Người làm "Pả me" là những người biết hát Văn đám cưới, là những người đứng tuổi, có uy tín trong vùng.
"Pả me" là nhân vật không thể thiếu trong ghi thức cưới hỏi của người Tày ở Tuyên Quang. Đây là người thay mặt bố mẹ cô dâu thực hiện mọi lễ nghi trong đám cưới.
Nếu như trong đám cưới của người Kinh, đại diện nhà gái theo cô dâu về nhà chồng có thể là nam giới hay nữ giới thì trong đám cưới dân tộc Tày, người đại diện là "Pả me" - một người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng có thể đảm đương được công việc của "Pả mẻ".
Người làm "Pả me" trước tiên phải là những người biết hát Văn "hết văn đảm bái" – hát văn đám cưới. Họ thường là những người đứng tuổi, có đức độ, uy tín trong vùng, phải là những người rất đứng đắn, lịch sự, có khả năng ứng đối, am hiểu phong tục tập quán của địa phương. Ngoài ra, phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như có chồng, gia đình hạnh phúc, con cháu quây quần. Tuy vậy, người Tày vẫn có những ngoại lệ cho người biết hát Văn dù không có con hoặc mất chồng… vẫn có thể làm "Pả me" nhưng điều này phải được gia chủ lựa chọn.Trong ngày cưới của đôi trẻ, "Pả me" thay mặt bố mẹ cô dâu thực hiện mọi lễ nghi. Đại diện nhà gái dẫn cô dâu, cùng 4 bạn gái đi đón rể. Với mỗi hoạt động trong đám cưới như đưa của hồi môn, xin tiền qua cầu, xin phép tổ tiên, ra mắt nhà chồng... "Pả me" sẽ có những bài hát Văn riêng. Khi đưa cô dâu về nhà chồng có rất nhiều bài hát nghi lễ từ đón nhận của hồi môn của bố mẹ, vái lạy tổ tiên... hay trước khi kết thúc nghi lễ, "Pả me" sẽ hát một điệu hát "thắng lùa" để dặn dò cô dâu về cách làm ăn, cư xử và những điều cần thiết khi về nhà chồng. Những bài hát Văn của "Pả me" vừa răn dạy đạo đức, lối sống, vừa thể hiện sự tinh tế, thông minh, khéo léo trong cách ứng xử, đồng thời là một hình thức giao lưu cộng đồng độc đáo.
"Pả me" thay mặt bố mẹ cô dâu thực hiện mọi lễ nghi trong cưới hỏi.
Những lời hát Văn của "Pả me" cũng như của "Quan làng" đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong hôn lễ của người Tày. Không chỉ hát trong nghi lễ chính của đám cưới, những bài hát Văn như "văn chồm bôm – hát trước khi ăn cỗ cưới", "chậu nặm dào mừ – mời rửa tay trước khi ăn"… sẽ được "Pả me", "Quan làng" hát để giao lưu lúc liên hoan. Nếu không hát đối lại được thì sẽ phải chịu rượu phạt. Để mời rượu cũng như từ chối rượu "Pả me" cũng có làm những bài văn "chối lẩu", "mơi lẩu". Quan viên hai họ vừa là công chúng thưởng thức đồng thời là "ban giám khảo" xét thưởng phạt những lời hát đối đáp này…
Khi tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi người bị cuốn vào cuộc, tạo nên không khi vui vẻ, đoàn kết trong cộng đồng. Chính vì vậy nét văn hoá truyền thông mang đậm chất nghệ thuật của đồng bào Tày rất cần được lưu giữ để không bị mai một bởi thời gian. Có thể thấy, đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng rất độc đáo, đặc sắc vừa giúp tăng cường sự giao lưu, gắn kết trong cộng đồng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày.
Văn Hóa Đông Bắc