Gói bánh, sẩy gạo là những công việc không thể thiếu trong việc chuẩn bị cho lễ hội A Za Koonh.
Lễ hội A Za Koonh (còn gọi là lễ hội cầu mùa) là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tà Ôi (Pacô) thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế được tái hiện trong "Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" được tổ chức tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Như đa số các dân tộc ít người sinh sống ở Trường Sơn, người Tà Ôi có cuộc sống phụ thuộc vào nông nghiệp ở trình độ thấp. Vì vậy, cứ mỗi độ cuối năm, khi người dân sinh sống trên dãy Trường Sơn A Lưới kết thúc việc nương rẫy, và trời đông bắt đầu se se lạnh, sương trắng bồng bềnh trên đỉnh núi A Túc cũng là lúc toàn thể dân làng các tộc người Tà Ôi háo hức chuẩn bị gạo nếp, những đồ ăn thức uống ngon nhất, trang phục đẹp nhất để chuẩn bị đón mùa lễ hội A Za Koonh - lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của họ. Đây là một trong những nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo của người Tà Ôi.
A Za Koonh không chỉ là lễ hội, là ngày tết vui tươi nhộn nhịp mà còn là dịp để thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu làng bản.
Bà con dân tộc Tà Ôi khi tham gia lễ hội AzaKoonh không chỉ có mục đích cầu mong được mùa màng tươi tốt, mà còn cầu thần linh phù hộ cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, dịch bệnh; hoặc cũng để giải tỏa những bất hòa giữa hai làng, hai họ tộc với nhau... Trong buổi lễ, người Tà Ôi không chỉ cúng thần nông nghiệp, mà còn cúng cả các vị thần khác như: Yang núi rừng, sông suối, Yang Trời Đất.
Lễ hội AzaKoonh gồm có nhiều nghi lễ, trong đó, nghi lễ A xa a rah (lễ tẩy rửa) được coi là một nghi lễ rất quan trọng, không thể thiếu được trong các lễ hội lớn nhỏ của người Tà Ôi. Nghi lễ này như một dòng nước linh nghiệm để rửa sạch mọi tội lỗi, nhơ bẩn, cho bản làng được trong sạch để các vị Yang vui lòng xuống dự hội. Sau lễ tẩy rửa là đến nghi lễ Cha chọt (lễ chuẩn bị), đây là nghi lễ báo cho các vị Yang biết là con cháu trong làng sẽ lên rừng, xuống suối tìm kiếm các món ngon vật lạ cho lễ hội A za.
Lễ vật dâng các Yang của người Tà Ôi, ngoài cơm, rượu, các loại hoa quả, còn có cả mẹ lúa.
Nghi lễ Ka coong tro (lễ mời mẹ lúa) là phần chính của phần lễ A za. Trong nghi lễ này, thầy cúng làm lễ mời mẹ lúa vào nhà chính dự hội cùng các loại giống cây trồng khác. Sau khi hoàn thành các nghi lễ trên, già làng sẽ thực hiện nghi lễ báo cáo cho Yang Đung (thần nhà cửa).
Già làng đang thực hiện lễ cúng Yang, cầu mong mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh.
Tiếp sau các nghi lễ tẩy rửa, chuẩn bị và mời mẹ lúa, phần lễ cúng A Za chính thức diễn ra với lễ cúng A za (các vị thần giống cây trồng), lễ cúng cho Yang Xứ (thần sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường xá...), lễ cúng Yang Pa nuôn (vị thần chở che khi đi buôn bán), lễ cúng Yang Cợt (vị thần ban tặng con người), lễ cúng Yang Ku muuiq (những người đã khuất), lễ cúng Yang A zel, lễ Cha dooi ârbeh là lễ ăn cơm mới và lễ giao mâm cỗ...
Các chàng trai, cô gái Tà Ôi nhảy múa, ca hát, chúc tụng nhau…
Sau khi kết thúc phần lễ, trong căn nhà sàn ngập tràn ánh nắng, những nam thanh nữ tú người Tà Ôi cùng nắm tay hát hò, nhảy múa, chúc tụng nhau bằng các điệu vũ Aza, Poon, Eọ, cùng đối đáp nhau bằng điệu dân ca Kâr Lơợi, Târ a, xiềng cha chấp. Vang khắp không gian là tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã cùng giai điệu Pâr lư ấm áp tình người...
Hoàng Thị Lê (sưu tầm)