Lễ hội cầu trăng của dân tộc Tày – Hà Giang
Lễ hội cầu trăng của dân tộc Tày ở Hà Giang được tổ chức vào ngày 14/8 âm lịch hàng năm (Rằm tháng 8). Lễ hội cầu trăng có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống tinh thần của bà con dân tộc Tày. Lễ hội vừa là dịp để cộng đồng vui chơi, sum họp, quây quần bên nhau vừa là dịp để bà con thể hiện sự thành kính của mình với mẹ Trăng, qua đó cầu mong cho một năm nhiều may mắn, phước lành, vụ mùa bội thu.
Du khách đến Hà Giang, có dịp tìm hiểu văn hóa lễ hội của người Tày, bạn sẽ thấy trong quan niệm của bà con dân tộc Tày, Trăng là một vị nữ thần có thật. Mẹ Trăng sẽ là người ban cho dân làng những điều mà họ ước nguyện, đặc biệt là ban cho sự no ấm từ các sản vật, thóc lúa… Vì thế, lễ hội cầu trăng như một lời mời của dân làng mong mời mẹ Trăng xuống chia vui, hưởng thụ thành quả của những ngày lao động.
Lễ hội cầu trăng của người dân tộc Tày được chia ra làm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, bà con tiến hành các nghi thức rất truyền thống trong đó bao gồm: lễ cúng thổ công, lễ cúng thần linh, lễ cúng các vị chúa bản. Các lễ cúng đều để thay lời xin phép của dân làng đến với các vị thánh, thần nhằm cho phép dân làng được tổ chức lễ cúng Trăng. Sau khi thực hiện trình tự các nghi lễ cúng bái, người dân sẽ dâng hương và dâng sản vật lên với mẹ Trăng. Sản vật thường là các món ăn ngon, quý được bà con chuẩn bị, lựa chọn rất kỹ càng. Trong đó không thể thiếu mâm ngũ quả, bánh ngũ cốc, thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu.
Trong lúc dâng hương, dâng sản vật, bà con bắt đầu chuẩn bị cho màn lễ tế thần Trăng. Lễ tế này có ý nghĩa mang lời nguyện cầu về một mùa màng bội thu, an cư lạc nghiệp của dân làng đến mẹ Trăng. Trong lễ tế, mọi người đều tỏ lòng cung kính, thành khẩn, không trêu đùa, không lớn tiếng.
Sau khi phần lễ tế kết thúc, bà con sẽ chính thức bước vào phần hội. Phần hội trong lễ hội cúng Trăng của dân tộc Tày là phần hội tưng bừng như ngày Tết. Đầu tiên, bà con sẽ được mãn nhãn với màn ca múa đậm nét bản sắc dân tộc quanh bàn thờ lễ. Sau đó sẽ là các trò chơi dân gian, các cuộc thi khéo tay dành cho cả nam lẫn nữ. Thi đua đã xong, bà con lại tụ họp bên nhau quanh chén rượu nồng để tâm sự, sẻ chia. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái có không gian gặp gỡ, tìm hiểu nhau nhiều hơn.
Kết thúc hội, bà con dân tộc Tày còn thực hiện một nghi lễ cuối là nghi lễ tiễn mẹ Trăng về trời. Khi tiễn mẹ Trăng, già làng sẽ tặng cho mỗi nhà một ít hạt giống như món quà tốt đẹp mà mẹ Trăng đã để lại cho mọi người.
Vi Đức Hồi (sưu tầm)