Trang phục nam, nữ dân tộc Tày.
Dân tộc Tày ở Cao Bằng vốn có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Trong văn hóa vật thể, không thể không nói tới trang phục của người Tày. Cũng như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc thiểu số ít người, người Tày tự làm ra trang phục đặc trưng, mang bản sắc văn hóa cho riêng mình.
Phụ nữ Tày vốn tần tảo chịu thương chịu khó, mỗi năm vãi hạt gieo bông, dày công chăm sóc để bông nở hoa, kết trái ra bông trắng ngà mang về gia công kéo sợi khéo léo dệt vải. Họ nhuộm vải trắng, dệt xong bằng thứ thuốc nhuộm tinh chế từ cây chàm, cây xỏm và vôi ngâm nước theo một quy trình kỹ thuật tốn khá nhiều thời gian để có được màu xanh tím óng ả. Từ đó làm ra trang phục nam và nữ của người Tày. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm thơm nồng. Về trang phục nam, thuở xưa người đàn ông Tày mặc áo dài chớm qua đầu gối, áo cổ tròn, rộng vừa khổ người, tay áo dài đến cổ tay, cài khuy nách bên phải; bên trong là một chiếc áo cánh màu xanh hoặc tối màu. Vào mùa đông, tiết trời lạnh giá thì mặc thêm áo cánh cho ấm người. Các chàng trai vận chiếc quần vải chàm ống rộng vừa tầm người dài đến chấm gót chân; quần thắt dải rút ngang hông. Người đàn ông Tày cổ xưa để tóc dài búi tó, trên đầu đội khăn xếp. Khăn xếp được làm từ vải chàm có chiều dài bằng sải tay rưỡi, khổ vải rộng chừng 40 cm được gấp nhỏ lại khoảng 8 cm rồi quấn quanh đầu. Lúc ở nhà là nhà trệt thì đi guốc tre, hay guốc mộc; còn nhà sàn thì đi hài sảo bện bằng mo nang. Khi ra ngoài đường, tới các lễ hội hay chợ phiên, chợ háng toán, thanh minh thì đi giày vải và không quên cầm theo ô che mưa, nắng. Đôi giày vải chàm mềm mại thấp cổ bằng mắt cá chân do phụ nữ may khâu từ đế đến thân giày. Theo năm tháng, nam giới Tày bỏ dần chiếc khăn quấn trên đầu. Đôi giày vải và các loại giày thô sơ cũng được thay bằng giày ba ta, giày tây...
Trang phục nữ cũng giản tiện, không cầu kỳ so với một số dân tộc khác như Mông, Dao. Chiếc áo chàm của phụ nữ Tày thuộc loại áo dài xẻ tà, vạt áo tha thướt trùm đến khoeo chân, tay áo và thân áo bó vừa khít người, cổ áo tròn cao khoảng 1 cm. Áo được cài khuy đồng ở nách bên phải. Chiếc quần vải chàm cũng do các chị tự khâu lấy. Quần ống rộng vừa tầm người, có thắt dải rút khi mặc. Bên trong tà áo dài là chiếc áo cánh màu trắng. Áo, quần không trang trí hoa văn cầu kỳ hoặc điểm xuyết là nét khác biệt với trang phục người Mông, Dao, Lô Lô và một số ngành Nùng ngay địa phương trong tỉnh. Ngang lưng thắt dải chàm khổ 30 cm, dài khoảng 2,5 m quấn thành vòng qua eo buộc thành hai dải buông xuống đằng sau. Nơi xẻ tà hai bên hông để lộ ra khoảng trắng của áo cánh màu trắng mặc bên trong, thêm phần yểu điệu duyên dáng. Trên đầu vấn tóc ngang, bên ngoài trùm khăn vuông hình mỏ quạ. Khi thời tiết giá lạnh, hoặc nắng gắt, chị em thường trùm thêm một chiếc khăn vuông che hai bên má buộc hai đầu khăn dưới cằm. Khi đi chợ phiên hay tới các lễ hội, nhất là vào tiết trời thu, đông và du xuân, phụ nữ Tày thường đi giày vải chàm thấp cổ, đế bằng, ấm êm, có dây khuy cài tự làm lấy. Trang sức của các chị em thường có đeo bông tai nhẹ nhàng và chiếc vòng cổ bằng bạc hình tròn. Bên hông đeo bộ xà tích cũng bằng bạc trắng ngà và dắt vào dải thắt lưng trước bụng một chiếc khăn tay nhỏ gấp vuông vắn phẳng phiu để lộ ra bên ngoài. Để che mưa, nắng hoặc làm duyên, chị em còn dùng chiếc nón đội đầu. Chiếc nón tha slưa rộng vành được đan bằng nan trúc chẻ nhỏ mềm mại hai mặt, bên trong lót lá và quang dầu màu vàng mật ong, nom rất đẹp hoặc là chiếc nón bấu nào nhỏ gọn không quang dầu, thô hơn mà bền lại tiện dụng trong lao động sản xuất. Phụ nữ Tày còn tự làm ra chiếc túi vải chàm đeo bên người để đựng đồ, mỗi khi đi chợ hoặc đi lễ làng.
Trang phục của phụ nữ Tày miền Đông và miền Tây của tỉnh Cao Bằng cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ, chị em miền Đông vấn ngang bên trái, còn chị em miền Tây vấn ngang bên phải. Hằng năm, người phụ nữ Tày thường chuẩn bị khâu giày trong vụ thu, đông giá lạnh. Khi cưới hay về ở nhà chồng, họ tự mình trồng bông, chuẩn bị khăn áo và cả chăn bông vỏ bằng thổ cẩm nặng từ 3 - 5 kg, làm giày vải biếu cho cả bố mẹ, anh em bên nhà chồng. Các cô thôn nữ mới lớn đến tuổi cập kê cũng tự mình tập làm vải và học khâu may trang phục cho mình, làm giày thật đẹp tặng người yêu. Theo tục lệ lâu đời, khi đi làm dâu, mặc quần áo, thắt lưng mới..., những sản phẩm ấy đều phải do người con gái làm ra, không được phép đi vay mượn, hoặc thuê, làm xấu hổ cha mẹ, họ hàng, bản quán.
Lê Chí Thanh