Lễ hội lộc hoa của người Xinh Mun ở Sơn La (Hoàng Minh Khuyên) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Sunday, July 31, 2016

Lễ hội lộc hoa của người Xinh Mun ở Sơn La (Hoàng Minh Khuyên)

Trên dải đất biên giới Việt - Lào ở Sơn La, ngoài các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống, còn có khoảng ba bốn vạn bà con Xinh Mun định cư lâu đời. Xinh Mun nghĩa là người ở núi, trước đây còn gọi là người Puộc (Côn Pụa).

Tuy kinh tế chậm phát triển, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong cộng đồng Xinh Mun cũng có những nét đẹp văn hoá đặc trưng. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã mọc ngoài rừng, cũng là dịp bà con Xinh Mun, từng nhà từng nhà tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ, nghĩa là Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Lộc hoa được tổ chức vào sau dịp Tết Nguyên Đán, lần lượt tổ chức từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội, lễ hội kéo dài, nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn, măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương (đầu tháng 4 dương lịch) đã bắt đầu, để không ảnh hưởng đến sản xuất.

Tuy lễ hội tổ chức trong từng nhà, nhưng lại là dịp hội tụ dân bản vì ai cũng tự giác tham gia, ai làm trái lệ dễ bị chê cười, ghét bỏ, thậm chí có thể bị loại ra khỏi cộng đồng.

Gọi là lễ hội nhưng không tốn kém vì được tổ chức đơn giản. Mâm lễ hội, ngoài 2 con gà luộc, một "ếp" xôi gạo mới, 1 đĩa trầu cau, ba chum rượu cần, là 2 bát canh nấu từ hoa ban và măng đắng - một món cúng thần linh, tổ tiên có tính bắt buộc.

Một cây nêu cao 4-5m dựng ở giữa nhà, được trang trí bằng những lá xanh, những cành hoa ban trắng ngần buộc gài kín cây nêu, ngoài ra bà con còn gài thêm những bông lúa nếp vàng được giữ nguyên sau khi gặt mùa năm trước, xung quanh cây nêu có ba vò rượu cần, đặc biệt có từ 3 đến 5 "bàn sang" - 1 loại nhạc cụ được "chế tạo" từ các chum, vò con, bên trong được làm bằng mảnh đồng mỏng, hình tròn đục thủng một lỗ ở cạnh mép nắp, để xỏ dây vào khi gõ một tay cầm dây nâng lên, hạ xuống trên miệng chum, tay bên kia cầm 1 que tre gõ nhịp nhàng lên nắp chum, tạo nên một âm hưởng mang đậm bản sắc dân tộc quện vào tiếng trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc dịu dàng, khi bùng lên sôi nổi thúc giục mọi người vào hội xoè quanh cây nêu.

Lễ hội được bắt đầu khi chủ nhà (chủ lễ) ngồi nghiêm chỉnh bên cạnh mâm lễ khấn: Hỡi người trông coi ở tầng dưới hãy lên để trông coi cho ta hôm nay làm Lễ Ksai Sai Típ, thần linh hãy bảo vệ, hãy ăn hoa thay cơm, uống rượu thay măng, ăn hương thay hương thơm, ăn hương nếp thay cơm, ăn rồi hãy bảo vệ cho cuộc vui lành mạnh, cho hết ốm đau, cho vui trọn vẹn. Người lớn bảo nhau, trẻ em nghe lời người lớn, được vậy thì ước gì cũng có, sống lâu muôn tuổi, hỡi thần linh hãy bảo vệ hãy ngồi mâm đây ăn thịt, ăn hoa, ăn hương thơm, hãy phù hộ cho con cháu khoẻ như con gấu trong rừng, chạy nhanh như con hoẵng ngoài núi.

Rời mâm cỗ cúng ở góc nhà sàn, chủ lễ bước đến cạnh cây nêu giữa nhà, vít cần rượu nói lời mời tổ tiên uống trước bằng những lời trân trọng, thiết tha: "Hỡi tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày sản xuất đã được nhìn thấy kết quả, con cháu làm lễ hội Ksai Sa típ, tổ tiên hãy đến bảo vệ cho con cháu ăn uống vui vẻ, vui chơi thoả mái, nhưng xin hãy đừng để cho ai uống say làm náo loạn bản mường, cãi cọ nhau làm xấu hổ mọi người, năm nay vui, năm mới vui tiếp, như thế mới vui bản yên mường, ai cũng sống lâu muôn tuổi, gìn giữ cuộc sống, chống lại thú rừng, người xấu quấy phá". Chủ lễ tiếp tục mời thần linh uống rượu: "Hỡi thần linh, bảo vệ ta, hãy bảo vệ ta đến cùng, xin mời thần linh uống rượu cùng ta".

Sau khi mời tổ tiên, thần linh uống rượu xong, chủ lễ trân trọng mời ba "già bản" có uy tín trong dòng họ, trong bản mường, sau đó mời đến con cháu, và toàn thể dân bản đến dự lễ hội uống rượu.

Cùng lúc tiệc rượu bắt đầu là tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc từ nhạc cụ "bàn sang" nổi lên rộn rã, mọi người nắm tay bắt đầu múa xoè xung quanh cây nêu giữa nhà. Khác với xoè Thái êm dịu, nhẹ nhàng, xoè quanh cây nêu lễ hội Lộc hoa rộn ràng, mạnh mẽ, có phần quyết liệt hơn, ồn ã hơn nhiều, xoè múa say sưa, lúc cầm tay nhau, lúc xoè khan, lúc dùng khăn nối vào nhau, tạo thành điệu xoè kéo co (xoè Thái không đâu có). Xoè khoảng 1 giờ, tiếng trống tiếng nhạc trầm dần, họ lại mời nhau uống rượu cần, rồi lại tiếp tục xoè, hết đợt này đến đợt khác, kéo dài đến lúc phương đông hửng sáng mới kết thúc, mọi người hoan hỉ xuồng cầu thang về nhà, để đến tối hôm sau lại đến dự Lễ hội ở nhà người trong họ hoặc cùng mường cho đến khi hoa ban đã tàn, măng đắng mọc cao.

Hoàn toàn khác lễ hội của các dân tộc anh em, lễ hội Ksai sa típ của người Xinh Mun Tây bắc tuy kéo dài nhiều ngày nhưng không ăn uống linh đình, chỉ múa không có hát, vừa giản dị vừa vui, thường được tổ chức từng gia đình, vào buổi tối ấm cúng nên rất vui, thể hiện được bản sắc văn hoá của một dân tộc sống nơi biên giới Việt - Lào xa xôi.

 Hoàng Minh Khuyên (sưu tầm)

Share with your friends