Dân tộc Phù Lá (Sầm Thị Phong) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Sunday, August 7, 2016

Dân tộc Phù Lá (Sầm Thị Phong)

Người dân tộc Phù Lácó tên tự gọi là Lao Va Xơ, Bồ Khô Pạ, Phù Lá. Họ còn có các tên gọi khác là Xá Phó, Mú Dí Pạ, Phổ, Pu Dang, Cần Thin. Đây là một dân tộc thiểu số cư trú tại Việt Nam và Trung Quốc. Dân tộc Phù Lá sử dụng nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến thuộc ngữ hệ Hán-Tạng nhưng gần với tiếng Miến hơn. Dân tộc này có nhiều nhóm địa phương như Phù Lá Lão, Bồ Khô Pạ, Phù Lá Ðen, Phù Lá Hán.

Địa bàn cư trú
Phần lớn người dân tộc Phù Lá sinh sống tại tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Năm 1999, dân tộc này có dân số 9.046 người, chủ yếu sống ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, nhưng nhiều nhất là ở tỉnh Lào Cai. Năm 2003 dân tộc Phù Lá ước tính có khoảng 6.500 người. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Phù Lá ở Việt Nam có dân số 10.944 người, có mặt tại 23 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người dân tộc Phù Lá cư trú tập trung tại các tỉnh Lào Cai 8.926 người, chiếm tỷ lệ 81,6% tổng số người Phù Lá tại Việt Nam, tỉnh Yên Bái 942 người, tỉnh Hà Giang 785 người, tỉnh Điện Biên 206 người, thành phố Hà Nội 28 người... Ngoài ra còn có khoảng 4.200 người dân tộc Phù Lá sinh sống tại Trung Quốc nhưng tại đây họ được phân loại như là thành viên của nhóm sắc tộc Di.

Về đặc điểm kinh tế, tổ chức cộng đồng
Đời sống kinh tế của người dân tộc Phù Lá dựa vào việc làm nương rẫy và ruộng bậc thang. Họ chăn nuôi trâu để kéo cày, ngựa để thồ, gà, lợn để lấy thịt. Nghề thủ công nổi tiếng của người Phù Lá là đan mây, tre làm gùi và các dụng cụ để chứa đựng... với nhiều hoa văn đẹp. Những sản phẩm này còn được mang bán hoặc đổi lấy hàng hóa và được nhiều dân tộc khác ưa thích dùng.

Trong tổ chức cộng đồng, người dân tộc Phù Lá sống thành từng thôn bản riêng, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc khác như Mông, Dao, Tày. Mỗi thôn bản thường có từ 5 đến 10 nóc nhà. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong việc điều hành những công việc ở làng bản. Quan hệ láng giềng là mối quan hệ chủ đạo trong các thôn bản của người dân tộc Phù Lá. Vào những ngày mùa, các gia đình trong thôn bản thường giúp đổi công cho nhau, ăn chung với gia chủ bữa tối. Khi gia đình nào đó có công to, việc lớnnhư cưới xin, làm nhà, ma chay... đều nhận được sự giúp đỡ của các thành viên khác nhau trong thôn bản.

Về hôn nhân gia đình, nhà cửa
Trai gái người dân tộc Phù Lá tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Tối tối, gái  trai chưa vợ, chưa chồng thường đến tụ tập vui chơi ở nhà bạn gái hay trai và ngủ luôn ở gian nhà khách, nơi dành cho những người chưa vợ, chưa chồng. Nếu yêu nhau người con trai được vào ngủ chung với người yêu của mình. Sau vài đêm đi lại với nhau, hai bên thật ưng ý, người con gái trở về ngủ ở nhà mình. Ðến đêm người yêu lại tới ngủ cùng. Tiếp đó là các lễ dạm, hỏi, cưới như bình thường. Trong đám cưới có tục uống rượu, hát đối để được vào nhà đón và đưa cô dâu về nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước bẩn và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới.

Thanh niên nam nữ người dân tộc Phù Lá không bị ép buộc trong hôn nhân. Khi yêu nhau, trai gái nói cho bố mẹ biết, hai gia đình sẽ tổ chức bữa cơm thân mật. Từ đó đôi trai gái coi như đã đính hôn. Đám cưới có thể tổ chức sau một hoặc hai năm. Theo tập quán của người dân tộc Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng. Trong thôn bản có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia thành nhiều chi. Phủ bên ngoài các tên họ bằng âm Hán, Hán-Việt, Việt, Thái còn có những tên họ riêng bằng tiếng dân tộc. Dấu vết thờ vật tổ trong các dòng họ còn đặc biệt rõ nét ở nhóm dân tộc Phù Lá Lão. Quan hệ dòng họ không thật chặt chẽ.

Sản phụ người dân tộc Phù Lá thường đẻ ngồi. Họ không được ngủ trên giường mà phải ngủ trên đệm rơm. Nhau đẻ được chôn dưới gầm giường hoặc chân cột dưới gầm sàn, phía buồng ngủ. Sau khi đẻ, kiêng người lạ vào nhà 3 ngày với dấu hiệu úp nón trên cọc ở trước cửa hay cọc bôi than đen có cắm lá đùm đúm ở ngoài cửa. Lễ đặt tên cho con khoảng 12 ngày sau khi đẻ do thày mo thực hiện. Mỗi người được đặt hai tên, một tên khác chỉ dùng để cúng báo tổ tiên hay cúng lúc chết

Đối với nhà cửa, người dân tộc Phù Lá ở cả nhà sàn và nhà đất. Người Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, Sin Ma Cai ở nhà đất. Người Phù Lá Hoa, Phù Lá Bồ Khô Pạ ở nhà sàn.
Nhà đất có vì kèo đơn giản, chỉ có một bộ kèo tam giác gồm hai kèo và một quá giang gác lên đầu tường hoặc có thêm một cột hiên.
Nhà sàn với loại nhà thường có ba gian hai chái, vì kèo có ba cột giống với nhà của người dân tộc Hà Nhì. Gian chính giữa, giáp vách tiền là chạn bát, ở giữa nhà là bếp, giáp vách hậu là bàn thờ.

Về đặc điểm trang phục
Trang phục người dân tộc Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó lẫn lộn với bất cứ tộc người nào trong hệ ngôn ngữ và khu vực vì nó vừa mang nét đẹp cổ truyền nhưng cũng khá hiện đại. Nhóm người dân tộc Phù Lá Lão cho đến nay vẫn duy trì nghề trồng bông dệt vải nhằm thoả mãn nhu cầu về việc mặc của gia đình. Tranh thủ lúc ở nhà, người phụ nữ bật bông và họ xe sợi lúc trên đường đi lên nương.

Trang phục nam của nhóm dân tộc Phù Lá Lão với chiếc áo rất độc đáo, sau lưng đính nhiều hạt cườm. Thường nhật, nam giới mặc loại áo loại xẻ ngực như ở Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Áo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, không cài cúc nẹp ngực, viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ.

Phụ nữ người dân tộc Phù Lá có cách mặc khác nhau giữa các nhóm dân. Nữ giới nhóm Phù Lá Lão-Bồ Khô Pạ mặc váy, áo ngắn, cổ vuông chui đầu, vừa thêu vừa trang trí bằng hạt cườm, thắt lưng đính vỏ ốc núi. Các nhóm dân tộc khác mặc quần, áo dài xẻ ngực hay áo ngắn xẻ nách. Trang phục nữ của người phụ nữ dân tộc Phù Lá chưa có chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu thường đội khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người dân tộc Phù Lá không có tục mặc hai áo như một số dân tộc khác như Tày, Dao Đỏ... Họ thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí, hai phần gần như chia đôi giữa thân, vai và ống tay cũng như gấu áo. Cổ áo vuông và có hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu khó làm cho áo người phụ nữ dân tộc Phù Lá lẫn lộn với các tộc người khác. Váy mặc màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng, vàng giống áo với diện tích 2/3 trên nền chàm. Đầu vấn khăn hoặc đội mũ thêu ghép hoa văn theo lối chữ nhất. Người phụ nữ dân tộc Phù Lá còn có loại áo dài 5 thân cài nách phải, hoặc loại áo tứ thân cổ cao, tròn cài cúc vải.

Cả người nam và nữ của dân tộc Phù Lá thường đeo túi vải bên mình.
Các nét văn hóa khác
Người dân tộc Phù Lá giã gạo hàng ngày bằng chày tay, ăn cơm tẻ ngày hai bữa, sáng sớm và buổi tối thích hợp với điều kiện canh tác trên nương rẫy. Họ đồ nếp dùng trong lễ cúng, làm bánh. Cơm nếp, các món ăn cá, thịt ướp với gạo rang giã nhỏ cùng gia vị ớt, rau thơm, thịt nướng rất được họ ưa thích.

Trong phương tiện vận chuyển, nhóm người dân tộc Phù Lá Lão-Bồ Khô Pạ đeo gùi đỡ bằng trán. Trái lại, nhóm người dân tộc Phù Lá Hán và Phù Lá Ðen cõng gùi trên lưng hoặc sử dụng ngựa thồ để chuyên chở.

Trong tục lệ ma chay, thi hài người chết để ở giữa nhà, đầu quay về phía bàn thờ, phía trên căng một chiếc chài rộng, đỉnh chài móc dưới mái nhà. Nước rửa mặt cho người chết không được đổ đi mà để tự bốc hơi hết. Cúng cơm có bát cơm cắm đôi đũa, con gà thui hay nướng, không cắt tiết, không rửa. Trong những ngày tang gia, con cái trải đệm rơm ngủ hai bên quan tài. Áo quan bằng thân gỗ, không nắp, đắp bằng dát vầu hoặc đóng bằng ván. Lễ viếng có kèn, trống. Khi khiêng quan tài ra đến nghĩa địa mới đào huyệt. Có nơi còn làm nhà mồ cho người chết. Trong đám tang, người dân tộc Phù Lá rất quan tâm đến việc giữ gìn hồn vía của những người đi đưa tang để không bị ở lại dưới mộ hay nghĩa địa.

Trong thờ cúng, người dân tộc Phù Lá thờ riêng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Lễ cơm mới chủ yếu cúng ở nơi thờ tổ tiên nữ do phụ nữ đại diện và nữ giới trong nhà được ăn cơm trước. Lễ cúng thôn bản thường vào tháng hai hàng năm. Họ thực hiện nhiều nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp trên nương, ruộng. Chiếc chài mới cũng phải qua lễ cúng mới được dùng. Thầy cúng giữ vị trí quan trọng trong xã hội và thường được dạy theo cách truyền khẩu vào các dịp tết tháng giêng, tháng bảy.

Đối với lễ tết, người dân tộc Phù Lá ăn tết Nguyên đán, các tết tháng năm, tháng bảy, cơm mới.
Trong học tập, một bộ phận người dân tộc Phù Lá ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Xín Mần có truyền thống sử dụng chữ Hán và xem tiếng Hán phương Nam như công cụ giao tiếp hàng ngày.

Trong văn nghệ, người dân tộc Phù Lá có một kho tàng văn học dân gian khá phong phú. Nhiều truyện cổ tích rất gần với văn hóa của người Việt. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Trai gái thích hát giao duyên. Nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xoè trong âm hưởng của các làn điệu dân ca Thái. Sau đây là một bài hát của người dân tộc Phù Lá:

Giã là giã bánh dầy
Giã cho thật đều tay
Hãy nhanh tay lên nào
Anh chị em ta ơi
Đừng có một ai mệt
Mà ta nghỉ trước nhé
Sẽ bị té nước ướt
Không một ai được kêu
Hãy nhanh tay lên nào
Anh chị em ta ơi
Để bánh ta chóng nhuyễn
Đừng để bánh ta sống
Khi bánh ta được rồi
Ta làm cái bánh to
Bằng mặt của ông trời
Để cúng tổ, cúng tiên
Ta làm cái bánh to
Bằng mặt của ông trăng
Để phần cha, phần mẹ
Ta làm các bánh nhỏ
Để chia cho mọi người
Hãy nhanh tay lên nào
Cho bánh ta chóng mềm
Anh chị em ta ơi!

Trong trò chơi, trẻ em thích chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù... Trong các dịp hội hè, lễ tết... ngay cả người lớn cũng tham gia vào các trò chơi vui nhộn với phong thái rất hồn nhiên.
 Sầm Thị Phog (sưu tầm)

Share with your friends