Dân ca dân nhạc- Dân ca Sán Dìu (Lý Hải Ninh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, August 13, 2016

Dân ca dân nhạc- Dân ca Sán Dìu (Lý Hải Ninh)

Tộc Sán Dìu là một dân tộc ít người sinh sống ở miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Các tên gọi khác: Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc, Mán váy xẻ. Các tên gọi người Sán Dìu đều chỉ ra rằng họ có quan hệ gần gũi với cộng đồng người Dao và thường được các tộc người khác gọi chung là Mán. Tộc này thuộc về nhóm ngôn ngữ Hoa với dân số khoảng 126.237 người

Tộc Sán Dìu được tạo lập từ thời nhà Minh tại Quảng Đông, Trung Hoa, sau đó dần dần di chuyển đến Việt Nam. Phần lớn người Sán Dìu có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Hoa), mới bắt đầu di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm nay.

Người Sán Dìu nói thổ ngữ Hán-Quảng Ðông (ngữ hệ Hán-Tạng). Mặc dù nói tiếng Quảng Đông và sử dụng chữ Hán, người Sán Dìu không được chính phủ Việt Nam phân loại là người Hoa.

Người Sán Dìu có chữ viết riêng, là loại chữ tượng hình, có nhiều đường nét của chữ Hán cổ. Hiện nay, tiếng nói, chữ viết của người Sán Dìu đang ở vào thời kỳ bị mai một. Lớp trẻ hiện nay phần nhiều không còn sử dụng ngôn ngữ, chữ viết và cả những phong tục lễ tiết của dân tộc mình. Tuy vậy, chữ viết của người Sán Dìu vẫn được lưu truyền, sử dụng ở một số gia đình có người làm thầy cúng, thầy địa lý.

Thí sinh Nguyễn Thị Sáu, tộc Sán Dìu, trong một kỳ thi Hoa Hậu Dân Tộc.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Sán Dìu ở Việt Nam có dân số 146.821 người, có mặt tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Sán Dìu cư trú tập trung tại các tỉnh:

Thái Nguyên (44.131 người, chiếm 30,1% tổng số người Sán Dìu tại Việt Nam)
Vĩnh Phúc (36.821 người, chiếm 25,1% tổng số người Sán Dìu tại Việt Nam)
Bắc Giang (27.283 người)
Quảng Ninh (17.946 người)
Tuyên Quang (12.565 người)
Hải Dương (1.872 người)
Đồng Nai (850 người)
Hà Nội (832 người)
Lâm Đồng (662 người)
Đắk Nông (617 người)

Theo lịch, cứ đến ngày Đông chí, các gia đình người Sán Dìu thường sửa soạn lễ tết rôm rả chẳng khác mấy so với ngày Tết Nguyên Đán.

Phong tục thờ cúng của người Sán Dìu rất độc đáo, đa dạng như: Lễ tạ mộ, Lễ chấn trạch đuổi ma, Lễ kỳ yên nhà, Lễ kỳ yên làng, thờ cúng tổ tiên, thờ Táo Quân, thờ Thổ Công, thờ Thần Cửa, Thần Mụ, thờ Phật, thờ Tổ Sư, thờ Thần Nông, thờ Thành Hoàng, ngoài ra họ còn có các Lễ thượng điền, hạ điền, cơm mới, cầu đảo… gắn với chu kỳ sản xuất.

Người Sán Dìu chủ yếu làm lúa nước, cũng có một phần làm nương, soi, bãi. Nhờ đắp thêm mũi phụ, lưỡi cày của họ trở nên bền, sắc và thích hợp hơn với việc cày ở nơi đất cứng, nhiều sỏi đá. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi, khai thác lâm, thổ sản và làm một số nghề phụ khác như: Đánh bắt, nuôi thả cá, làm gạch ngói, rèn, đan lát.

Xe Quệt.

Từ lâu đời, người Sán Dìu đã sáng tạo ra chiếc xe quệt (không cần bánh lăn) dùng trâu kéo để làm phương tiện vận chuyển. Hình thức gánh trên vai hầu như chỉ dùng cho việc đi chợ.

Người Sán Dìu ăn cả cơm và cháo. Thức ăn uống thông thường là nước cháo loãng. Họ có nhiều loại cháo: cháo ngô, khoai, cháo cơm vớt và đặc biệt có món chúc líp (cháo trộn với một số loại rau có thể dùng làm thuốc chữa bệnh như cháo lá lốt, rau cải, cháo lá ngải). Việc chế biến các món ăn của họ cũng khá cầu kỳ, dùng nhiều gia vị như gừng, tỏi, địa liền. Đặc biệt, các món ăn khi dùng dù mùa lạnh hay mùa nóng cũng đều phải giữ ở nhiệt độ nóng.

Ngoài nước cháo loãng, người Sán Dìu còn thường dùng nước trà xanh. Trong bữa tiệc đồ uống chủ yếu là rượu trắng do họ tự nấu thông qua công nghệ làm men bằng thứ lá cây rừng với gạo hoặc rượu mía, rượu sắn. Ngày Tết, có thêm rượu cái nếp do họ tự làm.

Người Sán Dìu còn làm các loại bánh: Bánh chưng gói hình ống, hai đầu có bắt góc (mỗi đầu bắt thành 3 góc); bánh chưng gù. Bánh tro (hay “bánh do“) gói hình như bánh chưng nhưng nhỏ hơn, nguyên liệu làm bằng gạo nếp ngâm nước tro đốt từ một loại cây ở rừng gọi là cây nham nháp và rơm lúa chiêm xuân còn mới với nước vôi trong. Bánh nhân điềnlàm bằng bột gạo nếp có nhân bằng lạc rang giã trộn với đường phên hoặc nhân đậu xanh. Ngoài ra còn có loại bánh dày. Các loại bánh này được dùng trong các dịp lễ, tết, hội, cưới hỏi. Riêng Lễ lại mặt và Lễ tang ma chỉ dùng bánh nhân điền hoặc bánh dày.

Trang phục truyền thống nam nữ Sán Dìu.

Trang phục thông thường của nam giới Sán Dìu: quần cộc (quần đùi) màu thâm; quần dài màu thâm, cạp chun, có hai túi; áo màu thâm dài ngang đùi, may kiểu bà ba có một túi.

Trang phục thông thường của phụ nữ Sán Dìu: khăn đen bằng vải chéo, đội theo hình mỏ quạ; luôn mặc hai áo đi theo cặp: áo trong màu sáng, dài đến cạp quần; áo ngoài màu chàm, hoặc thâm, dài quá gối, may theo kiểu 3 vạt; đeo yếm (trắng, đỏ); có dây bao lưng màu xanh.

Trang phục ngày lễ, tết, hội, ngày cưới: đàn ông mặc quần áo dài, mới hơn, đi guốc mộc do họ tự làm bằng loại cây gỗ rất nhẹ ở rừng; phụ nữ đội khăn gấm, hoặc nhung the, yếm đỏ; có thể mặc quần áo như ngày thường nhưng mới hơn, có thể mặc váy (loại váy xẻ hai mảnh hoặc 4 mảnh cùng đính trên một cạp, là loại váy khác biệt với các dân tộc khác của nước ta); thắt dây bao lưng màu xanh. Cô dâu ngày cưới còn đội cái pại thay khăn mỏ quạ, thắt 2 dây lưng và săn su quả đào.

Thiếu nhi Sán Dìu.

Trang sức của phụ nữ Sán Dìu không nhiều: có khuyên tai, nhẫn bạc, vòng tay bạc. Phụ nữ Sán Dìu có săn su quả đào dùng để đựng trầu têm sẵn, là loại trang sức đặc biệt, khác biệt với các dân tộc khác. Đây cũng là loại trang sức dùng để đánh giá nhân phẩm, đức hạnh (tứ đức) của người con gái Sán Dìu. Nếu nhà giàu, săn su quả đào làm bằng bạc. Nếu nhà nghèo (chiếm phần nhiều), túi đựng trầu của người phụ nữ Sán Dìu được khâu theo hình múi bưởi, nhiều màu sắc, thêu rất công phu. Đi đôi với túi đựng trầu là con dao cau với vỏ gỗ được trạm trổ rất cầu kỳ, thường được chị em đeo trong các dịp lễ hội, ngày tết (được coi như thứ trang sức để trưng diện).

Trang phục thầy cúng: Thầy pháp sư (cúng chính): áo cà sa màu chàm dài quá gối. Trên áo có thêu hình long, phụng, Thánh, Phật Thích-ca, Phật Quan Âm; thắt dây lưng đỏ; giày vải thêu nhiều màu sắc hoặc đi chân đất. Thầy phụ việc cúng cho Pháp sư: mặc áo dài, quần dài màu đỏ, giống như áo tân thời của phụ nữ người Kinh.


Người Sán Dìu trước kia thường ở nhà vách đất, tường trình đất hoặc đóng gạch đất rồi tự xây bằng vữa đất dẻo. Mái thường lợp cỏ tranh hoặc lợp lá mía. Người Sán Dìu rất khéo tay trong việc tết các phên cỏ tranh hoặc phên lá mía lại thành từng mảng để lợp nhà, đảm bảo được độ bền chắc và không bị dột khi trời mưa.

Trong khuôn viên đất ở, người ta thường bài trí nhà ở và các công trình phụ trợ theo hình chữ U. Nhà ở chính nằm ở đáy chữ U còn gọi là “nhà trên”, quy mô từ 3 đến 5 gian, hai bên hồi nhà thường có hai trái nhà làm vẩy ra để chứa các phương tiện vận chuyển, phương tiện đi lại và là nơi xay lúa, giã gạo; bên tay phải là dãy nhà bếp, nhà để nông sản, nông cụ gọi là “nhà ngang”, bên tay trái thường là khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm và công trình phụ.

Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Dìu đã thay đổi về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà gạch xây theo kiểu hiện đại thay thế cho nhà tranh, vách đất truyền thống. Nhiều hộ đã có nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố như nhà của người Kinh.

Lá thuốc của người Sán Dìu.

Người Sán Dìu có nhiều bài thuốc truyền thống, họ có thể chữa được các bệnh như: Đốt ngải cứu để chữa bệnh mở khóa đầu của trẻ sơ sinh; bệnh rắn cắn; chó dại cắn; các bệnh lên mụn nhọt ở người và gia súc; bệnh về xương, khớp, cảm lạnh, hóc xương…

Thơ ca dân gian của người Sán Dìu phong phú, dùng thơ ca trong sinh hoạt hát đối nam nữ (soọng cô) rất phổ biến. Trong kho tàng truyện kể dân gian chủ yếu truyện thơ khá đặc sắc. Các điệu nhảy múa thường xuất hiện trong đám ma. Nhạc cụ có tù và, kèn, trống, sáo, thanh la, não bạt cũng để phục vụ nghi lễ tôn giáo. Nhiều trò chơi của dân tộc được đồng bào ưa thích là: đi cà kheo, đánh khăng, đánh cầu lông kiểu Sán Dìu, kéo co.

Một buổi giao lưu văn nghệ hát Soọng Cô.

Đắm mình với làn điệu Soọng cô của dân tộc Sán Dìu
Hát soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình, một sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu.

Nguồn cội làn điệu Soọng cô
Theo truyền thuyết “truyện quả bầu” nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót.

Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.

Soọng cô phát âm theo tiếng Hán nghĩa là xướng ca, tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu.

Giống như làn điệu sli của người Nùng và sình ca của người Cao Lan, soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ. Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán và lưu truyền trong dân gian. Làn điệu soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

Soọng cô có hai dạng thức: Hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon soọng cô), hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô). Ở dạng thức thứ nhất, nội dung hát vừa để tìm hiểu, có khi để trổ tài: Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở ngoài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Ở dạng thức thứ hai phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca.

Lễ ra mắt CLB hát soọng cô tại xã Hợp Châu.

Nội dung của làn điệu Soọng cô rất phong phú, thể hiện sự đa dạng và độc đáo trong văn nghệ dân gian của người Sán Dìu. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà Soọng Cô đã truyền tải những thông điệp văn hóa đến cho mọi người. Lời hát càng phong phú, sinh động hơn khi hát ứng tác trong đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất…

“Nhóng lý on xim mạo sóc xòi
Nón tách lống nhòng không ết son
Nón tách lống nhòng không ết ốc
Không già không nạ không thai mòn”

Tạm dịch là:
“Nàng ơi đừng nghĩ lo nhiều
Để chàng cùng liệu việc mình với ta
Ước gì chung mẹ chung cha
Chung nhà, chung cổng cùng vào một sân”.

Nguồn cảm hứng cho những làn điệu ấy chính là những hoạt động của cuộc sống đời thường. Mặc cho thăng trầm thời gian, những lời ca bình dị ấy luôn được ngân lên như có một sức sống mãnh liệt, và lắng đọng cùng thời gian.

Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca Soọng cô.
Hát Soọng cô là một làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc Sán Dìu. Tuy nhiên, hiện nay số người dân tộc Sán Dìu biết hát Soọng cô không nhiều chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi. Mặt khác, số lượng sách cổ ghi lại các bài hát Soọng cô còn rất ít, phần lớn các bài hát sưu tầm được đều do các nghệ nhân truyền miệng lại.

Trong những năm gần đây, việc bảo lưu các làn điệu dân ca của dân tộc đã được sưu tầm, ghi chép, dịch nghĩa các làn điệu Soọng cô nhằm giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử. Tại tỉnh Tuyên Quang,Vĩnh Phúc, Thái Nguyên các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy làn điệu này được đẩy mạnh.

Tại nhiều địa phương thành lập những đội văn nghệ quần chúng; dàn dựng nhiều tiết mục hát soọng cô; lồng ghép các tiết mục hát soọng cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo.

Đoàn nhà trai mang lễ đến nhà gái.

Hát đám cưới của dân tộc Sán Dìu
Mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung thường có lễ thức hát trong đám cưới khác nhau. Những lối hát xưa nay đã mai một. Từ sau khi có nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ V (khoá 8), việc khôi phục lối hát truyền thống lại được chú trọng và phát triển hơn, hình thành nhiều câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc, như: Sán Dìu, Sán Chí, Tày, Nùng, Cao Lan v.v trong đó hát dân ca dân tộc Sán Dìu là thể loại hát độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc, được phục hồi ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nhân mùa cưới đang đến, xin giới thiệu lối hát đám cưới của người dân tộc Sán Dìu tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn.

Hát trong đám cưới là nét văn hoá đặc trưng, cổ truyền của dân tộc Sán Dìu từ bao đời, được lưu truyền cho đến nay. Thể loại hát giữa hai họ từ buổi chiều trước ngày cưới chính thức, khi nhà trai mang lễ vật sang nhà gái (hai họ hát tại nhà gái). Nghi thức hát có 4 phần: hát chào đón, hát khai hoa tửu, hát cung kính cùng hát chúc và đố chuyện nghi lễ.

Hát chào đón, đó là lúc họ nhà trai mang lễ vật đến nhà gái, hai họ gặp nhau, chào đón bằng lối hát ngoài cửa của nhà gái.

Họ nhà gái cất lên: (trích)
Pha lán tạnh chấy ít théo khổng
Khống lống bọi sọng ít sông hống
Dịu dón kim mạn sênh ca chíu
Sênh ca chíu lạy ngỏi lán hống.

Họ nhà trai đáp lời:
Hống vún lói chép cao san cạy
Hách vún lói chép ốc dém thói
Dịu don kim mạn sênh ca chíu
Leng con sút chép tam lóng thói.

Dịch nghĩa của bài hát:
Lễ nghi họ gái bày trước cửa
Thiếp hồng nghênh tiếp giưã đường môn
Hôm nay ngày đẹp thành hôn lễ
Chào đón qua viên họ trai sang.

Sao sáng đến gặp mây tương ngộ
Một lòng một dạ đến kết duyên
Hôm nay ngày đẹp thành hôn lễ
Lễ vật dẫn sang kính gia tiên.

Tiếp theo là các bài hát khai hoa tửu được thể hiện tiếp: (trích)
Láp sọng nhóng món cay báo sác
Hông sui dóng dịu dẹp sang sống
Dịu dón kim mạn sếnh cô hô chú công.

Dịch nghĩa trong bài hát:
Đã có bạn trai thương yêu mến
Ông tơ bà nguyệt se lứa đôi
Ngày lành tháng tốt dâng hôn lễ
Hạnh phúc tràn đầy một niềm vui.

Hai họ hát đối trước cửa nhà gái.

Hai họ hát đối trước cửa nhà gái.
Phần hát khai hoa tửu, nhiều bài hát còn dài mang ý nghĩa đáp đền công lao cha mẹ nuôi dạy con thành người. Nay về làm dâu đều yêu thương thành kính cha mẹ tổ tiên hai bên như nhau…Hết phần hát khai hoa tửu lại tiếp đến phần hát cung kính cùng hát chúc: (trích)

Hoi híu leo
Tam váng tạnh chấy lép váng thói
Na cọi mói nhín lói cón chíu
Na cọi tạm lóng ben sút lói.

Dịch nghĩa trong bài hát:
Quan viên hai họ cùng dâng lên
Dâng chén rượu đào kính gia tiên
Hai nhà thông gia thành hôn lễ
Hạnh phúc đôi trẻ mãi vững bền…

Lời hát dâng rượu kính gia tiên và chúc cho đôi trẻ thành hôn của hai họ mang ý nghĩ cung kính và sâu sắc nghĩa tình thông gia…Và còn biết bao câu hát khác mang giá trị nhân văn và nghĩa tình vợ chồng: Rể tài, dâu thảo luôn hạnh phúc/ Ra hoa kết trái truyền tương lai…Nhưng phần cuối của lối hát trong đám cưới mới hấp dẫn và được đối đáp thông minh, đó là đố chuyện lễ nghi.

Một ông trong dòng họ với bà của cô dâu ngồi giữa giường đem khay nước có hoa văn đẹp trong đó đựng chai rượu được để trong rọ đan bằng tre và hai quả trứng do họ nhà trai mang sang rồi nói đố chuyện, với các câu hỏi đố (xin trích, dịch là):

Hôm nay ngày đại lễ thành hôn, xin mời các quan viên hai họ cùng ngồi gần bên chum rượu đào cho vui và xin hỏi quan viên hai họ biết chữ hay biết chuyện. Biết chữ thì đố chữ, biết chuyện thì đố chuyện? Không hiểu, không biết thì mong cùng trợ giúp? Xin hỏi quan viên họ nhà trai, trên đường dẫn lễ đi có thuận không. Có tâm đến không? Dù giải được hay không giải được cũng xin mời cùng nâng lên chúc nhau ba chén.

Trưởng đoàn họ nhà trai đáp lại rằng:
Kính thưa các cụ, kính thưa hội hôn. Họ nhà trai tôi, trường học qua ít, chữ nghĩa không nhiều, chuyện không am hiểu, mong các cụ miễn thứ cho. Đúng ngày lành, tháng tốt nên họ nhà trai chúng tôi, có tâm, có dạ, đi đường đều thuận cả…

Đố chuyện lễ nghi, cứ thế chính là cớ gặp nhau giữa hai họ để câu chuyện thêm rôm rả. Cho hai họ xích lại gần nhau. Kết của hồi đố chuyện lại là chén rượu. nhưng lần này là rượu được pha hai quả trứng cho vào bát để trên ban thờ kính gia tiên từ lúc trước khi đố, bây giờ đem xuống rót mời hai họ thưởng thức, chúc cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc.

Nhà cụ Lưu Thị Hụt, 78 tuổi ở thôn Chín Thượng, xã Bắc An (Chí Linh) làm bánh dày, bánh boong rằm tháng 7.

Độc đáo di sản của người Sán Dìu
Là một dân tộc thiểu số, chịu nhiều tác động, song không ít di sản văn hóa đặc trưng vẫn được cộng đồng người Sán Dìu gìn giữ.

Phong tục lạ
Anh Lê Duy Mạnh, thành viên Ban chủ nhiệm đề tài điều tra, nghiên cứu về phong phục tập quán của các dân tộc thiểu số ở thị xã Chí Linh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiết lộ: “Bắc An có đông người Sán Dìu cư trú nhất, trong đó tập trung tại Chín Thượng và Chín Hạ. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, song lớp người cao tuổi trong cộng đồng người Sán Dìu vẫn bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc”.

Diện mạo Bắc An đã đổi thay nhưng dấu ấn của một xã miền núi vẫn hiện rõ qua những con đường đất đỏ chạy dài hun hút. Ngôi nhà cấp 4 mà chúng tôi đến nằm trên một bạt đồi khá rộng. Chủ nhà là bà Lưu Thị Chinh, ngoài 70 tuổi, một phụ nữ Sán Dìu nắm giữ nhiều vốn di sản truyền thống của ông cha.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những phong tục độc đáo được người Sán Dìu duy trì cho đến nay. Trong việc tang, có thầy cúng làm lễ để chuộc tội cho người mất. Khi đưa ma, con cái người chết phải thực hiện nghi lễ tiễn đưa. Còn con dâu phải gánh lương thực và cầm bó đuốc cháy soi đường cho bố mẹ. Ngày trước, người Sán Dìu chỉ thực hiện lễ cúng 100 ngày và lễ sang áo. Ngày nay, tiếp thu văn hóa người Kinh, mỗi năm họ đều tổ chức lễ giỗ.

Trong việc cưới, người Sán Dìu phải có bà mối. Khi đôi trai gái đã ưng nhau, bà mối được nhà trai nhờ đến nhà gái hát lấy lá số mang về. Sau đó, nhà trai sắm lễ cau trầu, hoa quả để bà mối chính thức đến nhà gái đánh tiếng. Khi nhà gái ưng thì bà mối lại đến lần thứ ba để xem nhà gái thách cưới. Ngày trước, nhà gái sẽ thách cưới vài chục cân thịt, vài chục lít rượu cùng quần áo cô dâu, hoa tai vàng, vài chục triệu đồng tiền mặt. Ngày nay, thách cưới đã bớt nặng nề. Ngoài các mâm lễ hoa quả, bánh kẹo như của người Kinh, nhà gái thường thách tiền mặt, trên dưới 10 triệu đồng. Bà Lưu Thị Chinh cho biết: “Mặc dù thủ tục đã đơn giản song lễ cưới của người Sán Dìu vẫn có những đặc trưng riêng. Trong đám cưới sẽ có phần hát đối giữa nam và nữ. Đặc biệt trên mâm cỗ cưới của người Sán Dìu nhất thiết phải có món khâu nhục. Đây là món ăn làm từ thịt lợn ba chỉ để cả miếng lớn ướp gia vị, mật ong hấp cách thủy”.

Một nét văn hóa khá đặc trưng nữa của người Sán Dìu là làm các loại bánh vào các dịp lễ, Tết. Đồng bào quan niệm, trong năm có 5 dịp lễ, Tết lớn là Thanh minh, ngày 5-5 âm lịch, 14-7 âm lịch, ngày đông chí và Tết Nguyên đán. Trong những dịp này, ngoài làm cỗ, người Sán Dìu còn làm các loại bánh boong, bánh nghé, bánh lá mít, bánh tét… “Mỗi loại bánh chỉ làm vào từng dịp. Chẳng hạn, bánh tét chỉ làm dịp Tết Nguyên đán. Ở đây gia đình nào cũng trồng vài khóm chít để lấy lá gói bánh dịp cuối năm”, bà Chinh nói.

Bánh lá mít được làm phổ biến nhất trong các dịp lễ, Tết. Cách làm loại bánh này cũng khá đặc biệt. Gạo nếp đem giã thành bột, nhào dẻo, đỗ xanh ngâm nước, đồ chín, đánh nhuyễn rồi xào với thịt, hành, gia vị làm nhân. Khi làm bánh, nặn bột thành hình chiếc chén, bỏ nhân vào, vít kín miệng rồi đem luộc. Khi chín bánh được gắp ra chiếc lá mít, có hình giống chiếc mào gà.

Tri thức dân gian phong phú
Người Sán Dìu còn bảo lưu nhiều tri thức dân gian độc đáo, nổi bật là kiến thức y học. Những thầy lang người Sán Dìu đang lưu giữ rất nhiều sách y học, bài thuốc dân gian quý từ các loại cỏ cây chữa các bệnh hiểm nghèo như gan, xương, khớp… Những người cao tuổi ở đây đều biết sử dụng các loại dược liệu tự nhiên để chữa các bệnh đơn giản. Bà Phạm Thị Xuân, chị chồng của bà Chinh cho biết: “Tôi thường bị chứng đau nhức gối. Mỗi lần bị đau tôi lại tự đốt ngải chữa cho mình”. Cách đốt ngải chữa bệnh khá phổ biến trong cộng đồng người Sán Dìu. Người đốt ngải dùng que hương cháy châm vào lá ngải đã phơi khô rồi thổi hơi nóng hoặc đưa nhúm lá ngải
lại vùng bị đau để chữa bệnh.

Người cao tuổi Sán Dìu đang lưu giữ một lượng lớn các bài hát dân ca. Rất nhiều bài hát dân ca vẫn đang được sử dụng trong cuộc sống thường nhật và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương. “Hát dân ca đã trở thành sinh hoạt thường nhật của chúng tôi. Mọi việc chúng tôi đều có thể vận thành các bài hát dân ca”, bà Chinh cho biết thêm.

Khi đi làm nương, đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, hội làng, năm mới, ru con, ru cháu… người Sán Dìu đều có thể nảy các bài hát. Các bài dân ca của người Sán Dìu có vần điệu theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc lục bát. Bà Chinh và bà Xuân hát cho chúng tôi nghe một bài mừng năm mới bằng tiếng dân tộc, sau đó dịch ra tiếng Kinh. Tiếng hát nhẹ nhàng, trầm lắng, như lời tâm tình, thủ thỉ: “Hát lên bài ca mừng năm mới/Xuân về xuân tới nở như hoa/Xuân về mưa xuân thật ẩm mát/Hoa màu tươi tốt ngập đồng ta”.

Theo thống kê, người Sán Dìu có trên 20 bài về năm mới. Ngày xưa, dịp Tết trai gái tổ chức hát đối ngoài đường. Giờ đây, mọi người thường tập trung hát ở sân đình. Tuy nhiên, hát dân ca bằng tiếng dân tộc chỉ còn ở lớp người ngoài 70 tuổi. Thế hệ trẻ nghe thì vẫn hiểu nhưng người hát được rất hiếm.

Mặc dù người Sán Dìu có vốn di sản quý, song hầu như chỉ còn được lưu giữ trong lớp người cao tuổi. Những thế hệ sau hiểu rất ít về phong tục tập quán cha ông. Nếu không khẩn trương nghiên cứu và đề ra các biện pháp bảo tồn, phục dựng, truyền thụ thì khi lớp người cao tuổi ở Sán Dìu mất, nhiều di sản sẽ mất theo.

Tranh thờ của tộc Sán Dìu.

Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu, Tuyên Quang
Trong truyền thống văn hoá các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán mang bản sắc riêng. Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu – một nghệ thuật dân gian độc đáo.

Dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 người, tập trung chủ yếu ở huyện Sơn Dương. Dân tộc Sán Dìu còn có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó tranh thờ là nghệ thuật dân gian được nhân dân lưu giữ như vốn cổ quý báu của mình.

Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu có từ rất lâu, không rõ người sáng tác. Những bức tranh thờ cổ hiện nay chỉ được một số gia đình ở xã Thiện Kế, Sơn Nam (Sơn Dương) lưu giữ. Ông Bàng Văn Lục, thôn Thiện Phong, xã Thiện Kế (Sơn Dương), người có bộ tranh thờ cổ độc đáo. Màu của tranh được làm từ các loại cây, đất có sẵn ở thiên nhiên rất bền màu. So với các bộ tranh thờ khác, bộ tranh của ông Lục lưu giữ có thời gian lâu nhất. Những thầy cúng khi đi thực hành nghi lễ thường có nhiều dụng cụ như: Tượng Thích Ca, rồng bằng đồng, cây tích trượng, lệnh bài… và bao giờ cũng có tranh thờ. Sự hiện diện của các hình tượng trong tranh thờ tượng trưng cho các nhân vật tồn tại trong trí tưởng tượng về thế giới tâm linh của con người. Việc hành lễ của các thầy cúng đồng nghĩa với sự tồn tại của tranh thờ. Dân tộc Sán Dìu còn có tranh Thánh, bộ Tam Đàn. Tranh Thánh được dùng làm ma cho thầy cúng. Sau một thời gian thầy cúng qua đời, gia đình tổ chức lễ cúng, trong buổi lễ được sử dụng tranh Thánh. Bộ Tam Đàn dùng để treo ở bàn thờ Thánh, với ý nghĩa để bảo vệ cho con cháu thầy cúng.

Tranh thờ Thánh Đạo Hưng Long của tộc Sán Dìu.

Ông Trần Văn Thắng, thôn Cao Đá, xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết: Qua những bức tranh ấy, với những nét vẽ giản dị và gần gũi, có thể hình dung một cách cụ thể về những vị thần, vị thánh và Phật mà họ thường ngưỡng vọng. Quan niệm của dân tộc Sán Dìu, thế giới có 3 tầng: Tầng trên là thế giới của tổ tiên, các vị thần đức cao, vọng trọng; tầng giữa là nơi người trần mắt thịt tồn tại với hiện thân là con người; tầng dưới là thế giới âm phủ, địa ngục. Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu phản ánh sinh động thế giới quan, thời gian trải rộng từ quá khứ tới hiện tại, từ ảo đến thực.

Trước kia, giấy vẽ tranh thờ là loại giấy dó thủ công khá dày, loại giấy rất dai và bền. Giấy có màu nâu, bản rộng nên dễ vẽ và thể hiện màu sắc. Hiện nay ở tỉnh ta không còn nghệ nhân sáng tác tranh thờ mà chỉ có những người chép lại tranh cổ. Các bức tranh thờ sau này đều được sao chép lại theo kiểu truyền thống. Giấy vẽ và màu sắc đến nay đã có những thay đổi. Cách đây khoảng hơn 10 năm, tranh thường được vẽ trên giấy của vỏ bao xi măng, chất liệu này thường dai, chịu đựng được thời tiết nóng ẩm của khí hậu miền Bắc và có màu gần với màu của giấy dó. Trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây, tranh thờ bắt đầu được vẽ nhiều trên vải. Người ta sử dụng phẩm màu để vẽ, đồng thời sử dụng công nghệ in hiện đại nhằm tạo ra các bức tranh có màu sắc sặc sỡ và tươi mới. Như vậy, cách làm tranh thờ đã có một quá trình phát triển không ngừng, từ cổ xưa đến hiện tại, từ cách làm thủ công đến hiện đại. Tuy nhiên, tranh thờ của dân tộc Sán Dìu vẫn giữ được bản chất và cái “hồn” của người Sán Dìu.

Để giữ được nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc Sán Dìu ở tỉnh ta nói chung và ở huyện Sơn Dương nói riêng, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc mình. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chuyên sâu về dân gian các dân tộc. Tích cực mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn qua nhiều hình thức như tổ chức lễ hội, triển lãm, biểu diễn văn nghệ, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng… nhằm quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đã được hình thành từ lâu. Đồng thời, loại bỏ những sản phẩm văn hóa tiêu cực hoặc có mầm mống tiêu cực làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những hoạt động trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam cần được lan tỏa, phổ biến rộng rãi để trở thành hoạt động văn hóa thường niên. Các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm với việc tổ chức các hoạt động trong ngày hội này.

“Lễ lên đồng” – kết thúc một vụ cấy lúa mùa của người Sán Dìu.

“Lễ lên đồng” của người Sán Dìu, Quảng Ninh
“Lễ lên đồng” được tổ chức chính là lúc đánh dấu sự kết thúc công việc đồng áng, người Sán Dìu sắp sửa bước sang công việc mới của tiết Thu.

Người Sán Dìu ở Quảng Ninh sống tập trung ở một số huyện, thị xã như: Vân Đồn, Cẩm Phả và sống xen kẽ với các dân tộc khác ở các huyện: Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… Sắc thái văn hóa người Sán Dìu khá phong phú, thể hiện ở các phong tục, tập quán, lễ nghi của họ.

Nghề chính của người Sán Dìu là làm ruộng. Họ đã tiếp cận và vận dụng nền văn minh lúa nước từ rất lâu. Người Sán Dìu tự chế tạo ra cày, bừa, cào kéo, cào tám, cào ba, cào làm cỏ lúa… Bởi thế, họ có rất nhiều nghi lễ về nông nghiệp. “Lễ lên đồng” được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm, trong khuôn khổ gia đình hoặc dòng tộc nhưng khá thịnh soạn bởi nó có ý nghĩa văn hóa truyền thống. Vào ngày này, cả làng, bản, dòng tộc làm lễ cúng Gia Tiên và Thần Nông cẩn báo với các Bậc Linh thiêng: công việc đồng áng cấy cày vụ mùa đã vừa xong, tiết Hạ đã qua và chuyển sang tiết Thu. Người Sán Dìu thường gọi Tết Mười Tư (14/7) là “Lễ lên đồng” vì trước đó họ có “Lễ xuống đồng” vào dịp đầu tháng 6 âm lịch, lúc sắp bước vào cấy vụ mùa.

Vụ cấy lúa mùa (lúa xuân hè) đối với người Sán Dìu rất quan trọng vì một năm họ chỉ có một vụ lúa nước. Vào vụ lúa này, họ còn trồng các loại cây hoa màu, lương thực khác như đỗ, lạc, ngô… Sản phẩm vụ mùa có ý nghĩa quyết định đến đời sống gia đình họ trong năm. Họ làm nụng rất vất vả, kỹ lưỡng từng khâu trong sản xuất mong đạt được năng suất thu hoạch cao. Vì thế mà kết thúc việc cấy trồng vụ xuân hè, họ như được “xả hơi”, trút được gánh nặng cơ bản trong năm.

Lễ vật đặc sắc không thể thiếu trong mâm cúng Gia Tiên, Thần Nông trong Lễ lên đồng là món bánh nhân điền. Nguyên liệu để làm loại bánh này gồm: bột gạo nếp, nhân bánh là đỗ xanh (mặn hoặc ngọt), lạc rang, đường đen và lá mít. Bột gạo nếp được nhào, vật thành từng con bột vừa tầm tay rồi cho vào luộc chín, vớt các con bột luộc chín ra đánh quện thật dẻo rồi nặn bánh, tra nhân vào theo sở thích của mỗi gia đình. Khi bánh làm xong được đặt lên các lá mít đã rửa sạch rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Bánh cũng có thể ăn ngay được nếu trong quá trình làm không để lẫn bột sống và nhân bánh đã được làm chín trước. Món bánh này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc Lễ. Nguyên liệu dùng làm bánh là sản phẩm của vụ mùa năm trước dành để cúng tạ Thần Nông, Gia Tiên với mong ước vụ mùa năm nay được mưa thuận gió hòa, cho thu hoạch cao hơn năm trước.

Khi kết thúc Lễ lên đồng bước sang tiết Thu, trai gái, già trẻ người Sán Dìu xưa thường tổ chức đi chơi đến các làng, bản lân cận hoặc xa hơn để hát đối- gọi là soọng cô- thể hiện tâm trạng vui mừng vừa làm xong một vụ mùa nặng nhọc vất vả, cũng là lúc để anh em, bạn bè chia sẻ, tâm giao và kết thêm bạn mới. Tại cuộc Lễ đó, thầy cúng cũng cầu mong Gia Tiên che chở cho đoàn đi soọng cô được vui vẻ, an toàn, có thêm nhiều bạn mới.

Bộ trang phục truyền thống làm tôn nên vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ dân tộc Sán Dìu.

Trang phục truyền thống phụ nữ Sán Dìu (Vĩnh Phúc)
Không sặc sỡ và thêu thùa cầu kỳ nhiều hoa văn, màu sắc như một số dân tộc khác, bộ trang phục truyền thống của nữ giới Sán Dìu (Vĩnh Phúc) khá đơn giản mà vẫn đẹp mắt, gọn gàng và nữ tính.

Bộ trang phục của nữ giới Sán Dìu phong phú hơn trang phục của nam giới. Nhìn tổng thể, bộ áo váy phụ nữ Sán Dìu không thêu thùa nhiều kiểu hoa văn xanh đỏ, đen, trắng như một số dân tộc khác mà vẫn đẹp, gọn gàng. Nữ phục truyền thống gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng.

Váy áo đều màu chàm thắt lưng bằng dải lụa xanh đỏ. Ve áo nẹp bằng vải trắng tạo thành hai vết trắng mềm mại hình chữ “V” mở từ hai vai khép lại ở thắt lưng ngang eo bụng. Áo dài có 4 thân, cổ bẻ có nẹp trơn. Cách mặc áo có sự phân biệt giữa người có chồng và người chưa có chồng. Phụ nữ có chồng và người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn phụ nữ chưa chồng thì vắt ngược lại.

Đặc biệt chiếc váy của người phụ nữ Sán Dìu thời xưa là váy xẻ miếng nhiều. Người ta xếp những miếng vải chàm chồng lên nhau ở phần trên rồi khâu lại có dây dải buộc vào eo lưng. Phần dưới để xếp, không khâu chỉ. Váy chỉ dài đến đầu gối (bằng với áo) thường là 5 hoặc 7 miếng vải xếp lại.


Thời nay họ may váy 2 mảnh xếp phía trước và phía sau lồng vào nhau 2 bên. Với kiểu váy này khiến người phụ nữ luôn luôn phải giữ ý tứ khi lao động cũng như khi giao tiếp. Khi đi chợ muốn mua, xem một mặt hàng náo đó, họ không thể cúi xuống mà phải quỳ gối xuống đất rồi mới cầm mặt hàng lên xem. Theo các cụ già kể lại thì chiếc váy cổ có nhiều mảnh hơn, tới 8-10 mảnh, nhưng lại là mảnh nhỏ, và nó có tên là “váy lá” (xệch khúm) tạo xung quanh đùi có nhiều kẽ hở.

Kèm theo bộ trang phục, người phụ nữ Sán Dìu còn một số đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, xà tích nhẫn bạc, túi đựng trầu. Hầu hết phụ nữ Sán Dìu ngày xưa nhuộm răng đen ăn trầu. Cái túi trầu cũng là một đồ trang sức dài khoảng 15cm, được may hình múi bưởi, có dây luồn vào miệng túi để rút (đóng túi lại) và mở ra khi ăn trầu. Hai quai túi được dệt bằng chỉ xanh đỏ nhiều hoa văn đẹp, đầu quai có tua chỉ xanh đỏ thường được quàng vào cổ để phía trước ngực thuận lợi khi ăn trầu cau. Khi đi đường họ vắt ra phía lưng hoặc buộc vào thắt lưng cho tiện. Miệng túi trầu thêu thùa nhiều hoa văn đẹp.

Phụ nữ Sán Dìu còn có cái địu con nhỏ được may đơn giản, chỉ là vài miếng vải thô, nhuộm chàm hoặc nâu, chiều rộng khoảng 0,04m, chiều dài 0,06m (hình vuông) hai đầu được luồn vào hai dải vải hoặc dây dệt chỉ xanh chỉ đỏ, để buộc vào eo lưng người mẹ quàng vào đứa trẻ ấp sau lưng, hai đầu dây trên quàng vào vai mẹ vòng ra phía sau buộc lại đỡ lưng đứa trẻ. Từ đấy người mẹ có thể làm việc nhẹ như giã gạo, sàng xảy gạo, nấu nướng…

Có thể nói, bộ trang phục truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng chứa đựng linh hồn và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa ấy, cộng đồng dân tộc Sán Dìu ở nước ta nói chung, người Sán Dìu (Vĩnh Phúc) nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ con cháu biết trân trọng, gìn giữ và phát triển vốn văn hoá độc đáo của thế hệ cha ông để lại.

Xe Quệt.

Phương Tiện Giao Thông Truyền Thống Của Người Sán Dìu – Vĩnh Phúc
Đồng thời với việc củng cố mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, người Sán Dìu đã thiết kế ra những phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá cho phù hợp với đặc điểm của địa bàn cư trú. Trước yêu cầu đi lại giữa thôn này đến bản kia, ra đồng, lên nương đều đi bộ, còn việc thu hoạch sản phẩm, chuyên chở hàng hoá thì phải gánh, vác là chính (người Sán Dìu ít dùng ngựa thồ và gùi hàng hoá), trong hoàn cảnh đó, họ đã thiết kế ra một phương tiện vận chuyển truyền thống của dân tộc mình để chuyên chở, sản phẩm nông nghiệp như. Thóc lúa, ngô khoai, chuyên chở phân ra ruộng, nương, chuyên chở gỗ, củi từ rừng về đó là chiếc xe quệt (xe không có bánh)

Hình vẽ: Xe quệt dùng trâu kéo của người Sán Dìu.

Chú thích:
1. Hai cây phía dưới làm đế,
2. Hai cây trên tạo khung xe
3. Hai thang giằng khung xe
4. Đố giữ khung xe
5. Thanh giằng lên kết hai cây để tạo khung đầu xe
6. Đố dựng để tạo thành xe
7. Thanh giằng của hai cây đế phía trên đầu xe
8. Chốt để giữa thanh giằng cây đế của xe với càng xe (để lỏng)
9. Hai càng xe để lồng trâu kéo
10. Khoẳm bắc vào vai trâu để kéo
11. Dây thường hãm khoẳm được lồng bằng dưới cổ trâu.
12. Thanh giằng ngang càng để hãm xe khi xuống dốc.

Nguyên liệu dùng để thiết kế chiếc xe quệt hoàn toàn bằng tre và gỗ, không có một tấc sắt nào được sử dụng vào kết cấu của xe quệt, các bộ phận của xe được liên kết với nhau bằng những thanh giằng để tạo thành khung xe, những đố và những thanh giằng đó được cắm chặt vào các lỗ đục suốt hoặc đục nửa, có chèn và có chốt rất chắc.

Ở miền trung du, địa hình thường pha trộn và tiếp giáp giữa vùng cao và vùng thấp, do đó sự đi lại vận chuyển hàng hoá phần nào cũng có những khó khăn nhất định. Việc nghĩ và thiết kế ra chiếc xe quệt (có thể gọi là một phát minh sáng chế) của đồng bào, đã đáp ứng giải quyết những khó khăn trước mắt vận chuyển và lưu thông hàng hoá. Xe quệt do một con trâu kéo, nó là phương tiện duy nhất di chuyển hầu hết ở mọi địa hình nơi đồng bào sinh sống. Khi chuyên chở thóc lúa, hàng hoá thì họ đan một cái sọt bằng nứa, kích thước to hơn bề mặt của xe một chút, họ để sọt (thùng trở hàng) gần giống bồ đựng thóc của người kinh, nhưng thành sọt thấp, lên xe quệt, lót bao tải, ni lông, đổ thóc lúa chất hàng lên sọt (phong làm) và kéo xe đi.

Khi chở phân ra đồng, họ cũng đan sọt (không đan dày mà thưa như rổ xảo) cho phân vào sọt, đặt lên xe kéo ra đồng, lên nương. Những khi đi vào rừng lấy củi thì bỏ sọt, củi được bó thành từng bó đặt trực tiếp lên xe kéo về. Như vậy từ xưa người Sán Dìu biết thiết kế ra xe quệt. Đó là một phương tiện chuyên chở, vận tải hàng hoá rất công dụng và tiện lợi, giúp cho người dân đỡ vất vả trong công việc vận chuyển hàng hoá. Tuy vậy chiếc xe quệt ngày nay không được sử dụng nữa và đã trở thành huyền thoại đối với lớp trẻ, mặc dù qua điều tra ở xã Đạo Trù, Yên Dương, Đại Đình huyện Tam Đảo ta thấy đồng bào sử dụng xe quệt trong một thời gian khá dài, từ xa xưa cho đến những năm 80 của thế kỷ XX.

Ngoài xe quệt, người Sán Dìu còn chế tạo ra một loại phương tiện vận tải nữa là chiếc xe trâu để chuyên chở hàng hoá. Xe trâu được làm bằng gỗ tấu, cấu tạo gồm hai càng xe, thùng xe (có sàn và hai thành xe), có ván tiền, ván hậu. Toàn bộ thùng xe được ghép bằng ván dài khoảng 2m. Hai bánh xe có thể làm bằng gỗ tấu, những vòng ngoài vành xe có bọc sắt (mà đồng bào quen gọi là xe trâu bánh sắt) hoặc dùng bánh lốp cao su mua ở ngoài chợ.

Hiện nay xe trâu (hoặc xe bánh sắt) vẫn được đồng bào sử dụng rộng rãi làm phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá.

Những phương tiện vận tải truyền thống đã góp phần quan trọng trong việc lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Lý Hải Ninh (sưu tầm)

Share with your friends