Dù dân số chỉ còn khoảng vài trăm người nhưng đồng bào Rơ Măm vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống trong trang phục, có phong cách tạo dáng và trang trí, nhất là trên trang phục của người phụ nữ.
Nhìn chung đàn ông, con trai Rơ Măm thường cắt tóc ngắn ở trần và đóng khố, vạt trước buông dài gần tới đầu gối, vạt sau dài gần tới ống chân. Khố thường dùng màu trắng nguyên của vải mộc. Lưng được xăm hoa văn kín, nhất là những người cao tuổi.
Trong khi đó, phụ nữ Rơ Măm thích mặc áo và váy quấn dài đến ống chân, hoặc quá đầu gối, có trang trí các đường viền màu hoặc đỏ làm nổi bật lên trang phục và nét duyên dáng của nữ giới nơi đây. Khi trời lạnh thì choàng thêm chiếc mền, hay mảnh vải cho đỡ lạnh, nếu khi đi chơi, đi lễ hội thì mặc áo cộc tay, không trang trí hoa văn, không thêu không nhuộm mà giữ nguyên màu trắng của vải mộc.
Cùng với váy, trang phục của phụ nữ Rơ Măm không thế thiếu chiếc áo. Áo là loại cộc tay vai thẳng (không khoét cổ như Brâu), thân thẳng, hình dáng gần vuông giống áo Brâu. Áo màu sáng (màu nguyên của sợi bông) các đường viền cổ và cửa tay cộc màu đỏ. Gấu áo có dải băng trang trí (cao 1/4 thân áo) bằng màu đỏ, hoa văn hình học.
Phụ nữ Rơ Măm thích đeo vòng tai bằng ngà voi, hoặc bằng gỗ quý cùng nhiều đồ trang sức khác như hoa tai, vòng tay… Tục đeo hoa tai đã có từ lâu. Người khá giả thì đeo hoa tai bằng ngà voi, người nghèo đeo hoa tai bằng gỗ. Theo lời ông cha truyền lại, vùng đất tộc người Rơ Măm sinh sống hiếm ngà voi nên họ phải đổi nồi đồng (loại nồi 7, nồi 8), chiêng, ché… để đổi lấy hoa tai hoặc vòng tai bằng ngà voi.
Không những thế, phụ nữ Rơ Măm cũng thích xâu lỗ dái tai để đeo vòng, đeo hoa. Có người đeo những chiếc hoa tai có đường kinh 5- 6 cm, làm cho dái tai sệ xuống gần chấm vai. Hiện nay, tập tục này đang bị mai một dần. Cả nam và nữ đồng bào Rơ Măm còn thích đeo vòng tay bằng đồng nhiều xoắn và đeo những chuỗi hạt cườm trên cổ.
Trai gái đến tuổi trưởng thành phải thực hiện tục cưa răng cửa của hàm trên, từ 4 đến 6 chiếc. Phần lớn thanh niên trẻ ngày nay đều từ bỏ tục lệ cưa răng lạc hậu.
Trong cộng đồng người Rơ Măm, riêng nghề dệt phát triển khá mạnh, đủ khả năng và kỹ thuật trồng cây bông vải trên rẫy, cung cấp cho nhu cầu may mặc của mỗi gia đình, về kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Nhà nào cũng có một vài rẫy bông và được chăm sóc cẩn thận. Trước kia, họ hoàn toàn tự túc vải mặc nhưng gần đây, khi nền kinh tế thị trường phát triển, đồng bào Rơ Măm thường mua vải công nghiệp về may quần áo.
Hoàng Thị Thắng (sưu tầm)