Dân tộc Tày đứng thứ 2 trong các dân tộc ở Thái Nguyên và có mặt ở tất cả các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Có thể do tổ chức mường của người Tày Thái Nguyên đã bị giải thể từ lâu nên các hình thức tổ chức hành chính như châu, tổng và xã đã được thành lập sớm. Tuy nhiên, đơn vị xã hội cơ sở của người Tày vẫn luôn là bản. Đó là đơn vị tụ cư của nhiều dòng họ lấy quan hệ láng giềng làm cơ sở, có thiết chế tự quản và những định chế riêng.
Người Tày ở Thái Nguyên thường tụ cư ở những vùng giáp ranh giữa rừng và ruộng. Các bản của người Tày ở đây thường tựa lưng vào núi rừng, hướng xuống thung lũng. Mỗi bản thường có địa vực cư trú riêng, bao gồm đất ở, đất canh tác, rừng rú, sông suối, bãi chăn thả gia súc… Ranh giới giữa các bản thường được xác định theo đường phân thủy, eo núi, sông suối hoặc đường sá. Quy mô các bản Tày vừa và nhỏ, mỗi bản thường chỉ có khoảng 30 đến trên dưới 60 hộ gia đình. Cá biệt mới có những bản có quy mô trên 100 nóc nhà. Trong bản đều có nhiều dòng họ cùng chung sống và quan hệ láng giềng được coi là quan hệ chủ đạo. Trong mỗi bản Tày thường có một vài dòng họ có số nhân khẩu đông hơn, có vị thế và tiếng nói có trọng lượng hơn so với các dòng họ khác.
Bản được bố trí theo lối mật tập hoặc rải rác. Trong mỗi bản thường có nhiều chòm xóm nhỏ, phân bố tương đối biệt lập, nhưng đều hướng ra cánh đồng hoặc con đường cái chạy qua. Các tên gọi bản thường được đệm từ: nạ (ruộng), pạc (cửa) hoặc loòng (suối), nắm (nước). Bên cạnh đó, cũng có nhiều bản được đặt theo tên tiếng Việt, do tiếp thu ảnh hưởng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong mỗi bản có những họ là gốc Tày cổ, nhưng cũng có những họ là gốc Kinh bị Tày hóa. Đặc biệt, từ sau những năm 60 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, đã có sự biến đối trong thành phần dân cư của các thôn, bản. Hầu hết các thôn, bản gần trung tâm xã hoặc gần trục giao thông đều có sự xen cư giữa người Tày với người Kinh, thậm chí, trong cùng một bản có người Tày, Kinh và Dao cư trú.
Chế độ tư hữu ruộng đất của người Tày ở Thái Nguyên đã được xác lập từ lây. Tuy nhiên, tàn dư của ruộng đất công vẫn tồn tại trong các thôn bản. Đó là đất hương hỏa cho các đền miếu.
Trước năm 1954, ở các vùng người Tày Thái Nguyên, tuy có hiện tượng đồng ruộng tập trung vào tay phú nông, song diễn ra không gay gắt như ở vùng đồng bằng. Đặc biệt, trong bối cảnh Thái Nguyên là vùng tự do nên người nông dân Tày vẫn có đất ruộng, nương rẫy để canh tác.
Đầu năm 60 của thế kỷ XX, các HTX nông nghiệp đã được xây dựng trên cơ sở phạm vi thôn bản hoặc liên thôn bản, đất đai được tập trung vào các tổ chức kinh tế tập thể, do các ban quản trị điều hành và tổ chức sản xuất. Sau khoán 10, nhất là sau năm 1993, khi Luật Đất đai ra đời, do có sự buông lỏng quản lý HTX đã dẫn đến hiện tượng tranh chấp đất xảy ra tại một số địa phương, nhưng về sau đã được cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn thỏa.
Xưa kia, mỗi bản Tày đều có thiết chế tự quản riêng, dựa trên cơ sở của tập quán Pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh của một xã hội đã có sự phân hóa giai cấp, cho đến trước năm 1954, thiết chế tự quản của người Tày ở đây đã có sự thay đổi rõ rệt.
Dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, các bản Tày thường nằm dưới các thiết chế quan phương như châu, tổng, xã, bản. Đôi khi, những thôn bản lớn cũng được cấu trúc thành một xã trong bộ máy nhà nước với người đứng đầu là lý trưởng. Với những thôn bản nhỏ, chính quyền phong kiến cấp trên thường ghép hai, ba thôn bản lại thành một xã. Trong các thôn bản này, người đứng đầu được gọi là trưởng bản. Về chức năng, trưởng bản là đại diện cho thiết chế tự quản, thể hiện ý chí của cộng đồng, thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại đối với thôn bản và cấp trên. Từ một hình thức phi quan phương, trưởng bản ở hầu hết các thôn bản của người Tày đã trở thành một chức quan phương, một thành phần trong bộ máy cai trị của giai cấp phong kiến.
Trong quá trình hợp tác hóa, chức vị trưởng bản của người Tày hầu như bị xóa bỏ. Quyền điều hành các hoạt động chung của thôn bản được trao vào tay các chủ nhiệm HTX hay các đội trưởng sản xuất. Đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, với việc kiện toàn lại các tổ chức kinh tế trong khu vực nông nghiệp – nông thôn, Đảng và Nhà nước lại chủ trương tăng cường công tác quản lý cơ sở, chức năng trưởng bản được phục hồi với những chức năng và nhiệm vụ mới. Hiện tại, mỗi xóm bản đều có một trưởng xóm bản.
Chế độ sở hữu của người Tày ở đây gồm hai hình thức: sở hữu công cộng của xóm bản và sở hữu tư nhân. Thuộc về sở hữu công cộng bao gồm toàn bộ đất đai, rừng núi, sông ngòi và tài nguyên trong phạm vi thôn bản. Ngoài ra, còn có các công trình công cộng như đường sá, cầu cống, đền miếu… Sở hữu tư nhân gồm tất cả các tư liệu sản xuất: đất đai, nương rẫy đã và đang được sử dụng, khai thác của mỗi gia đình. Ngoài ra, còn có các tài sản khác như nhà cửa, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp, các loại đồ gia dụng… do các gia đình tạo nên. Trong các xóm bản còn có những quy định liên quan đến việc bản vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sản xuất cũng như sinh hoạt. Hiện nay, hầu hết các bản Tày đều đã xây dựng những quy ước riêng liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, từ việc bảo vệ rừng, phát triển sản xuất, bảo vệ mùa màng đến thực hiện nếp sống mới trong ma chay, cưới xin.
Quan hệ cộng đồng là đặc trưng nổi bật trong các xóm bản của người Tay. Người dân Tày trong các xóm bản có những mối liên quan chặt chẽ trong tất cả các khía cạnh của đời sống, từ lao động sản xuất, các quá trình vật chất đến đời sống tinh thần và tôn giáo tín ngưỡng. Không chỉ duy trì quan hệ dòng họ, thân tộc, thích tộc, người Tày còn đặc biệt coi trọng tình làng nghĩa xóm. Bất kể các công việc quan trọng của mỗi đời người (làm nhà mới, cưới xin, tang ma, …) đều được coi là công việc chung của cả cộng đồng. Đặc biệt, từ xưa một số địa phương người Tày vẫn duy trì một hình thức tổ chức xã hội gọi là phe, một tổ chức chuyên lo việc tang ma, sau này, phe đã tham gia vào việc tổ chức, điều hành nhiều hoạt động khác như cưới xin, làm nhà mới; thậm chí, có khi phe còn đứng ra giải quyết những khúc mắc giữa các thành viên với nhau. Các dịp sinh hoạt cộng đồng đều được coi là một cơ hội thắt chặt tình đoàn kết gắn bó xóm giềng, thôn bản. Thông qua đó, ý thức về một tộc người càng được củng cố và nâng cao.
Hoàng Minh Thắng