Là dân tộc sinh sống trên vùng núi cao, để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, người Hà Nhì làm loại nhà trình tường bằng đất. Những ngôi nhà trình tường trải qua thời gian vẫn tạo nên nét văn hóa kiến trúc độc đáo của dân tộc Hà Nhì.
Thấp thoáng trong mây ở miền núi cao, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì mộc mạc với tường màu đất và mái xanh rêu trông thật đẹp. Nhìn từ xa, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì giống như những cây nấm khổng lồ nằm thoai thoải bên sườn núi, khiến cho bản làng của người Hà Nhì toát lên vẻ đẹp rất riêng, hoà hợp với thiên nhiên và môi trường xung quanh. Nhà ở của người Hà Nhì thường tựa lưng vào núi và trông ra thung lũng để tạo cảnh quan. Theo cách nghĩ của người Hà Nhì, hướng nhà như thế sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.
Vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì thể hiện trước hết là về mặt kiến trúc. Nhà thường được dựng theo hình vuông với bốn mái hình chóp và thường không có hiên. Mỗi ngôi nhà rộng chừng 65 - 80 m2, dù nhà to hay nhỏ vẫn có vẻ cân đối, đẹp mắt. Nét độc đáo nổi bật nhất của ngôi nhà trình tường chính là các bức trình tường bằng đất sét dày 40 – 50 cm, cao 4 – 5 m. Bộ khung nhà được tạo bởi hệ thống cột, xà ngang và được trợ lực bởi hệ thống tường đất dài với mái mái nhà lợp cỏ gianh để phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi. Sống trong những ngôi nhà như thế, người Hà Nhì cảm thấy thoải mái trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao.
Hàng năm cứ sau mỗi mùa vụ, người Hà Nhì thường bắt tay vào làm nhà mới. Sau khi chọn được mẫu đất ưng ý, người Hà Nhì bắt đầu đào móng, chọn đá phẳng xếp vào khuôn rồi nèn đất thật chặt để làm móng và nền nhà. Công đoạn công phu nhất là trình tường nhà. Hầu như người đàn ông Hà Nhì nào cũng biết trình tường. Đầu tiên, đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, mọi người dùng chày gỗ giã để đất kết dính, nén chặt với nhau. Làm hết lượt tường thứ nhất, lại tháo khuôn làm đến lượt tầng tường thứ hai và phải 5-6 lượt tầng như vậy mới tạo nên bức tường nhà vững chắc. Trong quá trình hoàn thiện, mọi người lại lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong và phía ngoài làm cho mặt tường thật phẳng và mịn, sau đó mới làm xà nhà và lợp mái. Tường được trình bằng đất sét như thế qua thời gian sẽ cứng như bê tông, chống lại mọi tác động của nắng mưa, có thể bền vững qua hàng trăm năm.
Ngôi nhà Trình tường của người Hà Nhì thường có từ 3 đến 4 ô cửa nhỏ, những ô cửa này chủ yếu mở ra để thông gió và lấy ánh sáng. Bên trong nhà bố trí phòng ngủ của bố mẹ, khu vực tiếp khách, tại phần hành lang thường đặt giường dành cho khách và con trai chưa vợ trong gia đình. Bếp lửa được đặt ngay trong nhà và gian bếp có vị trí đặc biệt trong ngôi nhà. Bếp vừa là nơi sưởi ấm, vừa là nơi nấu nướng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt, tiếp khách của gia đình.
Ngày nay, dù đã có nhiều loại nguyên liệu tiện lợi để làm nhà, nhưng ở nhiều nơi đồng bào vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc xưa với kỹ thuật làm nhà trình tường bằng đất. Những ngôi nhà trình tường theo nguyên mẫu của người Hà Nhì vẫn luôn là điều hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là những người đam mê nhiếp ảnh vì hình khối, đường nét riêng ở những ngôi nhà trình tường đất nện.
Lý Văn Sùng (sưu tầm)