(Cinet) - Người Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu, Gao,Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc nói ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Đến nay, người ta biết đến dân tộc Cơ Tu có nền văn hoá vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú là cơ sở để cho cộng đồng người Cơ Tu tồn tại và phát triển. Dân tộc này có dân số khoảng trên 65 nghìn người. cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, (Quảng Nam), A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế).
Đối người Cơ Tu, hôn nhân là một sự kiện quan trọng không chỉ cho gia đình, họ hàng cô dâu, chú rể mà cho cả buôn làng. Nhà trai phải tốn của cải nộp cho nhà gái và tổ chức cưới. Việc lấy vợ phải trải qua các bước nghi thức: Hỏi, đính hôn, lễ cưới và sau này, khi đã khá giả thường tổ chức thêm lễ cưới lần nữa. Phổ biến hình thức con trai cô lấy con gái cậu, vợ goá lấy anh hoặc em chồng quá cố.
Ở người Cơtu còn tồn tại một phong tục mà chỉ ở cư dân này mới có, đó là tục ngủ duông (lướt zướng). Tục ngủ duông là một thông điệp gửi gắm những mối tình trai gái Cơ Tu nên vợ nên chồng để hôm nay nó vẫn còn trường tồn mãi với thời gian.
Trong những công việc nương rẫy, hay đi chơi ở nhà bạn bè, người thân hay vào dịp Tết đến xuân về hoặc trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng như: Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn mừng nhà GươI (Lang tơrí), lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ hội Pơ Ngoót (lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu với nhau)..., nam nữ Cơ Tu tự tìm đến nhau lựa chọn cho mình một người hợp lòng, ưng ý. Và để làm được việc này, họ phải đợi đến tháng 9, tháng 10, khi đã thu hoạch lúa xong, lúa được đem cất vào nhà kho, đây là thời gian để bà con làm lễ ăn mừng lúa mới và là dịp để người con trai làm nhà ngủ duông.
Nhà ngủ duông được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá và nhà này được cả làng đều biết và được người Cơ Tu gọi là nhà ngủ duông.
Tuỳ ở mỗi đôi nam nữ Cơ Tu mà có thể từ 3 đến 5 đêm hoặc hơn thế nữa để họ tự do tìm hiểu mà không phải lén lút, thầm kín... Tuy đôi nam nữ có quyền tự do tìm hiểu nhưng luật tục Cơtu cũng quy định rất rõ và rất nghiêm khắc xử lý những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới. Nếu trường hợp này xảy ra, tuỳ ở mức độ vi phạm, thường thì chàng tai bị phạt rất nặng, làng bắt người con trai đó phải giết heo có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn (Lươl hơpoong a coó á oóc) đôi khi phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và đôi khi bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc với những con người phạm tục. Sự phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người cho nên nam nữ Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.
Tục ngủ duông của người Cơ Tu là sự hội tụ của những nét đẹp văn hoá đặc sắc còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu. Và với yếu tố này, vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có nghĩa giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời. Người Cơ Tu ngày nay không chỉ tiếp nhận những yếu tố văn hoá của cuộc sống văn minh, hiện đại mà tục ngủ duông mang đậm bản sắc của một cư dân miền núi sống qua ngàn đời mà vẫn tồn tại như nguyên vẹn. Đây là kết quả của ý thức về cội nguồn của cộng đồng dân tộc Cơ Tu./.
Hoàng Duy Trần (sưu tầm)