Gia đình và hôn nhân của người Raglai – Nhìn từ góc độ luật tục (Nông Thị Thanh Vân) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, August 18, 2016

Gia đình và hôn nhân của người Raglai – Nhìn từ góc độ luật tục (Nông Thị Thanh Vân)

Tóm tắt: Raglai là một tộc người thiểu số phân bố ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ và là một trong năm tộc người ở Việt Nam theo thiết chế mẫu hệ. Xã hội Raglai truyền thống rất coi trọng gia đình và hôn nhân, được thể hiện rất rõ qua luật tục còn được duy trì đến ngày nay. Luật tục được cho là chuẩn mực đạo đức xã hội, nó quy định mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và trong đời sống vợ chồng cũng như các mối quan hệ thường nhật khác.
Những giá trị đạo đức trong luật tục vẫn được coi là chuẩn mực xã hội, là một phương thức hữu hiệu bảo vệ gia đình và hôn nhân của người Raglai trong giai đoạn hiện nay.

Dân tộc Raglai sinh sống lâu đời tại vùng ven biển cực Nam Trung Bộ, nơi triền đông, từ phía bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận, tập trung đông nhất ở vùng núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Dân tộc Raglai thuộc nhóm ngữ hệ Malayo-Polynedi, có quan hệ nguồn gốc với người Chăm và cùng ngôn ngữ với một số tộc người(1) hiện đang sinh sống trên một vài hòn đảo và ven biển cực Nam Trung Bộ với tên gọi là “người Đàng Hạ”(2). Người Raglai và người Chăm thường có câu: Chăm sa-ai Raglai adơi (Chăm là chị Raglai là em) hay Chap ai Baglai adơi (Chăm là anh Raglai là em).
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, cho đến nay họ vẫn duy trì tuy đã có sự thay đổi theo môi trường xã hội mới. Con gái cưới chồng về nhà mình với quan niệm “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ nhưng quyền quyết định những công việc lớn lao vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út.
Xã hội Raglai truyền thống được điều hành bằng luật tục. Đó là những sản phẩm văn hóa dân gian được gìn giữ qua truyền miệng, phần lớn được thể hiện dưới dạng lời nói vần, dễ đọc dễ nhớ. Đây là hình thức giáo dục dân gian nhằm điều chỉnh hành vi và ngôn ngữ của con người cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức cộng đồng. Đó còn là những công cụ bảo vệ những giá trị văn hóa tộc người và mối quan hệ giữa con người-tự nhiên trong quá trình phát triển. Cho đến nay, luật tục đó vẫn còn những kiêng to cữ lớn, những Cấm kỵ cho xứ sở, kiêng cữ cho đất trời.
Như nhiều dân tộc khác, người Raglai coi hôn nhân là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người. Hôn nhân không chỉ là hạnh phúc lứa đôi mà còn là “có vợ có chồng là có sự sống của giống nòi”. Xã hội luôn lên án nghiêm khắc những hành vi trái với phong tục tập quán mà luật tục đã quy định liên quan đến hôn nhân, gia đình và quan hệ nam nữ nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình và giá trị đạo đức của cộng đồng.


1. Luật tục Raglai về quan hệ gia đình
1.1. Luật tục Raglai quy định ngôn ngữ và hành vi ứng xử trong gia đình
            Người Raglai rất chú trọng tới các mối quan hệ trong gia đình. Gia đình là hạt nhân của xã hội, quan hệ giữa cha mẹ - con cái, ông bà – cháu chắt luôn luôn phải hòa thuận là chuẩn mực đạo đức hàng đầu. Ông bà, bố mẹ phải nói điều lành, dạy điều tốt cho con cái. Luật tục quy định:
Hãy nói điều lành, dạy chuyện tốt cho nhau
Thì mới cùng nhau thấu hiểu mọi điều
Gia đình chính là cái nôi hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ. Các cách giao tiếp trong gia đình rất được người Raglai coi trọng. Họ giáo dục con người cách giao tiếp nhẹ nhàng vì họ quan niệm nói nặng lời sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp:
Nói mà như quát thét ra lửa
Nói như người ta bằm xương róc tủy ra phơi nắng
Làm cho gan thâm, ngực trắng mà chẳng biết được gì
Người Raglai coi trọng người già trong xã hội. Đối với những dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên nước ta hay những dân tộc mà kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên thì người già là cả một kho tri thức dân gian với những kinh nghiệm về cuộc sống, về sản xuất … vô cùng quý báu truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau. Luật tục cũng ghi rõ cách ứng xử với người già trong gia đình và trong cộng đồng. Do vậy mọi người phải:
Người lớn gặp phải nể trọng
Người già nói phải nể
Nếu người trẻ tuổi cãi lại hay xúc phạm đến người già thì luật tục đã quy định rõ:
Cái lẽ có từ cổ, cái lý có từ xưa
Hơn thua với người già sẽ bị trụi lông
Gia đình người Raglai rất bình đẳng trong quan hệ gữa cha mẹ - con cái, vợ - chồng. Điều này được thể hiện trong bữa ăn của họ. Bữa ăn truyền thống của người Việt chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Bữa ăn của người Hmông, người chồng, người con trai được ăn trước hoặc ăn mâm trên (đặc biệt khi gia đình có khách), còn người vợ, người con gái, con dâu ăn sau hay phải ăn cơm dưới nhà bếp. Điều đó thể hiện quyền lực của người đàn ông trong gia đình dưới chế độ phụ quyền. Tuy nhiên, với người Raglai lại khác. Luật tục quy định rõ đến bữa ăn các thành viên trong gia đình phải ngồi ăn cùng nhau:
Đến bữa cơm phải cùng ngồi ăn
Đang ăn cơm trên một mâm
Không được kẻ ăn trước, người ăn sau
Người Raglai quan niệm người ăn sau là bơc tamã canrap – ăn của thừa, ăn xái (thường chỉ đầy tớ). Do vậy, ai ăn sau, ăn thừa, ăn xái thì sẽ phải nãu dòq hulút uràc – phải đi ở đợ cho người ta. Mà một khi đã nãu dòq hulút uràc – đi ở đợ, làm tớ cho nhà người thì nhà mình rách nát nên họ có tục kiêng cữ: Khi đến bữa cơm nếu có mặt ở nhà thì không ai được ăn sau.
Quan niệm ăn cùng mâm không chỉ tồn tại trong gia đình mà còn tồn tại trong cộng đồng người Raglai, đặc biệt là trong những bữa ăn chung – thể hiện tính nhân văn, sự tôn trọng con người. Trong luật tục cũng như trong các trường ca, sử thi khi đãi đằng trong ngày vui mọi người thường được mời ăn cùng với câu:
Hết người khắp tên
Hết từ nhau, khắp từ người
Hết người đủ mặt
Kể cả những người giúp việc “củi đội nước múc, bát rửa mâm vò”, cả những cô gái xấu sứt tai, cô gái góa ba lòng … đều bình đẳng và được ngồi ăn cùng nhau. Ngày thường cũng như ngày hội, ngày lễ, việc ăn uống thường phải “đủ mặt, khắp tên”, không phân biệt hạng người nào. Khi ăn, mọi người đều được quan tâm. Do vậy, ai có ngôn ngữ, hành vi sai lệch hoặc đối xử tàn tệ khi ăn đều bị lên án, nếu khuyên ngăn không được thì đưa ra làng xử việc, nhẹ nhất là phải làm lễ cúng tẩy rửa. Điều đó đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người trong gia đình cũng như trong cộng đồng người Raglai. Điều này rất đáng được các thế hệ người Raglai hôm nay coi trọng và làm theo.
1.2. Luật tục Raglai quy định trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái
Cha mẹ, con cái là những thành viên của một gia đình nên phải có trách nhiệm với nhau. Luật tục Raglai quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Họ là những người dạy dỗ con cái nên người trong khuôn khổ đạo đức của cộng đồng.
Cha mẹ bổ đầu sinh đẻ con ra, có mắt mặt có con nối dõi
Phải biết dưỡng nuôi, dạy dỗ theo khuôn phép
Phải dạy cho con biết tổ, biết tông
Phải dạy cho con biết bà, biết ông
Phải dạy cho con biết cái luật, cái lý khuôn phép, biết phong tục xưa của ông bà
Phải dạy cho con biết điều kiêng cữ, liên quan đến điều cấm luật Giàng, biết điều cấm kị của xóm làng
Phải dạy cho chúng nó thấy người lớn biết người già, biết kính trọng, biết nể nang
Biết quấn quýt yêu thương trẻ em, người cùng trang lứa
Phải dạy cho chúng biết trọng, biết nể xóm làng
Biết quý trọng nâng niu tình làng, nghĩa xóm
Luật tục cũng quy định những hình phạt cụ thể đối với những bậc cha mẹ không dạy được con cái để cho nó làm những việc xấu, hại đến xóm làng và người khác:
Nếu cha mẹ không biết dạy dỗ con cái
Để nó đi làm những việc xấu xóm, xấu làng
Để nó đi làm những việc bôi xấu anh, bôi xấu em
Thì cha mẹ phải chịu lỗi thay cho nó
Nếu con cái ăn cắp hay làm hư hại tài sản của người khác thì cha mẹ phải bồi thường gấp rưỡi hay gấp đôi; nếu con cái xúc phạm đến cha mẹ của người khác thì phải chịu phạt hai con gà, một ché rượu; nếu con đánh nhau mà người khác bị thương thì cha mẹ phải có trách nhiệm chữa cho người đó cho đến khi lành hẳn và chịu tạ lỗi từ ba đến năm gang tay heo, hai con gà, một ché rượu, một xấp vải trắng để cúng hồn người bị hại trở về thân thể họ. Đây cũng chính là những quy định của buôn làng nhằm nâng cao trách nhiệm của cha mẹ trong vấn đề giáo dục con cái để trở thành những người có ích cho cộng đồng và xã hội.
Mặt khác, luật tục cũng lên án gay gắt những người cha mẹ hà khắc với con cái, xúi giục con cái làm việc xấu. Những hành động đó sẽ bị cộng đồng lên án, tẩy chay. Những bậc cha mẹ không làm gương tốt cho con cái học tập mà lại tiếp tay cho con cái làm việc xấu là hủy hoại nhân cách con trẻ sẽ bị xử theo luật tục như: xúi giục con đi ăn cắp thì cha mẹ phải chịu bồi thường gấp đôi; xúi con xúc phạm người khác thì cha mẹ phải chịu phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ của sự việc. Những quy định này không nằm ngoài mục đích giáo dục để hoàn thiện nhân cách con người, đặc biệt là con trẻ trong mối quan hệ gia đình, xã hội.
1.3. Luật tục Raglai quy định trách nhiệm của con cái đối với ông bà, cha mẹ
            Không chỉ quy định về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, luật tục Raglai còn quy định rất rõ trách nhiệm của con cái đối với bậc sinh thành. Con cái dù đi đâu cũng phải nhớ về gia đình, cha mẹ và những người thân (luôn nhớ tới người cha, luôn nghĩ về người mẹ).
Làm con thì phải biết
Công ơn mang nặng đẻ đau
Cho con trai thân to, cho con gái lớn người
Công chăm sóc, dưỡng nuôi của mẹ, của cha
Do vậy người con phải:
Làm con phải gọi dạ, bảo vâng, ăn lời mẹ cha…
Phải có bổn phận chăm sóc, dưỡng nuôi mẹ cha
Canh bưng, cơm dọn
Chăm lo, phụng dưỡng mẹ cha mới là con
Người con hư không vâng lời cha mẹ thì cha mẹ có mọi quyền trong việc giáo dục con cái bằng lời nói hay hành động để người con hiểu ra lẽ phải. Trường hợp nếu trong khi giáo dục con cái mà cha mẹ lỡ đánh chết con thì luật tục quy định cha mẹ chỉ phải “phạt đền hai mặt mã la cho gia đình, phải lo chu tất việc chôn cất, việc lễ tang, chặt cột dựng nhà mồ và làm lễ bỏ mả đàng hoàng”.
Đối với những người con không nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, đến khi họ già yếu không còn đủ sức lao động nữa mà người con để cha mẹ bị thiếu đói, không lo lắng, trong khi đó lại vui đùa sung sướng riêng mình thì sẽ bị xã hội lên án gay gắt. Luật tục quy định những người con bạc đãi ông bà, cha mẹ thì phải bị xử phạt để tạ tội bằng hai con heo, một con tạ lỗi ông bà, cha mẹ, một con tạ lỗi cho làng và những người phân xử, phải nấu rượu cần một ché, gà một đôi, phải lo áo quần và trang phục mới để làm lễ đền ơn cha mẹ. Nếu người con hối cải thì cha mẹ và dân làng sẽ tha thứ để chúng làm lại từ đầu và tiếp tục sống trong cộng đồng. Trường hợp khi làng xử phạt như vậy mà vẫn không chịu làm theo thì tất cả tài sản ông bà, cha mẹ để lại, người con hư đó sẽ không được hưởng, thậm chí kể cả một chiếc dao cùn hay cái rựa gẫy cán đều được giao cho người cháu trông nom. Để răn đe con cháu, luật tục quy định phải xử những đứa con bất hiếu tội thật nặng không trừ một ai để không kẻ nào dám học theo mà trở lại với đạo đức của tổ tiên, ông bà.
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên người đàn ông phải đi ở rể. Người con gái lấy chồng về để nhờ, có mai mối đàng hoàng và người chồng trở thành người trụ cột trong gia đình, thay bố vợ chăm sóc gia đình bên vợ. Nếu:
Nó phản, nó cãi lại cha mẹ vợ
Nó không tôn trọng ông bà, cha mẹ bên vợ
Nó là con người có lỗi
Gia đình bên nó có lỗi
Ông mai, ông mối có lỗi
Gia đình vợ có quyền mời gia đình bên trai
Gia đình vợ có quyền mời ông mối chính, mối phụ
Mời tất cả đến nhà mình để bắt lỗi
Phạt tội báo hại cho ông bà
Để phạt tội cho lời hứa của ông mối, ông mai
Bắt lỗi phạt tội một con heo từ ba đến năm tay
Hai con gà, một ché rượu, một xấp vải
Và con rể phải làm lành cái bụng, cái gan, hứa sửa chữa lỗi lầm, không dám phản lời hứa mà phạm tội nữa.
2. Luật tục Raglai về hôn nhân đôi lứa
Người Raglai quan niệm con trai, con gái xây dụng gia đình không đơn thuần là hành phúc lứa đôi mà “có vợ có chồng là có sự sống của giống nòi”. Do vậy, trong hôn nhân, luật tục nêu ra nhiều chi tiết cụ thể về quan hệ nam nữ, về việc cưới xin và cuộc sống cũng như quan hệ vợ chồng trong gia đình và ngoài xã hội.
2.1. Tiêu chí về người bạn đời
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ nhưng trong tình yêu người con trai chủ động tìm hiểu con gái với quan niệm Con trâu đi tìm sình lầy, không bao giờ sình lầy đi tìm trâu mặc dù cô gái đã rất yêu chàng trai đó. Phong tục Raglai có những điều rất khắt khe với phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc giữ gìn sự trong trắng. Người con trai có những tiêu chí chọn vợ không phải là những cô gái đẹp mà phải siêng năng chăm chỉ làm ăn:
      Mải miết làm việc chỉ một mình
      Siêng năng công việc từ tinh mơ đến sáng
      Từ sáng sớm đến trưa đầy bóng mới về
Hay là những cô gái phải thùy mị, kín đáo, nhẹ nhàng “Cười mủm mỉm, giỏi tay làm tay ăn” hay “Con trai chê bai khích bác người con gái ồn ào, bị coi là cô gái lẳng lơ, đàng điếm”. Sự kín đáo thùy mị đó được bao hàm trong cả cách ăn mặc, nói năng, ứng xử và người con gái tốt nết luôn được xã hội đề cao.
            Người con gái cũng vậy. Theo lệ, nhà gái làm lễ cưới con trai về ở rể nên cô gái nào cũng muốn lấy được người chồng tốt, chí thú làm ăn, hết lòng yêu thương vợ con. Việc người con gái lấy chồng được ví như Chặt cây trên rừng biến thành cột nhà/ Bắt người ta biến thành người của mình. Tuy nhiên, không phải cô gái nào cũng lấy được người chồng như ý muốn nên người Raglai có câu: Vớ trúng cái ỉa (phân) muốn mùi hôi/ Bắt con rể muốn được nhờ. Do vậy, người con gái phải hết sức chín chắn khi chọn chồng để không phụ lòng cha mẹ.
            Người Raglai tôn trọng tự do yêu đương của con cái với quan niệm rõ ràng:
            Trai còn tơ, gái còn son họ đến gặp gỡ nhau …
            Chúng nó được phép bắt lấy nhau làm vợ chồng
   Cả người con trai và người con gái đều phải giữ gìn sự trong trắng của mình cho đến ngày thành vợ chồng, nếu chưa làm lễ cưới đàng hoàng mà đã ăn nằm với nhau đều bị cộng đồng lên án gay gắt, coi đó là hành động ô uế, làm nhục đến tổ tiên, xúc phạm tới Nhang Giàng và phải làm đám cưới tẩy rửa/ đám cưới phạt. Đây là những điều cơ bản trong luật tục về hôn nhân của người Raglai nhằm giáo dục và giữ gìn tình yêu trong sáng của nam nữ nơi buôn làng và điều đó đến nay vẫn còn phù hợp với chuẩn mực đạo đức mới.
2.2. Tục cưới xin
            Đám cưới là mốc rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, nó đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của một cá nhân trong xã hội. Mặc dù theo chế độ mẫu hệ nhưng trong tình yêu và lễ dạm hỏi thì đàng trai chủ động. Chỉ cần Cái miệng nhà gái chịu ăn trầu/ Cái miệng nhà gái chịu ăn miếng cau/ Cái miệng nhà gái nó uống chén rượu/ Thì cái bụng nhà gái nó đã ưng. Khi lễ dạm hỏi đã xong, người con trai phải đến nhà gái làm lễ trao vòng, dây cườm làm tin chờ ngày làm đám cưới.
            Trong thời gian chờ ngày cưới nếu người con trai hay người con gái trở mặt, không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân đó thì người gây ra phải chịu phạt. Nếu người con trai trở mặt thì sẽ bị cộng đồng lên án gay gắt và phải chịu phạt theo luật tục: Của cái đã trao tặng coi như đã ném xuống sông/ Nó còn phải chịu cúng tạ lỗi ông bà/ Làm góa bụa trầu cau lỡ làng duyên phận/ Nó phải chịu phạt cho dòng họ người ta/ Phải chịu lỗi với ông mai, ông mối (3). Nếu người con gái hủy bỏ hôn ước thì bị xã hội lên án gay gắt hơn đàng trai và phải chịu phạt nhiều hơn. Nó đã bắt người ta ở rể thành người nhà nó, gánh vác công việc trụ cột cho nhà nó mà nó còn tráo trở thì Nó phải chịu phạt trả lại của cải/ Của một trả thành hai …Phải chịu phạt tạ tội đến ông bà người ta. Luật tục đề ra những quy định này nhằm tạo sự bình đẳng giới trong xã hội cũng như việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, tránh xảy ra những chuyện không hay làm đổ vỡ những cuộc hôn nhân đã định.
   Người Raglai rất kiêng kỵ việc đôi trẻ chưa thành hôn nhưng đã quan hệ với nhau. Đó không chỉ là việc làm ô uế đến ông bà, tổ tiên mà còn mang tai họa đến cho buôn làng. Trước lễ cưới mà đôi trai gái không giữ được sự trong trắng là xúc phạm đến thần giữ gìn sự trong trắng cũng là thần hồn của bắp lúa và thần sẽ bỏ đi. Những đôi trai gái đó sẽ bị Nhang Giàng trừng phạt cả gia đình, dòng họ và xóm làng và “bắt chúng phải ưng nhau”, phải làm đám cưới nhưng không phải là đám cưới bình thường mà là đám cưới phạt. Đám cưới này không được xã hội đồng tình nên theo tục lệ chỉ tiến hành trong gia đình dưới hình thức là lễ tạ tội với ông bà, cha mẹ và Nhang Giàng để tẩy rửa ô uế, dơ bẩn. Đám cưới đó không được vui, không có sự chia vui của anh em, họ hàng, bạn bè và xóm làng. Đó là sự trừng phạt lớn nhất trong đời nên rất ít đôi trai gái dám phạm phải nhằm giữ gìn lệ tục cổ truyền tốt đẹp, giữ lấy cái thuần phong mỹ tục của tộc người và danh dự của bản thân, gia đình và dòng họ.
3. Luật tục Raglai trong quan hệ vợ chồng
3.1. Luật tục trong ứng xử vợ chồng
            Người Raglai đề cao quyền bình đẳng giới trong gia đình. Mặc dù theo chế độ mẫu hệ nhưng xã hội rất tôn trọng người đàn ông. Trong quan hệ vợ chồng luật tục quy định khi đang cãi nhau với chồng người vợ không được lấy váy áo đập lên đầu chồng. Đó là sự xúc phạm nặng nề đối với người đàn ông, nếu không được tôn trọng họ sẽ dễ dàng bỏ đi, gia đình tan vỡ và đó cũng là hành động xấu của người phụ nữ mà xã hội lên án rất kịch liệt.
            Luật tục quy định khi ưng nhau, bắt nhau làm vợ chồng rồi thì phải có nghĩa vụ với nhau, cùng xây dựng gia đình và chăm sóc, giáo dục con cái. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà người chồng bỏ không chăm sóc vợ con thì chồng là người có tội với nhà vợ và cha mẹ, anh em nhà chồng phải ngăn cấm, khuyên răn dạy bảo, phải bắt phạt để người chồng sửa lỗi. Nếu người chồng cố tình không chịu về với vợ con thì làng bắt phạt phải ở tại nhà, phải chịu phạt lỗi gấp hai để người chồng hồi tâm chuyển ý, ở nhà tiếp tục gánh vác trách nhiệm chăm sóc vợ con. Nếu người chồng bỏ vợ con đi đâu lâu năm mà không ai biết thì gia đình bên cha mẹ nó/ Cho em bên gia đình nó phải tìm …/ Mà đưa nó trở về. Đến mức độ đó mà người chồng vẫn không chịu về thì Vợ nó đương nhiên được quyền bắt lỗi đòi trả lại đồ cưới/ Ăn phạt tạ tội ông bà cha mẹ/ Về việc ông mối dẫn đường xưa kia đã nói/ Không nhỏ, không ít mà gấp đôi/ Bắt lỗi đòi nhà chồng phải chịu nuôi nấng, dạy dỗ con cái cho tới khi chúng lớn khôn.
Của phạt lỗi mà người đàn ông bỏ vợ, bỏ con phải nộp cho dân làng khi phân xử là một đồng tiền xưa, một ché rượu hay một chai rượu trắng, trứng gà và đèn cây sáp ong. Sau khi làng phân xử xong thì người đàn ông không còn quyền lực với người vợ nữa. Nếu người vợ có ưng đàn trai khác/ Thì nó có quyền bắt làm chồng/ Mà không ai được quyền ngăn cản/ Nếu người chồng trước có về cũng không có quyền được ngăn cản.
Tất cả những điều mà luật tục đề ra đều vì mục đích gắn chặt trách nhiệm, nghĩa vụ lẫn nhau giữa vợ chồng, con cái và giữa các gia đình trong buôn làng, nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, một vợ một chồng, có trách nhiệm cùng nuôi nấng, dạy dỗ con cái, xây dựng buôn làng tốt đẹp hơn.
3.2. Luật tục với việc ghen tuông
Trong cuộc sống, bên cạnh mối quan hệ gia đình, vợ chồng, người Raglai còn rất nhiều mối quan hệ khác dễ dẫn đến hiểu lầm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và quan hệ vợ chồng.
Có yêu thì mới ghen nhưng trong cuộc sống đôi khi có những ghen tuông vô lối do hiểu nhầm dẫn đến quy kết tội lỗi cho nhau, tạo không khí nặng nề cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Do vậy luật tục Raglai quy định về việc ghen tuông nói lời vu khống không căn cứ. Nếu người vợ/chồng Đa nghi ghen tuông vô cớ/ Cố ý kết tội vợ mình chồng người/ Vợ người chồng bạn/ Kết luận bậy bạ, nói vu nói vạ … thì phạt lỗi. Khi triệu tập cuộc xử nhất thiết phải có cha, mẹ, cậu, chú, ông mai để xác định trách nhiệm của gia đình và người mai mối. Trong cuộc họp này buôn làng và gia đình cũng như ông mai khuyên nhủ hai người, phân xử lẽ phải trái để vợ chồng hiểu nhau, tha thứ lỗi lầm đồng thời răn đe kẻcố tình vu vạ cho người khác để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Việc vợ chồng bỏ nhau do ghen tuông trong xã hội Raglai bị lên án gay gắt như là những kẻ hủy hoại các giá trị truyền thống buôn làng, làm xấu mặt tổ tiên, gây tai họa cho cộng đồng và bị nộp phạt rất nặng theo quy định của luật tục. Nếu người chồng bỏ vợ thì anh ta phải ra khỏi nhà vợ mà không được chia của cải hay con cái, không được nhận lại nhưng lễ vật đã mang đến nhà gái khi cưới. Tất cả mọi thứa đều thuộc về người vợ.
Ngược lại, nếu người vợ bỏ chồng thì phải chịu phạt đền cho người chồng hai mặt mã la, một heo.
Nông Thị Thanh Vân (sưu tầm)

Share with your friends