(Cinet - DTV) – Chá Chiêng là lễ hội tín ngưỡng của dân tộc Thái (Hòa Bình) do ông Mùn lớn - người có uy tín trong cộng đồng người Thái tổ chức.
Cứ ba năm, ông Mùn lại tổ chức lễ tạ ơn Then Luông và các then khác trên Mường Trời. Lễ vật dùng cho việc này đều do các con nuôi, con ruồng (lục liểng, lục nà) - những người đau ốm được ông Mùn cúng khỏi trở thành người con phụ thuộc vào thầy Mùn đóng góp.
Địa điểm tiến hành lễ thường là ngôi nhà sàn của chính ông Mùn. Ngày đó, ngôi nhà được trang trí sặc sỡ bằng những tấm vải thổ cẩm. Chính giữa nhà đặt cây hoa chá - cây hoa trung tâm của lễ hội. Tham gia vào cuộc lễ gồm có: ông Mùn luông chủ lễ, ông Mùn lam, ông nhồm (phụ trò), ông thổi pí mùn, các con nuôi và đông đảo dân chúng.
Cây hoa chá được làm bằng cây tre, đục nhiều lỗ để cắm các cành hoa do các con nuôi làm và mang đến. Hoa được làm bằng thân cây mềm, xốp gọt nhiều cánh và nhuộm nhiều màu. Cây được phân ra làm hai tầng: tầng cao nhất là tầng của trời, tầng chủ lễ; tầng dưới là tầng của trần gian treo những vật đan kết bằng sợi lạt tre, nứa tượng trưng cho vạn vật trên mặt đất như ếch, nhái, ve sầu, chim, cá, quả trứng, cái bừa, khung cửi, cái trống, con dao… biểu tượng cho sự sống sinh sôi nảy nở ở trần gian.
Mâm cỗ cúng đặt trước bàn thờ, gồm có một con gà luộc, gói xôi, quả trứng, cuộn vải trắng, vòng đeo tay bằng bạc, đĩa trầu cau, thanh kiếm và các đồ cúng khác của ông mo.
Ông Mùn luông chủ lễ, ông Mùn lam, ông nhồm (phụ trò), ông thổi pí mùn, các con nuôi tiến hành lễ
Lễ hội Chá Chiêng diễn ra hai ngày một đêm. Ngày thứ nhất, ông Mùn luông cúng xôi phát hạn ho xin phép trời được hành lễ chá và cho phép thuật được nhập vào Mùn luông. Lễ này gọi là lễ “pồn cốn pời mường”. Ngày hôm sau, ông Mùn luông bắt đầu hành lễ, những người khác phụ giúp việc nhà… Sau mo này mới được phép mổ lợn và các con nuôi dâng cỗ. Ông mùn làm lễ “an pàn kháu” điểm mâm cỗ các con nuôi. Nhiều trò chơi cùng lúc hòa nhịp với lời mo: múa kiếm, múa khăn dập bóng bu… Các con nuôi hòa vào cuộc múa của thầy mùn đóng vai các ma (phi), các loại người như người mù, người què, mẹ Mường (mẹ trời sinh ra con người), kẻ trộm cắp, kẻ tham ăn, nàng Sen Bèn (thần ái tình), trai Lào, khách buôn, người bán v.v… diễn tả các động tác lao động như cưỡi voi, phi ngựa, dắt trâu, dệt vải, hái nấm, xúc cá, đắp bai, làm mương, cày, bừa, cấy, gặt v.v…
Biểu diễn các điệu múa trong lễ hội
Sau những phần diễn trên là phần hát nhặt hoa. Hát nhặt hoa là hát đoán số mệnh các con nuôi, do ông mùn hát. Hát mo tiễn Mường Then về trời được coi là phần kết thúc lễ hội. Ông mùn luông cầm con gà trống mào đỏ rực vừa đi vòng quanh cây hoa vừa hát. Hát dứt một chặng mo, Mùn luông lại cất lên một tiếng gà gáy “càng lế ốc” báo hiệu đường lên trời bước sang ngày mới.
Cuối cùng, ông Mùn luông hát lời mo gọi vía cho tất cả mọi người dự hội. Quan niệm cho rằng, khi dự lễ chá, người có vía “non” thường “rơi vía”, sinh ra ốm đau nên ông mùn phải gọi vía trở lại với mọi người, mong mọi người luôn khỏe.
Lễ hội Chá Chiêng của đồng bào Thái tỉnh Hoà Bình mang ý nghĩa cộng đồng đã tạo được không khí náo nức và phấn chấn cho mọi người trong bản, trong mường. Ngày nay, với sự tiến bộ về y học nên việc chữa trị bệnh của ông Mùn không còn tồn tại nữa mà nó chỉ còn là di sản văn hóa tâm linh, còn những nhịp điệu của lễ hội Chá Chiêng cũng đã dần trở thành nét đặc trưng trong vũ điệu dân gian của đồng bào Thái nói chung và của đồng bào Thái Mai Châu (Hoà Bình) nói riêng.