Đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ thu hoạch vụ mầu.
Người Thái Đen vào Việt Nam từ khá sớm, theo các nhà khoa học thì ngay từ đầu thế kỷ XI họ từ Vân Nam Trung Quốc qua Mường Ôm, Mường Ai vào định cư tại cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái) rộng thứ hai tại khu vực Tây Bắc và từ đó tỏa đi khắp nơi và phát triển thành cộng đồng dân tộc Thái Đen lớn mạnh có mặt ở nhiều nơi ở Việt Nam như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa và phát triển tới các quốc gia láng giềng khác như Lào, Thái Lan.
Cộng đồng người Thái là một trong những dân tộc có trình độ phát triển từ khá sớm từ tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư cho tới trang phục, ẩm thực, kiến trúc và đặc biệt là trong canh tác nông nghiệp lúa nước với các tri thức, kinh nghiệm dân gian và trình độ kỹ thuật canh tác đạt tới kỹ thuật cao. Cho tới ngày nay các kỹ thuật đó đang phát huy hiệu quả trong canh tác nông nghiệp tại các cánh đồng ở Tây Bắc như Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc.
Trải qua quá trình di thiên và định cư lâu dài tại mảnh đất Mường Lò, đã tạo ra cho người Thái Đen một hệ thống các tri thức bản địa quý giá trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp với các luật tục trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn giống quý hiếm để phát triển nông nghiệp bền vững như hiện nay.
Qua nhiều thế hệ, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, đồng bào dân tộc Thái đã biết xây dựng hệ thống thủy lợi với mương – phai – lái – lin là một trong những kỹ thuật đạt tới trình độ cao nhất, sớm nhất và rất chuyên nghiệp trong canh tác lúa, đây là một trong những thành tựu đáng kể trong của người Thái đen. Với công cụ thủ công là dao và xẻng, họ đã đào hệ thống mương dẫn nước dài hàng chục cây số để dẫn nước về khắp các ruộng lúa trong vùng. Cùng với mương là phai, hệ thống đập làm bằng tre và đá ngăn nước từ suối dâng lên cao chảy vào các mương đưa nước tới ruộng. Để chia nước vào các ruộng là các lái (mương nhỏ) và lin (ống dẫn nước bằng cây bương, cây vầu tới từng thửa ruộng) dẫn nước tới từng chân ruộng để ruộng nào cũng đủ nước cho lúa phát triển ổn định trong chu kỳ. Nhờ hệ thống này mà canh tác nông nghiệp của người dân được chủ động và hiệu quả, không còn phụ thuộc vào thời tiết, vào trời như trước đây.
Các tri thức bản địa về canh tác lúa nước phong phú đã làm cho nền nông nghiệp lúa nước của người Thái đen phát triển tới đỉnh cao như ngoài kỹ thuật dẫn thủy nhập điền người dân còn biết đốt rạ lấy tro tăng màu cho đất, các kỹ thuật kết hợp thả bèo tấm, nuôi cá trong ruộng với trồng lúa mang lại thu nhập cao cho người dân từ nguồn cá thu được, bên cạnh đó bèo tấm giữ ấm cho chân lúa vào mùa đông, cá thả trong ruộng giúp lớp bùn luôn được sục lên giúp khoáng chất và các chất hữu cơ trong bùn. Phương pháp chọn ủ và làm phân xanh thay cho các loại phân hóa học như ngày nay là một tiến bộ của đồng bào Thái, vừa phát triển được cây lúa đồng thời bảo vệ được nguồn nước, bảo vệ được môi trường trước tác động của các chất hóa học giúp phát triển nông nghiệp “xanh” và bền vững.
Không những thế, đồng bào còn có các kinh nghiệm trong việc lựa chọn các loại giống tốt có năng xuất cao, chất lượng tốt và cho năng xuất cao để làm nguồn giống phụ vụ lâu dài, yếu tố chọn giống được người dân lựa chọn rất kỹ và sàng lọc qua nhiều giai đoạn, nhiều năm để trở thành giống đặc trưng của vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ.
Kỹ thuật cải tạo đất không chỉ sử dụng phân xanh, tro… mà họ còn biết thay đổi nguồn nước, lấy những nguồn nước có hàm lượng khoáng chất cao từ những kinh nghiệm dân gian để thay đổi liên tục giúp cho lượng phù sa và khoáng chất được bổ sung liên tục cho ruộng lúa của đồng bào.
Bên cạnh các tri thức dân gian đó, thì việc kết hợp với các luật tục và các lễ hội trong sản xuất nông nghiệp đã tạo cho người Thái có một môi trường canh tác hoàn hiện một cách tổng thể. Họ có những luật tục quy định rất chặt chẽ trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ mùa màng được ghi trong luật tục Thái của mường, của bản và có những chế tài cụ thể để xử lý những hành vi vi phạm của người dân ảnh hưởng tới cộng đồng.
Cùng với các tri thức bản địa, luật tục là hệ thống các lễ hội dân gian liên quan tới sản xuất lúa nước của người Thái đen, tạo lên một vùng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú đa dạng thể hiện bản sắc riêng biệt và sự giàu có trù phú của người dân nơi đây. Các lễ hội như lễ hội “xên đông” lễ hội bảo vệ rừng đầu nguồn, giúp gìn giữ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, “lễ hội nước” yếu tố nước với văn hóa sinh sống gắn liền với nguồn nước (người Thái ăn theo nước), lễ cúng ruộng “tám tế na”, lễ cúng vía trâu “tám khuôn quai”, tết síp xí… là những nghi lễ gắn liền với sản xuất nông nghiệp của người dân vùng Mường Lò.
Ngày nay, trong trong sự phát triển mạnh mẽ với những tác động tiêu cực mặt trái của khoa học kỹ thuật như việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, phân hóa học… đã làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, giảm sức kháng bệnh của các giống lúa đã tác động mạnh mẽ tới đời sống người dân, làm mất khả năng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc bảo tồn và khai thác, phát huy các tri thức bản địa của người Thái đen là một trong những giải pháp hữu ích để bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát triển các sản phẩm nông nghiệp truyền thống có chất lượng cao và tốt cho sức khỏe là xu hướng tốt trong tương lai. Bên cạnh đó, việc phát huy các luật tục và các lễ hội nông nghiệp của người Thái trong phát triển du lịch sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân, xây dựng phát triển tốt thương hiệu gạo Mường Lò, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc Thái Đen là hướng đi tích cực vừa bảo tồn các di sản văn hóa cộng đồng dân tộc Thái của Việt Nam nói chung và người Thái Đen ở vùng Mường Lò- Nghĩa Lộ nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực và vùng miền./.