Dân tộc Jẻ -Triêng (còn có các tên gọi khác như Giẻ Triêng (T’Riêng), Vẻh, Bnoong (Mnoong), Cà Tang, Giang Rẫy, Tà Trẽ…), là dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở địa bàn các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum và một số ít ở các huyện miền núi giáp Quảng Nam.
Chặt củi “bắt chồng” (hay còn gọi là củi hứa hôn, củi cưới) là tập tục lâu đời, mang nét đẹp trong văn hóa cưới xin của người Jẻ -Triêng còn được gìn giữ cho đến tận ngày nay. Tư tưởng Mẫu hệ in sâu
vào suy nghĩ của người Jẻ -Triêng, họ đề cao quyền tự chủ của nữ giới kể cả việc lựa chọn bạn đời, vì vậy, trong tình yêu và hôn nhân, phụ nữ Jẻ -Triêng được hoàn toàn nắm quyền chủ động.Người Jẻ -Triêng quan niệm rằng, củi hứa hôn là thước đo phẩm chất cho mỗi cô gái vì khi nhìn vào đó người ta đánh giá được sự khéo léo, cẩn thận và chăm chỉ. Vì vậy công việc này được thực hiện rất công phu, được kỳ công chuẩn bị trong nhiều năm liền. Ảnh: Trịnh văn Duẩn.
Trước đây, phụ nữ Jẻ -Triêng kết hôn rất sớm, khoảng 14, 15 tuổi đã phải đi tìm chồng. Theo tục lệ, trước khi lấy chồng, người con gái phải thường xuyên vào rừng, chọn chặt mang về những bó củi to, chất dần quanh nhà để trong ngày cưới gùi mang sang nhà chồng. Những thanh củi tình yêu này là sính lễ, dùng để đốt trong ngày cưới hỏi, cũng chính là của hồi môn đặc biệt của cô dâu dành cho cha mẹ chồng đun nấu nhiều năm sau đó và sưởi ấm khi giá rét.
Củi chuẩn bị cho lễ cưới phải đủ 100 bó, đống củi càng to, càng lớn, đều và đẹp càng chứng tỏ gia đình này có người con gái đảm đang, siêng năng, khéo léo và có thể chăm lo cho gia đình.Ảnh: Phạm Anh.
Trước hết phải chọn loại cây thật thẳng, dễ chẻ, khi khô thịt cây nứt suông theo thớ dọc. Loại cây thường được chọn nhất là cây Dẻ (tiếng Jẻ -Triêng gọi là Xa-re). Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh, nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra. Ngoài yêu cầu phải đều nhau tăm tắp về độ dài, chỉ với chiếc rìu hoặc con dao rựa thô sơ, các cô gái còn phải tề gọt sao cho đầu gỗ thật phẳng phiu và đẹp mắt.
Khi một cô gái ưng cái bụng với chàng trai nào đó, cô sẽ thủ thỉ với ông mai, bà mối là người trong làng có duyên ăn nói, có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, nhờ họ đi nói lại với chàng trai. Nếu chàng trai cũng ưng bụng thì họ hẹn nhau gặp gỡ ở nhà rông của làng để tâm tình. Còn nếu người con trai không đồng ý, người con gái có thể nhờ bạn bè dùng vũ lực để bắt cóc. Nếu chuyện này xảy ra thì mọi người trong làng cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.
Trai chưa vợ, gái chưa chồng có quyền ngủ chung ở nhà rông để tìm giấc mơ yêu. Tuy nhiên, việc ngủ chung chỉ dừng lại ở việc đắp chung chăn, nằm bên nhau tâm sự, tuyệt đối không được đi quá giới hạn. Ảnh: Kontumquetoi.
Việc ngủ chung chỉ được diễn ra tối đa trong 5 ngày. Trong thời gian này, nếu cả hai gặp được giấc mơ đẹp nghĩa là Yàng (Trời, Thần) đã đồng ý và có thể đi đến hôn nhân. Nếu quá thời hạn đó mà gia đình nhà trai chưa ngỏ lời với nhà gái thì làng có quyền phạt vạ một con heo và 10 ché rượu.
Nếu lễ vật của cô gái là củi cưới thì lễ vật lễ vật bắt buộc của chàng trai Jẻ-Triêng cho nhà gái là chim, chuột khô, thú rừng… đủ 100 con do chính chú rể vào rừng săn được để đáp lại công lao đáng quý của cô gái trong quá trình gom củi hứa hôn. Ngày gia đình nhà trai đón củi vô cùng long trọng và thiêng liêng. Hôn nhân của gái trai Jẻ-Triêng là hôn nhân bền vững, rất hiếm có chuyện ly hôn, kể cả đến ngày nay.
Ngày nay, phong tục độc đáo này đã có nhiều thay đổi để bảo vệ rừng và phù hợp với luật pháp. Ví dụ, con gái phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn, nghiêm cấm việc trai gái được ngủ chung trước khi cưới, việc tặng củi và săn thú rừng chỉ còn là hình thức nhưng vẫn giữ gìn được những ý nghĩa thiêng liêng và nét đẹp truyền thống vốn có.
Lý Hải Ninh (sưu tầm)