Những thành viên của “tộc người” sống trong hang đá trước khi được Bộ đội biên phòng phát hiện không biết mình bao nhiêu tuổi, không biết dệt vải và đặc biệt là có một quy ước ăn trầu kỳ lạ.
Những thành viên của “tộc người” sống trong hang đá trước khi được Bộ đội biên phòng phát hiện không biết mình bao nhiêu tuổi, không biết dệt vải và đặc biệt là có một quy ước ăn trầu kỳ lạ.
Tộc người không biết tuổi
Đó là dân tộc Chứt thuộc nhóm Mã Liềng ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, hiện nay có khoảng trên 35 hộ với hơn 130 nhân khẩu đồng bào đang sinh sống ở đây.
Sáng sớm, từ thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh, chúng tôi có chuyến hành trình ngược nguồn lên bản Rào Tre, khi trời đang còn sương mù dày đặc.
Cảnh tượng đầu tiên hiện ra trước mặt là đỉnh Cà Đay, có những ngôi nhà sàn xinh xắn nằm bình yên dưới vách núi chênh vênh. Đầu bản, ông già Hồ Lon một mình ngồi ngậm điếu thuốc to bằng ngón tay cái, rít phì phèo ngay trước cửa hiên. Thấy chúng tôi ông chỉ gật đầu như thay cho lời chào thịnh tình.
Thấy vậy, chúng tôi liền ghé vào nhà ông ngồi nghỉ. Đến hỏi ông năm nay bao nhiêu tuổi, ông chỉ lắc đầu rồi liền nói: Tuổi tác đối với người già ở bản này không ai biết, họ chỉ biết mình sinh ra và lớn lên trong rừng sâu thôi.
Những năm 60 thế kỷ trước, trong một lần đi tuần tra, bộ đội biên phòng đã phát hiện một tộc người hoang dã sống trong hang đá giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Sau đó đưa về bản Rào Tre sinh sống nhưng do chiến tranh ác liệt, đời sống khó khăn họ lại quay về rừng sâu sinh sống. Năm 2001 tộc người này được bộ đội biên phòng đưa về bản Rào Tre định cư và bây giờ họ đã có cuộc sống ấm no hòa nhập với cộng đồng Việt.
Khi chưa về bản Rào Tre, người Chứt sống ở trong rừng sâu đầu con sông Ngàn Phố, giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, họ sống theo cộng đồng từ 10 đến 15 người trong hang đá, mái đá hoặc những căn lều nhỏ được lợp bằng lá cây hay nứa, lồ ô đập nhỏ ra để ở. Thức ăn chủ yếu là sắn, ngô, thú rừng, lá cây, hoa qủa…. Trong rừng sâu, những năm mất mùa, cái đói, bệnh tật đã cướp đi bao sinh mạng tộc người Chứt.
Đã già rồi nhưng không biết mình bao nhiêu tuổi
Để hiểu thêm về những người già không biết mình bao nhiêu tuổi chúng tôi tìm đến ông trưởng bản Hồ Kính, người Chứt chính cống, vừa gặp ông liền hồ hởi: Người Chứt bây giờ khác rồi, biết cày ruộng, biết đọc, biết viết, thả lưới, không đốt rừng làm nương rẫy nữa!...
Nghe ông khoe liên tục, tôi ngắt lời hỏi thế bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi, ông liền đáp: "Mình sinh ra ở hang đá, ngày đó lớn lên mình luôn nghe tiếng nổ vang khắp cả rừng liên tục (tiếng bom, tiếng súng thời chiến tranh) rồi cả tộc người đều tránh trong hang đá không thì bị chết hết, khi về đây mình được bộ đội bày cho học cái chữ mới biết tính tuổi nhưng không nhớ ngày sinh nên mình không biết bao nhiêu tuổi mô".
Cuộc sống người Chứt ở bản Rào Tre bây giờ đã thay đổi nhiều. Về bản Rào Tre nay họ đã biết chữ, biết đọc, viết nhưng khi hỏi những người già về tuổi của thì ai cũng có một câu trả lời “chắc như đinh đóng cột” là sinh ra ở hang đá bên con suối.
Bà Hồ Thị Niềm, một bậc cao niên của dân tộc Chứt nói: "Không những mình mà cả bản này người già không ai biết tuổi. Ngày trước ở trong rừng chỉ biết trời sáng đi vào rừng liền, trời tối lại về ngủ chứ có phải như giờ ở bản ai cũng biết tính ngày, tháng, năm và giờ giấc hết cả. Bây giờ chỉ có bọn trẻ được xã làm giấy khai sinh mới biết thôi".
Rời hang đá quên đi âm nhạc
Mỗi khi nhắc lại những ngày tháng sống trong hang đá, tộc người Chứt tự hào là nhờ tiếng sáo, tiếng đàn mà những đôi trai gái thành vợ thành chồng và những lễ hội thêm sôi nổi.
Trong nét văn hóa tộc người Chứt có sáo Pi, đàn Muôi, đàn Trơ bon, từ con trai con gái đều biết cách làm và sử dụng. Nhất là đối với những đôi trai gái yêu nhau dùng sáo, đàn thay cho lời nói để hiểu nhau và trở thành vợ chồng. Bên cạnh đó đàn, sáo được dùng trong lễ hội như đám cưới, lễ hội xuống giống, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng được mùa.…
Ông Hồ Púc một trong bốn người thổi sáo Pi hay nhất tộc người Chứt ở bản Rào Tre
Đang cầm cây đàn Trơ bon ngồi trước nhà đánh, những giai điệu vang khắp cả núi rừng khiến cho ai cũng phải dừng chân mà nghe, bà Hồ Thị Sen kể: "Cũng nhờ cái đờn (đàn) này với cái sáo mà tôi với ông Hồ Phương nên duyên vợ chồng. Ngày chúng tôi yêu nhau đêm mô cũng ra ngồi bên suối, ông ấy thì cầm sáo Pi còn tôi cầm cái đờn Trơ bon ngồi cả đêm không nói một câu mô, chỉ dùng nhạc cụ để thay lời nói. Ông thổi một hồi tôi đáp lại một khúc, nhờ tiếng đờn tiếng sáo mà chúng tôi có ngày hôm nay đó".
Nhưng giờ đây, khi về ở bản Rào Tre tiếng đàn, tiếng sáo đã vắng bóng đối với tộc người Chứt. Khi hỏi về những ai biết làm và biết thổi sáo đánh đàn hay, người trong bản cũng nói "còn bốn người nữa thôi".
Bà Hồ Thị Niềm mỗi khi thổi sáo tiếng vang khắp bản ai cũng lắng mà nghe
Đó là vợ chồng ông Hồ Phương, bà Hồ Thị Niềm và ông Hồ Púc. Vừa làm hai cái sáo Pi xong, người đã già yếu nhưng bà Niềm liền cầm cây sáo Pi thổi và phát ra thứ nhạc khiến cho chúng tôi muốn ngồi cả ngày để được nghe tiếng sáo của bà.
Ông Hồ Púc, người thổi sao Pi hay nhất trong bốn người đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, nói: "Khi về đây nhiều nhà có đầu đĩa, ti vi, loa đài bọn trẻ không mê nhạc cụ sáo đàn nữa, bày cho nó thổi nhưng chẳng ai muốn học, những lúc buồn mình thường lấy cây sáo ra thổi, giờ chỉ có người già thích nghe còn bọn trẻ thì không".
Đã có nhiều lần vợ chồng ông Hồ Phương đem những làn điệu, bản nhạc từ cây sáo, cây đàn dân tộc đi dự hội diễn văn nghệ ở huyện, giao lưu với bộ đội biên phòng… Khi nghe xong ai cũng tán thưởng "không chê vào đâu được".
Thế hệ trẻ không còn yêu thích thứ nhạc cụ của dân tộc mình nữa.
Ông Phương kể lại: "Cách đây ba năm về trước hai vợ chồng mình được mời về tham dự hội diễn văn nghệ ở huyện Hương Khê, khi kết thúc những làn điều mọi người ngồi ở dưới vỗ tay liên tục rồi tặng hoa cho hai vợ chồng ôm không xuể, mọi người thích nghe chúng tôi biểu diễn lắm".
Truyền thống bao nhiêu đời đều truyền cho nhau cách làm, cách sử dụng sáo, đàn nhưng bây giờ về nơi cư trú mới, thế hệ trẻ tộc người Chứt bây giờ không còn một ai muốn học hỏi thứ âm nhạc của dân tộc mình.
Tục ăn trầu bí ẩn của người Chứt
Ăn trầu là một văn hóa của người dân Việt Nam từ lâu đời, kể cả người Kinh cho đến người dân tộc nhưng ở tộc người Chứt tục ăn trầu có nhiều bí ẩn.
Với người tộc Chứt khi ở trong rừng sâu cho đến ngày về bản Rào Tre sinh sống, họ có một quy ước từ người trước để lại mà người đời sau đến nay luôn thực hiện: Đàn ông không bao giờ được ăn trầu.
Đi đâu, ngồi đâu người phụ nữ dân tộc Chứt cũng miệng lóp lép nhai trầu suốt ngày
Lý giải cho điều này bà Hồ Thị Mậu nói: Đàn ông thì hút thuốc, uống rượu không được ăn trầu, nếu ăn trầu là có tội với thần linh. Ngày trước sống trong hang đá đàn bà ai cũng hút thuốc nhưng khi ra đây ở được bộ đội biên phòng nói là: Hút thuốc không tốt cho sức khỏe sẽ bị ung thư và nhiều bệnh tật khác nữa nên chị em trong bản đều bỏ thuốc hết rồi.
Trong quy ước của đồng bào, dù con gái già rồi nhưng chưa có chồng, có con là không được ăn trầu. Họ quan niệm, khi chưa lấy chồng sinh con nếu ăn trầu sẽ bị con ma rừng, ma suối…về bắt tội chết (!?).
Ăn trầu với đọt mây, đọt cọ rất ngon lành
Phụ nữ tộc người Chứt bây giờ khi đi lên rừng, đi làm ruộng, đi chợ…họ luôn mang theo một bao trầu bên người để ăn.
Đến nhà nào trong dân bản cũng thấy các chị, các bà đi đâu, ngồi đâu miệng cũng luôn lóp lép nhai trầu liên tục. Với phụ nữ tộc người Chứt khi người này hết người kia còn họ luôn san sẻ cho nhau. Đây là một trong những truyền thống gắn kết cộng đồng của đồng bào, người này hết cứ xin người khác và họ rất sẵn lòng cho trầu. Hiện miếng trầu đã không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của những phụ nữ nơi đây.
Lý Thị Ninh (sưu tầm)