Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Ra-glai
Tên tự gọi: Raglai
Tên gọi khác: Radlai, Ranglai, Roglai.
Dân số: 122.245 người (Tổng cục Thống kê năm 2009)
Nhóm địa phương: Rai, Hoang, La Oang.
Ngôn ngữ và chữ viết: Tiếng nói của người Ra-glai thuộc ngữ hệ Nam Đảo.
Địa bàn cư trú: Đồng bào sinh sống tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và một số nơi khác thuộc tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Nguồn gốc lịch sử: Người Ra-glai cư trú lâu đời ở vùng Nam Trung Bộ.
Đặc điểm kinh tế: Đồng bào sống dựa vào rẫy, trỉa lúa, bắp, đậu. Hiện nay, ở một số nơi, đã có ruộng nước. Săn bắt và hái lượm vẫn giữ một vai trò quan trọng. Đồng bào chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt, làm nghề rèn và đan lát.
Phong tục tập quán:
Ăn: Bữa cơm sáng và chiều là hai bữa ăn chính, cơm trưa ăn trên rẫy. Người Ra-glai thường uống nước lã và uống rượu cần.
Ở: Người Ra-glai ở nhà sàn nhỏ. Từ nền đất đến nhà sàn không cao quá một mét. Làng thường ở trên đồi hay dọc theo suối
Phương tiện vận chuyển: Gùi thường có hoa văn là phương tiện vận chuyển của người Ra-glai.
Hôn nhân: Việc cưới xin phải trải qua nhiều thủ tục. Lễ cưới được tiến hành ở cả hai gia đình, có nghi thức trải chiếu cưới cho cô dâu, chú rể. Luật tục Ra-glai quy định đã thành vợ, thành chồng thì không được bỏ nhau.
Tang ma: Người chết được quấn trong vải, đặt trong quan tài hoặc quấn bằng vỏ cây rồi đem chôn.Có làm lễ bỏ mả, dựng nhà mồ cho người chết.
Tín ngưỡng: Người Ra-glai vẫn suy tôn nhiều vị thần. Do đó, gia đình thường có nhiều nghi lễ.
Trang phục: Xưa, đàn ông ở trần, đóng khố không có hoa văn. Ngày lễ, phụ nữ mặc áo dài, phía trên áo được ghép bởi các miếng vải ô vuông màu đỏ, trắng.
Đời sống văn hóa: Văn học dân gian gồm có truyện kể, hát đối đáp nam nữ, tục ngữ, ca dao... thể hiện tâm tư, tình cảm của cả cộng đồng. Nhạc cụ tiêu biểu nhất là bộ chiêng gồm 12 chiếc. Trong đám tang có điệu múa tiễn đưa người chết, theo nhịp của bộ chiêng 7 chiếc. Ngoài ra còn có các nhạc cụ khác như: kèn bầu, kèn môi, đàn ống tre, đàn đá...
Linh Thanh Hiển (sưu tầm)