Đối với các cô gái người K'Ho ở Lâm Đồng chỉ cần ưng "cái bụng" anh chàng nào là nhờ họ hàng đến nhà trai chạm ngõ. Nếu chàng trai đồng ý, ngay trong đêm đó nhà gái sẽ nhanh chóng "bắt" chàng trai về cho con gái mình làm chồng. Tục "bắt" chồng được cộng đồng người K'Ho tuân thủ một cách vô thức và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
"Bắt" chồng khi mùa xuân gõ cửa
Khi cái lạnh sâu cùng những cơn gió hanh của mùa đông tràn về cũng là lúc khắp các thôn bản của đồng bào K'Ho ở Tây Nguyên rộn rã bước vào mùa cưới - mùa bắt chồng. Với người K'Ho, mùa xuân gõ cửa cũng đồng nghĩa với niềm vui nhân đôi ùa tới từng bản làng, ngõ xóm. Anh K'Bảo, bí thư đoàn xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết: "Cuộc "bắt" chồng của người K'Ho thường bắt đầu từ tháng giêng đến tháng tư hàng năm, trai gái ở các buôn làng Tây Nguyên bước vào mùa cưới vốn là mùa của những đôi uyên ương hạnh phúc. Thời điểm trên đồng nghĩa với mùa màng vừa xong, cánh đồng lúa đã khô cuống rạ, những trái cà-phê cuối cùng đã nằm yên vị ở góc nhà. Cũng nhân dịp này, các cô gái chàng trai có thời gian dành cho nhau những cuộc hẹn hò".
Thiếu nữ K'Ho thường "bắt" chồng vào những đêm mùa xuân.
Theo tục lệ người K'Ho, con gái là người làm chủ gia đình, còn con trai trở thành "con dâu" nhà người ta. Vì vậy, người K'Ho thường quý trọng con gái hơn con trai. Bước vào cái tuổi cặp kê con gái bắt đầu đi "bắt" chồng. Ông K'Ghiếp, nguyên già làng người K'Ho ở thôn Đồng Đò, (huyện Di Linh) nhớ lại: "Ngày trước trai gái không được tán tỉnh nhau, chỉ cần thấy ưng “cái bụng" anh chàng nào thì nhờ người biết cách ăn nói đến nhà trai hỏi xem họ có đồng ý lấy mình không? Việc hỏi chồng bắt buộc phải tiến hành vào ban đêm vì trong lúc này gia đình của nhà trai ở nhà đầy đủ nên dễ tiếp chuyện. Đi "bắt" chồng vào ban đêm cũng vì danh dự của cô gái, bởi lẽ nếu nhà trai không đồng ý thì cũng đỡ xấu hổ với những người trong buôn làng".
Cũng theo già làng K'Ghiếp, thủ tục "bắt" chồng của người K'Ho trước đây rất rườm rà với những hũ rượu cần lỉnh khỉnh, những chiếc khăn thổ cẩm đủ màu sắc do các cô gái tự tay dệt, 1-2 con trâu, một con lợn béo, một vòng đeo tay và một dây nhòng bằng đồng hoặc bạc. Sau đó, cô gái sẽ chọn một "đêm thiêng", cùng khoảng 10 người trong thân tộc lặng lẽ mang lễ sang nhà chàng trai. Thế nhưng hầu như 10 đám "bắt" chồng đều được cả 10. Bởi ngày đó, người con trai K'Ho không đòi hỏi quá nhiều tiền thách cưới. Dẫu tuân thủ chế độ mẫu hệ nhưng sau lễ cưới, người con gái vẫn phải ở lại làm dâu độ mười ngày trong khi chờ đợi lễ rước rể về cư trú vĩnh viễn bên gia đình mình.
Tục bắt chồng của người K'Ho thường diễn ra vào mùa xuân, và sau lễ hội mừng lúa mới (tháng giêng âm lịch). Vì đây, là khoảng thời gian nông nhàn nên rất nhiều cô gái "da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa" có nhiều cơ hội đi kiếm chồng. Dù đã có hai mặt con nhưng chị K'Miếu, (26 tuổi) ở thôn Đồng Đò, huyện Di Linh vẫn e thẹn, ngại ngùng kể với chúng tôi về cái đêm cả dòng họ kéo về nhà chị để chuẩn bị đến nhà trai làm lễ dạm hỏi. "Khi ông trời bắt đầu khuất sau núi, mọi người tất bật xếp những hũ rượu cần, khăn thổ cẩm và tiền để sang nhà trai thì mình lại lóng ngóng trong trang phục truyền thống ngồi đợi ở góc phòng. Mặc dù trong cái bụng đã thấu hiểu là "nó" thương mình, nhà nó chắc sẽ không từ chối lễ hỏi đơn sơ, nhưng K'Miếu vẫn hồi hộp lắm. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời con gái, K'Miếu đi... "bắt" chồng".
Các thiếu nữ K'Ho bên điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
“Cuộc đấu trí” trong lúc dạm hỏi
Theo tục lệ của người K'Ho ở Lâm Đồng, phụ nữ luôn là trụ cột chính trong gia đình gần như quyết định mọi vấn đề hệ trọng. Và ngay cả trong hôn nhân, họ cũng sẽ là người chủ động đi "bắt" chồng về nhà ăn ở với mình.
Việc nhà trai từ chối cầu hôn này sẽ làm tổn thương danh dự của phía nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường danh dự bằng tiền hoặc sản vật trị giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Nhà gái chỉ cầm vòng tay và nhòng về, toàn bộ số tiền trên sẽ dành cho mai mối. Khoảng một tuần sau, nhà gái cùng mai mối lại đến nhà trai đặt vấn đề "bắt" chồng cho con. Những lý lẽ thuyết phục nhất sẽ tiếp tục được hai bên đưa ra để đấu trí. Nếu nhà gái vẫn thua, nhà trai chưa chịu cho “bắt” chồng thì nhà trai lại phải nộp tiền bồi thường danh dự, trả lại vòng tay và nhòng về cho nhà gái.
Trong luật tục của người K'Ho, đối với con trai đang trong thời gian có người con gái săn hỏi "bắt" về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác. Và cũng không cho phép bất cứ người con gái nào đến đặt vấn đề “bắt” người con trai này về làm chồng. Một cô gái ở thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa huyện Di Linh tiết lộ thêm: "Ở địa phương có nhiều đám hỏi kéo dài đến hai, ba tháng mà vẫn chưa thành công. Có nhiều cô vì chưa thể "bắt" được chồng "bắt" buộc phải đi tìm người con trai khác". Song, sau những lần bị “bắt” chồng không thành gia đình nhà trai tuy không bị mất con nhưng cũng thiệt hại nặng nề về tiền bạc và thời gian.
Ngày nay, tục cưới xin và "bắt" chồng của thiếu nữ K'Ho ít nhiều đã thay đổi theo thời gian, những nghi thức rườm rà gây bất lợi cho cả hai bên gia đình vẫn chưa được xóa bỏ. Nếu như trước kia, khi nhà gái đến xin "bắt" chồng, nhà trai thường thách cưới là trâu, bò heo... thì ngày nay họ sẽ thách cưới bằng tiền và vàng. Và hai bên gia đình sẽ giao ước vào mùa xuân tức mùa màng đã xong thì tổ chức đám cưới linh đình. Anh K'Bảo tâm sự: "Bây giờ, muốn “bắt” được chồng nhà gái phải có ít nhất hai cây vàng, trong khi đó còn chưa kể những lễ vật phụ khi mang sang nhà trai. Ngoài việc bố mẹ chồng được thách cưới, anh, em, chú, bác của chàng trai cũng có quyền yêu cầu nhà gái phải tặng cho mình vật phẩm để tỏ sự hiếu thảo".
Chính vì những thủ tục rườm rà nên nhiều cô gái K'Ho khi "bắt" được chồng về nhà thì chuồng trâu đã hết, bồ lúa, kho cà phê cũng cạn kiệt. Thậm chí, có gia đình phải đi vay nợ nhiều nơi để đáp ứng sự đòi hỏi của nhà trai. Tuy nhiên, những nghi thức "bắt" chồng xuất phát từ khởi thủy vốn đã được thời gian chứng minh là nét văn hóa đặc trưng của tộc người này thì ngày nay lại càng được người K'Ho ở Lâm Đồng vẫn tuân thủ, gìn giữ và trở thành luật tục, bất di bất dịch.
Minh Thái (sưu tầm)