Bà con dân tộc Khmer Nam Bộ đang tưng bừng đón cái Tết cổ truyền sum vầy với phong tục, tập quán đa dạng, phong phú.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (hay còn gọi là Tết chịu tuổi) của đồng bào dân tộc Khmer năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16- 4.
Từ xưa, đồng bào dân tộc Khmer vẫn quan niệm, đây là thời kỳ chuyển giao giữa 2 mùa mưa - nắng; cây cỏ tốt tươi, thiên nhiên căng đầy nhựa sống, nên họ đã coi đây là điểm khởi đầu của một năm mới.
Người dân Khmer chuẩn bị hoa, quả và nấu bánh để đón Tết cổ truyền của dân tộc mình
Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, công việc ruộng rẫy của đồng bào dân tộc đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thăm viếng nhau. Bà con cũng trang hoàng nơi ăn chốn ở, giúp nhau chuẩn bị gạo nếp để xay bột, đậu các loại, lá chuối, lá dừa… để làm các loại bánh, như: bánh tét, bánh ít,… Tất cả được gói cẩn thận để cúng Phật, ông bà tổ tiên và để tiếp khách trong những ngày Tết.
Đồng bào Khmer tổ chức lễ tiễn Tevôđa cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần
Vào chiều của ngày cuối cùng năm cũ (13-4 dương lịch), người Khmer tổ chức lễ tiễn Tevôđa (Chư Thiên) cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần. Người Khmer tin rằng Tevôđa chính là vị Chư Thiên ngự ở tầng trời, được thần Prés-anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần gian để chăm lo cho dân chúng và muôn loài trong một năm, hết năm lại đưa các vị khác xuống thay thế.
Những ngày sau đó, nhà nhà sẽ đi viếng lễ chùa, quây quần bên nhau chúc Tết. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây sẽ kết thúc vào 12 giờ đêm ngày 16-4 bằng lễ tắm Phật tại chùa (hay còn gọi là lễ té nước) và lễ cầu an cho năm mới.
Vui chơi, nhảy múa trong những ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ
Bà Thạch Thị Nữ (ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Dịp Tết Chôl Chnăm Thmây này, bà con được địa phương quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần qua việc vận động các mạnh thường quân, các hộ có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo là dân tộc Khmer. Vì vậy, hầu như các hộ nghèo đều được đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ, lành mạnh.
Đông Bình (sưu tầm)