Lễ hội dân tộc Cao Lan (Vi Đức Hồi) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Monday, June 6, 2016

Lễ hội dân tộc Cao Lan (Vi Đức Hồi)


Mỗi khi xuân về từ miền xuôi đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng vậy, không khí hội xuân và mùa hẹn hò đã đến. Già, trẻ, gái, trai kéo nhau tấp nập đi trẩy hội. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có lễ hội riêng biệt vào những ngày của tháng giêng, tháng hai, một số vùng kéo sang cả tháng ba. Dân tộc Cao Lan, một trong 53 dân tộc thiểu số ở nước ta, có hơn 15 vạn người, sinh sống ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ...
Riêng Tuyên Quang, một trong những tỉnh mà cộng đồng dân tộc Cao Lan sinh sống có số dân khá đông. Lễ hội dân tộc Cao Lan rất đặc sắc, phong phú, đa dạng và có tính nhân văn cao.
Phần Lễ:
Hàng năm vào ngày 10 tháng giêng được mở đầu lễ Hội của dân tộc mình, việc tổ chức lễ hội làng, cộng đồng người Cao Lan cho rằng: Qua lễ hội để ôn lại sự tích, giáo dục truyền thống văn hoá Cao Lan cho lớp lớp con cháu trường tồn và cầu cho làm ăn trong làng bản, thôn xóm được trong lành, thịnh vượng. Hội thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày, trong ngôn ngữ dân gian gọi là "Hội dềnh". Sau ăn Tết xong không khí dân làng thật náo nhiệt, ai ai cũng phấp phỏng chuẩn bị cho lễ hội. Nhà thì góp gạo, nhà thì góp thịt, cây quả để cùng với cộng đồng làng bản mang ra đình làng tế lễ. Ngày 9 tháng giêng các cụ bô lão trong làng cùng thanh niên và con cháu ra đình mở cửa quét dọn vệ sinh, sửa sang và thắp hương. Buổi tối tổ chức ẩm thực, đàn hát và ngủ tại đình một đêm để tạo thêm sự ấm cúng của ngôi đền. Từ sáng sớm tinh mơ đến chiều ngày 10 là ngày chính của hội được tổ chức diễn ra giữa sân đình, cờ hoa rực rỡ, thấp thoáng ẩn hiện sau lũy tre làng, người gánh, người gồng tấp nập và khi tiếng sáo, nhị, trống, tiêu được cất lên từ đình tạo lên cho mọi người đến với lễ hội sự tĩnh tâm. Đó là tiền đề của một lễ hội có sắc thái riêng biệt.
Khi lễ được cử hành có 7 người được tham gia chủ chính lễ, chủ tế mặc quần áo dài màu đỏ, một người xướng tế, một người đọc văn tế và 4 người chấp sự mặc quần áo dài màu xanh. Người xướng bắt đầu chìm vào giây phút linh thiêng và tiếp đó là ba hồi trống chiêng vang lên báo hiệu một mùa hội bắt đầu, như đánh thức các vị thần linh ở ngũ phương về đây khai hội. Sau ba hồi trống chiêng người xướng tế hô "sinh cung cử nhạc", tức thì điện sơn thủy được tấu lên, hết phần nhạc là lễ "củ xoát lễ vật", ông trùm cầm đèn soi và kiểm tra tất cả các lễ vật khi thấy đủ lễ ông sẽ hô to "Lễ túc" và sau lễ kiểm tra là lễ "Mao uyết" và lần lượt thứ thự theo các lễ "Quán tổng", lễ "Tửu tiến", lễ "Nghệ hương án tiến", lễ "Phân hiến". Nội dung các cuộc tế lễ nói lên lời chúc cho dân làng có được cuộc vui xuân, một năm mùa màng tươi tốt.
Phần Hội: Do ông Trùm tung những quả cầu báo hiệu hội làng bắt đầu.
Chiêng trống nổi lên các quả còn tua dài màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng được tung ra và các nam thanh, nữ tú, các em thiếu niên đều xô nhau chen chúc vào cướp còn để vào cuộc đua tài, rồi ném còn vào mặt nguyệt trên ngọn cây nêu. Trong tiềm thức đồng bào Cao Lan quan niệm rằng "cái còn là cái không mất" và nó có hình mặt nguyệt mang yếu tố âm (tức là trăng) nó sinh ra vạn vật, quả còn có nửa xanh, nửa đỏ tượng trưng cho đàn chim phượng hoàng bay lên mặt trăng để lấy lúa về làm giống ban phát cho dân làng. Quả còn nào ném trúng mặt nguyệt thì quả đó đã lấy được giống lúa về. Quả còn đầu tiên và các quả còn đã ném trúng chui qua mặt nguyệt đều phải mang vào đình làm lễ tế cho đến Tết "măng chủng" và khấn hai vị thần để phát giống lúa cho dân trồng cấy, mong mùa về sẽ bội thu. Thú vị nhất ở hội này là việc cướp quả còn đầu tiên đã bắn thủng mặt nguyệt dán giấy trên ngọn tre, cao khoảng 19m gọi là cây nêu của hội còn. Giờ cướp còn diễn ra rất sôi nổi, giằng co lẫn nhau phải qua nhiều người, lúc nào hồi trống nổi lên theo quy định của trưởng hội, người cuối cùng đang giữ trong tay mình đến phút chót, dứt hồi trống thì mới được công nhận là người cướp được quả còn năm đó. Người cướp được còn chính là niềm hạnh phúc nhất, gia đình yên vui, khoẻ mạnh và may mắn làm ăn phát đạt trong năm. Ngoài ném còn, trong hội còn diễn ra các trò chơi dân gian khác, giới thiệu ẩm thực...
Lễ hội dân tộc Cao Lan bộc lộ tinh thần cao cả, linh thiêng và trần tục. Các trò chơi, thao diễn của dân làng tưng bừng hoành tráng. Ngoài ném còn, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động như; đánh đu, chọi gà, chọi chim, câu cá, văn nghệ, bóng truyền, bóng đá, đánh quay, nhảy dây, các cụ già kể truyện ngày xưa. Đặc biệt là hát đối đáp giao duyên gọi là hát sình ca (có người còn gọi là quan họ vùng đồi). Sình ca Cao Lan có nội dung rất phong phú. Các cụ ông, cụ bà đều tham gia hát rất say sưa, không khí thật vui tươi náo nhiệt. Hội vui và diễn ra từ sáng đến chiều. Đây là loại hoạt động văn hoá dân gian tổng hợp rất đặc sắc gồm: hát, múa, âm nhạc, võ thuật dân tộc, vừa đua tài giữa các thôn trong làng, giữa các làng trong xã, vừa cầu mong, vừa giải trí, vừa mang tính tâm linh của  cộng đồng dân tộc Cao Lan và những khách gần xa đến dự hội.
Lễ hội Cao Lan hiện vẫn còn lưu giữ được chất mộc mạc, nguyên sơ của hội làng truyền thống. Nghi thức ném còn chính là sự phát triển của nghi thức thờ mặt trời và thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội còn biểu hiện nghề nông trồng lúa nước của người Cao Lan đã phát triển từ xa xưa. Qua lễ hội phản ánh những nét văn hoá riêng biệt của dân tộc Cao Lan, góp thêm những bông hoa đẹp vào rừng hoa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Share with your friends