Trong cộng đồng các dân tộc ở Việt nam, người Ê đê là cư dân có mặt lâu đời ở miền Trung và Tây nguyên với nhiều nét văn hoá truyền thống đặc trưng. Dấu vết về nguồn gốc của dân tộc Ê đê được phản ánh nhiều qua các bộ sử thi, những công trình kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, văn hoá dân gian. Cho đến nay, cộng đồng Ê đê vẫn duy trì gia đình theo truyền thống mẫu hệ.
Ở Việt Nam, dân tộc Ê đê đông thứ 12 trong tổng số 54 dân tộc anh em. Ước tính có hơn 331.000 người Ê đê cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắc Lắk, phía nam của tỉnh Gia Lai và miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên của Việt Nam.
Tộc người Ê đê vốn thuộc nhóm cư dân ngôn ngữ Mã Lai, có nguồn gốc lâu đời từ vùng biển. Mặc dù đã chuyển cư vào miền Trung Việt Nam rồi di dân lên vùng đất cao nguyên Tây Nguyên khoảng cuối thế kỷ 8 đến thế kỷ 15, nhưng trong sâu thẳm văn hóa của người Ê đê, bến nước và con thuyền vẫn là những hình ảnh chưa hề phai nhạt.
Nhà sàn dài của người Ê đê có hình con thuyền dài, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống hệt mui thuyền. Nhà người Ê Đê thuộc loại hình nhà dài sàn thấp, thường dài từ 15 đến hơn 100 m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Đó là nhà Ê Đê có những đặc trưng riêng không giống nhà của các cư dân khác ở Tây Nguyên. Là nhà của những gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ. Nhà dài cũng là công trình biểu tượng phản ánh nhiều nét văn hoá đặc trưng nhất của dân tộc Ê đê. Tiến sỹ dân tộc học Lưu Hùng, Phó giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt nam, cho biết:“ Về phương diện văn hoá thì nhà dài là hiện vật lớn thể hiện nhiều điều, nhiều khía cạnh văn hoá đặc trưng của người Ê đê là xã hội mẫu hệ. Những biểu tượng của xã hội mẫu hệ thể hiện ngay từ khi đến nhà dài của người Ê đê, đó là hình tượng đôi bầu vú của người phụ nữ được tạc đầy tròn ở cầu thang đầu hồi phía bắc của ngôi nhà và các mặt bên thân cột trong nhà. Các vật dụng trong nhà cũng thể hiện rõ nét của chế độ mẫu hệ”.
Trong gia đình người Ê Đê, chủ nhà là phụ nữ. Theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế. Đàn ông kết hôn và sinh sống tại nhà vợ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà thờ cúng ông bà và có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già. Khi một người con gái lấy chồng, ngôi nhà sẽ được tiếp tục nối dài thêm cho gia đình mới. Nhìn vào các cửa sổ của ngôi nhà dài có thể biết cô gái Ê đê đã có gia đình hay chưa. Nếu cửa sổ được mở ra thì người phụ nữ đó đã lấy chồng.
Trong lao động sản xuất, người Ê Đê trước đây chủ yếu săn bắn, hái lượm, làm rẫy, đánh cá, đan lát, dệt vải... Đặc điểm làm nông nghiệp của người Ê đê là chế độ luân canh, tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất để hoang để đất có thời gian nghỉ ngơi phục hồi. Ngày nay người Ê đê không chỉ làm nương rẫy, mà còn gắn với chế biến nông sản, trồng cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao...Ngoài trồng trọt, người Ê đê còn chăn nuôi trâu bò, voi. Người dân ở các buôn làng Ê đê còn làm các đồ đan lát, bát đồng, đồ gỗ, đồ trang sức, đồ gốm…để phục vụ các nghi lễ tâm linh và sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Trong đời sống tâm linh, như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ê đê coi Giàng ( Trời) là đấng thần linh tối cao và từ xa xưa người Ê đê coi các sự vật, hiện tượng thiên nhiên có vị thần riêng như: thần mưa, thần núi, thần sông, thần rừng...và theo quan niệm của đồng bào, mỗi vật từ cỏ cây đến ngôi nhà, những chiếc cồng, chiêng…đều có hồn ở bên trong. Ông Nguyễn Trụ, nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên, cho rằng: “ Chính những điều kiện tự nhiên, những dòng sông, ngọn núi ấy đã tạo nên nền văn hoá của người Ê đê. Đó cũng là cách để người Ê đê nhớ ơn tổ tiên, núi rừng, nhớ ơn vì những gì họ đang có, những gì đã tạo nên nên cuộc sống ngày hôm nay. Bởi vậy ngay cả những bản tấu cồng, chiêng cũng mang âm hưởng hướng về núi rừng, hướng về sông suối…”
Lễ trưởng thành của người Ê đê
Theo truyền thống tâm linh đó, trong đời sống sinh hoạt văn hoá ngày nay, bà con dân tộc Ê đê ở nhiều nơi vẫn lưu giữ nhiều lễ hội, nghi lễ, nét đẹp văn hóa truyền thống mang bản sắc của dân tộc mình như : Lễ đâm trâu, lễ cúng nhà mới, lễ cúng vòng đời, lễ trưởng thành. Người Ê đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú gồm: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan (trường ca, sử thi) nổi tiếng như: Khan Đam San, Khan Đam Kteh M'lan...Người Ê đê là dân tộc yêu ca hát, thích tấu nhạc và rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Nhạc cụ phổ biến của người Ê đê gồm có: cồng, chiêng, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn Đinh Năm…
Ngày nay, cuộc sống ở các buôn làng Êđê đang đổi thay nhanh chóng. Nhưng mọi sự đổi thay không làm mất đi những tập tục văn hoá truyền thống hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên. Nhưng phong tục văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Ê đê đang góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hoá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.
Tô Tuấn (sưu tầm)