Tên tự gọi: Phù Lá.
Tên gọi khác: Lao Va Xơ, Bồ Khô Pạ, Xá Phó, Cần Thin.
Nhóm địa phương: Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ, Phù Lá Ðen, Phù Lá Hán.
Dân số: 10.944 người (Tổng cục Thống kê năm 2009).
Ngôn ngữ và chữ viết: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, sử dụng chữ Hán và xem tiếng Hán phương Nam như công cụ giao tiếp hàng ngày.
Nguồn gốc lịch sử: Nhóm Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ là cư dân có mặt tương đối sớm ở Tây Bắc nước ta. Các nhóm khác đến muộn hơn, khoảng 200-300 năm trở lại, quá trình hội nhập của nhóm Phù Lá Hán còn tiếp diễn cho tới những năm 40 của thế kỷ XX.
Địa bàn cư trú: Phần lớn người Phù Lá sống tại tỉnh Lào Cai và các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang.
Đặc điểm kinh tế: Người Phù Lá làm nương và ruộng bậc thang, các sản phẩm đan bằng mây, trúc với nhiều hoa văn, màu sắc như các đồ đựng quần áo. Họ quen sử dụng nỏ, tên tẩm thuốc độc, trồng bông, dệt vải, xe sợi bằng con trượt.
Phong tục tập quán:
Ăn: Người Phù Lá ăn cơm tẻ ngày hai bữa, sáng sớm và tối thích hợp với điều kiện canh tác trên nương. Ðồ nếp dùng trong lễ cúng, làm bánh. Cơm nếp, các món ăn cá, thịt ướp với gạo rang giã nhỏ cùng gia vị ớt, rau thơm, thịt nướng rất được họ ưa thích.
Ở: Cư dân nhóm Phù Lá Lão thường ở phân tán thành những chòm xóm với quy mô nhỏ. Các nhóm khác cư trú tập trung hơn. Tuỳ từng nơi ở nhà sàn hay nhà trệt. Kho thóc quây quần thành một khu thường làm cách xa nhà để phòng hoả hoạn.
Phương tiện vận chuyển: Nhóm Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ đeo gùi đỡ bằng trán. Nhóm Phù Lá Hán và Phù Lá Ðen cõng gùi trên lưng hoặc sử dụng ngựa thồ để chuyên chở.
Hôn nhân: Trai gái tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Trong đám cưới có tục uống rượu, hát đối để được vào nhà đón và đưa cô dâu về nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước bẩn và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới.
Tang ma: Thi hài người chết để ở giữa nhà, đầu quay về phía bàn thờ, phía trên căng một chiếc chài rộng, đỉnh chài móc dưới mái nhà. Nước rửa mặt cho người chết không được đổ đi mà để tự bốc hơi hết. Trong đám tang người Phù Lá rất quan tâm đến việc giữ gìn hồn vía của những người đi đưa tang để không bị ở lại dưới mộ hay nghĩa địa.
Tín ngưỡng: Người Phù Lá thờ cúng tổ tiên.
Trang phục: Nam giới mặc áo loại xẻ ngực. Áo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, không cài cúc nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ.
Phụ nữ Phù Lá ăn mặc khác nhau giữa các nhóm. Nữ giới nhóm Phù Lá Lão - Bố Khô Pạ mặc váy, áo ngắn, cổ vuông chui đầu, vừa thêu vừa trang trí bằng hạt cườm, thắt lưng đính vỏ ốc núi.
Đời sống văn hóa: Kho tàng văn học dân gian phong phú, nhiều truyện cổ tích rất gần với môtip của người Việt. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Trai gái thích hát giao duyên. Nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xòe trong âm hưởng của các làn điệu dân tộc Phù Lá.
Hương Giang(sưu tầm)