Bắc Giang là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó người dân tộc Tày có số lượng khá đông (đứng thứ ba sau người dân tộc Kinh, người Nùng). Theo số liệu thống kê từ năm 2006, người dân tộc Tày toàn tỉnh có khoảng gần 30.000 người chủ yếu sống tập trung ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và một số xã miền núi ở các huyện khác. Người Tày ở Bắc Giang đã có từ rất lâu đời, hình thành một nền văn hoá riêng với những bản sắc đặc trưng. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, xã hội, thời gian…nhưng những bản sắc văn hoá của người dân tộc Tày đến nay vẫn còn lưu giữ, cần được bảo tồn.
Xin điểm qua một vài nét Văn hoá người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh.
* Về tín ngưỡng.
Người dân tộc Tày rất coi trọng việc thờ cúng Tổ tiên, đây là việc thờ chính trong nhà, nhằm giáo dục, nhắc nhở con, cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian chính giữa nhà là nơi trang trọng nhất, cao ngang xà, được trang hoàng đẹp. Ngày mồng một, ngày rằm âm lịch hàng tháng, gia đình thắp hương kèm theo hoa quả, rượu. Do tính chất thiêng liêng, trang trọng như vậy, nên người Tày thường nghiêm cấm phụ nữ nhất là con dâu, cháu dâu, những người lạ không được tới gần bàn thờ. Mỗi khi gia đình có việc đại sự như: Làm nhà mới, cưới vợ, sinh con, tang lễ đều phải cúng bái mời tổ tiên về chứng giám, ở gia đình người Tày, mỗi người con dâu đều có một buồng riêng, đều có một bà mụ riêng cho con của mình. Có bao nhiêu con dâu có trẻ con thì có bấy nhiêu bàn thờ mụ. Dân tôc Tày có quan niệm về ông Công, ông Táo rất gần với người Kinh, họ coi ông Táo không chỉ là thần Bếp mà còn là vị thần bảo vệ người và gia súc trong gia đình. Nơi thờ Táo quân rất đơn giản, chỉ là một ống tre được dán giấy đỏ làm ống hương. Nếu gia đình có việc đại sự, hoặc xảy ra những vụ việc như có người đau, ốm, gia súc bị bệnh dịch, mất trộm thì cúng thần bếp để xin phù hộ. Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng chạp âm lịch là làm lễ tiễn đưa Táo quân về trời. Do đặc điểm cư trú ở vùng rừng núi, khí hậu lạnh, sẵn củi rừng nên bếp của người Tày quanh năm không bao giờ tắt lửa. Dân tôc Tày quan niệm bếp không có lửa thì không gặp được điều lành…
* Về tập tục cưới, hỏi.
Trong việc chọn vợ cho con trai (sau khi có sự tìm hiểu của con trai, con gái) nếu được nhà gái chấp thuận, nhà trai chọn ngày giờ tốt để mang lễ vật sang nhà gái gồm 4 con gà thiến, 4 ống gạo, 2 lít rượu, 2 cân muối. Nhà gái tiếp nhận lễ vật thắp hương khấn tổ tiên rồi trao cho nhà trai tờ “Lục mệnh” (ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của cô gái) có nơi còn ghi lá số của cô gái giao cho người làm mối đem về trình nhà trai. Nếu lá số hợp nhau, người con trai mang lễ vật sang nhà gái làm lễ ăn mừng.
Trước đây, từ ăn hỏi đến tổ chức lễ cưới thường kéo dài hàng năm (có nơi kéo dài đến 2-3 năm) trong thời gian kéo dài, thử thách đó nếu vào dịp Lễ tết nhà trai phải mang quà cho nhà gái gồm: 2 con gà thiến, 2 cái bánh trưng, 6 cái bánh khảo, 2 gói chè. Chọn được ngày cưới, nhà trai chủ động báo tin để nhà gái chuẩn bị. Đó là lễ “báo ngày”. Trước khi cưới, nhà trai phải nộp đồ sính lễ cho nhà gái, trước đây có nơi thách cưới đến hàng tạ lợn và bạc trắng. Lễ cưới tổ chức trong 2 ngày, nhà gái tổ chức hôm trước, nhà trai tổ chức hôm sau. Tại nhà gái tổ chức lễ trình tổ tiên, hôm đó tất cả họ hàng đều có mặt để nhận mặt chàng rể; coi như một nghi lễ kếp nạp thêm một thành viên mới. Để đáp từ chàng rể phải lần lượt mời trầu cau, hoặc mời rượu từng người. Ngày hôm sau, nhà trai cử người đưa cô gái về và mang theo lễ vật gồm: một đôi gà sống thiến, 2 chai rượu, 2 ống gạo nếp cho nhà gái và xin được làm đám cưới. Có nơi vào lúc nửa đêm, chàng trai đứng dưới sân chọc gậy lên chỗ cô gái ngủ để báo cho cô gái biết về sự có mặt của mình, sau đó chàng trai lẻn vào phòng cô gái ngủ tới sáng, khi tỉnh dậy chàng trai đến xin tạ lỗivới bố mẹ cô gái và xin chịu “hình phạt”. Cũng hôm đó nhà trai lại đem lễ vật sang xin lỗi nhà gái và nộp phạt gồm rượu, thịt lợn để làm lễ “rửa mặt” sau lễ này mới chính thức làm lễ cưới. Những nghi lễ trên hiện nay đã thay đổi bớt được nhiều thủ tục rườm rà, lạc hậu. Tuy nhiên ở một số khu vực có đồng bào dân tộc Tày vẫn tồn tại cơ bản các nghi lễ trên rất cần sự nghiên cứu, chọn lọc để phát huy những nét đẹp, phù hợp, thay thế những cái lạc hậu, không phù hợp.
* Về những ngày Lễ, Tết.
Cũng những dân tôc Kinh, dân tôc Tày coi Tết Nguyên đán là cái tết lớn nhất, quan trọng nhất trong năm. Trước và trong ngày Tết, các bàn thờ được trang hoàng dán giấy đỏ. Dân bản tổ chức cúng bái ở đình, miếu, tổ chức các trò chơi dân gian như vật, chọi gà, đẩy gậy, kéo co…những hoạt động này chỉ tổ chức sau ngày mồng một Tết. Trước đây, người Tày tổ chức ăn Tết Nguyên đán thường kéo dài đến ngày 15 tháng giêng (đặc biệt có vùng còn hết tháng giêng). Việc kéo dài như vậy rất lãng phí về thời gian lao động, mùa vụ. Đến nay cơ bản không còn tình trạng như vậy nữa. Ngày Tết thứ hai của dân tôc Tày là tết mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết giết sâu bọ) có bánh do, thịt gà, lợn, rượu, hoa quả để cúng tổ tiên. Ngày này cũng là ngày của những người thầy lang vào rừng lấy cây làm thuốc chữa bệnh. Ngày Tết thứ ba của dân tôc Tày là Tết mùng 10 tháng 10, có ý nghĩa tổng kết một năm lao động sản xuất, báo cáo với tổ tiên là đã thu hoạch xong vụ mùa. Lễ vật gồm: Bánh dày, thịt gà, lợn, rượu để cầu mong cho sự yên ấm của gia đình, con cháu.
Thành Trung