Phong tục Tiền Thách Cưới - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Wednesday, September 2, 2015

Phong tục Tiền Thách Cưới

phong tục cưới hỏi
phong tục cưới hỏi
Trong quan niệm cưới xin từ xưa của người Việt, trước lễ ăn hỏi, nhà gái thường yêu cầu nhà trai sắm sửa mâm quả, kèm theo tiền lễ vật, gọi là tiền thách cưới, tất cả sẽ được trao cho nhà gái trong lễ ăn hỏi. Tùy theo từng gia đình, từng địa phương mà số tiền lễ vật này ít hay nhiều, là số chẵn hay số lẻ. Nhiều gia đình cô dâu không biết thách cưới bao nhiêu cho đủ. Một số khác lại gây ra sự bất đồng cho hai nhà khi thách cưới quà nhiều, khiến nhà trai coi đây như gánh nặng.

 Cô dâu tương lai Hà Quyên chia sẻ với chúng tôi: "Mới đây hai gia đình chúng mình đã gặp nhau để định ngày và kế hoạch cho đám cưới. Sau khi thống nhất, bố mẹ mình định thách cưới nhà trai 20 triệu tiền mặt, 5 cây vàng. Mình thì thấy như thế rất nhiều, vì nhà người yêu mình chỉ thuộc tầm trung, bố mẹ công chức. Nếu bây giờ lo liệu đủ tiền thách cưới thì sẽ không còn dư dả để tổ chức đãi tiệc nữa. Bố mẹ mình thì bảo thách cưới như vậy là bình thường. Vậy làm sao thuyết phục bố mẹ để hai người giảm bớt yêu cầu bây giờ?".

Để trả lời cho câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về số tiền thách cưới của nhà gái yêu cầu nhà trai. Vốn dĩ nhà trai tặng tiền cho nhà gái mang ý nghĩa đóng góp, chi trả cho tiệc đãi khách của nhà gái. Cũng không có quy định nào chỉ rõ số lượng tiền thách cưới mà số tiền ít hay nhiều phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của hai bên.

Với miền Bắc, số tiền thách cưới còn được gọi là lễ đen. Nhà gái thường yêu cầu 3 phong bì lễ đen, trong mỗi phong bì sẽ để tiền với số lẻ như 1-3-5 triệu đồng hay 15 triệu đồng hoặc hơn. Còn gia đình miền Nam thường thách cưới bằng số chẵn, như 10-20 triệu đồng.

Nếu bạn và chú rể đã bàn bạc, thấy số tiền thách cưới là nhiều quá khả năng, thì bạn nên khéo léo thuyết phục bố mẹ, để phụ huynh giảm bớt yêu cầu. Ngoài ra, lễ ăn hỏi, lễ cưới cũng nên giản tiện, không nên tổ chức lớn, mời nhiều khách, chi phí cao.

Đây là việc khá tế nhị, đôi khi có thể làm hai gia đình bất đồng, nhiều đám cưới cũng bị hoãn hoặc hủy bỏ do hai nhà không thông cảm và đồng thuận với nhau. Bạn nên để cha mẹ hiểu rằng, nếu tiền thách cưới vừa phải, phù hợp với khả năng của nhà trai thì bạn về làm dâu sẽ càng dễ dàng, được bố mẹ chồng thấu hiểu hơn vì đám cưới đã diễn ra suôn sẻ.

Vì không có quy định cụ thể về số tiền thách cưới, uyên ương nên là cầu nối giữa hai nhà, hoặc hai gia đình thẳng thắn trao đổi, tìm ra quan điểm chung nhất.


Share with your friends