Ở giữa nhà rông, già làng A Reng long trọng mang Yang Plút từ cái giỏ ra đặt giữa sàn nhà rông. Đó là một chiếc ngà voi hóa thạch, dài chừng 0,5 m, to như bắp đùi người trưởng thành.
Người Rơ Mâm gọi chiếc ngà voi hóa thạch là Yang PLút, xem nó như báu vật bất khả xâm phạm của dân tộc mình. Chiếc ngà voi thần bí này được thờ tại một căn nhà rông giữa làng Le, xã Mô Rai, H.Sa Thầy, Kon Tum.
Rước thần về làng
Nghe nhiều chuyện từ cái ngà voi (Yang Plút) này, nhưng phải đến lễ hội mừng lúa mới năm nay (diễn ra từ ngày 29-31/10) do Sở VH-TT-DL Kon Tum kết hợp với chính quyền địa phương phục dựng, chúng tôi mới có dịp đến tận nhà rông của người Rơ Mâm ở làng Le để chờ xem Yang Plút.
Anh Hạnh, một người Huế sinh sống tại đây 4 năm, có quán buôn bán trước nhà rông bảo nhà rông không có cửa, nhưng đố ai dám vào nhà này tự tiện xem Yang Plút chứ đừng nói chi đến chuyện trộm cắp nó. Già trẻ làng Le này, ai cũng xem đó là báu vật bất khả xâm phạm, ngay cả người trong làng cũng chỉ thấy nó qua lễ hiến tế thần.
Già A Blong (63 tuổi) kể Yang Plút là vật thiêng của làng có cách đây hàng trăm năm. Ngày trước, dù rời làng bao nhiêu lần đi chăng nữa, nhưng Yang Plút vẫn không rời dân làng.
Già A Blong nói, ông bà đời trước kể lại rằng có một người dân làng dắt chó đi săn trong rừng, con chó cứ đến một vị trí trong rừng là sủa liên tục. Sau đó, cả ngày, con chó và chủ nó đi quanh quanh trong rừng, cuối cùng cũng đến điểm con chó sủa hồi sáng.
Người dân làng vào bụi xem thì thấy có ngà voi tại đó mới mang về giấu ở rìa làng, rồi báo chủ làng ra xem. Khi chủ làng xem xong thì tối ấy nằm mơ thấy Yang Plút hiện về bảo “tao muốn ở lại với làng mày, sẽ phù hộ cho dân làng mày. Có điều muốn rước tao về thì phải cho tao uống máu từ tim con trâu, con dê, con heo, con gà...”.
Ngày hôm sau, chủ làng họp hội đồng già làng lại và làm theo lời Yang Plút nói trong mơ. Từ khi rước về, Yang Plút được “ở” trong nhà rông của làng, hằng ngày tịch mịch, không ai được tự tiện vào ra ồn ào, mà để cho thần nghỉ ngơi. Từ đó cho đến giờ, cứ tới lễ hội ăn lúa mới (lễ hội lớn nhất của người Rơ Mâm) thì dân làng lại tế thần bằng huyết tim từ trâu, dê, heo, gà và rượu ghè (rượu cần) cầu mong Yang Plút phù hộ cho dân làng cơm no áo ấm, không có tai ương hỏa hoạn xảy ra với dân làng.
Và cũng từ đây, ngôi mộ nào của người Rơ Mâm sau lễ bỏ mả cũng đều có khắc tượng nhà mồ có hình sừng voi ở trên. Đến rừng ma của làng Le, chúng tôi thấy dưới tán rừng rậm rạp cây gòn, cây nứa, dù mộ cũ hay mới cũng đều có biểu tượng ngà voi trên tượng nhà mồ.
Những chuyện ly kỳ
Chứng kiến lễ hiến tế trước Yang Plút, mới biết người Rơ Mâm quý linh vật này như thế nào. Buổi chiều trước ngày hiến tế, dân làng “xin đất” rồi dựng 3 cây nêu, sau đó dắt con trâu trắng, con dê cột vào cây nêu và trói con lợn treo ở cây nêu lớn. Tiếp theo, già làng A Reng dẫn đội cồng chiêng vào nhà rông mời thần Yang Plút ra ngoài “vui chơi” với dân làng.
Chiều tối hôm ấy, tất cả dân làng Le đều mang gạo đi xung quanh 3 cây nêu ném vào trâu, dê, heo và khấn vái Yang Plút chứng giám. Từ chiều đến suốt đêm, quanh ánh lửa bập bùng, dân làng già trẻ trai gái nhảy múa, uống rượu cần ngây ngất.
Uống rượu suốt đêm, nhảy múa suốt đêm nhưng đến sáng hôm sau, dân làng Le vẫn không quên lễ hiến tế thần Yang Plút. Dân làng Le sau khi lấy huyết từ tim của các con vật trâu, dê, heo và gà liền trộn chung trong cái thau làm lễ “tắm” cho Yang Plút.
Hôm ấy, trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng nhưng không kém trang nghiêm ở nhà rông làng Le, khách thập phương và cả dân làng tụ tập để chứng kiến Yang Plút, bởi đây là cơ hội không dễ gì có được.
Ở giữa nhà rông, già làng A Reng long trọng mang Yang Plút từ cái giỏ ra đặt giữa sàn nhà rông. Đó là một cái ngà voi hóa thạch, dài chừng 0,5 m, to như bắp đùi người trưởng thành. Sau đó, già làng A Reng lấy máu heo gà... tắm cho Yang Plút, miệng thì thầm “nói chuyện”, đại khái đây là lòng tôn kính của dân làng, Yang Plút hãy “ăn” đi và phù hộ, độ trì cho dân làng.
Nông Quang Khải (sưu tầm)