Lễ cúng mưa đầu mùa là một trong những nghi lễ truyền thống lâu đời và quan trọng đối với đồng bào M’nông. Cầu mong thần mưa ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối nảy lộc, đâm chồi, cuộc sống bon làng ngày càng giàu đẹp.
Đội chiêng vừa đi vòng quanh cây nêu vừa đánh bài chiêng mời gọi Giàng và các thần linh về dự và chứng kiến lễ cúng mưa đầu mùa (Ảnh: Văn Phú)
Nét đẹp trong các nghi thức…
Theo quan niệm của người M’nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc, có thể mang lại nhiều điềm xấu cho bon làng, vì vậy cứ vào khoảng tháng 11 hàng năm, bà con người dân tộc M’nông lại tổ chức lễ cúng Giàng Trời để cầu xin các Giàng phù hộ cho những điều tốt đẹp, đồng thời để giải hạn xấu trong năm.
Thầy cúng Y Krai Cil (buôn Jê Juk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Để làm lễ cúng mưa đầu mùa thì thầy cúng phải tiến hành nghi thức cúng trong nhà trước (cúng Giàng Trời) gồm các lễ vật: một con gà trống sống, một bát cơm, một bát xôi, hai bát rượu, hai bát thịt lợn, một đầu lợn, lông gà... Cây nêu bằng lồ ô cao khoảng 2m đặt giữa nhà, 2 ché rượu cần đặt cạnh hai bên cây nêu.
Sau khi mâm lễ đã chuẩn bị xong, thầy cúng với trang phục trang nghiêm chính thức bắt đầu tiến hành nghi lễ cúng mưa đầu mùa. Thầy cúng cắt tiết gà từ hai bên khóe mỏ con gà trống còn sống, lấy tiết hòa với rượu, vừa khấn vừa lấy chiếc lông gà quét vào chén rượu rồi bôi lên các vật dụng trong nhà như: cột nhà, rổ, rựa, cuốc, cửa trước, cửa sau, cầu thang... để cầu xin thần linh giữ sức khỏe cho con người, cho căn nhà được êm ấm, tránh mọi rủi ro, tai nạn trong lao động sản xuất”.
Thầy cúng Y Krai Cil đọc lời khấn: “Ơ Giàng Trời, Giàng đất, Giàng sông, Giàng suối, Giàng rừng… Hôm nay thay mặt người dân bon làng, tôi mời gọi các Giàng về uống rượu trong ché, cùng chứng kiến và ban phước lành cho người dân trong bon, cho con cháu được mạnh khỏe. Thần cột nhà che chở cho cháu con được an lành; thần lửa hãy tránh xa đừng mang họa vào nhà của người dân”.
…Mong muốn những điều tốt đẹp đến
Sau khi tiến hành nghi lễ cúng trong nhà xong, thầy cúng tiếp tục tiến hành nghi thức cúng ngoài sân với một ché rượu cần và một cây nêu bằng tre dựng sẵn; trên ngọn cây nêu treo chiếc gùi nhỏ đựng một chiếc đùi gà, chuối, trứng vịt, cơm, xôi... Thầy cúng vừa khấn vừa dùng lông gà quét vào chén rượu hòa với tiết gà bôi lên thân cây nêu, trong khi đội chiêng vừa đi vòng quanh cây nêu vừa đánh bài chiêng mời gọi Giàng và các thần linh về dự và chứng kiến lễ cúng mưa đầu mùa. Mời gọi các Giàng về ăn thịt heo uống rượu trong ché, phù hộ cho bon làng mọi điều tốt đẹp. Cầu xin hồn bắp trên ngọn tre, hồn lúa như cây xanh, cái xà gạc, cái cuốc, ché rượu cao như ngọn núi; con heo, con gà đầy đàn dưới chân núi Nam Ka, hồn lúa, hồn bắp từ thần Yang Rlăk được tươi tốt, nước suối người M’nông tràn khắp buôn làng.
Tiếp đến thầy cúng khấn các Giàng để khai hội hái lộc. Một số thanh niên, trai tráng sẽ leo lên cây nêu đã được bôi mỡ lợn để lấy lộc đựng trong chiếc gùi nhỏ và lấy cơm nóng đựng trong chiếc gùi rải khắp xung quanh để cầu mong những con gà, con lợn có cái để ăn, sẽ sinh sôi ngày càng nhiều, buôn làng sẽ sung túc.
Cúng ngoài trời xong, thầy cúng tiếp tục nghi thức cúng trong nhà với mong muốn quanh năm Giàng ban cho cái tốt, điều lành, những cơn mưa hiền hòa, hoa màu bội thu, không cho cái đói cái khát, mong cho lúa đầy kho, ngô đầy bồ, đầy nhà, cuộc sống bon làng ấm no, hạnh phúc.
Sau khi nghi thức cúng mùa đầu mùa đã xong, thầy cúng sẽ mời mọi người cùng uống rượu cần, ăn thịt nướng, cùng hát các làn điệu dân ca và đón chào những điều tốt đẹp đến.
Đinh Văn Sánh (sưu tầm)