếu phẩm cần thiết khác. Cũng có người chỉ đi bán một con gà, hoặc đơn giản chỉ ăn một bát phở. Tất nhiên cũng không hiếm những người chỉ đến vì mục đích đi chơi hay gặp lại bạn bè, người thân như để gặp gỡ và trao đổi thông tin.
Thường thì chợ phiên Tả Sìn Thàng nhộn nhịp nhất vào khoảng 12  giờ trưa. Chỗ này người Kinh mua các sản vật địa phương, chỗ kia người Dao, người Mông túm tụm bên chai, lọ, kim, chỉ, quạt điện, đồ trang điểm, làm đẹp... Nhắc đến chợ phiên Tả Sìn Thàng, không mấy ai lại không nhớ đến rượu Mông Pê. Đây được xem như đặc sản của đồng bào dân tộc Mông. Rượu Mông Pê được ủ từ mầm ngô, những cây ngô trồng rải rác trên các triền đá tai mèo nên nồng mà dịu, mạnh mà không choáng khiến người uống lúc nào cũng lâng lâng, say mà vẫn tỉnh, tỉnh mà vẫn say.

Chợ phiên Tả Sìn Thàng nhộn nhịp nhất vào khoảng 12  giờ trưa

Ông Hạng A Láng, Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cho biết: "Chợ Tả Sìn Thàng có từ thời Pháp cho đến bây giờ, trước thì ở tận trong bản xa nhưng mấy năm vừa rồi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư chuyển chợ vào gần trụ sở xã. Chợ Tả Sìn Thàng không chỉ riêng người dân xã Tả Sìn Thàng mà toàn bộ các xã phía bắc huyện Tủa Chùa tham gia họp chợ. Có chợ rất thuận tiện cho bà con giao thương hàng hóa không chỉ riêng các xã trên địa bàn huyện mà có cả các xã thuộc huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) trao đổi hàng hóa nữa."   
Bên cạnh việc thông thương hàng hóa, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Mỗi phiên chợ không chỉ đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hóa mà điểm đặc biệt nhất, độc đáo của chợ phiên Tả Sìn Thàng so với nhiều phiên chợ vùng cao ở Tây Bắc là họp lùi ngày. Ví như tuần này chợ họp ngày thứ 6 thì tuần sau chợ sẽ chuyển sang họp ngày thứ 5 và cứ thế tuần tự. Mỗi phiên chợ đều được bà con các dân tộc xem như ngày hội. Ngoài mục đích xuống chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, thì đây cũng là dịp để nghỉ ngơi, giao lưu, gặp gỡ và còn là nơi để các chàng trai, cô gái tìm hiểu giao duyên. Những người đã có gia đình, hay các cụ già thì gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, cũng như trong cuộc sống, mua sắm những vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời, do đó không ai tất bật, vội vã. Mỗi người đều chọn cho mình những trang phục đẹp nhất, mới nhất. Đến chợ, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ qua các trang phục đặc trưng riêng của từng dân tộc. Nơi đây được xem như bức tranh sống động nhất về trang phục đặc sắc của các dân tộc, bởi sự đa sắc của những chiếc váy xòe người Mông, bởi màu đỏ của dân tộc Mông đỏ, màu trắng của dân tộc Mông trắng, khăn áo ngũ sắc truyền thống của người Dao, cùng với những chiếc thắt lưng điệu đà, áo màu xanh lá cây, giày khâu màu đỏ của người Xạ Phang,... Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc vô cùng đẹp mắt. Không chỉ vậy, từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục của đồng bào dân tộc ở đây vô cùng tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng cho mỗi dân tộc, có dân tộc thì dùng họa tiết hình gấu, hình chó, có dân tộc dùng hoa văn hình con thoi, hình hoa thị, nào thì hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ T,...
Bên cạnh đó, chợ Tả Sìn Thàng còn là nơi hẹn hò gặp gỡ của biết bao chàng trai cô gái người dân tộc. Qua tiếng khèn, tiếng tiêu, kèn môi, kèn lá, qua những bát rượu Mông Pê ướp men lá rừng, qua chén trà Shan Tuyết hương thơm ngào ngạt… rất nhiều người trong số họ đã nên vợ  thành chồng.
Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp của đồng bào vùng cao cho đến tận ngày nay. Ngoài ý nghĩa thương mại, chợ phiên còn là nơi thể hiện rõ nét những bản sắc văn hóa, những đặc trưng truyền thống, những phong tục tập quán của từng dân tộc vùng núi cao Tây Bắc. Những nét đẹp truyền thống cùng với những giá trị về tinh thần đó đã và đang được địa phương chọn lọc, duy trì và phát triển. Nơi đây thực sự là một điểm hẹn văn hóa trong tiềm thức của mỗi người khi đến thăm mảnh đất vùng cao Tây Bắc này./.
Huy Long

Chợ Sừng trên 12 tầng dốc (Hồng Lê)


Đến được chợ phiên của huyện Phong Thổ, Lai Châu, du khách phải ngửa mặt vượt qua 12 tầng dốc đứng. Thế nên chợ được gọi là Sì Lờ Lầu theo tiếng người dân bản địa có nghĩa là 12 tầng dốc.
Chợ nằm ở xã chót cùng trong vòng cung 8 xã biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu) chỉ cách biên giới một km. Gọi là chợ Sừng bởi chợ họp vào ngày hai con vật có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu).
Vậy là cứ sáu ngày chợ họp một lần. Nếu tính theo tuần, thì chợ họp lùi ngày, thí dụ tuần trước họp chủ nhật, thì tuần sau họp vào thứ bảy, rồi lại thứ sáu tuần sau nữa cứ lùi vòng quanh như thế.  


Chợ ở nơi xa xôi nên còn giữ được nét nguyên sơ. Ở đây chủ yếu là người Hà Nhì, Dao Đỏ, Mông đến mua, bán, trao đổi hàng hoá và giao lưu.


Mỗi người đều mang đến chợ màu sắc riêng của dân tộc mình với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu.


Hàng hóa được bày bán ở phiên chợ chủ yếu là các sản vật đơn sơ của địa phương như củ khoai, nải chuối... 


Một góc bán hàng chỉ thêu và thổ cẩm thu hút sự chú ý của các chị em vùng cao.


Đến chợ, người dân nơi đây không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn gặp gỡ, chuyện trò. 


Cũng như bao chợ phiên khác, đây là dịp cánh đàn ông tụ tập, hàn huyên ở quán nhậu trong góc chợ.


Chợ phiên cũng là ngày của các bé khi được mẹ đưa đi và mua quà bánh.


Món khoái khẩu của cả hai mẹ con.


Đồng bào nơi đây rất chuộng đồ ăn nướng. Đây là món đậu phụ cay nướng.


Một đám kéo vợ của người Dao đỏ.Chàng trai, cô gái người Dao đỏ dường như đã hẹn từ trước, họ ngồi bên nhau,trao nhau những lời nói yêu thương. Thế rồi, chàng trai cùng với bè bạn của mình bắt đầu “kéo” người mình yêu về làm vợ.
Theo cái lý của người Dao, không phải kéo vợ là cứ thấy cô nào xinh xắn, giỏi giang, muốn lấy làm vợ thì kéo về nhà mình. Trước khi diễn ra lễ kéo vợ, đôi nam nữ đã có thời gian tìm hiểu nhau rất cặn kẽ, rồi ưng nhau. Kéo vợ chỉ là cái tục “buộc phải có” để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng. Sau khi bị “kéo” về nhà chàng trai, cô gái được giữ ở lại trong nhà 3 ngày và vẫn sinh hoạt bình thường, được cha mẹ chàng trai xem như con cái trong nhà.
Hết thời hạn 3 ngày, nếu cô đồng ý thì thông báo cho bố mẹ đến làm thủ tục cưới, còn nếu không ưng thì lại trở về nhà.


Con đường dẫn đến chợ phải qua 12 con dốc. Thỉnh thoảng những đám mây trắng ùa qua tạo nên bức tranh tương phản màu sắc. Hướng dẫn đường lên chợ: Từ Hà Nội lên Lai Châu 460 km (đi bằng xe khách hoặc ôtô riêng đều được), từ Lai Châu đi Phong Thổ (36 km), từ ngã 3 Phong Thổ rẽ phải đi Mường So từ Mường So lên Dào San lên Sì Lờ Lầu (tại đây liên hê đồn biên phòng Sì Lờ Lầu để ăn nghỉ vì không có chỗ nào khác). Đường mùa mua khô xe 16 chỗ đi đươc, mùa mưa thì phải đi xe 7 chỗ 2 cầu .
 Hồng Lê

Chợ phiên Dào San ngày giáp Tết (Kim Anh)

Phụ nữ Dao đỏ mua chỉ về may trang phục. Nguồn internet.

Tết đang đến, chợ phiên Dào San vào gần cuối năm nhộn nhịp và rộn ràng hơn nhiều so với những phiên chợ trước đó. Nằm ở độ cao trên 1.600 mét so với mặt nước biển nên chợ Dào San mang nét đặc trưng của vùng cao, chợ họp trong sương mù, hôm nay trời lại có mưa nhỏ nhưng ngay từ sáng sớm người dân ở các bản của các xã biên giới đã tụ họp về đây để trao đổi mua bán và trò chuyện, tâm tình cùng nhau. 

Nếu chợ phiên San Thàng được họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần thì chợ Dào San chỉ họp vào chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên San Thàng chỉ họp đến trưa thì chợ Dào San kéo dài đến tận chiều. Chợ Dào San là chợ phiên của các xã biên giới huyện Phong Thổ. Vào những ngày giáp Tết này chợ tấp nập người mua, bán. Hầu như mỗi người đến chợ đều mang theo một thứ gì đó bán rồi lại mua về những thứ mình cần.
Chợ phiên ngày giáp Tết hàng hóa phong phú và đa dạng với đủ các loại mặt hàng cho người mua thỏa sức lựa chọn. Từng đoàn người nối đuôi nhau đến chợ, ai cũng nhanh chóng chọn cho mình địa điểm đẹp để bán hết nhanh nhất. Tết đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung và các tình Tây Bắc nói riêng không thể thiếu món thịt sấy và xúc xích làm theo phương thức truyền thống. Đến khu bán thịt, rất nhiều người bán thịt trâu, thịt ngựa, thịt lợn đen và thịt bò. Gia súc ở khu vực này được người dân nuôi theo phương pháp truyền thống không cho ăn thức ăn công nghiệp, thịt rất thơm và ngon nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đi vòng quanh khu bán thịt để chọn cho gia đình những miếng thịt về sấy ưng ý nhất, chị Nông Thị Thanh, xã Huổi Luông chia sẻ: “Muốn có những miếng thịt sấy thớ dầy, thơm ngon và không bị nhiều gân, mình phải chọn được miếng thịt ngon. Năm nay, mình sẽ làm thịt trâu sấy". Chị Thanh còn chia sẻ thêm với chúng tôi: "Một gia vị không thể thiếu được với món thịt sấy đó là mắc khén. Cho mắc khén vào thịt sấy nói chung và các món ăn miền Tây Bắc nói riêng sẽ làm “dậy mùi” món ăn. Nếu sấy hay nướng thịt mà thiếu mắc khén thì món ăn sẽ kém ngon".
Hàng nông sản được người dân bày bán rất nhiều với đủ các loại như lúa, gạo, ngô và thảo quả… Gần Tết ai cũng muốn có tiền tiêu nên người dân đã mang những sản vật để dành ra bán lấy tiền mua các vật dụng cần thiết. Chị Lò Thị Hoa, xã Dào San cho biết: “Nhà trồng được nhiều ngô, để dành được mấy bao, hôm nay, mình bán ít ngô này lấy tiền để mua thịt về sấy cho các con ăn và một ít đồ gia vị để nấu ăn. Nếu còn tiền mình sẽ mua mấy cái ghế mây”. Nhưng chị lại cười và nói: “Khách toàn mua thịt, mua rau thôi chưa ai mua ngô cho mình cả, chưa biết có bán được không đây”.
Đến chợ phiên Dào San ngày giáp Tết, nhìn từ xa hàng vải và quần áo đủ màu sắc nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Các chị em đến chợ phiên những ngày này, không thể bỏ qua hàng vải. Người mua vải về may, người mua phụ kiện, người mua chỉ… Đắt hàng nhất vẫn là các phụ kiện để may quần áo. Để có một bộ váy đẹp, hấp dẫn, phụ nữ dân tộc Mông chọn mua các hạt vòng và những hạt nhấp nhánh về đính vào trang phục. Khi đi những đồ trang trí đó sẽ lắc đều theo nhịp chân rất uyển chuyển và duyên dáng. Em Sùng Thị Thảo cho biết: "Em đang làm một chiếc mũ. Em muốn đính  hạt vòng buông dài chừng 5-7cm xung quanh mũ và đính hoa màu đỏ ở phía trên nhưng bây giờ em còn thiếu hạt vòng. Để chiếc mũ được như ý muốn, em phải chọn được những hạt vòng cùng chủng loại và kích cỡ. Em sẽ cố làm xong trước Tết để kịp có mũ mới đi chơi xuân cùng các bạn". Không chỉ mua đồ cho mình, các chị em còn mua quần áo đẹp cho trẻ em và người những người thân trong gia đình. 
Khu bán đồ ăn chín cũng rất nhộn nhịp và đông vui. Đã xuống chợ, ai cũng muốn ăn một món quà gì đó. Hàng bánh rán có vài người ngồi ăn ngay, còn đa phần là người mua bỏ túi mang về. Hàng phở thì được đông đảo các bà, các chị em lựa chọn vì chỉ đến ngày chợ phiên mới được “thưởng thức” món ngon này. Đến chợ phiên vùng cao thì không thể thiếu món thắng cố. Đàn ông đã đến chợ để ăn món này, uống rượu và trò chuyện. Trong cái lạnh buốt của mùa đông nồi thắng cố bốc khói nghi ngút, mùi thơm tỏa ra làm khách đến chợ đều muốn dừng bước để vào quán. 
Chợ phiên còn là nơi tâm tình trò chuyện của người dân. Đến chợ là một niềm vui, mua được món đồ mình cần là một niềm hạnh phúc, gặp được người quen hỏi thăm sức khỏe, bàn luận về chuyện làng bản, món đồ mình vừa mua và mời nhau bát phở, cái bánh hay chén rượu thì niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân lên gấp bội. Những cô gái bản xúng xính trong bộ váy rực rỡ sắc màu, gặp các chàng trai vai đèo khèn, tay dắt ngựa xuống chợ, mọi người vừa đi vừa nói cười vui như đi trẩy hội. Sau phiên chợ nhiều chàng trai cô gái cũng bén duyên nhau từ đây. Và đó cũng chính là nét độc đáo riêng của chợ phiên. Xuân đang đến gần, mọi người đi chợ phiên Dào San vào những ngày cuối năm như đưa xuân về gần hơn.

Kim Anh

Đặc sắc chợ phiên Dào San, Lai Châu (Hoàng Minh Thắng


Chợ Dào San tuần họp một phiên vào chủ nhật. Chợ nằm đúng tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ (Lai Châu), có độ cao trên 1600m so với mặt nước biển. Chợ có tự bao giờ khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người Mông, Dao, Hà Nhì ở vùng này phiên chợ Dào San quan trọng lắm.


Chọn áo chon con

Chợ Dào San là nơi có thể bán được những thứ họ có, từ mớ măng, gùi su su, con gà…, rồi mua dầu, mua muối, mua vải… .

Một góc chợ Dào Sàn

Ngày xưa, khi chưa có đài, vô tuyến, phiên chợ này cũng là điểm quan trọng nhất để trao đổi thông tin về họ hàng người thân ở khác xã, khác bản.


Là nơi hẹn hò, gặp gỡ, trao đổi nông sản hàng hóa

Người ta đến chợ để tìm bạn, kết bạn, trai gái nơi này tìm bạn tình chủ yếu qua chợ phiên. Người ta đến chợ phiên còn để tìm bạn cũ, cũng là nơi gần như duy nhất, có thể hi vọng, tìm lại một nửa, ngày xưa nhỡ lỗi hẹn.

Đối với người vùng cao Dào San xuống chợ không chỉ mua bán mà còn chơi chợ và  làm duyên

Ở Dào San đến bây giờ, vẫn còn có những người già đến chợ, không mua bán gì, lặng lẽ đi khắp chợ, gặp ai cũng nhìn, như tìm ai đó, rồi lại lặng lẽ về lúc xế chiều chợ tan.



Sản vật của núi rừng Tây Bắc

Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với những người dân 8 xã vùng biên cực Bắc của huyện Phong Thổ phiên chợ Dào San vẫn mãi là ngày hội, tuần có một lần.

Cuộc sống vùng cao còn nghèo khó nhưng thuần phác và hồn nhiền

Trển đỉnh Dào San không khí trong lành là một phần làn nên tuổi thọ của các bậc cao niên. Tuổi 80, 90 vẫn đi nương rẫy nhanh nhẹn

Hoàng Minh Thắng