Dân tộc Bố Y giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các nghi lễ (Hoàng Thoại) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Friday, June 24, 2016

Dân tộc Bố Y giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các nghi lễ (Hoàng Thoại)

Người Bố Y.

Dân tộc Bố Y là một trong những dân tộc có dân số ít nhất của tỉnh Hà Giang. Dân tộc Bố Y còn có các tên gọi khác là Chủng Chá, Trọng Gia. Mặc dù dân số ít, nhưng cho đến nay, dân tộc này vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo trong các nghi lễ.
Trong phong tục cưới xin của đồng bào Bố Ý cũng có những nét riêng, độc đáo. Sau khi bà mối bày tỏ nguyện vọng của nhà trai và được nhà gái chấp thuận thì đem lá số cô gái về nhờ thấy cúng so tuổi. Được tuổi thì đem lễ vật đến trả lá số và xin được ăn hỏi. Nhà gái khi đưa lá số con gái mình thường gửi 10 quả trứng gà nhuộm màu đỏ tỏ lòng quý mên chàng rể tương lai. Khi cô dâu về nhà chồng thì mang theo một chiếc kéo để tỏ rõ bổn phận của người phụ nư đảm đang biết may vá, thêu thùa... và một con gà mái nhỏ, đến giữa đường thì thả gà vào rừng. Đặc biệt, chú rể sẽ không có mặt trong đoàn đón dâu và em gái chú rể sẽ dắt theo một con ngựa đẹp mã để rước chị dâu về. Đối với dân tộc Bố Y thì dù là ngày xưa hay ngày nay vai trò của ông mối trong hôn nhân cũng rất được coi trọng. Đó là người có uy tín, thông hiểu lễ nghĩa, biết đối đáp bằng các điệu hát...
Đối với các nghi lễ trong tang ma được đồng bào thực hiện rất trang trọng, nghiêm túc. Dân tộc Bố Y chỉ cúng một giỗ đầu. Thời kỳ tang chế là ba năm, con trai không được uống rượu, con gái không được mang đồ trang sức, đoạn tang mới được tính chuyên cưới xin. Dân tộc Bố Y quan niệm con người có 36 hồn. Hồn có hai dạng, hồn khôn và hồn dại. Hồn khôn thì phù hộ con cái sức khỏe, làm ăn tấn tới... còn hồn dại chỉ làm hại người ta.
Tết, dân tộc Bố Y cũng như các dân tộc anh em khác trong vùng, hàng năm đều có các lễ tết như: Tết Nguyên đán (Đân chinh), rằm tháng giêng (síp hả), tết đoan ngọ (Toản vù), tết cơm mới... Trong những dịp nay, đồng bào thường làm xôi nếp nhuộm đỏ, làm bánh dày, bánh chưng, bánh chay... để cúng tổ tiên, trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Trang  phục dân tộc Bố Ý sử dụng trong các lễ hội thay thổi theo thời gian. Trước đây, phụ nữ mặc váy xoè như váy của phụ nữ Hmông, váy được tạo hoa văn bằng cách bôi sáp ong lên mặt vải rồi đem nhuộm chàm. Áo ngắn 5 thân có ống tay rời, xiêm che ngực và bụng. Phụ nữ đeo trang sức bằng bạc gồm dây chuyền, vòng tay, khuyên tai; tóc được búi ngược lên đỉnh đầu, đội khăn chàm có thêu hoa văn bằng chỉ màu. Ngày nay, họ mặc giống như người Nùng trong cùng địa phương. Phụ nữ nhóm Tu Dí ăn mặc theo kiểu người Hán nhưng áo có ống tay rời. Trong các lễ hội của dân tộc Bố Ý thường có hát đối đáp tại phiên chợ xuân hay tại nhà, lời ca bằng tiếng Hán, được phụ hoạ bằng kèn lá. Dịp hội hè, dân tộc Bố Y có các trò chơi đánh đu, cờ tướng, đánh quay, đánh khăng.
Để giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc Bố Y, các ngành chức năng cần có những nghiên cứu, sưu tầm về vốn văn hóa truyền thống của bà con, nhất là về hệ thống ngôn ngữ. Đồng thời phát huy vai trò của những người cao tuổi trong việc giáo dục truyền thống, vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thanh thiếu niên dân tộc Bố Y. Bởi đây chính là thế hệ sẽ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y trong tương lai./.

Hoàng Thoại (sưu tầm)

Share with your friends