Ngô là lương thực chủ yếu của người Mông ở Bắc Kạn.
Hằng ngày đối với dân tộc H'Mông, bữa ăn sáng là bữa phụ, hai bữa chính là trưa và tối. Lương thực chủ yếu của họ là ngô. Vì thế, đồ bột ngô ăn thay cơm gạo là tập quán của dân tộc H'Mông, đồng bào gọi là má cử (cơm ngô). Ngô được xay thành bột, trộn nước cho đủ ẩm rồi nhào bột đồ chín lần đầu, đổ ra cho nguội, lại cho chút nước nhào đều và đồ tiếp lần nữa.
Bột chín được đổ vào rá rồi dùng thìa xúc ăn với nước canh, rau, thịt và các thức ăn khác. Đồng bào còn dùng ngô non, thái hạt, xay nhuyễn hoặc dùng bột ngô nếp làm bánh rợm, bánh trôi. Món ăn phổ thông được đồng bào ưa dùng là đỗ tương xay thành bột đun sôi, cho ít nước chua và rau vào nấu chín làm canh. Món ăn khô là lạc, vừng rang. Các loại thịt được nấu, nướng hoặc hầm nhừ với gia vị nhưng không có tập quán làm thắng cố như vùng Hà Giang và Tây Bắc. Thịt để dành lâu ngày được ướp muối, phơi hoặc sấy khô trên gác bếp. Do điều kiện sống trên núi nên ngoài thịt thú rừng, thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, vịt hiếm khi đồng bào được ăn ốc, cá. Các loại rau rừng như bồ khai, rau ngót rừng, các loại nấm, măng, hoa chuối, lõi non thân chuối, các loại quả bứa, vả, dâu da thường được xào nấu hoặc ăn sống như các loại quả cây.
Đồ uống hàng ngày là nước đun sôi để nguội, hoặc nướng quả ngô cháy vàng cho vào nồi nước sôi để dùng như nước chè nhưng có chút mùi khét, vị ngọt; hoặc uống chè dây là cây dây leo bò, mọc hoang ở rừng núi. Do du canh du cư không trồng được chè, đồng bào thường mua chè để uống, tiếp khách. Nhiều khi đi rừng, làm nương rẫy họ còn phải uống nước khe suối.
Rượu được rất nhiều người ưa dùng, thậm chí nam giới thường dùng hàng ngày. Các dịp cưới xin, cúng ma, tiếp khách và các ngày tết không thể thiếu rượu. Đồng bào ưa dùng rượu cất từ ngô. Ngoài ra cũng có người cất rượu lên men từ mì, mạch, sắn, chuối và các cây có bột trong rừng. Nam giới ưa dùng rượu có nồng độ cao. Phụ nữ lại hay dùng rượu nếp, rượu chưa cất.
Triệu Sính Lầy (sưu tầm)