Để chuẩn bị cho lễ mừng nhà Rông mới, phụ nữ Giẻ Triêng xuống suối bắt cá, hái rau rừng..., các chàng trai tất bật chuẩn bị thực phẩm, rượu cần... cho ngày Lễ quan trọng của buôn làng.
Lễ mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum luôn có sức hấp dẫn không chỉ đối với đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, mà còn là phong tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của các dân tộc anh em khác sinh sống tại vùng đất Tây Nguyên.
Tục mừng nhà Rông đã lưu truyền trong đời sống người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ sắc màu.
Để giúp công chúng cảm nhận chiều sâu văn hoá của lễ mừng nhà Rông mới, mới đây tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô , Sơn Tây - Hà Nội), cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng làng Đăk Gô, xã Đăk Krông, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã giới thiệu tới công chúng Thủ đô những nét văn hoá đặc sắc của hoạt động dân gian này.
Nhà rông của người Giẻ Triêng là nơi hội họp sinh hoạt cộng đồng, giải quyết mọi vấn đề của cộng đồng. Sau khi dựng xong nhà rông, tất cả cộng đồng người Giẻ Triêng lại cùng nhau chung tay góp sức dựng nhà cho mọi người. Việc làm này thể hiện tinh thần cộng đồng cũng là cách để những người nghèo nhất cũng có được mái nhà nương thân. Khi toàn bộ khu làng đã được dựng xong (khoảng từ 20 đến 25 nóc nhà) thì cộng đồng người Giẻ Triêng mới tổ chức lễ hội mừng nhà Rông mới (Hnia k'lơh krôông).
Già làng với vai trò chủ Lễ, phân công công việc cho tất cả mọi người, đảm bảo tất cả các thành viên được đóng góp công, góp của cho lễ hội quan trọng của cộng đồng.
Trong lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng không thể thiếu cây nêu, những chàng trai khéo léo tài hoa sẽ được các già làng chọn vào rừng chặt cây nêu cúng Giàng. Trước khi đi, chàng trai Giẻ Triêng phải lên nhà Rông ngủ chay 3 ngày 3 đêm, sau đó xuống suối tắm rửa sạch sẽ rồi mới được vào rừng chặt cây về làm cây nêu.
Lễ mừng nhà Rông phải thực hiện nghi thức đâm trâu. Con trâu được coi là linh vật của người Giẻ Triêng. Trước ngày làm Lễ, trâu được tắm rửa sạch, cột vào cây nêu. Đêm hôm đó, dân làng đánh cồng chiêng, múa hát làm lễ "khóc trâu”, để bày tỏ sự cảm ơn linh vật đã gửi những lời cầu khấn, những ước mơ, hy vọng của mình tới các đấng thần linh.
Trước khi vào lễ, đội xoang múa vòng tròn quanh cây nêu. Sau khi già làng đọc lời khấn Giàng và các vị thần linh, hai chàng trai đến đóng lên sừng trâu những tua hoa nhiều màu sắc, với ý nghĩa trâu đã trở thành vật thiêng…
Chủ lễ khấn cúng yang, cảm ơn yang, thần linh đã giúp dân làng dựng được nhà rông, tán lộc cho dân làng, cầu cho dân làng được che chở, mùa màng tươi tốt.
Chủ lễ thực hiện thao tác đâm trâu tượng trưng.
Lễ hội truyền thống lâu đời, phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
Điệu múa của những người phụ nữ Giẻ Triêng thể hiện ước muốn lúa, ngô được mùa.
Sau các nghi lễ đâm trâu kết thúc, mọi người được mời vào nhà Rông, cùng đánh cồng chiêng, nhảy múa vui vẻ, hòa mình vào những vũ điệu truyền thống của Tây Nguyên.
Các cô gái Giẻ Triêng múa Bông rốk mừng khách quý.