Dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam có dân số gần 22.000 người (2009), gồm 3 nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí và Hà Nhì Đen. Tiếng nói của họ thuộc ngôn ngữ Tạng – Miến (ngữ hệ Hán – Tạng). Người Hà Nhì sinh sống ở vùng giáp giới với Lào và Trung Quốc, thuộc địa bàn hai tỉnh: Lai Châu (huyện Mường Tè) và Lào Cai (huyện Bát Xát). Trong số đó, phần đông từ Vân Nam (Trung Quốc) di chuyển sang cách đây hơn 300 năm (bộ phận ở Lai Châu), hay 150 năm (bộ phận ở Lào Cai). Tuy nhiên, theo thư tịch cổ, tổ tiên người Hà Nhì đã có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ VIII.
Ngoài làm nương, người dân tộc Hà Nhì có truyền thống làm ruộng bậc thang. Họ có kinh nghiệm khai phá sườn núi thành những thửa ruộng hẹp, đắp đập, đào mương lấy nước vào ruộng. Họ dùng cày, bừa để làm đất, cấy lúa và dùng phân trâu bón ruộng. Đa số các gia đình tự túc vải may mặc và đồ đan. Vải chỉ dệt rộng khoảng 20cm, nhuộm chàm. Ở những địa bàn có khí hậu lạnh, không trồng được bông, họ đem chàm, gia cầm, sản phẩm đan lát đổi lấy bông của người Dao, người Giáy. Trang phục nữ Hà Nhì ở Lai Châu được trang trí sặc sỡ, còn ở Lào Cai không có trang trí. Trước đây, trai gái Hà Nhì thường sử dụng cánh kiến đỏ để nhuộm răng đen cho đẹp.
Trừ những nơi họ làm nương du canh nên bản làng tạm bợ, còn lại phần đông người dân tộc Hà Nhì đã định cư từ lâu. Kiểu nhà phổ biến là nhà trệt có tường đất dày, mái tranh dày.
Người dân tộc Hà Nhì theo tập tục phụ hệ và lấy tên cha làm tên đệm của con. Cứ đến tối 30 Tết, cả gia đình quây quần nghe người già kể về việc sinh ra con người, tổ tiên và dòng họ mình, đồng thời tất cả cùng đọc tên các vị tổ tiên trong phả hệ. Việc thờ cúng tổ tiên thường do con trai cả đảm nhiệm, bên cạnh đó họ cũng coi trọng thờ cúng bố mẹ vợ.
Vào tháng Hai âm lịch hàng năm, cả bản làm lễ chung, cúng thần đất và thần trông coi bản, để cầu an và ngăn ngừa ma rừng, đồng thời cầu mùa màng tốt tươi. Xuất phát từ quan niệm về hồn lúa và ước vọng được mùa, trong nông nghiệp, họ thực hiện nhiều lễ thức, đặc biệt liên quan tới canh tác nương rẫy.
Lý Văn Sùng (sưu tầm)