Sơ lược một số nghi lễ - lễ hội truyền thống của dân tộc Êđê ở Đắk Lắk (Minh Ngọc) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Wednesday, August 24, 2016

Sơ lược một số nghi lễ - lễ hội truyền thống của dân tộc Êđê ở Đắk Lắk (Minh Ngọc)

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 47 dân tộc anh em cùng chung sống; gồm các dân tộc bản địa Tây Nguyên - Trường Sơn: Êđê, M’nông, Ja Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Mạ, Chăm, Bru - Vân Kiều, Lào, Khơ Me… bên cạnh đó còn có các dân tộc  thiểu số phía Bắc: Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Giáy, Sán Dìu, Sán Chay, Hà Nhì… và dân tộc Kinh (Việt) từ các địa phương trong toàn quốc về đây sinh cơ lập nghiệp.

Dân tộc Êđê thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo, hiện có trên 160.000 người, định cư chủ yếu ở các huyện M’Drăk, Ea Kar, Krông Păcê, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo, CÊư M’gar, Krông Ana, Krông Bông, thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ với các nhóm khác nhau: Êđê Kpă, Adham, M’Dthur, K’Tul, Blô, K’rung, Bih, Krông, Hmok, Hwing, Êning, Kdrao, Arul… với trên 30 dòng họ định cư rải rác trên địa bàn các buôn của tỉnh Đắk Lắk.
Người Êđê có tập tục sống theo từng buôn. Mỗi buôn có khoảng từ 140 - 150 ngôi nhà dài với khoảng trên 500 - 600 người, bao gồm các thành viên của một dòng họ hoặc vài dòng họ hợp thành, buôn thường mang tên người chủ bến nước (pô pin êa), chủ yếu là tên người phụ nữ (mẫu hệ). Buôn có bến nước, nhà ở của cộng đồng, rừng thiêng, đất định cư, đất canh tác, khu nhà mồ (nghĩa địa) … Buôn của người Êđê được quản lý theo luật tục của cộng đồng. Luật tục Êđê có trên 236 điều, bao gồm các nội dung về quan hệ cộng đồng, quan hệ của chủ buôn với dân buôn, giữa cha mẹ với con cái, về sở hữu tài sản, sở hữu đất đai, rẫy nương, nguồn nước, giữ gìn an ninh trật tự cộng đồng … Trong đó, những điều luật tục được cộng đồng quan tâm hơn cả là : Bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.

Với hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô vì thế đồng bào Êđê chỉ canh tác, cấy trồng một vụ trong năm, vào thời kỳ có mưa. Để có thể tiến hành gieo trỉa khi những cơn mưa đến, ngay cuối mùa khô, vào tháng hai, tháng ba đồng bào đã bắt đầu chọn rẫy, phát rẫy, dọn cỏ … sang tháng thứ tư, lượng mưa rất ít, thời tiết khô hạn, nắng nhiều, rất thích hợp cho việc đốt rẫy. Đến tháng năm, tháng sáu, khi công việc chuẩn bị đất đai trên rẫy xong xuôi, việc trỉa hạt đã hoàn tất, cũng là lúc những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, hạt mầm được gieo trỉa sẽ nhanh chóng mọc lên, xanh tốt.
Trong sản xuất, thì nền nông nghiệp vẫn là chủ yếu của người Êđê, rẫy chiếm vị trí quan trọng. Người Êđê cũng đã biết làm lúa nước, nhưng chỉ ở một số nhóm dân tộc cư trú ở những nơi đất đai bằng phẳng, nơi thung lũng ven sông, suối, tiện nguồn nước tưới tiêu (như nhóm Êđê Rlăm, nhóm Êđê Bih); còn đa số các nhóm tộc người Êđê khác canh tác lúa rẫy là chủ yếu. Những khoảnh rừng thưa, trảng cỏ tranh hay trên những sườn đồi là nơi thường được đồng bào chọn để phát cây làm rẫy. Để tìm được một khoảnh đất tốt làm rẫy, đồng bào đã mất khá nhiều công sức và phải tuân theo khá nhiều thủ tục như chọn người tìm đất, chọn ngày đi tìm đất, thực hiện những nghi thức trước khi khai khẩn đất hoang … trước đây khi đất rừng còn rộng rãi, mỗi khi cần tìm một rẫy mới đồng bào chỉ việc vào những khu rừng trong địa phận buôn làng mình, chọn một mảnh đất vừa ý đã được chủ bến nước cho phép rồi tiến hành khai phá. Mỗi gia đình có từ 5 - 7 khu rẫy nên việc du canh rất thuận lợi.
Về phương pháp canh tác thì ngày trước họ dùng phương pháp chọc lỗ, trỉa hạt, nhưng ngày nay đồng bào đã biết dùng cuốc, dùng trâu bò cày bừa đất rẫy, nên công việc lao động đã nhanh chóng và đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác còn thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên năng suất thường không cao. Bên cạnh các giống lúa truyền thống như gạo tẻ, nếp đỏ, nếp trắng, lúa thơm có chất lượng gạo ngon (người Êđê có đến hàng chục giống lúa khác nhau). Đồng bào Êđê cũng đã sử dụng nhiều giống lúa mới du nhập từ người Kinh hoặc từ các nguồn khác, góp phần đẩy nhanh việc tăng năng suất, cải thiện đáng kể tình trạng thiếu đói thường xuyên xảy ra trước kia. Ngoài lúa, ngô cũng là loại cây lương thực quan trọng hàng đầu đối với đồng bào, giúp đồng bào vượt qua những thời kỳ thiếu đói hàng năm và là thức ăn chủ yếu trong chăn nuôi. Nhiều giống bắp to, nhiều hạt thích nghi với khí hậu và đất đai nơi đây đã được bà con sử dụng rộng rãi.
Bên cạnh lúa, ngô là những cây lương thực chính, thường được trồng trên những vạt rẫy lớn ở trong rừng, trên sườn đồi, nơi gần nguồn nước … thì những cây như rau, đậu, bí, cà … lại thường được trồng ở những khu đất gần nhà để tiện cho việc cung cấp thực phẩm hàng ngày.
Ngày nay, đến Đắk Lắk bên cạnh những nương ngô, ruộng lúa, điều không ai nhận thấy là những rừng cà phê mênh mông rộng hàng chục, vài chục héc ta, những vùng trồng hồ tiêu bạt ngàn mà đồng bào Êđê là những người chủ mới. Việc trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su, đã là một thế mạnh, một nét mới trong kinh tế của đồng bào Êđê, đưa đến nguồn lợi hết sức lớn, góp phần quan trọng vào việc xoá đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.
Trước đây, đồng bào Êđê làm rẫy theo chế độ du canh. Mỗi khoảnh rẫy, sau vài ba vụ gieo trồng, khi đất đai đã không còn màu mỡ, đồng bào bỏ đó, đi tìm khoảnh đất mới. Cứ như vậy, sau một khoảng thời gian từ 5 - 7 năm, có khi đến 10, 12 năm, người ta mới quay lại khoảnh đất rẫy cũ, khi đất đai ở đó đã được phục hồi. Tuy vậy, trước đây do việc canh tác du canh, cùng với mật độ dân số còn thưa thớt nên việc làm rẫy hầu như không ảnh hưởng tới diện tích rừng trong vùng. Mỗi gia đình, theo tập quán truyền thống, thường có hai hoặc ba rẫy, trong đó một khu rẫy đang sử dụng còn hai, ba đám rẫy khác được bỏ hoá chờ đất phục hồi. Sau giải phóng do phong trào định canh, định cư ngày càng trở nên sâu rộng nên tình trạng luân canh không còn nữa.


Sau đây là sơ lược một số nghi lễ - lễ hội của người Êđê ở Đắk Lắk:
I. Các nghi lễ, lễ hội vòng đời người
Các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, có một nền văn hoá nghi lễ - lễ hội vô cùng độc đáo. Nó đi suốt vòng đời của mỗi con người, từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến khi sinh ra, trưởng thành rồi trở về với thế giới tổ tiên ông bà. Đối với dân tộc Êđê có các nghi lễ như sau: Lễ cúng khi người mẹ mang thai, lễ cúng trước khi sinh, lễ cúng đặt tên thổi tai, lễ cúng đầy tháng, lễ cúng đầy một mùa rẫy, lễ cúng đầy ba mùa rẫy, lễ cúng đầy bảy mùa rẫy, lễ cúng tròn 15 mùa rẫy, lễ cúng trưởng thành (tròn 17 mùa rẫy), lễ hỏi chồng, lễ cưới chồng, lễ cúng sức khoẻ cho đôi vợ chồng trẻ, lễ cúng sức khoẻ hàng năm của mỗi gia đình, lễ cúng sức khoẻ cho chủ nhà khi bước vào tuổi 50, 60, 70, 80… lễ cúng vào nhà mới, lễ rước kpan, lễ kết nghĩa anh em, lễ tiếp khách, lễ tang, lễ bỏ mả…

1. Lễ cầu sinh đẻ:
Lễ được tổ chức khi người phụ nữ có mang ba tháng. Với nghi lễ này người phụ nữ mang thai và gia đình tin tưởng rằng đứa trẻ sinh ra sẽ khoẻ mạnh thông minh hơn người.
2.  Lễ đặt tên:
Được thực hiện sau khi cháu bé ra đời một ngày. Lễ có hai bước. Bước thứ nhất là cúng Yàng Bah Huê, thần che chở trẻ sơ sinh và con người. Tiếp theo là lễ thổi tai (Băng Kiga) cho trẻ.
Lễ cúng đặt tên là một nghi lễ quan trọng trong hệ thống nghi lễ vòng đời người. Nó là niềm hy vọng của gia đình đứa bé về tương lại tốt đẹp của con mình.
3.  Lễ trưởng thành:
Là một trong những lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời người của dân tộc Êđê.
Khi cháu bé mới sinh, trong lễ đặt tên, dăm dei (người cậu) đeo vào tay cho cháu một cái vòng đồng và cúng cho cháu một bộ áo khố, một đôi dép da trâu, một vỏ quả bầu khô đựng nước, một chiếc khiên, một thanh đao. Tất cả được bỏ trong một chiếc gùi và người mẹ cất giữ cẩn thận.
Cháu bé phải trải qua bảy lần cúng sức khoẻ, mỗi lần cúng, người ta đánh dấu vào chiếc vòng một khấc. Khi vòng đủ bảy khấc thì đứa bé đến tuổi trưởng thành (khoảng 17 - 18 tuổi).
Sau lễ trưởng thành, chàng trai được tự do đi làm ăn xa, hoặc tìm bạn đời và kết nghĩa anh em với người khác buôn.
4. Lễ hỏi chồng:
Là lễ mở đầu trong bốn lễ cưới. Các cô gái Êđê được tự do lựa chọn người yêu. Nếu cô gái tìm được người vừa ý thì báo với cha mẹ để chuẩn bị làm lễ hỏi. Nhà gái chuẩn bị một lễ hỏi gồm một ché rượu, một vòng đồng để cúng thần. Sau đó gia đình cô gái cùng ông mối đến nhà trai. Nếu nhà trai ở buôn khác thì những người hỏi chồng mang thêm gói cơm nếp. Đến nhà trai ông cậu cầm chiếc vòng đồng hỏi ý kiến chàng trai lần cuối. Chàng trai trả lời ưng thuận. Họ làm lễ trao vòng. Cô gái và chàng trai cùng nắm tay vào chiếc vòng đồng. Đó là lời giao ước hôn thú. Từ đây chàng trai, cô gái trở thành bạn đời, hai gia đình thành thông gia. Mỗi bên gia đình cử ra người đỡ đầu (miết ava). Miết ava là người thay mặt hai gia đình khuyên răn, bảo ban cô gái, chàng trai, thu xếp mọi sự bất hoà giữa hai người này hoặc giữa hai gia đình; đồng thời định ngày làm các lễ tiếp theo và lễ cưới chính thức cho đôi bạn trẻ.     


5. Lễ uống rượu cần mừng năm mới:  
Được tổ chức hàng năm, vào cuối mùa rẫy, khoảng từ tháng 12 đến tháng 1 dương lịch. Lễ được tổ chức tại nhà chủ buôn (khoa buôn) có sự tham gia của cả buôn.
Đến ngày lễ, người ta buộc vào gốc blang kbao một con trâu đực. Già trẻ, trai, gái mặc quần áo đẹp tụ tập quanh cây nêu và con trâu. Chiêng trống nổi lên. Ba chàng trai to khoẻ, được già làng chọn trước, mặc khố, ở trần, một người cầm dao, hai người cầm cây lao dài múa trước mặt con trâu và đi vòng quanh con trâu (ngược kim đồng hồ) bảy vòng. Bất thần chàng trai cầm dao chém vào khuỷu chân trái sau của trâu. Chàng lại lựa thời cơ chém vào khuỷu chân phải sau của trâu. Con vật bị thương nặng lồng lộn. Một trong hai chàng trai cầm cây lao, nhanh như ngọn gió nhằm đúng vị trí, đâm vào tim con trâu. Chàng trai thứ hai cầm lao đâm tiếp. Con trâu  quỵ xuống, mọi người hò reo, mừng vui.
Sau đó già làng cầm cần rượu hít một hơi dài rồi trao cần cho mọi người (theo thứ tự nữ trước, nam sau). Chiêng trống rộn ràng. Mọi người vừa uống rượu vừa ăn thịt trâu nướng. Cứ thế suốt đêm, già trẻ, trai gái ăn uống, nhảy múa, ca hát theo nhịp chiêng trống xung quanh bếp lửa, mừng năm mới.         
6. Lễ lên nhà mới:
Gồm nhiều nghi lễ: Trước hết là nghi lễ nổi lửa. Tất cả các bếp trong nhà đều đốt lửa. Trong một nhà sàn Êđê thường có nhiều bếp: bếp chủ, bếp khách, bếp các con.
Sau đó là lễ cúng tổ tiên ông bà, mời các vị về dự lễ cúng nhà mới, cầu mong những người đã khuất chứng giám và phù hộ cho con cháu.
Sau lễ cúng yàng nhà là lễ cúng sức khoẻ cho chủ nhà và các con cháu trong gia đình của chủ nhà mới với ý nghĩa cầu cho chủ nhà có nhà mới sống ấm êm, hạnh phúc và gắn bó với cộng đồng.
7.  Lễ bỏ mả:
Lễ bỏ mả là một lễ lớn trong hệ thống nghi lễ vòng đời của dân tộc Êđê nói chung và nhóm dân tộc Êđê Mdhur nói riêng. Theo quan niệm của người Êđê: Sau ba năm chôn cất người quá cố thì gia đình, dòng họ lại tổ chức lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên ông bà. Lễ này được tổ chức sau mùa rẫy, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch. Lễ bỏ mả được tổ chức trong từng gia đình riêng lẻ và có sự tham gia của cả dòng họ và cả cộng đồng buôn làng.
II. Các Lễ hội nông nghiệp.
Hệ thống lễ hội nông nghiệp của đồng bào Êđê, cũng như các dân tộc bản địa Tây nguyên được tiến hành suốt cả một mùa rẫy (từ tháng 3 cho đến hết tháng 12 hàng năm), nhằm thể hiện phong tục, tập quán trong canh tác nương rẫy, tạ ơn các vị thần linh của núi rừng và cầu mong một vụ mùa bội thu, nhà nhà no đủ, buôn làng bình yên, giàu đẹp.
Người Êđê có các nghi lễ nông nghiệp như: Lễ tìm đất, lễ phát rẫy, lễ đốt rẫy, lễ gieo hạt, lễ vun gốc, lễ cầu no đủ, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng thần gió, lễ cúng cầu lúa trổ bông nhiều hạt, lễ cúng trước khi thu hoạch, lễ ăn cơm mới, lễ mừng được mùa, lễ cúng bến nước, lễ cúng hồn lúa, lễ cúng kho lúa, lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo…


1.      Lễ cầu mưa:  
Lễ cầu mưa (kăm mah) và lễ cầu mùa (kăm buh) là một nghi lễ rất quan trọng của người Êđê: Đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới đã bắt đầu, với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt; thóc lúa đầy kho. Chính vì những lẽ đó mà mọi gia đình trong buôn chuẩn bị rất kỹ trước khi tiến hành lễ cúng.
Khi lễ cúng đã khép lại, chủ buôn mời tất cả mọi người về nhà mình ăn thịt heo, uống rượu mừng một mùa rẫy mới.
2.  Lễ mừng trận mưa đầu mùa:
Gồm lễ toàn buôn và lễ riêng từng gia đình. Trong gia đình, lễ vật bày trên một cái nia đặt ở giữa nhà, cạnh bếp khách. Trong nia còn có ống đựng lúa, gậy chọc lỗ, các gói nhỏ hạt giống. Lễ này, chủ yếu tạ ơn thần trời đã cho mưa để lúa bắp tươi tốt, nhà nha no ấm.
3.  Lễ cúng bến nước:    
Được tiến hành hàng năm, nhằm cầu thần nước, tạ ơn thần nước và kết hợp sửa sang bến nước. Lễ được làm trong hai ngày.
Ngày thứ nhất: Một nhóm sửa lại đường lên xuống bến nước, sửa lại cầu tắm giặt, thay ống dẫn nước và máy nước.
Ngày thứ hai: Sáng sớm chủ bến nước sai con cháu làm ba con heo (một con cúng tổ tiên ông bà, một con cúng thần bến nước, một con cúng sức khỏe cho chủ bến nước); đồng thời buộc 7 ché rượu tại gian Gar (gian khách của nhà dài) để làm lễ cúng các vị thần linh. Sau đó, mọi người mang lễ mời thần linh, ông bà về dự lễ cúng bến nước.
Đoàn người đi ra bến nước để làm lễ cúng, gồm: Thầy cúng, chủ bến nước, hai người cầm khiên đao, ba người mang lễ vật. Đến bến nước thầy cúng đặt lễ cúng ở nơi bằng phẳng gần bến nước. Sau đó, thầy cúng đọc lời khấn thần linh. Khấn xong, thầy cúng cầm bình rượu có pha tiết heo đi từng máy nước đổ lên ống máy nước. Sau đó thầy cúng cùng đoàn tuỳ tùng đi lên cổng bến nước làm lễ cúng thần giữ bến nước rồi trở về nhà chủ bến nước làm lễ cúng thần đất. Cúng xong mọi người lên nhà dài làm lễ cúng sức khoẻ cho chủ bến nước và cúng sức khoẻ cho thầy cúng, đội chiêng và mọi người trong buôn. Sau đó, mọi người cùng ăn uống, hát dân ca, thổi đinh năm, đing tuh… cho đến khuya mới chịu ra về.
4.  Lễ tuốt lúa:
Được tiến hành vào cuối tháng 10, khi lúa chín rộ. Khi tuốt lúa phải tuốt lúa theo hướng Đông, kiêng tuốt lúa theo hướng Tây, sợ lúa theo mặt trời đi mất.
5.  Lễ ăn cơm mới:
Được tiến hành vào cuối mùa rẫy vào khoảng tháng 11 dương lịch. Lễ cúng được tổ chức theo gia đình, tại rẫy và tại nhà, kéo dài ba ngày.
Gạo cúng cơm mới phải là gạo thu hoạch từ khoảnh rẫy thiêng của rẫy lúa, được chăm sóc đặc biệt. Giống chọn cẩn thận, chỉ có chủ nhà (người phụ nữ) được chăm sóc cẩn thận, khi tuốt phải dùng tay để làm cho cây lúa khỏi bị đau, thần lúa sẽ ở lại với chủ rẫy
Tại khoảnh rẫy thiêng, chủ rẫy cắm một cây nêu treo hình nộm tượng trưng thần giữ rẫy.
Tiếp theo là diễn tấu nhạc cụ tre nứa, hát ay ray, hát kưưt (dân ca), nhảy múa, ăn uống cộng cảm. Chiêng trống diễn tấu điệu vui.

 Minh Ngọc (sưu tầm)

Share with your friends