Pơjâo Jrai (Lê quang Lâm) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, March 24, 2016

Pơjâo Jrai (Lê quang Lâm)


(Tìm hiểu hệ thống chamane trong cộng đồng người Jrai
Trước đây Tây Nguyên miền trung Việt Nam thường được biết đến như một vùng rừng thiêng nước độc đầy sơn lam chướng khí, một vùng đất xa lạ, huyền-bí và nguy-hiểm để những ai đã đến đó khi ra đi « đàn ông có chửa đàn bà có râu ». Cuộc sống và phong tục, tập quán của các cư dân trên Tây Nguyên được bao phủ bởi những câu truyện truyền tai đầy ma quái, kinh dị, nhất là chuyện kể về những ông bà « phù thủy » có khả năng gieo rắc bệnh tật, tai ương gây nên cái chết cho người khác. Thực tế những người này là ai ? Từ đâu họ có được khả năng siêu nhiên đó và vai trò của họ trong tổ chức cộng đồng như thế nào 

Quan niệm về bệnh tật ốm đau
Người Jrai và các tộc người khác trên Tây Nguyên (Bahnar, Sêđăng, Êđê…) quan niệm bệnh tật, ốm đau, tai nạn đều do những tác nhân từ bên ngoài cơ thể con người gây nên, hay nói cách khác trong thân thể con người không có mầm mống của bệnh đau. Sự sống mỗi người được ấn định bằng thời gian bơngat tạm trú trong thân xác đó, ngày nào bơngatlìa bỏ thân xác, ngày đó con người sẽ ốm đau và chết sau đó chuyển qua một cuộc sống khác. Những tác nhân khách quan gây nên đau ốm, bệnh tật có thể do thần linh (yang) khi con người vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến họ, hoặc thậm chí do ông bà tổ tiên đã một lầnvi phạm điều cấm kỵ  hay mắc nợ yang một của lễ chưa hoàn trả nên con cháu phải trả. Hồn ma (atâo) những người đã chết, nhất là những người chết dữ, chết vì tai nạn, chết trong khi sinh đẻ (djai rơyĭ rơyăng) cũng có thể gây nên những điều xui rủi, bệnh tật cho con người.
Những xúc phạm phong tục truyền thống, sự gian lận không công bằng cũng là nguyên nhân của bệnh đau…Người Jrai tin rằng ai có bệnh lở loét ngoài da là do người đó hoặc ông bà đã thẳng tay phạt vạ một người ruột thịt của mình và đã ăn, sử dụng của đền phạt đó. Bơngatcon người thường ra khỏi thân xác để rong chơi khi thân xác ngủ và những gì bơngatgặp trong thời gian đó trong thế giới vô hình là tình tiết của giấc mơ. Trong những lần xuất thân, nhiều khi bơngat bị các thần linh hoặc hồn ma bắt giữ không quay về được, vì thế thân xác bị yếu, bệnh và nếu bơngat đi lâu không về người đó sẽ bị chết hoặc bị té cây hôn mê, bị té xuống nước bơngat cũng thoát ra ngoài cần phải gọi về.
Ngoài những nguyên nhân trên, người Jrai tin bệnh tật còn được gieo rắc bởi những pơjâo (Êđê : mơjau. Mnong : Nyau, Rơngao : bơjau. Bahnar : bơjau) người ngoài cộng đồng Tây Nguyên thường gọi họ là « phù thủy », « thầy bùa, thầy ngải » với những khả năng « thư, ếm, bỏ bùa… », chuyên làm hại người khác hoặc làm theo ý của khách hàng ám hại tình địch hoặc bỏ bùa mê, bùa buôn bán, bùa yêu đương.

Pơjâo
Thật ra có rất nhiều người lầm lẫn  pơjâo děng với mơnuih thâu băng (người biết thư ếm).
Người Kinh trên Tây Nguyên gọi loại người thứ hai là « thư ếm, bỏ bùa, thầy ngải ». Theo lời kể của nhiều người bản địa, muốn có khả năng băng con người phải tìm thầy để học. Thầy dạy băngcũng là con người và chính ông ta cũng tìm học nơi người khác. Theo lời kể lại khi đã học, người biết băng có thể tấn công một người khác từ xa, « bắn » vào họ một mầm bệnh vô hình để giết chết người đó. Băng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng các cộng đồng tộc người sống trên Tây Nguyên. Trong những lần uống rượu tập thể, người Jrai thường có thói quen bịt chặt đầu cần hút lại sau mỗi lần ngưng uống, họ làm thế vì sợ trong đám đông có người biết băngmuốn ám hại họ sẽ thừa cơ bắn vào cần hút rượu. Người ta kể lại rằng ông Nhik ở làng Plơi Jut đi uống rượu lễ bỏ mả, khi ông đang hút rượu bổng cần hút bị vỡ bể, ông bàng hoàng im lặng bỏ về nhà, mấy hôm sau ông ta ốm liệt giường, ho ra máu và chết. Người trong làng nói ông bị băng.
Theo truyền thuyết người biết băngcòn có nhiều khả năng ma thuật thần bí như biến vật này thành vật khác, chế tạo ra nhiều loại bùa ngải (bùa yêu, bùa buôn bán…). Theo lời kể, người Bahnar ngày xưa biết băng nhiều và giỏi hơn những cộng đồng khác. Ông Inh ở làng Kon Rơbang vùng Kontum có thể biến thành con cá trê khi bơi trong nước. Ông ta có thể biến chiếc khố thành con trăn, thổi lá tranh thành con bướm...
Pơjâo không thể trị hết bệnh của người bị băng, hay đúng hơn nguyên nhân của căn bệnh này do con người gây nên, không phải do thần linh hoặc hồn ma, sự kiện này vượt ra ngoài khả năng và lãnh vực hoạt động của pơjâo.
Người ta không gọi người biết băng là pơjâo, sự nhầm lẫn giữa những sự kiện và hậu quả trên đã khoác cho pơjâo Jrai một khuôn mặt hung ác, tàn nhẫn, huyền bí. Họ bị coi như một ác nhân chuyên gieo rắc sự chết chóc.
Để trở thành một pơjâo.
Người Jrai kể : Hôm ấy bà Nơm mang gùi chứa đầy những quả bầu khô đi kín nước như mọi ngày. Đang dùng lá lau chùi những quả bầu thình lình bà thấy có con heo trắng nhỏ chui ra từ nguồn dòng nước. Nhìn quanh không thấy ai, hỏi ai cũng không nhận là heo mình, bà Nơm bế chú heo con về nhà nuôi. Bà rất buồn vì heo không chịu ăn, cho gì cũng không ăn. Sáng hôm sau bà thấy chú heo con liếm cát dính chung quanh đáy gùi một cách thích thú. Bà Nơm ra suối xúc cát về bỏ vào chuồng, chú heo con lao tới ăn ngon lành. Con heo trắng lớn rất mau, không đầy một con trăng nó đã to bằng con bò một em (bò tơ có một đứa em sinh sau). Năm ấy làng bà Nơm tổ chức cúng nhà rông, các già làng sai tìm trâu trắng để cúng nhưng tìm đâu cũng không thấy. Có người nói rằng heo bà Nơm màu trắng và to lớn như một con trâu. Già làng sai thanh niên đến thương lượng trao đổi nhưng bà Nơm một mực từ chối. Đã đến ngày cúng nhưng vẫn không tìm ra trâu trắng, các chàng trai đến nhà bà Nơm trói gô con heo lại và khiêng về nhà rông để tế lễ mặc cho bà già la khóc. Bà nguyền rằng : « Nếu tôi ăn thịt con heo này, cả khu làng sẽ biến mất trong lòng đất ». Không ai để ý đến lời nguyền khấn của bà. Sau nghi thức tế lễ, theo phong tục người ta chia cho mỗi thành viên trong làng một miếng thịt của con vật hiến tế. Hrit, cháu bà Nơm nhận một miếng thịt đem về. Trong bữa ăn, Hrit nướng thịt trên bếp tình cờ mở văng trúng vào cơm bà Nơm. Bà vô tình ăn chổ cơm đó tức thì đất trời rung chuyển, nhà cửa đổ nghiêng. Bà Nơm hoảng sợ cùng cháu và người chị tên Čao chạy lên núi lánh nạn. Trong khi đó dân làng chưa kịp tháo chạy thì đất lở sụp xuống kéo theo tất cả nhà cửa, trâu bò, và dân làng nhận chìm trong nước, chỉ còn sót lại một doi đất nơi có nhà của bà Nơm. Sau cơn thiên tai, hai bà sống tách riêng trên hai ngọn núi gần khu vực đất lở, đó là núi Yă Nơm và núi Yă Čao ngày nay ở vùng Biển Hồ chè phía bắc Biển Hồ nước. Hai bà trở thành hai vị thần, bà Nơm chuyên dạy cho người ta thành pơjâo chữa bệnh, bà Čao dạy cho họ gây nên bệnh cho người khác. Nơi làng cũ bị sụp lở ngày nay gọi là ia Tơnueng, người Kinh gọi là Biển hồ.
Đối với người Jrai, nhất là những pơjâo, câu chuyện trên hoàn toàn có thật. Vùng Ia Tơnueng và những ngọn núi xung quanh là thánh địa của các pơjâo Jrai, kể cả những pơjâothuộc các cộng đồng khác.(Emile Kemlin, 1998, trang 236). Pơjâolà tên gọi chung những người có khả năng tìm thấy nguyên nhân các căn bệnh, có thể lấy chúng ra hoặc báo cho thân chủ biết làm cách nào để khỏi. Trong từ điển Pháp-Mả Lai của Abbé P. Favre, có từ Tenung được dịch là « thuộc về sự phù phép ». Trong từ điển Indonésien- Français, Pierre Labrousse viết Tenung: « Thuộc về tiên tri, bói toán ». Phải chăng nguồn gốc và ý nghĩa từ Tơnueng của người Jrai có những liên hệ với những từ trích dẫn trên vì cùng thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo.
Để trở thành một pơjâo, người đó phải được chọn bởi bà thần Yă Nơm, không ai tự mình trở thành pơjâonếu không được các vị thần này hướng dẫn. Thường thường dấu hiệu để biết một người được chọn là họ bị đau nặng mỗi khi ăn thịt heo, hoặc trong cơn mê sảng vì sốt bệnh họ mơ thấy bà Nơm đến thăm và khuyên người ấy nên làm pơjâođể cứu người. Hiện tượng này thường thấy xảy ra rất nhiều ở những cộng đồng tộc người khác trên thế giới (Mirciea Eliade, 1968). Tất cả các pơjâođều kể lại rằng trong giấc mơ họ được bà Nơm và bà Čao đưa đến nơi các bà cư ngụ để học. Họ được dẫn đến một nơi gần hồ nước Ia Tơnueng và phải vượt qua một chiếc cầu làm bằng rắn và trăn còn sống. Nếu có người sợ không dám đi ngang qua cầu đó và họ chọn cách đi dưới đất, con đường này sẽ đưa họ đến khu vực của bà Čao để trở thành pơjâo děng, người bắn gây mầm bệnh. Người nào đi qua cầu rắn, vượt một chặn đường đầy côn trùng gớm ghiết sẽ đến học với bà Nơm để thành người chữa bệnh. Theo lời kể của ông Ksor Ngơk, một pơjâo nổi tiếng ở làng Plơi Jut, khu vực sống của bà Nơm trải đầy các trắng và có nhiều nhà cửa sang trọng to lớn, trong đó ra vào nhiều người được đưa đến để học thành pơjâo. Trước khi vào nhà, người mới đến được bà Nơm đưa đi tắm nơi một dòng thác nhỏ, sau đó tùy theo khả năng từng người, họ học cách xoa nắn một ụ mối để giúp phụ nữ khi sinh con (pơjâo puaĭ), học cách soi tìm bệnh trong cơ thể bằng ngọn lửa đèn sáp ong (pơjâo krang apui), học cách hút mầm mống gây bệnh trong cơ thể (pơjâo suă), học cách tìm nguyên nhân bệnh bằng gậy (pơjâo pa gai), học tìm bệnh bằng nằm mơ  (pơjâo rơpơi)…
Những người đến với bà Čao học bắn nguồn bệnh vào người khác (děng). Theo lời kể của ông Ksor Ngơk đầu tiên họ được trao cho một chiếc rổ xúc cá, người học nghề lội xuống nước xúc, khi nhất rổ lên họ sẽ thấy trong đó có thể là xương cá, sỏi, trứng gà, gai nhọn, tóc hoặc những vật khác…Tất cả những vật đó sẽ là « đạn »  (amrom) của họ trong tương lai khi họ děng (bắn). Sau đó bà Čao đưa người học nghề đến gần một cây chuối và dạy cho người đó cách děng bằng cách tập bắn vào thân cây chuối.
Sự khác biệt đáng chú ý giữa děngbăng là người děng bắn trong vô thức và không biết nạn nhân của mình là ai trong khi người băng bắn mầm bệnh vào người khác với ý thức và có mục tiêu rỏ ràng. Nhiều khi một người có thể học cả hai môn, học cách chữa bệnh với bà Nơm và học cách gây bệnh với bà Čao. Như chúng ta biết dưới con mắt của các thần linh (yang) và các hồn ma (atâo) mỗi con người sống trên trần gian có hình dáng là một con chim. Những người biết děng thường nhìn thấy chim bay lượn trên trời và họ bị cuốn hút, thôi thúc bắn vào những con chim đó. Khi một con chim nào đó bị bắn sẽ có một người bị děng, nói cách khác có một người sẽ ngã bệnh.
Trong vùng Hơbâu có hai chị em làm pơjâo rất nổi tiếng, bà H’Ngip và bà H’Ngi. Bà H’Ngi kể lại rằng trong cơn mơ khi bị ốm bà được dẫn đến học bắn cây chuối với bà Nơm. Sau khi tỉnh dậy bà hết bệnh và biết děng. Dưới mắt bà con người là chim muôn, thấy con nào bà cũng muốn bắn vì một sự thôi thúc từ trong đầu, từ trong thâm sâu của bản năng. Nhiều khi bà cố gắng kẹp tay lại để tránh bắn vào chúng. Sau ngày cưới chồng bà chuẩn bị của lễ cúng cho bà Nơm và bà Čao để xin cắt dây ná bắn vào chim děng (krě hiăng). Nghi thức được làm bởi một pơjâokhác, người này cầm một con dao cùn trong tay cắt một vật vô hình nơi cườm tay của bà H’Ngi, khi « dây ná » bị cắt đứt, bà H’Ngi ngã bỗ ngửa ra đất. Từ đó bà không còn khả năng děng nữa.
Một người muốn trở thành pơjâothực thụ và được cộng đồng chấp nhận phải nhờ một pơjâo khác cúng để trở thành pơjâo sau khi đã học với hai vị thần trên. Nghi thức này người Jrai gọi là pok pơjâo, (mở để thành pơjâo hay tấn phong pơjâo).
Ông Kơsor Ngơk làng Plei Jut là một pơjâo nổi tiếng vùng Pleiku mơ thấy mình được đưa đến học làm pơjâo, nếu ông không đồng ý sẽ bị chết. Ông đã đồng ý. Khi tỉnh dậy sau cơn bạo bệnh, ông thông báo cho mọi người biết những gì đã xảy ra và nhờ ông Pyoih làng Plei Breng cúng pok pơjâo. Nghi thức pok pơjâo chia làm giai đoạn, lần đầu ông phải chuẩn bị của lễ như sau :
7 ghè cần rượu to,
7 con gà trống,
7 cây đèn sáp ong,
7 ống nứa uống rượu,
hngal, dê một con và heo một con. Heo bốn chân phải có đốm trắng, dê có chòm râu trắng. Ông Pyoih bắt đầu cúng, vừa hát cầu khẩn vừa đi đi lại lại trong nhà như đang dẫn ai đó cùng đi với lời cầu như sau :
Ơ dăm klăn tung anang brơi kâu toa. Ơ klăn bơnga ba rai kơ kâu hlông. Ơ dăm reng rông pok brơi kâu amăng. Ơ dăm prah dăng mă brơi kâu gai. Ơ dăm prah wai mă brơi kâu poč… (Ơ chàng trăn gấm, xin hảy bắt cầu cho ta. Ơ chàng trăn bông, hảy đến làm sàn cầu. Ơ chàng rắn cạp nia, hảy mở cửa cho ta. Ơ chàng rắn mái gầm, hảy trao cho ta chiếc gậy. Ơ chàng rắn lải, hảy làm tay vịn trên cầu…)
Sau đó ông dơ hai tay khấn với những pơjâo ngày xưa nay đã trở thành thần linh, giới thiệu với họ một người mới vào nghề:
Ơ pơjâo Ông Ă , pơjâo yă Wông , pơjâo yă Mul. Dǒ pơdơng, krơng tơgŭ, yŭ pơkra ba glaĭ kâo mă truh tơjuh roh ia, rơma phun hla ngal, hrơi anai kâu pok brơi ơi Ngơk jing pơjâo thâo suă, jing pơjâo phun.
( Xin bà Yă Wông, xin ông Ông Ă, xin bà Mul hảy đến xem. Xin hãy đứng giữa và đở tôi đứng thẳng, xin hãy đưa tôi đến lại nơi có bảy giọt nước, có năm cành lá ngal. Xin chứng kiến hôm nay tôi mở tay cho ông Ngơk thành pơjâo chữa bệnh cho người khác, thành pơjâo có tài thật sự).
Sau nghi thức ông Ngơk thù lao cho pơjâo Pyoih ba lưởi cuốc, ba xấp thuốc lá, một rổ thịt.
Hai năm sau ông tự làm nghi thức pok pơjâo lần thứ hai cho mình. Hằng tháng vào lúc trăng rằm các pơjâophải dâng cúng cho nữ thần Nơm và nữ thần Cao.
Hai năm một lần của lễ dâng cúng phải là con trâu. Trong những dịp cúng này, pơjâo ăn mặc thật đẹp và múa nhảy quanh cột nêu. Thường trong khi múa nhảy họ hay xuất thần, miệng sùi bọt mép, tay chân cứng đơ. Khi thấy như vậy những người chung quanh reo hò múa nhảy theo, nhịp chiêng vang to rộn rả dồn dập hơn. Sau khi pơjâo tỉnh lại nhiều người ùa đến với khăn áo của người bị bệnh xin pơjâo giúp đở tìm nguyên nhân bệnh. Ngày hôm ấy tất cả được miễn phí. Nghi thức pok pơjâomang tính xã hội và cộng đồng. Với sự kiện này pơjâo mới được công khai thừa nhận bởi những pơjâo khác và nhất là với tất cả mọi người. Sự công khai hóa này đã làm nhiều người lầm tưởng rằng pơjâo cũ đã dạy và tấn phong cho pơjâomới. (Jacques Dournes, 1978. trang 166).
Pơjâo tìm bệnh.
Khi trong gia đình có người bị bệnh, thân nhân tìm đến pơjâo nhờ tìm xem vì sao ngã bệnh.
Có nơi người ta đem áo hoặc khăn đến cho pơjâo. Người này kê áo của người bệnh dưới đầu mình nằm, bóng hồn pơjâo xuất khỏi thân xác về hỏi bà Nơm lý do người đó bị bệnh. Trong những nghi thức cúng khác để xuất hồn, pơjâo nhắm mắt, tay cầm xà gạt, vai mang bầu nước vừa đi quanh trong nhà vừa hát, vừa kể lại những đoạn đường mình đang đi, vừa nói như đang gặp ai đó và trò chuyện bên thế giới thần linh. Nhiều khi người ta nghe pơjâo trả giá với kẻ vô hình để họ thả bơngatngười bị bệnh ra. Sau khi cuộc du xuất của bơngat đã kết thúc, pơjâonói với gia đình lý do vì sao người này bị bệnh. Để hết bệnh gia đình phải dâng một của cúng cho thần linh hoặc hồn ma, con vật tế dâng do pơjâo chỉ định theo sự thỏa thuận với chủ nhân đang cầm bắt, giam giữ bơngat người bị bệnh. Với pơjâo suă, người này dùng đèn sáp ong soi khắp người bệnh nhân. Khi tìm ra mầm bệnh (amrơm děng), pơjâo đắp miếng lá nhỏ nơi đó và dùng miệng cắn hút mạnh ra, sau đó nhả vật vừa lấy ra cho mọi người xem, có khi là viên sỏi, tóc, gai…Tất cả những vật này có trong cơ thể người bệnh do bị děng, hay đúng hơn chúng là tên đạn (amrơm) của pơjâo děng đã bắn trúng. Nhiều khi pơjâosoi tìm khắp người và thấy có hình dáng và màu sắc cầu vòng hiện lên trên lưng hoặc trên móng tay người bệnh : tình trạng nguy ngập. Gia đình phải dâng của cúng cho vị thần do pơjâo nói, sau đó người bệnh được đưa tắm trong thác nước, khi tắm xong, tất cả áo quần cũ thả trôi theo dòng nước. Người ta choàng cho người bệnh một chiếc khăn màu trắng hoặc một chiếc áo trắng.


Nghi thức được kết thúc bằng một lễ cúng cho thần linh, người bệnh được cho ngậm sắt trong miệng để lấy lại sức khỏe. Nếu trường hợp người bệnh quá yếu pơjâo làm nghi thức kéo sinh khí, sức sống trong cơ thể lên (rĭ ai). Qua nghi thức này người Jrai giải thích rằng khi ai (sức sống, mana) trong cơ thể tuôn ra ngoài, con người sẽ kiệt sức, yếu liệt và nếu ai ra hết sẽ bị chết. Ai thường được hình dung là một chất nước lỏng tích tụ trong thân thể con người.
Ngoài công việc giúp cho bệnh nhân hết bệnh qua những cách chữa trên, pơjâo còn biết bói đoán những việc xảy ra trong quá khứ và tương lai. Công việc này thường là sở trường của những pơjâo pa gaipơjâo boh mơnŭ. Pơjâo pa gai dùng một đoạn cây dài bằng một sải (pa) của ông ta. Sau khi dâng cúng cho thần linh, thân chủ đặt ra những câu hỏi, sau mỗi câu hỏi hoặc một giả thuyết do pơjâo đề nghị, ông ta dang thẳng hai cánh tay đo chiếc gậy của mình. Nếu chiều dài của gậy dài hơn sải tay của ông, dài hơn đầu ngón tay giữa, câu trả lời là có hoặc đúng. Nếu gậy ngắn hơn câu trả lời là sai hoặc không có. Ví dụ : Ma lai sống ở trong làng này phải không ? Nếu câu trả lời của gậy là đúng người ta hỏi tiếp. Ma lai sống ở hướng mặt trời mọc ? Cứ thế pơjâovà thân chủ của ông sẽ tìm ra ai là ma lai. Pơjâo boh mơnŭ cũng dùng chung cách tìm đó. Pơjâo dùng một quả trứng gà (boh mơnŭ) đặt đứng trên một cán rựa tròn hoặc trên thành gổ khung bếp giữa nhà. Sau mỗi câu hỏi hoặc những giả thuyết đề nghị, nếu quả trứng đứng yên trên cán rựa có nghĩa là đúng/có. Nếu quả trứng ngã có nghĩa là không/sai. Nhờ vào cách đó pơjâo có thể giúp thân chủ của mình tìm lại bò bị lạc, giúp thân nhân biết người thân của mình còn sống hay chết và nhất là giúp cho cộng đồng biết ai là ma lai (rơhung ; tailai). Việc công bố ai là ma lai đã từng gây nên những thảm kịch đau thương vì nhiều khi tất cả một gia đình nào đó từ già đến trẻ bị dân làng bao phục giết chết vì pơjâo nói họ là ma lai.
Trong đời sống đời thường cuộc sống của pơjâo không khác với cuộc sống của mọi người dân làng. Pơjâokhông giữ một trách nhiệm hay một chức vụ gì trong cộng đồng, ngược lại nếu mọi người bị hạn chế trong không gian làng mình sống, không thể tự do ra vào các làng khác nhưng pơjâo có thể đi khắp nơi và không chịu trách nhiệm về những « xui rủi » của làng đó sau khi pơjâo ra đi. Nói cách khác pơjâolà người của tất cả mọi nơi, khác với các già làng hay người xử kiện (pô phak kơđi) chỉ có ảnh hưởng trong không gian làng của mình. Làng là nơi ở an toàn của con người, ra khỏi làng, như bơngat ra khỏi thân xác mình trú ngụ, con người sẽ rơi vào một không gian xa lạ đầy hiểm nguy cai quản bởi những sức mạnh siêu nhiên. Với người Jrai, ra khỏi làng đồng nghĩa với vào rừng, nơi đó mọi vật đều là sở hữu của thần linh. Muốn săn bắn, hái lượm hoặc chiếm hữu những sản phẩm của rừng con người phải tuân theo những điều cấm kỵ và nhất là phải cúng tế cho thần linh. Ngược lại Pơjâo vào rừng như về nhà mình, rừng và pơjâo có mối dây liên hệ mật thiết và gắn bó. Qua tay pơjâo những vỏ cây, rể cây, củ, trái trở thành những linh dược thần bí có thể ngừa tránh ma lai, giúp phụ nữ phá thai, giúp người đi buôn gặp vận may hoặc làm cho trai gái yêu thương nhau…
Câu chuyện về bà Nơm và bà Čao cùng với những làng bị chôn vùi dưới nước kể trên gợi nhớ lại trận « lụt lớn/đại hồng thủy » trong huyền thoại ông Trống bà Trống. Trong huyền thoại này Nước đã đem sự sống đến trần gian qua hình ảnh hủy hoại tiêu diệt tất cả để chỉ còn lại một người phụ nữ, người mẹ chung của mọi người. Từ người phụ nữ duy nhất và đầu tiên này loài người được sinh ra lan tràn khắp núi rừng Tây Nguyên. Trong ý tưởng đó bà Nơm và bà Čao được coi như người phụ nữ duy nhất được sinh ra sau cơn sụp đất hủy diệt tất cả mọi người trong làng của mình, tất cả bị nhận chìm trong nước. Nói cách khác Nước/mẹ đã tạo nên một vị nữ thần chuyên lo chăm sóc sức khỏe và sự sống cho con người, tiếp tục công việc của bà Trống (yă Hơgor) đã đem con người đến mặt đất, và từ vị nữ thần này, một gia đình, một hệ thống pơjâođược hình thành. Nước của dòng thác nơi bà Nơm cư ngụ gột rửa con người trần tục của pơjâo để một phần trong con người của họ: bơngat, có được khả năng của thần linh. Nếu với con người bình thường, bơngat của họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm tai nạn khi ra khỏi thân xác rong chơi (giấc mơ), bơngatcủa pơjâo có thể đi khắp mọi nơi trong thế giới siêu hình không sợ nguy hiểm và sự xuất thân của bơngat không chỉ xảy ra trong khi ngủ nhưng nhiều khi ra đi với ý thức, chủ động của pơjâo. Nhờ vào sự gột rửa bằng nước này, chỉ có pơjâo mới xứng đáng và gần gủi với các thế giới khác. Mọi người đều có quyền và có khả năng dâng cúng cho thần linh cầu xin khỏi bệnh tật ốm đau, nhưng nếu do pơjâo thực hành nghi thức, lời cầu khấn dễ đạt được kết quả mong muốn hơn nhất là khi tìm nguyên nhân bệnh tật, ốm đau. Những khả năng và lối sống của pơjâo đã cám dỗ để nhiều người nghĩ rằng pơjâocó vai trò của một tư tế, một chức sắc trong tín ngưởng. Thật ra họ chỉ là những người trung gian giữa con người và thế giới thần linh và hồn ma, giống như trong cuộc sống đời thường của người Jrai, trong sự giao tế giữa gia đình này và gia đình khác, trong hôn nhân, trong buôn bán đổi chác luôn có người đóng vai trò trung gian (pô tơgranh). Trong sinh hoạt gia đình và xã hội của người Jrai, vai trò và sự hiện diện của người trung gian rất cần thiết, họ là chiếc cầu nối cho hai bên gặp nhau, thỏa thuận với nhau.
Khi tìm được nguyên nhân bệnh đau, pơjâo thông báo cho gia đình biết và chỉ bày cho họ cúng con vật gì và cúng cho ai thì sẽ khỏi bệnh (Lê Quang Lâm, 2004). Trong những lần cử hành nghi thức tìm bệnh, pơjâo hành xữ khác với những thầy pháp, những đạo sĩ trong cộng đồng người Kinh xưa. Với những người này, để đem hồn, vía của ai đó bị giam cầm bởi những sức mạnh siêu hình, họ thường mở ra một cuộc chiến đấu dựa vào một sức mạnh siêu nhiên phù trợ, dựa vào linh khí của âm dương, đất trời. Nếu chiến thắng họ là những vị cao tay ấn, nếu thất bại họ dẹp bàn thờ và khuyên thân chủ tìm người khác cao tay hơn mình để đi tìm hồn, vía của người bệnh đem về thân xác họ.
Pơjâo trái lại chỉ đóng vai trò một sứ giả, một trung gian trong những lần tìm nguyên nhân bệnh và đại diện cho thân chủ trả giá, mặc cả với lực lượng siêu hình cầm giữ bơngat của người bị bệnh.
Theo cách nói của người Jrai hai người này chỉ là một giống như Dăm Dua (hai chàng trai) hoặc rất nhiều nhân vật trong truyện cổ (Dăm Dung Dă ; Dăm Jrai Lao, H’bia Sok Mok…). Trong danh xưng các thần linh cũng thường thấy xuất hiện cách nói này mà nhiều người lầm tưởng là có hai nhân vật : Ơi Adŭ ơi Adai.(Albert Marie Maurice, 2000) Nhìn một cách khác, pơjâo Jrai là người có được sự liên minh với những sức mạnh siêu nhiên có mặt khắp nơi theo tín ngưởng vạn vật hữu linh của dân địa phương. Sự hiện diện của pơjâo trong cộng đồng như chổ dựa tinh thần cần thiết cho mọi người khi đối mặt với những tai ương trong cuộc sống, với những sự kiện mà họ không lý giải được. Nhiều người đã nói đến sự gian trá của pơjâo khi họ đưa ra những « viên đạn » là những hòn sỏi, xương cá…lấy từ trong thân thể người bệnh nhưng không ai có ý xét nét, thắc mắc, tìm hiểu hoặc vạch trần những mánh khóe đó. Với họ, sự quan trọng là tạo được quan hệ hài hòa với những sức mạnh siêu nhiên, lập lại mối giao lưu tốt đẹp vốn bị sứt mẻ bởi những xúc phạm cố ý hoặc vô tình trong cuộc sống. Để có được sự bình an trong tâm tư, có sự tự do tâm hồn không bị ràng buộc bởi ray rức, lo sợ. Người Jrai chấp nhận dâng những của cúng tốn phí, nhiều khi phải trở thành nô lệvì không thể  hoàn trả cho người họ vay mượn. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể đều có những liên kết với thần linh. Thần gia đình (yang sang) của nhà này khác với thần của nhà kia, thần của làng này (yang rông) không giống với thần của làng khác. Những vị thần này được dâng cúng để bảo vệ thân chủ của họ. Mỗi pơjâo đều có những linh vật tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên đã nhận liên kết với mình. Một thỏa ước ngầm được lập ra giữa hai bên dựa trên nền tảng của sự trao đổi.
Trong cộng đồng người Jrai, người ta vẩn thấy có những pơjâo giả hiệu, những người này tự phong cho mình danh xưng pơjâo để kiếm sống trên sự đau khổ của người khác và thường hay dọa nạt bóng gió nói rằng mình biết « thư » để trục lợi, hơn nữa ranh giới phân cách giữa họ và những pơjâo thật sự rất khó phân biệt. Họ thường bị cộng đồng khinh rẻ và nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng (Ngô Đức Thịnh, 2003. Trang 210). Chính họ đã bôi nhọ gương mặt thật vốn đôn hậu, chân chất của pơjâo, những người học trò bà Nơm này là tấm gương phản chiếu quan niệm về vũ trụ, về tín ngưởng thần linh và về sự sống con người của cộng đồng người Jrai.

Lê quang Lâm.

Tài liệu tham khảo :
Albert Marie Maurice
2003 thèse doctorat.
DOURNES, Jacques
1978 Forêt, Femme, Folie, Paris, Aubier-Montaigne.
1972 Coordonnées. Structures jörai familiales et sociales.
ELIADE, Mircea
1968 Le chamanisme et les techniques archaïques de l’extase. Editions Payot
KEMLIN, Emile
1998 Rites agraires, songes et alliances. Paris (Sách tái bản)
LAFONT, Pierre Bernard
1963 Prières Jarai. Paris, EFEO.
NGÔ Đức THỊNH
2003 Tìm hiu lut tc các tc người ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội.
Lê Quang Lâm
1998 Mémoire Diplôme. Itiuéraire dư bơngat
2000 mémoire DEA. Système chamanique chez les Jrai
2004 Truyn dân gian Jrai.  Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc
2009 Truyn dân gian Jrai. Nhà Xuất bản Lao Động
2013 Truyện dân gian Jrai. Nhà xuất bản Lao Động

Share with your friends