Kiến trúc nhà trình tường của người H'Mông (Văn Hóa Việt) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, May 7, 2016

Kiến trúc nhà trình tường của người H'Mông (Văn Hóa Việt)

Người H'Mông chiếm phần đông nhất trong số các dân tộc làm ăn sinh sống từ bao đời nay trên vùng cao nguyên cực Bắc. Nói đến văn hóa của các dân tộc trên vùng cao nguyên đá, trước hết phải nói đến văn hóa người H'Mông. Nói đến văn hóa người H'Mông là nói đến kiến trúc ngôi nhà truyền thống, bởi đây là thước đo không chỉ đánh giá sự giàu có, mà còn là căn cứ để xác định đâu là người H'Mông cư trú lâu nhất vùng.

Dân tộc H'Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người với hai nhóm chính là H'Mông trắng và H'Mông hoa, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh; sinh sống đông nhất ở 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ.
Môi trường sống ở trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở. Từ quan niệm sống, môi trường đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc của ngôi nhà trình tường bằng đất, lợp ngói hay tranh là phù hợp nhất, với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ.


Nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà của người H'Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian hai cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là hai cửa sổ). Ngôi nhà có thể có một hoặc hai chái nhà, nhưng đều không liên quan trực tiếp đến ba gian nhà chính. Ba gian nhà chính của người H'Mông được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình.
Trong gia đình người H'Mông, phòng ngủ của vợ chồng, con cái được bố trí riêng. Người H'Mông thường ngủ bằng phản gỗ hoặc giát bằng tre mai đập giập. Tập tục của người H'Mông rất khắt khe, nơi ngủ của con, em dâu thì bố, anh chồng không được vào và ngược lại con, em dâu không được phép vào nơi ngủ của bố chồng, anh chồng. Nhà của người H'Mông bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm; ngô, lúa, đậu tương khi thu hoạch về được cất lên gác, khói bếp sẽ hạn chế được sâu mọt, ẩm mốc.
Ngoài ra, sàn gác còn có thể làm nơi ngủ mỗi khi nhà đông khách. Điều đặc biệt là đàn bà, con gái không được phép ngủ trên gác. Bởi thế kể cả khi cha mẹ chồng, con trai trong nhà đi vắng thì con dâu cũng không được lên gác; nếu muốn lấy vật gì trên gác cũng không được trèo thẳng lên mà chỉ được phép dứng ở bậc thang rồi lấy que khều.


Trong văn hóa truyền thống của dân tộc H'Mông, các ngôi nhà không được dính sát vào nhau, kể cả anh em ruột thịt. Người Mông quan niệm khi làm ma tươi cho người chết, người ta có tục lệ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà ba lần đi, năm lượt về (đối với nam giới), năm lượt đi và bảy lượt về (đối với nữ giới) để xua đuổi các loại ma đói, ma yểu khỏi về quấy rầy người chết. Chính vì vậy, người H'Mông cho rằng nếu làm nhà dính vào nhau, khi nhà có tang ma sẽ không tiến hành được nghi lễ trên thì coi như đám ma ấy không làm đúng luật lệ tổ tiên đã quy định, không đảm bảo cho người chết được yên ổn trong cõi vĩnh hằng.
Đồng bào dân tộc H'Mông rất chú trọng việc chọn đất làm nhà. Sau khi chọn được đất tốt, đất lành, người ta tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Công việc trình tường nhà được bà con dân tộc H'Mông tiến hành khá công phu với một số quy định như người lạ không được vào khu vực nhà đang trình tường, nhất là phụ nữ.
Để trình tường nhà, bà con phải làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5m, rộng 0,45-0,5m. Khi trình tường, người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nền chặt đất. Đất dùng để trình tường phải được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, người ta huy động vài chục thanh niên trai tráng trong làng đến giúp; cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi hoàn thành. Sau khi trình tường xong, gia chủ sẽ tiến hành chọn ngày tốt, hợp với tuổi chủ nhà mới được vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc.
Trước khi chặt cây phải thắp ba nén hương; tiếp đó, cắm ba tờ giấy bản vào gốc cây khấn thần rừng, thần cây cho xin cây gỗ về làm nhà. Họ quan niệm rằng làm như thế thần cây, thần rừng không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi người khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gia đình hạnh phúc. Chọn được ngày chặt cây, cây cột cái được gia chủ chặt xong đem thẳng từ rừng về, không được đặt xuống đất mà phải đưa lên nóc ngay.
Đối với hai cây cột cái ở gian giữa và cây cái nóc (hay còn gọi là đòn nóc), người H'Mông coi hai cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của chủ nhà, nên cây cột phải là một cây rừng không bị sâu, thối, cụt ngọn. Hai cây cột này còn có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông.
Cửa chính ra vào nhà của người H'Mông cũng phải chọn gỗ tốt để làm. Cửa bao giờ cũng được mở vào phía trong. Cửa không cài bằng then sắt mà phải cài bằng then gỗ. Người H'Mông quan niệm không sử dụng bản lề, then cửa bằng sắt là vì cửa mở ra đóng vào được xem là lòng bụng con người, nếu dùng các vật dụng bằng sắt thì sẽ lạnh, nên tất cả các ngôi nhà của người Mông luôn sử dụng sự mềm mại của cây rừng.
Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá xung quanh vô cùng chắc chắn. Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200-300m2, gia chủ cùng với người thân phải mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá.
Những viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà, được người H'Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá.


Người H'Mông làm nhà dựa lưng vào núi; mỗi bản thường có từ vài ba nóc nhà trở lên, có bản chỉ có một dòng họ hoặc nhiều dòng họ chung sống quây quần bên nhau trên một sườn núi. Đặc biệt, đối với người H'Mông, hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây đào, cây mận, cây lê. Hình ảnh mùa xuân với hoa đào nở đỏ, hoa lê trắng bên những bức rào đá tựa như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Bên trong hàng rào đá là một đời sống sinh hoạt hết sức ấm cúng của các gia đình người H'Mông.
Trải qua hàng thế kỷ, người H'Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.


Từ thành phố Hà Giang xuôi về hướng bắc chừng 46km, vượt qua dốc Bắc Sum cao ngất trong mây. Đứng từ cổng trời Quản Bạ, có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Tam Sơn đẹp như thơ với những thôn xóm nhỏ, những thửa ruộng bậc thang từng mùa thay áo mới xen lẫn với núi non trùng điệp. Điều đặc biệt nhất là tận mắt chiêm ngưỡng ngọn Núi Đôi tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như đôi gò bồng đảo của nàng tiên đang say giấc nồng.


Từ biệt cảnh núi non huyền ảo trong sương sớm Quản Bạ, đi theo con dốc quanh co như những dải lụa để đến Lùng Tám - vùng quê của những sắc màu thổ cẩm đặc sắc của người H'Mông. Nhìn những cụ già tỉ mẩn vuốt từng sợi lanh, những em gái H'Mông mải miết bên khung cửi cũng đủ thấy sức lao động quý báu kết tinh trong từng sản phẩm nơi đây.

Cách làng dệt truyền thống Lùng Tám không xa là Phố Cáo với những ngôi nhà trình tường màu đất vàng ánh lên trong nắng, cổng gỗ giản đơn và hàng rào đá vây quanh thấm đượm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao. Người dân Phố Cáo bình dị và luôn tỏ lòng hiếu khách với những bát rượu ngô đong đầy mời chào. Nhắm chén rượu ngô say nồng trong tiết trời se lạnh, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn trước tình cảm của người dân nơi đây.



Chia tay Phố Cáo, trên đường về Minh Yên, leo đèo qua Phó Bảng để đến Sủng Là không chỉ đẹp bình dị với các mái nhà H'Mông thấp thoáng ven sườn núi, cây sa mu cao vút hay những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp đến say lòng mà còn hấp dẫn bởi "dinh thự Vua Mèo". Với  kiến trúc nguy nga theo lối cung điện của vương triều, dinh thự Vua Mèo nổi bật giữa vùng cao nguyên đá xám. Gần 100 năm nay, vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian, dinh thự Vua Mèo vẫn uy nghi, cổ kính, là một minh chứng cho thời vàng son của gia tộc họ Vương vùng núi đá.



Những khoảnh khắc Hà Giang còn đọng lại trong lòng với những phiên chợ Mèo Vạc vào ngày chủ nhật, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số Hà Giang mà không có phiên chợ nào có được. Đã đến là phải nhớ mãi hình ảnh sương mờ quấn quýt trên đỉnh núi, các cung đường uốn lượn, những ngôi nhà có vách đất trình tường, những mảnh khăn, chiếc váy xòe đủ sắc màu và nhớ cả tình cảm nồng ấm, bình dị của người dân nơi đây.

Share with your friends