Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Wednesday, May 17, 2017

VĂN HOÁ ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI TÀY XUNG QUANH BẾP LỬA NHÀ SÀN (Dương Thị Lâm)

Dân Tày là tộc người chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Họ cư trú tập trung thành những bản nhỏ ở ven các sườn núi, các thung lũng, hay các cánh đồng màu mỡ. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Từ  bao đời nay, Người Tày sinh sống trên ngôi nhà sàn truyền thống, cùng với trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán cấu thành bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào, trong đó ngôi nhà sàn đã trở thành niềm tự hào của người Tày và họ đang cố gắng gìn giữ trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay.

Tuy nhiên, người Tày cũng đang mất dần đi những nét văn hoá truyền thống đặc trưng trước đây, kể cả văn hoá vật chất lẫn văn hoá tinh thần. Nếu nền kinh tế trước đây của đồng bào chủ yếu là khép kín, tự cung, tự cấp, tính chất phác thật thà đã nhập vào bản than nó những yếu tố xã hội hoá và người Tày ngày càng thích ứng với các mối quan hệ làm ăn, trao đổi sản phẩm dịch vụ cũng như các mối quan hệ giao tiếp về văn hoá tinh thần. Những chàng trai, cô gái Tày ngày nay không thích mặc những bộ quần áo chàm dân tộc truyền thống, họ cũng không biết dệt vải nhuộm chàm, thêu thổ cẩm như trước đây nữa. Những ngôi nhà sàn truyền thốngđang dần được thay thế, cải tạo đề phù hợp với điều kiện sống mới, nên các giá trị văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu đời trong phương thức sử dụng ngôi nhà sàn truyền thống cũng đang dần bị mai một đi trong điều kiện nền kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước đang có những biến đổi sâu sắc, kinh tế thị trường mở cửa, giao lưu quốc tế ngày càng được mở rộng đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa dân tộc.
Vì vậy, việc bảo lưu gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc là điều cần thiết. Trong khuôn khổ bàì viết này sẽ đề cập đến văn hóa ứng xử của người Tày xung quanh bếp lửa nhà sàn nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa khu vực miền núi trong hoạt động du lịch.
1.Phương thức sử dụng ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày.
Ngày nay, thói quen sinh sống trong nhà sàn của người dân miền núi vẫn không thay đổi, hầu như mọi hoạt động đều diễn ra ở đây: thờ cúng tổ tiên, tiếp khách, nấu nướng, ăn uống và đồng thời cũng là nơi thêu thùa, dệt vải, dệt chăn, dệt thổ cẩm… Ngay cả sân phơi cũng được bố trí trên sàn, nó là một phần của ngôi nhà và ở vị trí thấp hơn sàn nhà chính từ 1 đến 2 bậc lên xuống, nhằm cách biệt với không gian chính. Phía dưới nhà sàn thường để trống hoặc chỉ quây lại một phần nhỏ để nhốt gia súc, gia cầm.
Bước vào thăm một ngôi nhà của đồng bào Tày, Nùng, chúng ta thấy cửa nhà sàn có thể mở ở trước mặt (có nơi làm cửa ở đầu hồi), cửa chính đặt ở ngay cầu thang lên xuống, còn cửa phụ là nơi ra bếp hoặc ra sàn phơi. Một số nơi đồng bào trổ cửa ở phía sau hoặc phía trước ngôi nhà. Ðặc điểm ngôi nhà sàn là ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Những phiên nứa quanh nhà có thể chống lên như cửa sổ để đón gió mát.

Ngôi nhà sàn là một kiểu nhà tổng hợp, được sử dụng hợp lý và tối đa để phục vụ đời sống con người. Nhà sàn thường cao từ bảy đến tám mét, chiều sâu từ năm đến chín hàng cột. Trong nhà sàn gác có thể làm ở tất cả các gian và thường được sử dụng đặt bồ dậu, chum đựng các sản phẩm nông sản như lúa, ngô, khoai... Sàn là nơi tập trung sinh hoạt của gia đình. Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất như cuốc, xẻng, máy tuốt lúa. Có nơi đồng bào còn để nhốt gia súc, gia cầm (bây giờ nhiều nơi đã bỏ hẳn). Sân phơi thường làm bằng gỗ ván ở trước ngôi nhà, vừa để trẻ con chơi, vừa làm nơi phơi thóc, lúa, ngô khoai đồng thời cũng là chỗ để hóng mát hưởng trăng...

Ngôi nhà sàn thể hiện rõ phong tục tập quán, nền nếp trật tự trong gia đình người Tày, Nùng. Bố cục trong ngôi nhà sàn thường được chia ra làm hai phần theo chiều ngang hay chiều dọc ngôi nhà (tính từ cửa chính), nửa trên (phía gần bàn thờ) gần cửa chính là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của nam giới, đồng thời là nơi tiếp khách. Nửa dưới phía sau bàn thờ dành cho phụ nữ. Có nơi bàn thờ đặt ở gần gian kề gian chính giữa, song cách bố trí các thành viên nam, nữ trong gia đình cũng tương tự như thế.

Trong nhà sàn thường có hai bếp, bếp chính và bếp phụ. Bếp thường đặt ngay sau bàn thờ, bếp chính dùng để nấu nướng hằng ngày, còn bếp phụ bên cạnh xây bằng gạch mộc, trát đất dùng để nấu rượu, nấu cám lợn. Những gian cuối cùng để đựng đồ dùng gia đình: chạn bát, thúng mẹt, chum nước ăn... Ở những nơi có điều kiện nước thuận lợi, dân bản thường dẫn mắc một hệ thống máng nước đơn giản bằng cây vầu để đưa nước từ khe suối, đồi về tận sàn nhà. Ðồng bào còn làm một thùng chứa nước bằng thân cây gỗ to, đục rỗng có thể chứa được từ một đến hai gánh nước, nước này dùng để rửa chân tay khi khách lên nhà chơi.

Tập quán của đồng bào Tày, Nùng thường bố trí buồng ngủ như sau: buồng con dâu cả ở gian đầu rồi đến buồng con dâu thứ hai, ba... Con gái nếu chưa lập gia đình sẽ ở buồng cuối, sau buồng các chị dâu. Giữa các buồng được ngăn cách với nhau bằng ván hoặc phên nứa. Tập quán còn quy định bố chồng, anh/ em chồng không được vào buồng con dâu, chị/ em dâu. Nếu có khách con gái, con dâu thường tiếp khách ở trong buồng của mình hoặc bếp. Không tiếp khách ở trên nhà và trước bàn thờ tổ tiên.

Cho đến giờ nhiều nơi vẫn còn tập quán con dâu, con gái không ngồi ăn cơm cùng với bố chồng, anh/ em chồng. Bữa cơm gia đình phải được dọn hai mâm, âu cũng là nét văn hóa độc đáo riêng biệt của những chủ nhân ngôi nhà sàn. Nếu đến Lạng Sơn, du khách sẽ ghé thăm một vài làng Tày cổ ở Văn Lãng, Tràng Ðịnh theo tuyến đường 4A hoặc các làng Tày cổ ở Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn... có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn. Ngày nay, do những loài cây quý hiếm không còn, nhiều nơi bà con cải tiến ngôi nhà sàn làm tầng dưới thấp hơn hoặc làm nhà bằng các cột xi-măng, sắt thép, nhưng vẫn giữ dáng dấp của ngôi nhà sàn truyền thống.
2.Bếp lửa nhà sàn và các mối quan hệ trong gia đình người Tày.
Bếp lửa nhà sàn của người Tày, ngoài việc là nơi sưởi ấm, nấu nướng, bếp núc của gia đình, bếp lửa còn là nơi phân chia vị trí, vai vế của các thành viên trong gia đình. Từ bếp lửa nhà sàn tỏa ra các mối quan hệ ứng xử tạo thành một hệ thống giao tiếp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, thoải mái và được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành sinh hoạt văn hóa vô cùng phong phú, sinh động trong kho tàng văn hóa tộc người của mình.
Dưới một mái nhà sàn có thể chung sông ba hoặc bốn thế hệ ông, bà, cha mẹ, con, cháu. Trong giao tiêp ứng xử của gia đình, vai trò thứ bậc nổi lên rất rõ; thế hệ trứơc; thế hệ kế tiếp; thế hệ sau với các duy danh và các mối quan hệ chằng chịt khác nữa. Về cấu trúc gia đình của người Tày không khác gì những gia đình của người Kinh ở vùng đồng bằng hay thành phố. Tuy nhiên, phép cư xử của người Tày có sự khác biệt chính là ở xung quanh bếp lửa nhà sàn. Bếp lửa nhà sàn của người Tày được đặt ở phần giữa nhà hơi chếch tránh thẳng vào bàn thờ tổ tiên. Theo phong tục của người Tày, bếp lửa là cái mốc, là trung tâm của sự phân định các mối quan hệ trong gia đình. Từ bếp lửa toả ra các mối quan hệ, ứng xử có sắp đặt sẵn theo khuôn mẫu mà các thành viên trong gia đình phải tuân thủ.
Bếp lửa nhà sàn hình chữ nhật, chiều rộng khoảng 1 mét, chiều dài 1,5 mét, đủ để nhóm 2 hai bếp khi cần thiết. Xung quanh bếp được phân định rõ ràng theo bốn phía: Nà Tấư (phia dưới), tính từ của đi vào la vị trí của con dâu, con gái, cũng là nơi để ngồi nấu nướng, bếp núc. Nà Nưa (phía trên) luôn luôn được chải chiếu hoa lịch sự là vị trí dành cho chủ gia đình, đàn ông, con trai, khách quý là đàn ông. Hai bên gọi là Nà Khoang, gồm có Nà khoang đâng (phía trong) dành cho bà, mẹ và khách là đàn bà; Nà Khoang Noóc (phía ngoài) dành cho đàn ông ít tuổi, con rể. Con rể, đàn bà kể cả khách là đàn bà muốn đi vào trong nhà đều phải đi qua Nà Tấư. Vào một gia đình người Tày, gặp những lúc cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, ta sẽ dễ dàng nhận ra từng thành viên trong gia đình, bởi vị trí ngồi của họ.
Bàn thờ tổ tiên cũng là ranh giới phân định vị trí của các thành viên trong gia đình trong việc ăn, ở và sinh hoạt. Bàn thờ tổ tiên được đặt đối diện với cửa ra vào, chia diện tích ngôi nhà làm hai hần bằng nhau. Phần phía dưới bao gồm cả Nà Khoang, Na tâư  là chỗ ngủ của phụ nữ và bếp núc, phần phía trên, từ Nà Nưa trở lên có cửa sổ thoáng mát (nhà sàn chỉ làm cửa sổ một phía) dành cho đàn ông và khách  quý ngủ, nghỉ. Con gái ở trong nhà có thế ngủ chỗ nào cũng được, nhưng con trai, đàn ông trong nhà không bao giờ ngủ ở phía dưới bàn thàn, ngược lại bà, me, các con dâu không ngủ ở phía trên bàn thờ. Đàn bà ở cữ không được ngồi bếp lửa trong vòng 40 ngày, không được quét nhà trước bàn thờ tổ tiên. Sự phân định và xếp đặt đã đưa nếp sống và hành vi ứng xử của các thành viên  vào nề nếp, hình thành đạo đức tốt đẹp của trong gia đình, tự mỗi thành viên trong gia đình phải thích ứng với nề nếp sinh hoạt đó. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau rất khuôn phép,cũng từ những khuôn phép đó tạo thành hệ đạo đức chung của cả cộng đồng, rất ít có những hành vi vô đạo đức, hoặc nếu có, thì những nề nếp, khuôn phép đó làm cho nó tự triệt tiêu.
Cũng giông như những gia đình của người Việt, người đàn ông trong gia đình người Tày chiếm vị trí quan trọng, là trụ cột trong gia đình, quyết định các công việc trọng đại như tang ma, hiếu hỷ, giỗ tết, gả cưới và các công việc đối nội, đối ngoại trong thân tộc họ hàng  cũng hàng xóm láng giềng khác, và là người được thừ kế tài sản. Người con dâu trưởng chịu trách nhiệm mọi công việc như chi tiêu, ăn uông và cách sắp đặt, điều phối nguồn nhân lực trong lao động sản xuất (Lùa ké, mé rườn). Những người đàn bà trong gia đình, đặc biệt là con dâu, không kể trưởng hay thứ phải là người có trách nhiệm giữ cho bếp lửa cũng như ngọn lửa hạnh phúc của gia đình luôn cháy rực và ấm áp.
Như vậy, quan hệ ứng xử trong gia đình người Tày rất mạch lạc, không dẫm đạp lên nhau, ít phủ quyết lẫn nhau cộng với những phong tục tập quán tốt đẹp đã tạo nên những nét đẹp tiêu biểu của truyền thống văn hoá của tộc người.
3. Bếp lửa nhà sàn và hệ thống nghi thức trong sinh hoạt lễ tết, tang ma, cưới xin.
Người Tày có rất nhiều tục lệ, trong đó sự sùng bái thần linh và tổ tiên luôn ngự trị trong đầu óc con người, tạo nên những mối giao cảm đặc biệt giữa con người với thần linh được thể hiện bằng một hệ thống những nghi thức ứng xử với thần linh rất mạch lạc, trong đó bếp lửa là trung tâm. Người Tày coi bếp lửa cũng là một vị thần, những gia đình có người làm Mo, làm Then đều pahỉ lập bàn thờ cúng thần lửa (thần bếp). Bếp lửa mang đến sự ấm áp, hạnh phúc, sự làm ăn may mắn, phát đạt, nên bếp lửa không bào giờ tắt. Việc đun bếp cũng có những quy tắc nhất định như: đun củi không được cho ngọn vào trước, sợ cây trồng sẽ không mọc được, đàn bà sẽ đẻ ngược; nhà có tang không được đun củi lấy từ những cây mà họ cho rằng có thần linh trú ngụ như cây Si, cây Móc; không được đun rơm, rạ sợ đốt mất hồn lúa….Nếu người Kinh cho rằng ngày 23 tháng Chạp là ngày Ông Táo về chầu Trời, thì người Tày lại lấy ngày Tết Nguyên đán là ngày ông Táo về chầu Trời. Ngày 30 tết, sau khi cúng lễ tất niên song, bếp lửa được nghỉ đến 3 giờ sáng ngày mùng Một , không ai được đun nấu gì trong thời gian đó, để vua bếp lên Thiên đình báo cáo công việc của gia đình. Người ta cho một cái kiềng ba chân đặt ngược ở dưới bàn thờ cúng Thổ Công (người Tày cúng Thổ Công ở góc nhà). Sáng mùng Một tết gia đình phải làm lễ khai bếp, người đàn ông chủ gia đình (ông bố hoặc con trai trưởng) duy nhất một lần trong năm dậy sớm đi lấy nước thiêng ở đầu nguồn hoặc giếng thần về nhóm bếp, đun nước lá thơm cúng tổ tiên và cho cả gia đình rửa mặt, chúc cho cả gia đình một năm mới mạnh khoẻ, bình an. Còn lại quanh năm người con dâu hoặc con gái lớn có trách nhiệm dậy sớm hơn mọi người, nhóm bếp đun nước ấm để cả nhà rửa mặt, đồng thời giữ cho bếp đỏ lửa đến khi kết thúc một ngày làm việc.. Người con dâu khi về nhà chồng, việc đầu tiên là đi qua bếp lửa chất một que củi vào bếp mới được đi vào buồng. Con gái lớn lên, khi đi lấy chồng hải vái lạy tổ tiên, lạy Nà táng ( cửa sổ) và lạy bếp lửa mới được bước ra khỏi cửa. Tục lệ này rèn luyện, giáo dục cho người phụ  nữ Tày phẩm chất chăm chỉ, chu đáo, đảm đang. Mặt khác, cũng thể hiện sự phân công rõ ràng trong gia đình và khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc giữ gìn, chăm lo bếp lửa luôn được cháy sáng, cũng như việc chăm lo cho hạnh phúc gia đình luôn được thắm đượm.
Hệ thống giao tiếp ứng xử của người Tày bao gồm các khuôn mẫu ứng xử trong gia đình, họ hàng thân tộc và lễ hội… tạo thành một cơ cấu tổ chức quan hệ, giao tiếp nhịp nhàng, hợp lý. Trong phạm vi giao tiếp của cá nhân, gia đình xung quanh bếp lửa nhà sàn đã vẽ nên bức tranh phong phú, đặc sắc về đời sống văn hóa của tộc người Tày. Tiếc rằng ngày nay, do ảnh hưởng của công cuộc đổi mới về văn hóa trong việc xây dựng làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa và đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới đang được triển khai, do nhận thức hạn chế của nhiều cán bộ công chức cấp cơ sở trong việc vận động các phong trào này làm cho rất nhiều ngôi nhà sàn cổ đã bị biến dạng ở nhiều địa phương. Bếp lửa đã được tách đưa ra khỏi nhà, thay vào đó là tủ lạnh, bếp ga, ghế sa lông hiện đại ….Điều đó đã làm thay đổi và mất dần đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tày.

Dương Thị Lâm

Lễ hội đua cá xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Hà Giang ( Quang Chung)

Cá chép được bắt từ ruộng
Lễ hội đua cá là lễ hội truyền thống của dân tộc Tày xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Được tổ chức vào dịp tết cơm mới 9/9 âm lịch hàng năm (còn được gọi với cái tên Tết cá). Lễ hội khởi nguồn từ tập quán canh tác lúa nước với tập tục nuôi cá chép ruộng của đồng bào Tày nơi đây. Vào ngày này khi các gia đình bận rộn chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới thì những đứa trẻ cũng được bố mẹ cho vui chơi thoải mái. Trò chơi mà chúng yêu thích là đem những con cá chép to đẹp bắt từ ruộng nhà mình ra một đoạn suối xếp đá cuội thành đường đua cá.

1 Ca chep ruong chuan bị cho tet ca

Lễ hội bắt nguồn từ trò chơi của những đứa trẻ



Những năm gần đây trò chơi này dần phát triển thành lễ hội, được cộng đồng hưởng ứng. Cá chép được bà con thả vào đồng ruộng sau khi cấy lúa, cá cứ thế sinh sống và trưởng thành cho đến khi lúa được thu hoạch thì cũng là lúc bà con bắt và tuyển chọn những con cá to, khỏe đem đến lễ hội. Những “vận động viên cá” được người chủ buộc một đầu sợi chỉ vào vây lưng, một đầu buộc vào con thuyền nhỏ làm bằng xốp hoặc cây sậy, sau đó đặt cá vào vạch xuất phát theo đường đua riêng. Khi trọng tài phất cờ báo hiệu, người chủ cá sẽ hất nước thúc cho cá bơi ngược dòng tiến về đích. “Vận động viên cá” nào bơi về đích trước tiên sẽ giành được chiến thắng.
Một phần không thể thiếu trong ngày cơm mới của người Tày ở Mậu Duệ là các món ăn được chế biến từ cá. Vào ngày này trong mâm cơm sẽ không thể thiếu món truyền thống như cá om măng chua, bánh chưng nhân cá, nộm cá… Tất cả các món ăn đều được chế biến từ cá để thắp hương cảm tạ đất trời đã cho mùa màng bội thu, thưởng thức món cá chép ruộng là thưởng thức những tinh hoa của đất trời và cầu khấn sang năm sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng êm ấm.





Các món ăn chính được làm hoàn toàn bằng cá chép ruộng

Năm nay UBND xã Mậu Duệ đứng ra tổ chức lễ hội đua cá nhằm phát huy nét văn hóa truyền thống của người Tày địa phương, đồng thời giữ gìn và lưu truyền một trò chơi dân gian đẹp mang đậm bản sắc dân tộc trong bức tranh văn hóa đa màu sắc. Qua lễ hội, sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với huyện Yên Minh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch huyện Yên Minh nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
 Quang Chung 

Phong tục lễ giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng ở Cao Bằng (Khánh Hà)

Thầy pựt làm lễ giải hạn đầu năm.

Đầu năm mới, nhiều gia đình người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng thường mời then, giàng (pựt), tào… (gọi chung là thầy) về nhà hoặc đến nhà thầy làm lễ giải hạn để giảm bớt các rủi ro, vận hạn, bệnh tật, cầu mong an lành cho cả năm.
Đây là một phong tục, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đã tồn tại lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay, vẫn được bảo tồn, lưu giữ.

Để tìm hiểu về lễ giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng tại Cao Bằng, chúng tôi đã trực tiếp đến một số gia đình làm lễ giải hạn trong những ngày đầu năm Bính Thân để “mục sở thị” các nghi lễ giải hạn. Bà Bế Thị Nơm, 72 tuổi, dân tộc Nùng tại xã Độc Lập (Quảng Uyên) vừa mời thầy về làm lễ giải hạn đầu năm cho biết: Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đều mời thầy về làm lễ cúng giải hạn đầu năm nhằm xua đuổi cái xấu, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi. Muốn làm lễ giải hạn việc đầu tiên là phải tìm gặp thầy then, thầy pựt để xem ngày lành, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ vật và đi đón thầy về nhà để làm lễ. Các đồ lễ để cúng tùy theo mỗi thầy có những yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình khi sắm lễ. Nhưng các đồ lễ cơ bản nhất để cúng lễ giải hạn gồm có mâm lễ, để thầy làm lễ để dưới chân bàn thờ gọi là “bâm lẹ” (mâm lễ). Mâm lễ được đặt ở sảnh giữa trong nhà, dưới bàn thờ tổ tiên là nơi diễn ra các hoạt động cúng bái của thầy với 3 hoặc 5 bát gạo sống. Bát gạo ở giữa đặt thêm trứng gà, cắm hương và nhiều hình nhân được cắt bằng giấy, cành hoa, cây... Còn mâm khác để hành lễ, gồm: Thủ lợn, đuôi lợn, chân giò luộc; 1 con gà, 1 con vịt  luộc chín có đủ lòng, mề, tim, gan và tiết; xôi (khẩu nua); 1 miếng thịt lợn luộc; hoa quả, bánh kẹo. Ngoài ra, cần 1 con gà sống, 1 con vịt sống và 1 cây chuối, 1 chiếc thuyền hoa (pè) làm bằng cọng chuối...

Thầy được mời về làm lễ giải hạn là người có khả năng thần giao cách cảm, có thể giao tiếp với thế giới tâm linh, những người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác thông qua nhãn quan của mình. Họ được các gia đình mời để làm lễ giải hạn, mừng nhà mới, cầu tự, cầu phúc lộc, thọ… Trong lễ cúng giải hạn, nếu giải hạn là thầy then thì vật dụng thầy dùng là cây đàn tính, còn với thầy pựt thì có chiếc quạt và xóc nhạc (nhiều quả nhỏ ghép nối lại với nhau bằng các vòng tròn sắt hoặc đồng). Màu sắc chủ đạo trong trang phục các thầy mặc khi làm lễ là đỏ, vàng, chàm, trắng. Mỗi một màu tương ứng với một vị thần linh. Khi những làn điệu then cổ cất lên với tiếng đàn tính hoặc tiếng xóc nhạc hòa với lễ phục nhiều màu sắc của thầy tạo nên không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tâm linh, là tổng hòa của thiên - địa - nhân.

Theo giàng Bế Sơn Chung - một nghệ nhân then sinh ra trong gia đình có 8 đời làm pựt (giàng), một lễ giải hạn tùy thuộc vào các cúng lễ của từng thầy và ý nguyện của gia chủ mà có các bước tiến hành nghi thức lễ khác nhau. Nhưng trong một lễ giải hạn, các nghi lễ bước chung nhất thường gồm các phần: Nhập môn, thỉnh tướng (bước vào với tổ tiên để báo lên tổ tiên và mời tổ tiên về để con cháu trong gia đình được dâng các lễ vật); bốc mệnh (dự đoán bản mệnh của người để biết được khái quát về công danh tài lộc, sự thọ yểu, thăng trầm, những bệnh tật hay tai họa trong cuộc đời); trừ tà (diệt trừ tà ma, quét sạch những vận xui, rủi ro...); hành yên, lập phú (cầu bình an, tài lộc). Trong đó có nhiều đoạn kể, du ký, vào chợ trời, lên thiên đình. Có lúc có những động thái sa man (ma nhập vào người) nói chuyện với ma, phán quyết với người, kiểu lên đồng một lúc sau trở lại bình thường. Trong lễ cúng giải hạn ngoài những lời then, điệu hát cổ thì thầy sẽ dùng hai thẻ gỗ để gieo quẻ, để xin lộc tới cho gia đình. Nếu như gia chủ thành tâm và âm phần trong nhà tốt thì việc xin quẻ sẽ diễn ra thuận lợi, lễ cúng sẽ diễn ra suôn sẻ và kết thúc tốt đẹp.

Đồ lễ để cúng trong lễ giải hạn.

Lễ giải hạn nói chung cũng như lẩu then, lẩu pựt đều là các hình thức diễn xướng cổ của người dân tộc Tày, Nùng, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian lâu đời. Với lòng tin thuần phác, người dân tộc Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Họ cần một chỗ dựa tinh thần song không cuồng tín, khi gặp tai họa, ốm đau thì theo quan niệm chung của mọi người “Vô phúc vái tứ phương, ma cũng cầu, thuốc cũng chữa”. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống ở một bộ phận người dân có những thay đổi nhất định, cùng sự giao thoa giữa các yếu tố văn hóa mới đã tác động đến loại hình dân gian truyền thống này khiến lễ giải hạn đã không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó, như: Một số gia đình có điều kiện sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để mời thầy về cúng lễ cho gia đình làm ăn phát đạt; một số gia đình không có điều kiện nhưng vì quá “tín” nên sẵn sàng bán cả tài sản trong nhà để làm lễ; lễ giải hạn bị lạm dụng (làm lễ giải hạn khi làm ăn buôn bán không thuận lợi, mất của, thi cử, lận đận tình duyên...) nên các nghi lễ trở nên rườm rà và tổ chức một cách bừa bãi... Ngoài ra, các thầy then, thầy pựt đang dần ít đi, dẫn tới nguy cơ mai một ngày càng cao. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lễ giải hạn là việc làm hết sức cần thiết, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội để loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này giữ được nguyên giá trị ban đầu.

Khánh Hà

Bản nhà lá (Việt Cường)

Một ngôi nhà sàn đặc trưng bằng gỗ của người Tày ở bản Tha với mái lợp bằng lá cọ và có ao thả cá Bỗng. Ảnh: Thông Thiện


Bản Tha và Hạ Thành xã Phương Độ (Tp. Hà Giang) được du khách gọi với cái tên đặc trưng là “Bản nhà lá”. Hai bản nằm liền kề nhau với hơn 200 nếp nhà sàn êm đềm bên con Suối Tiên mát lành, cùng với cuộc sống sinh hoạt dân dã của người Tày bản địa đã tạo nên dấu ấn khó quên khi du khách đặt chân đến khám phá nơi này.

Trong cái nắng hè vùng cao vàng như rót mật, chúng tôi được anh cán bộ phòng văn hóa Tp. Hà Giang tên là Thuần dẫn đi tham bản Tha và Hạ Thành. Ngay khi đặt chân đến bản Hạ Thành, chúng tôi đã ấn tượng với những thửa ruộng như những nấc thang dẫn lên núi vàng ươm mầu rơm rạ sau thu hoạch.

Hai bản nằm lừng chừng bên con Suối Tiên quanh năm ăm ắp nước tưới mát cho cánh đồng màu mỡ và phục vụ sinh hoạt của người dân bản, nên nhà nào cũng có ao. Để làm ao, người Tày ở xã Phương Độ chỉ cần vét đất, đắp những viên đá mồ côi thành bờ chắn nước. Ao nhà nào cũng thả cá Bỗng, một loại cá thuộc họ cá Hồi, rất phù hợp với khí hậu địa phương, lại có giá trị kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Quyền, người quản lý hoạt động du lịch của bản Tha cứ chặc lưỡi tiếc rằng, giá như chúng tôi có mặt ở nơi đây khoảng một tháng trước sẽ được chứng kiến cảnh mùa vụ tất bật của người Tày. Khi vào đến bản, chúng tôi hoàn toàn quên ngay sự chỉ dẫn của anh Quyền bởi những mái nhà sàn lợp lá nằm san sát được xây dựng theo kiểu bàn cờ với những nụ cười thân thiện của người dân bản địa đã như ma lực thu hút ống kính máy ảnh.

Một góc bản Tha nhìn từ lưng chừng núi. Bản Tha có khoảng hơn 100 ngôi nhà sàn lợp lá của người Tày trải dài trong khoảng đất bằng phẳng dưới chân đồi thuộc xã Phương Độ. Ảnh: Việt Cường


Bản Tha và Hạ Thành ở xã Phương Độ có gần 200 ngôi nhà  sàn làm theo kiểu truyền thống của người Tày. Ảnh: Việt Cường


Bên trong căn nhà sàn truyền thống lợp mái cọ của người Tày ở bản Tha. Ảnh: Việt Cường


Những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Tày như giỏ, lồng được treo quanh nhà sàn. Ảnh: Việt Cường


Quả còn được treo trước hiên nhà sàn của người Tày ở bản Tha và bản Hạ Thành. Trong văn hóa người Tày, quả còn không chỉ là một đồ chơi dùng trong dịp lễ hội mà còn là vật tượng trưng cho sự ấm no, sinh sôi nảy nở. Ảnh: Thông Thiện

Khung cảnh yên bình buổi chiều ở thôn Tha. Ảnh: Việt Cường


Đến bản Tha hay bản Hạ Thành ngoài cảnh đẹp, du khách còn được dạo bước trong một không gian sống rất đỗi yên bình của bà con dân tộc ở nơi đây. Ảnh: Việt Cường

Chúng tôi dừng chân nhà ông lão Nguyễn Đức Thìn ở bản Hạ Thành để nghỉ chân, uống nước. Ngôi nhà sàn bề thế năm gian được xây dựng bằng gỗ lát cách đây đã hơn trăm năm vẫn vững trãi cùng thời gian. “Người Tày ở bản Hạ Thành mình đã chọn vùng đất này định cư lâu lắm rồi. Ngôi nhà này đời bố mình dựng, đến đời mình tính ra chỉ mới 5 lần thay mái lá là ở đến tận bây giờ”. Ông lão Thìn giãi bày. Được biết, mái của những ngôi nhà sàn được lọp bằng lá cọ dày từ  20 – 40 cm, có độ bền từ 5 đến 10 năm.
Ở bản Hạ Thành có 7 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn ngủ, 9 hộ bán hàng quà lưu niệm và dịch vụ khác, 01 đội văn nghệ dân gian sẵn sàng phục dựng lại các sinh hoạt văn hóa của người Tày bản địa. Ngoài ra bản Hạ Thành có khu du lịch sinh thái Suối Tiên là nơi vui chơi giải trí phục vụ du khách và nhân dân trong vùng.

Ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Đức Thìn là một điểm homestay hấp dẫn đối với những du khách ưa thích khám phá văn hóa. Theo phong tục của người Tày, bếp lửa được dựng ở chính giữa sàn nhà, vừa là nơi nấu nướng, trò chuyện, sưởi ấm trong mùa Đông. Ở mạn hiên nhà sàn, từng chồng đệm cỏ, chăn lau được xếp ngay ngắn chờ khách lưu trú qua đêm. Ông Thìn cho biết, người Tày từ xưa rất trân trọng khách đến chơi nhà. Chủ nhà sẽ chuẩn bị những vật dụng tốt nhất, những món ăn ngon nhất để thiết đãi.

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những quả còn sắc màu được treo trước mỗi hiên nhà sàn ở bản Tha và Hạ Thành. Hỏi anh Nguyễn Văn Quyền thì được lý giải rằng, quả còn trong tâm thức người Tày tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển. Trong quả còn là năm loại ngũ cốc gồm, gạo, ngô, đỗ, lạc, vừng được khâu kín bằng vải thổ cẩm. Nếu du khách có hứng thú, các nam thanh nữ tú trong bản sẽ ngay lập tức thành lập một đội ném còn.


Có lẽ, du lịch đã mang lại nguồi thu nhập đáng kể cho người Tày nơi đây nên có khách đến, cũng có nghĩa  là bản làng có hội. “Cơm nếp nương, cá Bỗng nướng và nấu canh chua theo kiểu của người Tày, gà đồi xé phay trộn gỏi, heo đen nướng ống tre cuộn với rau rừng là mâm cơm tiếp khách của bản chúng tôi”. Ông Nguyễn Đức Thìn giới thiệu.

Người dân hai bản ở đây trồng lúa nước và nhà nào cũng dành một không gian sân khá lớn để phơi thóc. Ảnh: Thông Thiện

Những túm bắp ngô hạt to đều được người Tày ở xã Phương Độ treo dưới gầm nhà sàn để làm hạt giống cho vụ mùa sau. Ảnh: Việt Cường

Những chiếc lá cọ phơi bên hàng rào để dành cho việc sửa chữa mái nhà sàn nếu có hư hại. Ảnh: Việt Cường

Sau mỗi mùa gặt, người Tày ở thôn Tha gác rạ dưới gầm nhà sàn để đun nấu và làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Việt Cường

Người Tày ở xã Phương Độ trữ từng bó lúa nếp ngon nhất ngay dưới gầm nhà sàn,
đến dịp đặc biệt mới xay xát rồi đồ xôi thiết đãi khách quý. Ảnh: Việt Cường

Một góc phơi phóng lúa sau mùa gặt thể hiện sự no ấm của người Tày ở xã Phương Độ. Ảnh: Thông Thiện

Khung cảnh rất đặc biệt sau mùa gặt tại bản Hạ Thành. Ảnh: Việt Cường

Ngoài việc canh tác lúa nước, người Tày ở xã Phương Độ còn chăn nuôi dê để phát triển kinh tế. Ảnh: Thông Thiện

Những con đường nhỏ xinh xắn, đan xen từ bản hướng ra ruộng của người Tày ở bản Hạ Thành. Ảnh: Việt Cường

Người Tày ở xã Phương Độ chế biến sắn để phơi khô sau thu hoạch. Ảnh: Việt Cường

Du khách nước ngoài dạo chơi quanh bản Hạ Thành. Nơi đây hiện là một điểm đến hấp dẫn
đối với những ai ưa thích khám phá cảnh đẹp và trải nghiệm văn hóa của người Tày ở Hà Giang. Ảnh: Việt Cường

Dịch vụ homestay ở bản Tha và Hạ Thành có nhiều tiện nghi. Khách ngủ sàn gỗ, to và rộng, vệ sinh tắm nóng lạnh, tuy chỉ có chăn gối mùng màn nhưng rất sạch sẽ. Nhìn qua ô cửa là du khách đã thu vào tầm mắt những đồi cọ, cánh đồng lúa thoáng mát. Ngoài ra, những nhà sàn làm dịch vụ homestay ở hai bản Tha và Hạ Thành đều có wifi, có hướng dẫn địa phương dạy cách chế biến các món ăn truyền thống của người Tày khi khách yêu cầu. Đêm xuống, du khách còn được dịp mê mẩn với đội văn nghệ gồm những thôn nữ trình diễn hát then, hát lếu, múa cấy… đều là những làn điệu dân ca truyền thống được giữ gìn qua nhiều thế hệ.
Việt Cường

Kỳ bí 'đá thiêng' của người Tày ( Đàm Minh Phiếu)

Bếp lửa không những sử dụng để nấu nướng mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày

Ở vùng rẻo cao quanh năm mây phủ của tỉnh Cao Bằng, đồng bào dân tộc Tày đã tồn tại tục lệ thờ “ma bếp lửa” rất độc đáo.
Đối với người dân nơi đây, bếp lửa vừa là chỗ đun nấu vừa hong khô lương thực bảo quản trên bếp mà đến ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng còn là nơi thắp hương thờ “thần bếp lửa” để xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, làm ăn thuận lợi.

Độc đáo tục thờ “thần bếp lửa”
Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà sàn được làm xong, việc đầu tiên là rước thần lửa về nhà. Theo các cụ cao niên người Tày ở xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), lửa được sinh ra từ đá nên trước khi về nhà mới phải lên núi cao chọn một hòn đá ở nơi con người chưa từng giẫm chân vào. Sau khi chọn được hòn đá ưng ý, đồng bào mang về đặt ngay bên cạnh bếp để cúng thần.

Hòn đá thiêng này chính là nơi trú ngụ của vị thần bếp lửa trong nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Tuy nhiên, ngày nay những thế hệ trẻ đã thay thế hòn đá bằng một ống tre để có thể dễ dàng cho việc thắp hương cúng thần bếp lửa vào ngày rằm, mùng một hàng tháng hay những ngày lễ, tết.

Cụ Lưu Văn Sú (76 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) chia sẻ: “Tôi dựng căn nhà sàn này cách đây mấy chục năm rồi, từ đó đến nay tôi vẫn đặt bếp lửa ở giữa nhà theo đúng phong tục ngày xưa. Nhiều lần con cháu muốn chuyển bếp đi chỗ khác bởi khói bếp nhuốm đen mái nhà nhưng tôi không chịu. Nhà sàn thì phải vậy chứ, mùa đông đến nữa nếu không có bếp lửa thì sao ở được. Trước đây khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc thì mọi sinh hoạt đều ở quanh bếp lửa từ việc ăn uống đến tiếp khách, chỉ trừ lúc đi ngủ và đi nương rẫy còn lúc nào cũng ngồi bên bếp lửa. Giờ mà bỏ đi thì trống trải lắm”.

Theo tập tục truyền thống của đồng bào Tày, việc chăm sóc bếp lửa chủ yếu là do phụ nữ đảm nhiệm. Đối với người Tày, bếp không chỉ là nơi nấu chín thức ăn mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Vào mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ Tày là nhóm lửa đun nước cho cả nhà rửa mặt, đánh răng. Những ngày đầu năm mới, ngày lễ tết việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn vị thần bếp, lòng thành kính đối với tổ tiên. Không gian bếp cũng là nơi những người phụ nữ trong nhà trò chuyện, bàn tính chuyện làm ăn chăn nuôi, trồng trọt.

“Bếp của người Tày rất quan trọng và hòn đá là biểu tượng của thần bếp. Trong mắt người Tày chúng tôi, lửa trông rất hiền hòa và mang tính nữ bởi ngày xưa chỉ có phụ nữ mới được chăm sóc “thần bếp lửa” này. Cứ đến ngày đầu năm mới, cuối năm  bao giờ người phụ nữ trong nhà cũng cho vị thần đá này uống ít rượu, ăn bánh và thịt”, cụ Nông Lý Huỳnh (72 tuổi) ở xóm Bản Khuông chia sẻ.

Cụ Nông Lý Huỳnh (72 tuổi) thường xuyên cắt những tờ tiền giấy bản để cúng thờ “thần bếp lửa” dịp lễ, Tết

Với quan niệm như vậy, mỗi khi dựng ngôi nhà sàn mới, chủ nhà bao giờ cũng mổ lợn để dâng cúng bàn thờ tổ tiên, “thần bếp lửa” và mời bà con, họ hàng đến cùng chung vui. Không chỉ vậy, mỗi dịp lễ tết đồng bào Tày còn làm vài chiếc bánh dày mục đích là thờ cúng tổ tiên và thần “thần bếp lửa” để tỏ lòng biết ơn vì mang đến sự linh thiêng, ấm áp cho ngôi nhà. Chính bởi vậy, bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ.

Nơi linh thiêng với những điều cấm kỵ
Riêng đối với đồng bào người Tày, ngoài nấu chín thức ăn thì bếp lửa còn là nơi để tiếp khách, là nơi thiêng liêng thờ “thần bếp”, ‘thần lửa”. Chính vì vậy có rất nhiều điều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không được đặt chân lên hoặc xê dịch hòn đá và ống tre cắm que hương vì theo quan niệm của người Tày, đây là nơi trú ngụ của “thần lửa”. Các thế hệ đồng bào Tày đều dặn nhau khi đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của ngôi nhà khi đun nấu, bởi đặt chiều ngang là hường nằm của người chết.

Một điều kiêng kỵ khác của người Tày là khi đưa củi vào bếp nhất định không đưa ngọn vào trước vì họ quan niệm, làm như vậy sẽ khiến con gái của gia chủ ngôi nhà đó sinh ngược. Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh, gia chủ phải chọn được ngày lành tháng tốt để tiến hành làm bếp. Thông thường, các ngày lẻ tháng chẵn và ngày chẵn tháng lẻ âm lịch đều là các ngày có thể đắp bếp hoặc tu sửa vì họ cho rằng những ngày đó “thần bếp” sẽ về chầu trời.

Khi đắp bếp phải chọn những thanh gỗ lim thẳng và chắc chắn gồm 4 tấm ván gỗ dài 1 mét, rộng 60 cm để tạo thành khuôn. Bếp hình chữ nhật cao 50 phân được hình thành khi được khoét hai lỗ đặt nồi nấu ăn và hai cửa bếp được khoét vừa phải, kín gió khi đun mới không tốn củi.

Gác bếp lửa nhiều tầng của người Tày dùng để sấy khô, bảo quản thịt trâu, bò, lợn, giống cây…

Ông Lưu Văn Nghiệp ở xóm Nà Pò, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) cho biết: “Để đắp bếp, phải chọn loại đất sét màu vàng mịn, đất mà có lẫn sỏi thì khi đốt lửa hay bị nứt bếp do đá nổ. Có làm cầu kỳ như vậy bếp mới không tốn củi và dùng được lâu dài, mới mong “thần bếp” phù hộ gia đình con cháu mạnh khoẻ, ấm no. Kiến trúc bếp lửa của người Tày rất tiện trong sinh hoạt, và là một nét văn hoá riêng của chúng tôi đã có từ lâu đời. Cho dù ngày nay có bếp ga, bếp điện tiện lợi hơn nhiều. Nhưng bà con vẫn thích và có thói quen sử dụng bếp củi của dân tộc mình”.

Mỗi khi mưa to, gió lớn, người phụ nữ Tày lập tức cầm một nắm đũa đặt vào cạnh bếp lửa, ngụ ý mong “thần bếp” phù hộ cho ngôi nhà được vững chãi trước mưa gió. Đây là cách tổ tiên họ truyền dạy lại để thức tỉnh “thần bếp”, giúp họ tránh khỏi điều không may mắn. Vào mùa đông lạnh giá, khi sưởi lửa đồng bào cũng kiêng không đặt chân lên kiềng, cũng không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với “thần bếp”. Ngoài ra, khi đưa củi vào bếp đun nấu, bao giờ người Tày cũng để trống “cửa” sau của bếp để đề phòng khi có kẻ xấu đến hại “thần bếp” sẽ phù hộ cho người nhà có lối thoát thân.

Ngày nay, dù cuộc sống của người Tày có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập nhiều nét văn hoá các dân tộc khác. Tuy nhiên, nhiều phong tục tập quán, tập tục thờ “thần bếp” của người Tày vẫn được duy trì, tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp tới thăm bản làng của người Tày. Nhưng trên hết những điều kiêng kị đó, người vùng cao coi bếp lửa là nơi để họ gặp gỡ, chuyện trò bởi giữa không gian của vùng núi cao quanh năm lạnh giá ấy có nơi nào ấm cúng hơn bếp lửa.

Căn nhà của người vùng cao bao giờ cũng ấm cúng bởi bếp lửa lúc nào cũng có ánh lửa hồng. Bên bếp lửa những người già vẫn kể cho con cháu nghe về bản làng, về dòng họ, về phong tục tập quán… như muốn truyền tiếp ngọn lửa của thế hệ cha ông cho thế hệ sau.

 Đàm Minh Phiếu

Tiệm cận tín ngưỡng người Tày qua nghi lễ hát Then (Trần Hoàng Tiến)

1. Sơ lược nguồn gốc và tộc danh Tày
Theo số liệu công bố năm 1999, tổng số dân Tày là 1.447.514 người, đứng vị trí thứ hai sau người Kinh, sống tập trung ở vùng Việt Bắc, chủ yếu tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Về nguồn gốc, Tày (và Nùng) thuộc khối cư dân Bắc Việt cư trú lâu đời trên khu vực nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Quá trình cùng chung sống lâu dài đã chịu nhiều ảnh hưởng văn hoá Việt trở thành người Tày (Việt Nam) và văn hoá Hán thành người Choang Đồng (Trung Quốc). Ở Quảng Tây hiện nay vẫn tồn tại các nhóm Choang Đồng với các tên: Pò Choang, Pò Đề Di, Pò Nồng, Pò Tày[3].
Tộc danh Tày bắt nguồn từ cách nêu đặc điểm của nhóm người chuyên nghề cày ruộng, làm lúa nước, nông cụ tiêu biểu là chiếc cày. Trong tiếng Tày- Thái cổ cày gọi là Mạc Thay hay Thây rồi biến âm thành Tày và Thái[2, tr.46], bằng dụng ý rõ ràng hơn khi người Tày được gọi là Cần Nà- Người cày ruộng. Người Tày nói chung đều tự nhận là Cần Tày, tuỳ theo từng nơi có tên Tày bốc- Tày cạn sống vùng núi và Tày nặm- Tày nước làm bản dựng nhà dưới thung lũng nhiều sông suối. Từ thế kỷ XV để phân biệt với Thổ quan từ dưới xuôi lên cai trị, người Tày còn có tên là Thổ với hàm nghĩa thổ địa ám chỉ nhóm người đã sinh sống lâu đời nơi đây.


Như vậy người Tày cổ (Âu Việt) đã dung hợp với nhóm Việt Mường cổ (Lạc Việt) ngay từ buổi đầu dựng nước, góp phần quan trọng hình thành nên dân tộc Việt Nam.

2. Văn hoá tín ngưỡng dân gian Tày
Sơ đồ chỉ hướng:
Trong tam giáo, ảnh hưởng của đạo giáo nổi trội hơn, đạo giáo còn gọi là Lão giáo do Lão Tử sáng lập trước công nguyên hàng trăm năm, tuy vậy về sau chỉ có đạo giáo của Trương Đạo Lăng[2] phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Tày, tính chất mang nhiều yếu tố shaman như: tu tiên, luyện đan, đồng cốt, ma thuật phù thuỷ, chiêm tinh, bói toán.
Như vậy, tín ngưỡng người Tày bắt nguồn từ thủa xa xưa, khởi sinh từ ý thức bảo vệ cộng đồng thị tộc, đây là lớp tảng nền sơ khai thứ nhất. Trải qua thời gian, tín ngưỡng bản địa Tày chịu sự tác động của người Việt khi hai tộc người Âu Việt và Lạc Việt cùng nhau liên thủ, đây là lớp văn hoá thứ hai, tuy vậy do tương đồng nên giữa Âu Việt và Lạc Việt luôn có sự gắn bó chặt chẽ. Sự xuất hiện tam giáo du nhập vào là lớp thứ ba đã biến đổi tín ngưỡng Tày sang dạng thức như ngày nay.
GS.TS Ngô Đức Thịnh nhận xét:…kết quả của sự hỗn dung, pha tạp giữa tín ngưỡng bản địa và tam giáo (Phật- Đạo- Nho) đã hình thành và tồn tại một số tín ngưỡng đặc thù: Then, Tạo, Pụt, Mo với tư cách là thày cúng Then, Tào, Pụt, Mo tham gia vào hầu hết các nghi lễ của tín ngưỡng người Tày, Nùng, từ thờ cúng tổ tiên trong gia đình tới các hình thức thờ thổ thần, thành hoàng của cộng đồng  [6, tr.5].


3. Hiện tượng shaman trong Then Tày
Bản chất Then là gì? Nguồn gốc như thế nào? Những biểu hiện của then trong tín ngưỡng người Tày ra sao? Trong nội dung này sẽ xem xét và giải mã hiện tượng Then.
 Có một số giả thuyết quá trình xuất hiện Then trong đời sống tâm linh của người Tày, dựa trên tư liệu dân gian, truyền thuyết từ nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là của các tác giả ở Cao Bằng như Hoa Cương, Dương Sách, Triều Ân đều cho rằng Then chính thức ra đời khi nhà Mạc bị thất sủng chạy trốn lên Cao Bằng cát cứ (thế kỷ XVI, XVII)[9]. Đây là sự kiện lịch sử có thật, phản ánh giai đoạn văn hoá Việt- Tày đan cài tại Cao Bằng, để lại đến ngày nay trong Then nhiều trường đoạn hát bằng tiếng Kinh.
Hoàng Tuấn cho rằng: đại bộ phận các ông bà then cắt nghĩa then là tiên, là môn tiên, là trời [8,tr.88], cách giải nghĩa mở rộng hơn dưới góc độ dân tộc học với quan niệm Then là một từ cổ trong vốn từ ngữ Tày- Thái, gốc ban đầu có chung một nghĩa[8]. GS.TS Ngô Đức Thịnh[6] và PGS Vũ Ngọc Khánh[3] cùng chung quan niệm: Then có nghĩa là tiên, cũng như Pụt nghĩa là phật.
Như vậy, Then được hiểu là người cõi trời, giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời, nhưng cách giải thích trên chưa tầm nguyên đầy đủ về Then. TS Nguyễn Thị Yên[10] tìm cách giải mã lớp tiền tố Then, và nêu rõ các hình thức nhập đồng tồn đọng yếu tố shaman giáo trong các trò chơi của trẻ em, chủ yếu là những nàng tiên/ linh hồn như: nàng Trứng, nàng Cám, nàng Sọt, nàng Hương mang đậm tín ngưỡng bản địa nguyên thuỷ. Đây là tín ngưỡng sliên (tiên)- yếu tố tiền then, chữ sliên- tiên vay mượn từ chữ Hán, về sau dùng để chỉ hình thức cúng bái bản địa liên quan đến sự nhập đồng của then nữ.
Để trở thành ông Then hay bà Then, người Tày cho rằng do căn số, ma then nhập vào. GS.TS Ngô Đức Thịnh[6] nêu hai trường hợp trở thành Then: a) có căn then (mỉng bang) và b) gia đình, dòng dõi có người làm Then (tẩn then). Trong cuộc đời làm Then, ông Then hay bà Then trải qua nhiều lần thăng cấp (tâng) qua lễ lẩu Then, cấp Then biểu hiện ở số lượng dải mũ, tương đương với số quân mà Then cai quản. Như vậy Then là người đặc biệt trong cộng đồng Tày, có khả năng thông quan với thần linh, khi Then thăng cũng có nghĩa Then đã tiếp cận với thế giới siêu nhiên, đồng thời nhập vào mọi đối tượng phi để bắc cầu giao tiếp với người trần gian. Về hình thức và nội dung Then giống như hầu đồng của người Việt, GS.TS Võ Quang Trọng nhận xét: 'hầu đồng của người Việt và then của người Tày là hiện tượng con người tự thôi miên để đưa mình vào trạng thái ảo giác đặc biệt'[7, tr.44].
Trong nhiều công trình, các nhà nghiên cứu tín ngưỡng tộc người đều nhắc đến shaman như một dạng ảo giác đặc biệt và trạng thái ngây ngất- estasy. Đối với Then: shaman là hiện tượng biến hoá tư duy, tinh thần con người từ trạng thái này sang trạng thái khác theo cách hiểu xuất thần nhập thần, vậy shaman là gì?
Thuật ngữ shaman- thày pháp xuất hiện lần đầu tiên trong một số tài liệu ở Nga vào thế kỷ XVII, nguồn gốc từ tiếng Evenk (saman) của bộ lạc Tungus chuyên sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc ở Xibiri, biến đổi từ chữ  samana- tiếng Pali (hệ tiếng sancrit) được các nhà Phương Đông học chấp nhận vào thế kỷ XIX[11]. Gần một thế kỷ sau, thuật ngữ shaman giáo- shamanism trở nên thông dụng, xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu Âu, Mỹ. Ở Trung Quốc, hiện tượng shaman có nhiều tên gọi, tên chung là Vu thuật, người hành nghề shaman là Vu sư. Tuy vậy tùy từng nơi gọi là thỉnh thần phụ thể, thần linh phụ thể, quỷ thần phụ thể, nhưng dịch sang tiếng Việt nhiều nhất là từ giáng thần phụ thể, nghĩa là cầu thần nhập xác. Tại Đông Nam Á, shaman là hình thức tôn giáo sơ khai tự thân hình thành trong các cuộc hành lễ hiến sinh nguyên thuỷ, được cộng đồng đón nhận như một dạng người đặc biệt, có khả năng phi thường, có bí quyết và sức mạnh ma thuật.
Tuy vậy, thời điểm xuất hiện shaman còn có nhiều ý kiến khác nhau. Theo trường phái lịch sử[12] shaman ra đời vào giai đoạn phân rã công xã thị tộc nguyên thuỷ kèm theo sự phân công địa vị một số người. Trường phái dân tộc học Trung Quốc cho rằng shaman tồn tại thời trung kỳ xã hội thị tộc mẫu hệ, lúc này vai trò người phụ nữ có quyền năng rất lớn. Với trường phái sinh học phát triển, shaman là hiện tượng của người mắc bệnh cuồng itteri, một loại bệnh thần kinh, nói cách khác tất cả các thày shaman đều biểu hiện bệnh thần kinh dạng phân tâm học được Freud phát hiện đầu thế kỷ XX. Khi hành nghề, các thầy shaman (cả nam lẫn nữ) bị kích động toàn thân, thực hiện những hành động đặc biệt lúc bình thường ít người làm được như: đi trên than nóng, đoán định tương lai, thần nhập, nói bằng ngôn ngữ chưa bao giờ học, hát múa suốt ngày…thực tế shaman là hiện tượng tồn tại trong hầu hết tất cả các tộc người trên thế giới.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nêu bản chất shanman là tạo nên yếu tố thiêng phát xuất khi tiến hành nghi lễ (trong then Tày và hầu đồng Việt), từ đó lan toả khắp xung quanh, khiến mọi đối tượng tham gia đều chịu ảnh hưởng. Điều kiện để thiêng hình thành là âm nhạc, múa, do đó Then không thể thiếu hai loại hình nghệ thuật này cùng tham gia. TS Nguyễn Thị Hiền[1] khi tiến hành khảo sát thực tế nghề làm Then tại một số địa bàn người Tày cho biết hầu hết sau lễ cúng, các ông Then, bà Then đều không nhớ lại được hành động, ngôn ngữ khi rơi vào trạng thái xuất thần lúc hành lễ.


4. Các thành tố diễn xướng trong nghệ thuật Then
Phương tiện hành nghề Then gồm:
- Quả trứng, chim én: là vật thiêng đóng vai trò dẫn hồn Then.
- Bằng sắc và ấn của Ngọc Hoàng cấp để Then vào các cửa thần linh.
- Quạt phép (quạt trời): giúp Then tạo nhiều động tác biến hoá như bay bổng trên mây, xuống âm phủ, đi dưới nước.
- Gương dùng trừ tà, soi sáng đường Then đi.
- Đàn Tính: nguồn khải lực để Then thoát hồn, thông quan với các loại thần linh.
- Chùm xóc nhạc- Miạc: lực lượng âm binh để Then sai khiến.
Những đồ vật biểu trưng linh giáo như: trứng, chim én, gương, quạt qua tay Then đầy tính ma thuật dưới dạng phù thuỷ. Nhưng nổi trội và tạo nên giá trị thu hút toàn thể cộng đồng là nghệ thuật Then- nhân lõi cốt yếu xuyên suốt quá trình xuất, nhập thần. Nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất ý kiến: Then Tày là hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể có tính nguyên hợp (syncretic), là hình thức nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, múa, trang phục [7,tr.44], hoặc then là một nghi lễ tôn giáo được diễn xướng bằng hình thức hát, hát kể có kèm theo nhạc và nhảy múa, ngoài ra còn có những biểu tượng tôn giáo mang tính tượng trưng và nhiều yếu tố sân khấu dân gian[1,tr.74]. PGS.TS Nguyễn Thuỵ Loan tham chiếu các hệ thống tín ngưỡng tộc người ở Việt Nam đã khái quát:…tín ngưỡng tôn giáo là một trong những môi trường quan trọng cho sự sáng tạo và nảy sinh âm nhạc…[4,tr.65].
Như vậy, diễn xướng nhạc- hát- múa là động cơ bên trong nảy sinh không gian thiêng, giúp Then thăng, hoá, xuất, nhập trên đường (tàng) đi. Nếu như hầu đồng của người Việt là hiện tượng nhập hồn thì hành trạng Then Tày biến đổi theo hướng ngược lại, nghĩa là thoát hồn. X.A Tôcarev cho rằng có hai hình thức giao tiếp với thần linh:…hoặc thần linh nhập vào người thầy pháp (hay vào trống của thầy), hoặc ngược lại, hồn thầy pháp chu du lên xứ  sở thần linh…[11,tr.330]. Quá trình thoát xác xảy ra lúc Then ngồi bỗng rùng mình mấy cái, tay cầm chùm xóc nhạc rung rung rồi rơi vào trạng thái estasy- ảo giác ngây ngất.
Cùng với đàn tính, chùm xóc nhạc thì hát Then là môi trường để Then múa các động tác khi thoát hồn. Trên toàn bộ 5 tỉnh Việt Bắc mỗi vùng đều sử dụng hệ thống làn điệu riêng:
- Lạng Sơn: Giải hạn, Cáp tơ hồng, Tiển cổm, Pây sử.
- Cao Bằng: Pây Sử, Kỳ Yên, Cái cấu cầu Bjoóc, Hỉn ẻn.
- Bắc Kạn: kẻn Bjoóc, Khảm hải, Kỳ yên, Cái cấu cầu hoa, Hỉn ẻn, Bách điểu.
- Tuyên Quang: Lẩu luông.
- Hà Giang: toàn bộ các làn điệu trong Lẩu Then.
Hệ thống làn điệu này không cố định, phần lớn tuỳ theo ông bà Then sử dụng vào trình tự cuộc lễ, ví dụ như ở Thất Khê- Lạng Sơn ngoài các làn điệu trên còn có: điệu Cống sử dùng trong lễ cúng trẻ em, Tò mạy ở lễ giải hạn, Suôi lừa hát khi Then làm động tác chèo thuyền, Khẩu tu vùa lúc Then đến cung Ngọc Hoàng…ngoài ra còn chia làn điệu làm 2 kiểu:
- Tàng bốc: đi đường trên cạn.
- Tàng nặm: đi đường dưới nước.
Cũng giống như dân ca của nhiều tộc người trên đất nước Việt Nam, phương thức truyền khẩu, tự ứng tác trong hát Then là hiện tượng phổ biến. Mỗi Then đều xây dựng motif- Âm hình giai điệu riêng ngay từ khi bắt đầu bước vào hành nghề, dần dần Then tiếp thu nhiều làn điệu khác nhau mang âm hưởng dân ca nơi Then sống. Điển hình như điệu lượn Then có gốc giai điệu từ lượn cọi- lối hát giao duyên nam nữ tỏ tình.
Cách hát trong Then phần lớn là hát nói (hoặc nói như hát) mang tính tự sự, kể chuyện, mô tả trên nền nhịp điệu không ổn định về tiết tấu. Đây cũng là đặc điểm khu biệt giữa Then Tày và hầu đồng Việt, nguyên do nguồn âm điệu dân ca Tày hiếm gặp cấu trúc giai điệu dí dỏm, nghịch ngợm, tốc độ nhanh, hoạt, rộn rã. Hoàng Tuấn[8] phân định hát Then làm ba dạng dựa theo tính chất biểu hiện của giai điệu:
- Loại cầu khẩn niệm chú.
- Loại giãi bày tâm sự.
- Loại kể lể, mô tả.    
Từ phân loại trên cho thấy hát Then mang đặc tính cầu khẩn, giãi bày, kể lể tạo nên kiểu hành lễ trong màu sắc tối. Thời điểm diễn ra nghi lễ Then chủ yếu trong đêm tối, như vậy Then diễn xướng trong một không gian tối, tất cả đều mang lại cảm giác hư hư thực thực, mờ ảo gợi lên vẻ huyền bí, âm u. Nếu vào ban ngày thì Then thoát hồn trong nhà, tại những nơi ít ánh sáng chiếu vào.
Cây đàn cùng với hát Then là Tính tẩu, một sáng tạo đặc sắc của người Tày lấy chất liệu sẵn có từ môi trường thiên nhiên. Xung quanh sự ra đời cây đàn Tính nhiều huyền thoại, truyền thuyết được thêu dệt, lưu truyền trong dân gian. Tính là âm tượng thanh tính, tình, tang đặt tên cho cây đàn, tẩu nghĩa là quả Bầu chỉ rõ bầu đàn làm từ quả Bầu. Những câu chuyện về sự ra đời đàn Tính lưu truyền khắp mọi nơi trong cộng đồng người Tày như: Pụt Luông- Bụt lớn sai con gái dạy cho loài người biết lượn, làm đàn Tính. Chuyện ông Bế Văn Phụng[9] chế tác đàn Tính phục vụ nhà Mạc trên Cao Bằng. Chuyện về chàng Xiên Câm, người lấy lá cây Dâu từ trên trời về nuôi tằm, xe sợi tạo dây đàn, trồng cây Bầu lấy quả Bầu chế thành bầu đàn, cán đàn sừng đàn làm từ cây khảo hương và cây lý, những loài cây có hương thơm mọc khắp nơi, ra hoa đẹp nở suốt bốn mùa. Các truyền thuyết trên là niềm tự hào của người Tày. 
Dây đàn Tính truyền thống trước đây dùng tơ tằm xe lại, sau đó lấy sáp ong hoặc nhựa củ nâu chuốt đi chuốt lại nhiều lần giúp dây bền và không rè, hiện nay được thay thế bằng dây nilông. Đàn Tính 2 dây lên dây theo hai kiểu quãng: 4 đúng (rê- sol), 5 đúng (đô- sol), nhiều vùng như Bắc Kạn, Lạng Sơn đàn Tính lên dây thấp hơn 1 cung: đô- fa. Còn đàn 3 dây cách mắc khá đặc biệt: giữa dây dưới- rê và dây trên- sol, dây giữa có cao độ thấp hơn một quãng 8 đúng so với dây trên (rê- sòl- sol), hiệu quả tạo nên âm trầm trì tục khi 3 dây cùng vang lên. Tiếng đàn Tính gọn gàng, ấm áp, hơi đục do hộp cộng hưởng vỏ quả Bàu có mấy lỗ thoát hơi nhỏ đằng sau. Về kỹ thuật diễn tấu, người Tày gảy chủ yếu bằng ngón trỏ, các ngón giữa và áp út chỉ có những người đạt tới trình độ tương đối điêu luyện mới sử dụng. Đàn Tính là loại nhạc cụ của nghi lễ cầu cúng do đó ngày trước ít xuất hiện trong sinh hoạt hát dân ca.
Đồng hành với hát Then, đàn Tính là chùm xóc nhạc- Miạc gồm nhiều quả nhạc nhỏ ghép lại, nối với nhau bằng các vòng tròn bằng sắt hoặc bằng đồng. Xét nguồn gốc ra đời, Hoàng Tuấn[8] đưa ý kiến rất đáng chú ý, Miạc xuất hiện gắn liền với động tác nhảy múa thời nguyên thuỷ, xuất xứ ban đầu là các chùm quả khô bên trong có hạt nhỏ đeo xung quanh người, trải theo thời gian dần biến đổi thành chùm xóc nhạc như ngày nay. Trong nghi lễ hát Then, chùm xóc nhạc tượng trưng cho những chiếc vòng lục lạc trên cổ ngựa, khi chạy phát ra âm thanh nghe réo rắt, do đó Miạc có tên khác là Xáu mạ, nghĩa đen là nhạc ngựa. Nghề Then coi chùm xóc nhạc như con ngựa thiêng được ông bà Then cưỡi dẫn đoàn quan quân lên thiên giới. Giọng hát, đàn Tính, chùm xóc nhạc vang lên tạo thành tổ hợp âm sắc gây ấn tượng đặc biệt, người Tày tin rằng đó là sự tổng hoà các thứ tiếng có trong trời đất qua mối quan hệ biểu tượng: thiên- địa- nhân. Đàn Tính do tiên trời ban cho, chùm xóc nhạc như đoàn âm binh dưới đất, và giọng hát đại diện cho người cùng muôn loài trên dương gian. Về âm nhạc, Miạc luôn tạo nên các nhóm tiết tấu khác nhau, dẫn dắt tiếng đàn điệu hát nhịp nhàng, ổn định, sự kết hợp không cố định giữa các quả nhạc xóc khi rung, lắc tạo âm thanh đa chiều, có màu sắc riêng không lẫn lộn với bất cứ nhạc cụ tự thân vang nào khác.
Cùng với âm nhạc (đàn Tính, chùm xóc nhạc, giọng hát) không thể không nhắc tới trang phục Then, nổi trội và đặc trưng nhất trong nghi lễ cấp sắc Lẩu Then. Màu sắc quần áo then mặc chủ yếu dùng các gam màu nguyên tông như: đỏ, vàng, tím, trắng, chàm, khác hẳn với kiểu phối màu của hầu đồng người Việt. Mỗi màu Then mặc đều ứng với từng vị thần linh, do đó trong một buổi lễ Then phải thay đổi y phục nhiều lần, đây là ước định giúp Then phô diễn hết khả năng trong mỗi hình thức nghi lễ nhất định. Tính thuần nhất về màu phân biệt rõ ràng giữa Then và người bình thường trong ăn mặc sinh hoạt hàng ngày. Lễ phục Then mặc kết hợp với không gian nghi lễ đã hình thành nên một sân khấu dân gian rực rỡ sắc màu, ở đó Then đóng vai chính toàn bộ buổi biểu diễn. Sự sắp đặt trình tự lễ theo quy trình thời gian được Then chuẩn bị chu đáo. Đó chính là những nghệ nhân trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc, sản phẩm kết tinh từ văn hoá Tày kế thừa toàn bộ di sản truyền thống, tự thân phát triển tới trình độ ngày càng hoàn thiện hơn. Trải qua thời gian, những nghệ nhân Then đã phát huy tối ưu kinh nghiệm, hiểu biết nghề Then, được cộng đồng chấp nhận như người ưu tú, tiêu biểu cho phức hệ tín ngưỡng Tày.
5. Tạm dừng nội dung- thay cho lời kết
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Then Tày, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá dân gian, dân tộc học, ngữ văn. Nhưng về âm nhạc học nói chung và âm nhạc tộc người nói riêng từ trước đến nay không nhiều, có thể nêu một số nhà nghiên cứu tiêu biểu: GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Thuỵ Loan, nhạc sĩ Hoàng Tuấn, nhạc sĩ Nông Thị Nhình…tất cả đều xuất phát từ nhận thức độc lập, say mê với làn điệu dân ca vùng, miền. Tác giả viết bài này chỉ mong muốn tìm tòi, suy ngẫm những thành quả đã đạt được của nhiều người đi trước. Bởi âm nhạc tộc người ở Việt Nam vẫn là mảnh đất luôn thu hút nhiều sự quan tâm hơn, cần nghiên cứu sâu và có hệ thống.
Then Tày ẩn chứa đa phức thể nguyên hợp, định dạng nghiên cứu Then từ nhiều lĩnh vực khác nhau góp phần giải mã hiện tượng Then, hình thái văn hoá- tín ngưỡng- nghệ thuật tiêu biểu của người Tày, từ đó góp phần sáng tỏ các phương thức diễn xướng dân gian của nhiều tộc người khác trên đất nước Việt Nam.

 Trần Hoàng Tiến