Nhà tạm bên ngoài để cúng bố mẹ vợ của người Thái (Lai Châu)
Tục cúng họ ngoại vào dịp Tết Nguyên đán của dân tộc Thái không chỉ là nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đậm nét văn hóa độc đáo, mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn giáo dục con cháu nhớ về nguồn cội.
Với 100% dân tộc Thái sinh sống, bản Pom Bó, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá tinh hoa được truyền nối nhiều thế hệ. Trong đó phải kể đến phong tục thờ cúng họ ngoại ngày tết.
Đến đây, du khách sẽ nhìn thấy quanh các nhà sàn thường có những nhà nhỏ mô phỏng hình dáng nhà sàn nhỏ ở gần nhà ở của các hộ gia đình. Đó là nơi dân tộc Thái thực hiện lễ cúng họ ngoại. Người Thái quan niệm khi con gái Thái đi làm dâu nhà chồng khi bố mẹ đẻ đã mất thì phải làm nhà “bé” ngoài góc vườn hay đầu bản. Bởi vì nhà sàn là nơi ở và thờ cúng tổ tiên bên nhà chồng nên hồn, tổ tiên bên nhà vợ không thể vào nhà sàn được (không gian không thể xâm phạm được tính từ giọt danh mái nhà sàn). Vì vậy, người Thái đã có tục làm nhà “bé” để cúng họ ngoại với ý nghĩa sâu xa là để tưởng nhớ tới công ơn sinh thành, nuôi dưỡng.
Về sự tích cúng nhà bé, theo lưu truyền của người Thái: “Ngày xưa các bà mẹ người Thái luôn gần gũi khuyên dạy con cái chăm ngoan, giữ gìn phẩm hạnh đạo đức của người phụ nữ. Con gái đã đến tuổi trưởng thành không được gần bạn trai, sẽ đau khổ. Một hôm con gái tò mò thử nghiệm thấy không như lời mẹ nói, cho rằng mẹ dạy sai nên làm nhà nhỏ 4 cột cho mẹ ở. Từ đó người Thái mới có tục làm nhà bé thờ cúng họ ngoại”.
Nhà bé được dựng bằng 4 cột như ngôi nhà sàn nhỏ thu hẹp: nếu ông hoặc bà mất thì nhà bé chỉ lợp một mái. Còn cả ông bà đều mất hết thì nhà bé lợp hai mái. Nhà được đan bằng tre hoặc nứa và cũng phải đan mô phỏng thang cho nhà bé để tổ tiên bước lên nhà sàn giống như nếp sinh hoạt khi còn sống.
Lễ cúng họ ngoại chỉ được làm vào ngày tết, bắt đầu từ ngày mùng 2 tết Nguyên đán đến hết tháng giêng âm lịch. Khi cúng xong, nhà bé cứ để đó quanh năm, dù xiêu vẹo dột nát cũng không được đụng vào cho đến khi năm hết tết đến mới được sửa sang hoặc dựng lại.
Trong ngày cúng ở nhà bé cũng là dịp con cháu nội ngoại hai bên ở riêng mang lễ đến để thắp hương. Các món ẩm thực truyền thống như: cá nướng, cá muối, rau, củ quả đều là cây nhà, lá vườn. Đây cũng là dịp gia chủ mời anh em họ hàng bản trên, mường dưới đến thăm, chúc tụng nhau, ngồi quây quần cùng con cháu cùng nâng chén rượu chúc cho cụ già sống lâu muôn tuổi, chúc cho trẻ nhỏ có thêm tuổi mới, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, bản mường yên vui.
Phong tục của dân tộc Thái năm nào cũng vậy, tết là phải có lợn, gà, có đầy đủ các đồ lễ. Đàn ông thì cúng giỗ tổ tiên, còn đàn bà thì cúng nhà bé. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng có từ ngàn đời xưa được lưu giữ trong mỗi gia đình người Thái.
Tục cúng họ ngoại ngày tết dân tộc Thái là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của cộng đồng 20 dân tộc tỉnh Lai Châu.