Nghề thủ công truyền thống của người dân tộc Lự khá đa dạng và phong phú với nhiều loại hình như: Nghề mây tre đan; nghề mộc, thêu thùa nhưng nổi bật hơn cả đó là dệt vải, chính những sản phẩm dệt từ bàn tay thủ công khéo léo đã tạo nên thương hiệu cho những bộ trang phục của dân tộc Lự.
Nghề dệt rất được người Lự coi trọng và xem đó như là thước đo của một người phụ nữ khéo léo trong làng, bản. Trong mỗi hộ gia đình người Lự đều có khung dệt và các dụng cụ xe sợi, quay sợi dệt vải, nguyên liệu gốc để dệt đó là bông, có thể trồng tại nhà sau đó họ xe thành sợi rồi dệt thành vải. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại và hoạ tiết hoa văn rất độc đáo, váy của người phụ nữ Lự thường trang trí hoạ tiết hoa văn với những đường viền thêu ngang váy, với các hoa văn hình răng cưa mầu vàng, đỏ, mầu nâu. Trên váy của phụ nữ người Lự thường phân chia thành 3 gam màu chính đó là mầu đỏ nâu ở phía trên cạp xuống phía đầu gối khoảng 30 – 35 cm, trên khoảng này có các đường thêu viền ngang mầu vàng, xanh, đen…Tiếp xuống phía dưới gấu váy là mầu váy đen với khoảng 6 đường thêu chạy ngang xung quanh váy khoảng cách của các đường thêu này là khoảng 3 cm, mầu vàng và chàm là chủ yếu
Áo của người phụ nữ dân tộc Lự cũng rất khác biệt với một số dân tộc khác sống xung quanh, họ may chiếc áo theo kiểu áo xẻ nách chéo, đường viền cổ áo là một dải thêu thùa khổ rộng khoảng 4cm có trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn hình quả chám và các hình thêu chân chim với mầu xanh, đỏ, vàng là chủ yếu. Từ khổ ngang áo có một đường thêu khổ rộng 5 cm chạy ngang vạt áo lên tà xẻ nách áo, với các hình thêu răng cưa ở dưới đường viền này, xen kẽ nhau là các đường thêu mầu xanh, đỏ, vàng ở giữa đường vạt thêu đó, ở giữa là các hình thêu hoạ tiết hình quả chám và hình chân chim đan xen nhau. Trên tay áo được trang trí bằng một đường viền ở khoảng giữa khuỷu tay bằng đường viền rộng khoảng 2 cm với các hoạ tiết hoa văn thêu hình chân chim và phối mầu xanh, đỏ, vàng. Dưới cổ tay có một viền thêu quanh cổ mầu vàng sẫm.
Ngoài dệt quần áo, váy ra thì sản phẩm dệt của người Lự hiện nay còn có các loại túi, khăn, địu….những túi đeo do chị em người dân tộc Lự làm ra là một sản phẩm rất có giá trị để bán cho các dân tộc khác và khách du lịch. Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ. Một chiếc túi của họ có thể bán với giá từ 100.000 – 150.000 đ.
Hiện nay, chị em phụ nữ người Lự vẫn tự dệt và mặc những trang phục truyền thống, còn thanh thiếu niên người Lự thì hầu như ít mặc trang phục truyền thống mà chủ yếu mặc quần áo mua sẵn ngoài chợ. Vì vậy mà vấn đề trang phục truyền thống của người Lự đang có xu hướng bị mai một đi rất nhiều bởi chịu sự ảnh hưởng tác động của các yếu tố kinh tế thị trường hiện nay. Trang phục của nam giới người dân tộc Lự hiện nay cũng đang có nguy cơ biến đổi rất lớn, trong thôn bản chủ yếu chỉ có những ông già là mặc trang phục truyền thống. Vấn đề bảo tồn và phát huy tinh hoa nghề dệt của dân tộc Lự là hết sức quan trọng và cần thiết để nghề dệt sẽ vẫn giữ được những nét tinh hoa, bản sắc vốn có theo thời gian.
Nghề dệt của người Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng cho dân tộc Lự nói riêng và đặc trưng của du lịch Lai Châu nói chung. Ghóp phần đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm Bản du lịch trong tỉnh./.
Mai Thị Hằng (sưu tầm)