(Đồng bào Mường diễn xướng cồng chiêng tại Lễ hội Đình Cả, xã Tất Thắng)
Ở vùng đất Tổ Hùng Vương đến nay vẫn còn dày đặc các di sản văn hóa với hàng trăm di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và nhiều lễ hội truyền thống, trò diễn, dân ca nghi lễ, diễn xướng dân gian. Hầu hết các di sản văn hóa đều liên quan tới các hoạt động thời Vua Hùng và không gian văn hóa thời đại Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ thời đại các vua Hùng với niềm tin cả dân tộc có cùng chung giống nòi, con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn cội, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và sự gắn kết cả cộng đồng. Đối với đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống trong kho tàng miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam trên quê hương đất Tổ Vua Hùng.Đến ngôi Đình Cả, xóm Chiềng, xã Tất Thắng, chúng tôi gặp cụ Đinh Minh Hương, nghệ nhân lâu đời trên mảnh đất này cụ cho biết: Xã Tất Thắng chủ yếu là đồng bào Mường sinh sống. Chúng tôi luôn tôn trọng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đình Cả thờ Tản Viên Sơn Thánh con rể Vua Hùng Vương thứ XVIII và các vị anh hùng dân tộc Mường có công khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm. Đồng bào Mường nơi đây đều tự hào khi quê hương mình có ngôi đình mà ông cha để lại, là nơi tâm linh để hàng năm vào ngày lễ bà con được đến thắp hương tưởng nhớ.
Hiện nay, đình không còn giữ nhiều hiện vật cũ nhưng chứng tích còn lại thể hiện việc tích cực giữ gìn di sản của chính quyền cũng như nhân dân trong xã. Từ việc tổ chức ngày hội làng, các chương trình diễn xướng dân gian đã giúp đời sống tinh thần của bà con đồng bào Mường được nâng lên, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống và loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Có thể thấy, để bảo tồn di sản vùng cao cần sự quan tâm, đầu tư kinh phí của chính quyền nhưng trên hết vẫn là tinh thần và ý thức của bà con nhân dân.
Tồn tại theo không gian văn hóa ấy, đình Thạch Khoán là ngôi đình cổ duy nhất của người Mường trên đất Phú Thọ. Ngoài thờ đức thánh Tản Viên Sơn, các anh hùng có công khai sơn lập địa, đánh giặc gìn giữ quê hương trong buổi đầu dựng nước, được các triều vua sắc phong, sử sách lưu danh, đình còn thờ các Mị nương ( Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, Thuỷ Tiên công chúa) con gái Vua Hùng. Nơi đây còn bảo tồn được hệ thống các bức hoành phi cổ và có giá trị. Đình cũng là nơi để con cháu xa gần nhớ ngày giỗ tổ tìm về với quê hương, nguồn cội, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Mường và nhân dân trong vùng.
Gắn bó với tục thờ cúng tổ tiên của người Mường trong đó người có công khai sơn lập quốc – Thánh Tản Viên Sơn là nhân vật được đồng bào tôn thờ bao đời nay. 10/10 di tích đã xếp hạng ở Thanh Sơn đều thờ đức Thánh Tản.
Bảo Châu (sưu tầm)