Nhạc cụ của người dân tộc Giáy chủ yếu sử dụng trong sinh hoạt đời thường, gồm nhóm nhạc cụ hơi như kèn (pồ lế), sáo lá (pơ bơ mấy), sáo lưỡi (nau lín), sáo ngang (náu lín), sáo ngang (náu vang); nhóm nhạc cụ màng rung có trống (trổông) và nhóm nhạc cụ tự thân vang có não bạt (xéo). Trai gái dân tộc Giáy thường tìm hiểu nhau qua tiếng sáo lá, sáo lưỡi, còn trong những ngày lễ Tết đầu xuân năm mới, âm thanh của kèn kết hợp với trống và não bạt thực sự đã làm nên phần hồn sống động cho buổi lễ.
Sáo lá tiếng Giáy là Pơ bơ mấy. Hầu như lá cây nào cũng có thể thổi được nhưng người Giáy thường lấy những lá dày như lá sa nhân hay lá ổi thì tiếng sáo đẹp mà sáo cũng bền hơn. Đối với người Giáy, cả con trai và con gái đều thổi được sáo lá. Khi diễn tấu, hai tay cầm hai bên mép của chiếc lá sát với miệng thổi để làm thẳng phần lá đưa vào môi. Cùng lúc đưa vào môi, người ta tạo một nếp gấp nhỏ ở mép lá để làm lam cho kèn.
Sáo lưỡi gà (Nau lín) là nhạc cụ hơi chi lưỡi gà rung tự do. Sáo được làm bằng một loại tre nhỏ. Khi làm người ta để một đầu có mấu kín, một đầu rỗng. Đầu mấu kín có đặt một lưỡi gà bằng đồng và dùng để thổi. Toàn bộ thân sáo dài khoảng 30 cm, có 6 lỗ bấm phía trên và 1 lỗ bấm phía dưới. Sáo lưỡi gà là nhạc cụ không kiêng cữ, thường được dùng để đi chơi bản (đi đường, giao duyên). Muốn hẹn hò với người mình yêu, các chàng trai cô gái Giáy thường dùng tiếng sáo lưỡi gà để gọi người yêu đến.
Sáo ngang tiếng Giáy gọi là Náu Vang thuộc họ hơi. Sáo được làm bằng tre, dài khoảng 50cm, hai đầu rỗng không có mấu. trên thân sáo có 1 lỗ thổi hình bầu dục và 6 lỗ bấm hình tròn được khoét trên một hàng thẳng. Sáo ngang là nhạc cụ dùng cho nam giới sử dụng và chủ yếu chỉ thổi trong đám cưới. Trong đám cưới của người Giáy, người thổi sáo ngang của nhà trai sẽ sang nhà gái đón dâu. Khi nhà gái tiễn cô dâu ra cửa, tiếng sáo ngang trầm, buồn cất lên thường khiến cho cả nhà gái phải bật khóc. Khi đến nhà trai, sáo ngang tham gia vào nghi thức cúng tổ tiên và lúc đôi vợ chồng đến lạy trước bàn thờ.
Kèn (Pồ Lế) là nhạc cụ họ hơi, chi dăm kép. Toàn bộ chiều dài của kèn dài khoảng 45 cm. dăm kèn được làm từ tổ sâu, thân kèn được làm bằng gỗ và loa kèn bằng đồng. kèn có 7 lỗ bấm để tạo cao độ. Nếu các loại sáo thường dùng độc tốc thì kèn chủ yếu chỉ hòa tấu với trống (Trôổng) và não bạt (xéo). Trong đám cưới, kèn và bộ gõ thường hòa tấu nhiều bản nhạc. khi khách của nhà gái đến, đội kèn trống của nhà trai ngồi trong nhà hòa tấu bài Chào khách (Tóong hệch). Trên đường đi đến nhà gái đón dâu có bản nhạc Đi đường (Pay răn). Trong lúc đám cưới diễn ra ở cả nhà trai và nhà gái không lúc nào thiếu vắng âm thanh của kèn và bộ gõ.
Chùm nhạc tiếng Giáy gọi là lếch được sử dụng trong điệu múa Then.
Mông Xuân Vanh (sưu tầm)