Ngày tảo mộ là ngày các gia đình dân tộc Dao ở xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) tỏ lòng nhớ ơn tiên tổ.
Mỗi miền quê, dân tộc đều có tết thanh minh để nhớ ơn tổ tiên. Dân tộc Dao ở huyện Sìn Hồ đến nay vẫn giữ phong tục tảo mộ và chuẩn bị rất chu đáo cho ngày tết thanh minh (tháng 3 âm lịch hằng năm). Đây là phong tục đẹp; là dịp con, cháu trong gia đình hiểu về thêm về nguồn cội và đoàn kết, gắn bó keo sơn.
Sắp đến ngày tảo mộ cũng là lúc mỗi gia đình dân tộc Dao ở các xã: Phăng Sô Lin, Tả Phìn (huyện Sìn Hồ) chuẩn bị đồ đi tảo mộ. Con, cháu đi làm, đi học ở xa đều được thông báo về tham gia đầy đủ. Phụ nữ trong mỗi gia đình được cắt cử đi chợ phiên mua giấy màu ngũ sắc: trắng, tím, hồng, vàng, xanh… làm cờ phướn (loại cờ riêng để cắm trên mộ dịp thanh minh của dân tộc Dao). Tiền âm cũng được những người phụ nữ tự cắt từ giấy bản màu trắng.
Lễ vật dâng cúng trong ngày tảo mộ của dân tộc Dao gồm: Phần cúng ở nhà trên bàn thờ gia tiên (thường cúng lợn hoặc gà và xôi, cơm) và phần cúng tại mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con, cháu và chủ yếu làm bằng tấm lòng dâng lên tiên tổ. Quan trọng nhất là tất cả mọi con, cháu đều có mặt đầy đủ và thường đi cùng nhau, tạo không khí mật thiết, đoàn kết, thân ái giữa anh em, gia đình, họ hàng.
Trong các ngày tết của dân tộc Dao thì thanh minh được xem là ngày tết lớn, là ngày anh em, họ hàng có dịp quây quần và họp mặt. Cũng vì thế mà bữa cơm tết thanh minh (thường được tổ chức tại nhà người con cả) được chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các món ăn đặc trưng của dân tộc Dao như: canh gà nấu gừng, đậu phụ nhồi thịt băm, bánh dày, canh óc đậu…
Trong dịp này, đi qua các bản làng dân tộc Dao, trên những mỏm núi, sườn đồi đã thấy phất phơ trước gió những lá phướn ngũ sắc tung bay. Trong những tốp người đi tảo mộ, có cả cụ già đã còng lưng phải chống gậy cùng với trẻ em nhỏ tuổi chạy tung tăng cho thấy đây là phong tục đẹp, là sự kế tiếp thuần phong mỹ tục và sẽ được gìn giữ mãi đến muôn đời sau.
Vi Đức Hồi (sưu tầm)