Bản sắc văn hóa của dân tộc Bố Y (Minh Trang) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Friday, June 24, 2016

Bản sắc văn hóa của dân tộc Bố Y (Minh Trang)

- Bố Y là một trong những dân tộc có dân số ít nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Dân tộc Bố Y có khoảng 3.000 người sinh sống chủ yếu một số tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Việt Nam. Trong đó tập trung nhất ở xóm Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và rải rác ở một số xã khác của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đến nay, đồng bào dân tộc Bố Y vẫn giữ được bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. 

Dân tộc Bố Y (còn có các tên gọi khác như: Pu Y; Chủng Chá; Trọng Gia; Tu Dí; Tu Dìn; Pu Nà) sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong cuộc sống hằng ngày, người Bố Y có thể làm mộc, rèn các dụng cụ nông nghiệp và sinh hoạt, nung gốm… Phụ nữ từ xa xưa đã biết trồng bông, dệt vải, may vá, thêu thùa trang phục, túi và khăn. Đồng bào Bố Y ở Hà Giang vẫn giữ truyền thống “phụ quyền trong gia đình”, tức là mọi vấn đề trong nhà đều do người đàn ông quyết định. Trong một ngôi nhà, có thể 3 đến 4 thế hệ cùng sống chung, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, thương yêu giữa các thế hệ. Ông Ngũ Khởi Phương, chuyên gia nghiên cứu về phong tục, tập quán, văn hóa và cuộc sống của dân tộc Bố Y, cho biết: “Người Bố Y hiện còn 10 dòng họ và còn giữ được cách ăn ở, cách nói năng và các Lễ hội như: Lễ Tết, Lễ cưới, lễ tang. Hiện còn giữ được một số làn điệu dân ca. Trong xóm này toàn là đồng bào Bố Y và hiện còn khoảng 700 người sinh sống”.

Trong mỗi dòng họ của đồng bào Bố Y có hệ thống tên đệm từ 5 - 9 chữ. Mỗi chữ đệm dành cho một thế hệ và chỉ rõ vai vế của người mang dòng chữ đó trong quan hệ họ hàng. Chính vì vậy trong mỗi gia đình người Bố Y, dòng họ anh em trai chỉ khác nhau về tên gọi, còn tên đệm thì giống nhau. Người Bố Y xưng hô theo tuổi tác chứ không phân biệt theo chi, nhánh hay con chú, con bác.


Tuy là một dân tộc có dân số ít ở Hà Giang nhưng cho đến nay, dân tộc Bố Y vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo. Như trong lễ cưới, chú rể không được đi đón dâu và cô em gái của chú rể sẽ mang con ngựa đẹp nhất đến đón chị dâu về nhà chồng. Trong gia đình, con trai không được cắt tóc cho bố, con gái không được chải đầu cho mẹ. Chỉ lúc bố mẹ mất, con trai, con gái mới được chải đầu cho bố mẹ. Trong thời gian để tang ba năm, con trai không được uống rượu, con gái không được mang đồ trang sức, đoạn tang mới được tính chuyện cưới hỏi.

Hàng năm, đồng báo Bố Y tổ chức nhiều các lễ hội, Tết như: Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng, Tết Đoan ngọ, Tết cơm mới… Những ngày này, đồng bào làm xôi nếp nhuộm đỏ, bánh dày, bánh chưng, bánh chay để cúng trời đất, tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt; mọi người bình an - khoẻ mạnh… Trong các lễ hội, lễ cưới hỏi, người Bố Y thường hát đối đáp bằng những làn điều dân ca của mình. “Hát dân ca gồm có hát chào hỏi, chúc nhau, hát ngăn cửa ở lễ cưới, hát giao duyên, như bài hát chào hỏi. Hiện có rất nhiều bài hát mà dân tộc chúng tôi hay hát”.


Đồng bào dân tộc Bố Y thường mặc áo ngắn năm thân, xẻ nách phải. Viền cổ áo, ống tay áo được khâu hay thêu trang trí hoa văn sặc sỡ. Áo của phụ nữ Bố Y có hai loại, áo trong và áo ngoài. Hai vạt trước của áo ngoài có hai túi nhỏ cân xứng nhau thường để đựng tiền hay đồ dùng cá nhân và thường may bằng vải thô, nhuộm chàm. Trang phục phụ nữ Bố Y đẹp và đặc sắc hơn trang phục nam giới là nhờ chiếc khăn đội đầu, váy và tạp dề phía trước. Váy của phụ nữ Bố Y được dệt nhiều màu sắc như xanh, đỏ, tím, ghi và chàm. Bộ trang phục truyền thống thường được mặc trong các dịp lễ hội, cưới hỏi.

Ông Lục Sương Minh, Trưởng phòng dân tộc huyện Quản Bạ, cho biết: Tuy sống hòa đồng cùng các dân tộc khác nhưng đồng bào dân tộc Bố Y vẫn giữ được nét văn hóa riêng, độc đáo. Ông Lục Sương Minh nói: “Dân tộc Bố Y hòa đồng rất nhanh với sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Dân tộc vẫn giữ  được nét văn hóa của dân tộc, từ truyền thống đến các lễ hội về đám ma, đám cưới, phong tục tập quán từ xưa đến nay. Hiện chúng tôi đã tuyên truyền để hỗ trợ dân tộc Bố Y để phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc vì đây là một dân tộc ít người”.

Để  bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Bố Y, trong đó các giá trị văn hoá vật thể, tỉnh Hà Giang đã xây dựng và tiến hành Đề án khảo sát và thực hiện Đề án nghiên cứu Hát dân ca của người Bố Y. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các nghệ nhân ghi chép, xây dựng kế hoạch mở lớp để nghệ nhân truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích, vận động đồng bào sử dụng trang phục, ngôn ngữ của dân tộc trong cuộc sống hàng ngày để tiếp tục duy trì và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Bố Y trong tương lai.

Minh Trang (sưu tầm)

Share with your friends