Chủ lễ thực hiện nghi thức báo cáo tổ tiên về việc tổ chức Tết
Tết Nguyên Đán và Lễ hội Gầu Tào,của người H’mông ở Lai Châu là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm. Theo thông lệ hàng năm, đồng bào H’mông lại náo nức đón Tết .
Năm nay, đồng bào dân tộc H’mông với các nghệ nhân đến từ tỉnh Lai Châu đã tổ chức đón Tết Độc lập cùng với đồng bào các dân tộc Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại không gian nhà dân tộc H’mông, sau khi dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, dán giấy bản lên bàn thờ, đồ xôi và làm các loại bánh, chủ lễ ôm con gà trống tơ ra trước nhà để thông báo với mọi người về việc tổ chức Tết. Chủ lễ khấn bằng tiếng H’mông, báo cáo và mời thần linh 12 dòng họ của người H’mông về "ăn" Tết.
Nghi thức dính lông gà lên giấy bản trên bàn thờ
Tiếp theo, chủ lễ dùng 3 chiếc lông cổ gà chấm vào bát tiết vừa cắt của chính con gà này dán lên giấy bản trên bàn thờ rồi rót 3 chén rượu lên mặt sàng cúng mời ma nhà (tổ tiên, ông bà). Gà luộc xong đặt lên mâm cùng với xôi, thịt trâu gác bếp… đặt trước bàn thờ và chủ lễ khấn mời ma nhà, tổ tiên về "ăn tết, phù hộ cho con cháu sức khỏe, học giỏi, mùa màng bội thu, đời sống bà con dân bản ấm no, hạnh phúc. Chủ lễ cắm hương vào góc nhà, cửa buồng và cửa ra vào để căn nhà được tổ tiên bảo vệ vững chãi.
Chủ lễ mời tổ tiên, ông bà về "ăn" Tết
Nghi thức đốt giấy bản tại các cây cột, góc nhà, cửa ra vào để đuổi tà ma và những điều rủi ro của chủ lễ kết thúc. Chủ lễ hạ mâm cúng, mời các thành viên trong nhà, bà con và du khách cùng uống rượu, thụ lộc.
Nghi thức cắm hương vào góc cửa, góc cột của chủ lễ
Chủ lễ mời các thành viên trong gia đình uống rượu và thụ lộc
Sau đó, đồng bào H’mông kéo nhau xuống chợ vùng cao, cùng giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian…với các cộng đồng dân tộc Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La.
Đồng bào H’mông xuống chợ vùng cao vui Tết
Mai Văn Kháng (sưu tầm)