Cô gái Thái dệt cửi. Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.
Dân tộc có dân số đứng thứ ba tại Việt Nam (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009) nhưng chỉ chiếm 1.74% dân số cả nước, song người Thái ở Việt Nam lại có khả năng “nói chuyện” với người dân nhiều nước trong khu vực.
Ngôn ngữ thông dụng nhất trong khu vực? Người Thái ở Thái Lan và những sắc tộc nói tiếng Thái – Tày, Thái Kadai ( Tai – Kadai ) thấy được ở nhiều địa phương nam Trung Quốc, phía bắc Việt Nam, Lào, Myanma. Cụ thể là các sắc tộc Tày, Nùng, Thái đen, Thái trắng ở Việt Nam, Choang ở Quảng Tây, Thái Lự ở Xishoangbanna cổ xưa (Síp xong bản nà – có nghĩa là 12 thửa ruộng, theo truyền thuyết đây là vùng Thái cổ sống trên 12 khu vực ruộng đất rộng lớn, rộng bao nhiêu thì không xác định được, hiện từng phần của 12 khu vực này đã thuộc về các quốc gia khác nhau trong vùng tiếp giáp Vân Nam, Lai Châu, Bắc Lào, Bắc Thái, Bắc Myanma. Hiện người Tai lu (Thái Lự, hay người Lự còn sống ở các khu vực này).
Tiếng Nùng gần gũi với tiếng Choang và có nhiều từ ảnh hưởng tiếng Hán, tiếng Tày gần với tiếng Thái cổ và chịu ảnh hưởng của tiếng Việt, riêng tiếng Thái ở Tây Bắc, cũng pha trộn nhiều tiếng Việt nhưng các đơn vị từ còn giữ các sắc thái xa xưa. Tiếng Thái ở Thái Lan tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ và chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn. Từng phần ngôn ngữ Thái vẫn có thể giao tiếp với nhau tùy từng mức độ. Ví dụ người Nùng có thể nói chuyện được với người Tày ( tùy từng nhóm Nùng ) chừng 80%, người Tày có thể nói chuyện được với người Thái ( Việt Nam ) chừng 70%, người Thái ( Việt ) có thể nói chuyện được với người Thái ( Thái Lan nông thôn ) 70%, người Lào có thể nói chuyện với người Thái ( Thái Lan ) đến 90%. Theo Wikipedia mở thì trong 100 quần thể cư dân Đông Á và ( Đông Nam ) thì có đến 30 quần thể cư dân nói tiếng Kadai.
Nhà sàn người Thái tại bản Lác. Ảnh Phan Cẩm Thượng chụp năm 2010.
Những câu chuyện dưới mái nhà
Chiếm lĩnh những cánh đồng rộng và quần cư ven núi, hoặc ven sông, hoặc thành những làng bản trên đồng bằng, sống ở nhà sàn và canh tác lúa nước sớm là đặc điểm chung của các tộc người Thái cho đến nay. Biểu tượng chung thấy được trên các nhà sàn Thái là cái Khau cút có hình gạc chéo trên nóc nhà sàn. Trước đây biểu tượng này vẫn phổ biến ở nhà sàn Thái Tây Bắc ( nước ta ) nhưng hiện nay đã mất dần, ở Thái Lan cái Khau cút biến hình thành hai quầng lửa vươn cao. Người ta cho rằng biểu tượng đó xuất phát từ cây rau dớn vốn không trồng mà mọc có ý nghĩa là sự sống bất tận. Người Tây Nguyên cũng đưa hình rau dớn lên các cột Kut và cột Klao ở các nhà mồ và cùng chung một ý nghĩa.
Người Thái nói chung có tính cách hiền hòa, thích sống yên bình, không tranh chấp, ham vui, ưa nhục cảm, chuộng đời sống tình ái, không thích tích lũy, xây cất kiên cố. Họ có nhiều thành tựu về y học, ẩm thực, trang phục, âm nhạc và có kinh nghiệm tránh xung đột. Những sắc tộc Thái cổ vốn không có tôn giáo nặng nề nào, mà chỉ có những tín ngưỡng thờ thần linh tự nhiên, và linh hồn đơn giản như người Mường. Người Lào và người Thái Lan thì du nhập đạo Phật một cách sâu sắc. Tuy nhiên trước thời kỳ đạo Phật thì Ấn Độ giáo cũng được các vị thủ lĩnh và vua của các tiểu quốc ưa chuộng, cụ thể là một số đền đài Ấn Độ giáo được xây cất ở Sukhothai ( Thái Lan ) cách đây hơn 900 năm. Sau đó Phật giáo chiếm lĩnh toàn bộ nhất là dòng Phật giáo phương Nam, các chùa thờ một bức tượng Phật lớn chính giữa những ngôi đền hình vuông, xung quanh có những tượng Phật nhỏ hơn. Người dân thì đặc biệt mộ đạo và kính trọng các vị sư tăng. Học thuyết nhân quả có tác động lớn lao đến quan điểm sống của người Thái khiến họ luôn hướng thiện.
Nhà sàn người Thái Tây Bắc, nhà sàn người Mường và nhà sàn người Tày có nhiều đặc điểm chung về công năng và mặt sàn, nghĩa là mặt sàn chiếm một diện tích khá rộng trong nội thất ngôi nhà, mái trùm rộng thấp và xa so với cột hiên. Tuy nhiên nhà sàn của người Thái Lan cổ với rất nhiều kiểu dáng lại thiết kế một mặt sàn rộng, có thể có hai cấp như sân chơi, phơi phóng, còn căn nhà lại chiếm diện tích nhỏ có khi chỉ bằng một góc sàn. Đôi khi người ta làm hai căn nhà nhỏ trên mặt sàn rộng kề mái vào nhau, một cái cho bố mẹ già, một cái cho đôi vợ chồng trẻ, còn trẻ con có thể tung tăng trên mặt sàn, hoặc chơi trong hiên. Kho thóc đặc biệt được chú trọng, được làm trên cột cao năm bẩy thước, muốn lên phải bắc thang rất cao, để chống trộm và thú phá hoại. Con thuyền độc mộc dài cũng gắn bó với những ngôi nhà sàn ven sông. Tại trường đại học Chiềng Mai có khu vực bảo tàng kiến trúc Thái cổ rất đẹp với tất cả các kiểu dáng cơ bản. Trong những thời kỳ cổ, các sắc tộc Thái hình thành các tiểu quốc sống chung trong một quốc gia lớn, điều này hình thành từ khắp các vùng Xishoangbanan, Lào và Thái Lan. Sự tách ra của các sắc tộc nói tiếng Thái – Kadai hiện vẫn chưa được giới nghiên cứu nước ta chú trọng kỹ lưỡng, trái lại đôi khi được nhìn như các sắc tộc quá riêng biệt, chẳng hạn như sự gần gũi giữa người Tày và người Nùng, ngay cả người Mường vốn không cùng sắc tộc với người Thái, nhưng đó lại là hai sắc tộc có nhiều quan hệ văn hóa sâu sắc.
Phan Cẩm Thượng 2013
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần