Người dân tộc Cờ Lao trên cao nguyên Hà Giang sống chủ yếu ở Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc với nguồn sống chính là sản xuất nông nghiệp với nghề trồng lúa nước, trồng chè, chăn nuôi. Theo nghiên cứu thì Người Cờ Lao có mặt tại Hà Giang cách ngày nay khoảng 120- 150 năm và được chia thành nhiều nhóm khác nhau.
Người dân tộc Cờ Lao cư trú thành từng thôn bản và mỗi thôn có khoảng 15- 20 gia đình khác nhau. Các ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ, hoặc bằng đất, lợp ngói âm dương, không chái. Phía sau của gian giữa là nơi thờ cúng, phía trước là chỗ ăn cơm. Trên bàn thờ, người ta đặt các bát hương thờ tổ tiên từ đời thứ 3 hoặc thứ 4 và mỗi năm, khi mổ lợn ăn tết họ đều lấy các mảnh xương hàm treo lên đó.
Đến làng bản của người Cờ Lao với hình ảnh những người đàn ông mặc trang phục giống nhau như quần đen, áo xẻ ngực, 4 túi,…còn đối với trang phục nữ là mặc quần kết hợp với áo dài, loại áo xẻ tà, cổ đứng, cài cúc bên nách phải. áo may dài quá đầu gối, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo. Đặc biệt, trong ngày cưới, chú rể bắt buộc mặc áo dài xanh như kiểu áo nữ và cuốn một tấm khăn đỏ qua người, cô dâu thì búi tóc ngược lên đỉnh đầu…
Trong văn hóa hôn nhân của người Cờ Lao thì họ tôn trọng một vợ một chồng và rất ít gia đình bỏ nhau. Đặc biệt có nhiều gia đình hôn nhân bền chặt, gắn kết thì gia đình người Cờ Lao sống với nhau nhiều thế hệ và từ đó các phong tục, tập quán với giá trị văn hóa truyền thống luôn được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Ngoài ra, với ngôn ngữ đa dạng và nét văn hóa dân gian truyền thống, dân tộc Cờ Lao ngày càng được phát triển với sự tìm hiểu và nghiên cứu những giá trị truyền thống lâu đời đặc biệt đưa nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc.
Hoàng thị Hải (sưu tầm)