Hoả táng là tục lệ đã có từ ngàn xưa của người Thái Đen. Họ tin rằng khi thi hài được “tắm rửa” bằng lửa, linh hồn sẽ lên được mường trời, tiếp tục “sống” trong một thế giới khác.
Nghi lễ ma chay và các tập tục liên quan đến ma chay của người Thái đen ở Tuần Giáo-Điện Biên là một trong những nét văn hoá của dân tộc phản ánh quan niệm về tôn giáo tín ngưỡng, tập quán địa phương và mối quan hệ giữa con người với con người. Một đám ma thông thường diễn ra theo các trình tự sau:
Khi trong nhà có người tắt thở, người nhà phải tắm rửa bằng nước thơm và thay quần áo cho người chết. Nước thơm dùng để tắm cho người chết thường được đun lên và cho một ít hoa thơm có trong gia đình như: hoa bưởi, hoa ban… Người Thái cho rằng dùng nước có ướp các loại hoa trên sẽ có mùi thơm dịu và có tác dụng khử các mùi hôi tanh. Người ta gội đầu, chải, búi tóc và thay quần áo cho người quá cố. Đối với nhà nghèo, đồ thay cũng chỉ là những bộ quần áo hàng ngày, còn đối với gia đình giàu có thì đồ thay được chuẩn bị từ trước. Thông thường, người ta sẽ mặc theo thứ tự áo trắng ở trong, áo đen ở ngoài. Tiếp đó người ta đặt người quá cố xuống đệm và lấy vải trắng cuốn quanh người, vải đỏ phủ lên trên. Lấy một ít đồng bạc trắng cho vào tay người chết, làm như vậy khi lên trời họ sẽ có chút tiền để tiêu.
Sau đó người nhà sẽ mổ một con vịt, chặt đầu, hai cánh và hai chân buộc lại rồi để cạnh người chết, nếu để lâu họ thường treo gác bếp. Với quan niệm khi người chết lên trời sẽ phải đi qua sông và tiếng kêu của con vịt sẽ giúp đưa đường cho người chết qua sông để mau lên trời về với tổ tiên.
Sau đó người nhà sẽ mổ một con vịt, chặt đầu, hai cánh và hai chân buộc lại rồi để cạnh người chết, nếu để lâu họ thường treo gác bếp. Với quan niệm khi người chết lên trời sẽ phải đi qua sông và tiếng kêu của con vịt sẽ giúp đưa đường cho người chết qua sông để mau lên trời về với tổ tiên.
Sau khi làm xong các thủ tục trên, người nhà sẽ gọi người chết một lần nữa xem còn sống không. Nếu không thưa thì họ ra sân trước nhà kêu thật to: “Trời ơi! Bố (mẹ) tôi chết rồi”, khi đó những người trong gia đình mới được khóc.
Trong đám ma, người Thái đen quan niệm: họ hàng gần xa với tang chủ chia làm hai loại. Một loại được mang khăn tang (bả hua đón) và một loại không mang khăn tang (bả hua đăm) Trong số “bả hua đón”, người ta cử ra 3 người làm “po pả” (chủ đám tang). Hiện nay, chủ đám tang thường là Trưởng bản. “Po pả” sẽ phân công công việc cho mọi người. Một số đi bắt rể gốc (khươi cốc), rể thứ về chịu tang. (Khươi cốc: thông thường trước khi qua đời, người ta sẽ chọn cho mình trong số các con rể một người làm nhiệm vụ đưa đường. Nếu không kịp chọn thì sẽ cử ra một trong số các con rể mà người quá cố yêu quý nhất).
Trong đám ma của người Thái đen thì Khươi cốc có nhiệm vụ rất quan trọng như làm cơm phục vụ những người đến viếng, đọc số “pắp sống” (sổ đưa ma), bàn giao tài sản cho người chết…
Trong đời sống hàng ngày, người quá cố ngủ ở đâu thì khi chết, thi thể họ sẽ được đặt ở chỗ đó. Người ta khâm liệm cho người chết dưới xà ngang giữa hai cột cái trong nhà, đó là cột “khau hẹ” và “khau chảu xửa”. Theo quan niệm của người Thái đen, ma nhà trú ngụ trên xà ngang đó, khâm liệm ở đây để ma nhà biết mà đi. Trước khi đặt người chết vào quan tài, mỗi con dâu phải có một đôi khăn mặt (một chiếc màu trắng, một chiếc màu đỏ) để phủ mặt người chết. Tiếp theo, con cháu lấy chuôi dao gõ mạnh vào cột “chảu xửa”. Dưới gầm sàn nơi liệm người chết, người ta cũng dùng đinh đóng xuống. Trên mái nhà đối diện với nơi đặt người chết, người ta thường dỡ một viên ngói hoặc lấy ngọn giáo chọc thủng. Làm như vậy, người Thái đen cho rằng họ đã mở cửa đất, cửa trời cho người chết về với tổ tiên.
Trong đêm thứ nhất của ngày khâm liệm, mỗi gia đình trong bản đều cử người túc trực ở nhà người chết. Trong đêm này, người ta thường tổ chức thi đánh cờ, đọc truyện cổ tích, truyện dựng bản mường và bài “sống sán” (bài dẫn đường cho người chết lên trời) làm cho không khí bớt phần lạnh lẽo.
Theo người Thái đen, người chết để trong nhà bao lâu sẽ do “lung tà” (người đứng đầu bên ngoại) quyết định. Thông thường họ sẽ tránh chôn người chết vào các ngày: ngày mất của những người trong gia đình và ngày “mừ tấu” (đây là ngày không có gì, nếu chôn người chết vào ngày này thì con cháu ở lại sẽ không làm ăn được). Tuy nhiên hiện nay, để thực hiện theo nếp sống văn hoá, người Thái sẽ không để người chết trong nhà quá lâu.
Theo phong tục, thường trước khi qua đời, người chết đã dặn nên chôn cất ở đâu trong bãi tha ma của bản. Nếu chưa kịp dặn thì con cái hoặc Khươi cốc sẽ chọn. Khi chọn được chỗ ưng ý, Khươi cốc sẽ dọn sạch một khoảng nhỏ bằng chiếc chiếu và làm nghi lễ xin phép thổ địa bằng cách lấy một con gà luộc, một nắm xôi và một chút tro bếp mang theo từ nhà đặt giữa khoảng đất lót lá cây, rồi lấy thanh kiếm cắm trước những lễ vật trên sao cho phía lưỡi kiếm quay về phía mình và khấn những lời xin phép thổ địa trao đất cho người chết. Tiếp theo, Khươi cốc tung hai thanh tre vào lưỡi kiếm. Nếu hai thanh tre rơi xuống một thanh xấp, một thanh ngửa thì việc chọn nơi chôn cất đã xong. Ngược lại phải đi tìm nơi khác.
Trước khi đưa người chết đi chôn, người ta làm nghi lễ từ biệt con cháu, đó là khiêng quan tài đi một vòng quanh nhà, dâng lên hạ xuống ba lần chào con cháu mong ở lại mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Đi đầu là Khươi cốc tay cầm bó đuốc, đeo dao, lưng đeo cờ v.v… Bó đuốc phải được châm lửa từ bếp, trên đường đi nếu bị tắt phải chạy về nhà châm tiếp không được xin người khác. Nếu người khác cho lửa thì hồn của người đó sẽ đi theo người chết. Còn nếu lửa bị tắt phải quay về nhà lấy thì mọi thứ người đó mang theo phải để lại rừng vì sợ ma người chết về theo.
Khi đi đến chỗ chôn, người ta đặt quan tài cạnh miệng huyệt và làm một mâm cơm mời người chết ăn bữa cuối cùng. Mâm cơm thường có xôi, gà và rượu. Trước khi hạ huyệt Khươi cốc cầm đuốc và dao hua trong huyệt để xua đuổi hồn của người khác không cho đi theo người chết.
Sau khi chôn xong sẽ làm nhà mồ. Nhà mồ người Thái đen cao đến thắt lưng được lợp bằng cây cỏ gianh tươi. Ngày nay, nhà mồ thường lợp bằng ngói, không đào rãnh sâu mà thay vào đó họ sẽ rào xung quanh cẩn thận, có cổng ra vào, xung quanh được cắm lá cờ nhỏ, hai bên đầu sàn cắm cờ lớn. Nếu người chết là đàn ông thì nhất thiết phải có thêm cờ lớn, tiếng Thái gọi là “chao phạ” dài khoảng từ 8 đến 12 sải tay. Độ dài của “chao phạ” phụ thuộc vào tuổi và uy tín của người chết. Nếu người chết là nữ còn có một ô màu đen. Thang lên xuống của nhà mồ có số bậc là chẵn. Trong nhà mồ thường có các đồ dùng của người chết như: chiếu, chăn, đệm, gối, “bem” (đồ đựng quần áo)…Ngoài nhà mồ treo đầu, chân, cánh vịt. Xung quanh nhà mồ trồng cây chuối, dứa, sả… Các con cháu dâu mỗi người gom một ít củi nhỏ để trong nhà mồ để người chết có thể dùng củi đó nhóm lửa cho linh hồn bớt cô quạnh.
Sáng sớm hôm sau, người ta phải tổ chức ngay lễ “Au phi khửn hươn” (mời ma người chết về nhà để trở thành ma nhà). Lễ này phải được tiến hành càng nhanh càng tốt vì nếu để lâu người chết bơ vơ giữa rừng sợ ác thần bắt mất. Nghi lễ này phải mời thầy mo đến cúng. Lễ cúng thường có xôi, gà, rượu, thịt…mang ra chỗ chôn cúng, mời hồn người chết về và mang theo một nắm đất nơi chôn người chết. Khi về đến nhà, người nhà sẽ phải mổ lợn cúng lần nữa để nhập hồn người chết vào và đưa lên bàn thờ thờ cùng tổ tiên.
Sau khi hoàn tất các công việc Khươi cốc sẽ tổ chức một bữa cơm để xin lỗi gia đình vì công việc mà Khươi cốc phải đảm nhiệm trong lần này và hứa với mọi người trong gia đình sẽ không có lần tiếp theo.
ThS. Phan Thị Mỹ Bình