Chân dung đời Vua Lửa thứ 14 - Siu Luynh (ảnh tư liệu).
Trên vùng bình nguyên rộng lớn phía Tây của đất nước, chỉ ở Gia Lai là tồn tại duy nhất 3 vị vua mà không nơi nào có. Mỗi vị vua với tên gọi khác nhau của các yếu tố vạn vật hữu linh thưở sơ khai: Vua Lửa (Pơtao Apui), Vua Gió (Pơtao Angin) và Vua Nước (Pơtao Ia). Miền huyền thoại đó nối tiếp qua bao đời nay ở cao nguyên đầy nắng và gió này.
Vị vua cuối cùng
Qua đèo Chư Sê, một thung lũng trải dài rộng lớn được xem là cánh đồng lúa rộng lớn nhất của Gia Lai với những văn hóa người Jrai vẫn còn lưu giữ qua bao đời nay. Nằm giữa thung lũng là ngôi làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, H. Phú Thiện) nơi ghi dấu cuối cùng của vị Pơtao Apui - Vua Lửa. Plei trong tiếng Jrai nghĩa là “làng” và “Ơi” nghĩa là “ông” biểu hiện sự tôn kính không chỉ của người Jrai bản địa mà còn có các tộc người khắp Tây Nguyên, Lào và Campuchia.
Hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên, Lào và Campuchia đều biết đến Pơtao Apui – Vua Lửa: người Ê Đê gọi là Mtao Pui, người Bahnar gọi là Bok Redâu, người M'nông gọi là Adecht Leu (vua ở miền trên), người Lào gọi là Sadet Fai, người Campuchia gọi là Sdacht Pleung…
Nơi đây, giữa thung lũng rộng lớn nổi lên ngọn núi Ba Hòn bao đời nay cất giấu bí mật gươm thần và những buổi cúng thông qua Yang (đấng thần linh) mà chỉ có Pơtao Apui mới biết. Người Jrai bản địa vẫn gọi núi này là Chư Tao Yang và núi như được một thế lực siêu nhiên xếp chồng lên nhau, ít người Jrai được phép lên ngọn núi này. Phía Bắc của làng Plei Ơi là căn nhà của đời vua thứ 14 Siu Luynh sát với núi Chư Tao Yang nhất và đây cũng là vị vua lửa cuối cùng của người Jrai. Ngày Pơtao Apui thứ 14 cũng là vị Vua Lửa cuối cùng qua đời là ngày ông để lại sau lưng mình những huyền thoại về một miền Pơtao hư ảo.
Không quá khó để hỏi ra nhà của vị Vua Lửa cuối cùng, thế nhưng để nhận biết nhà của vua ở thì thật khó, bởi lẽ nhà của vua giống như bao ngôi nhà khác của người Jrai ở trong làng. Có khác chăng đó chính là sự tôn trọng của dân làng đối với “vợ vua” và “công chúa” vẫn đang ở trong ngôi nhà này. Đặc biệt, là căn chòi phía sau nhà nơi cất giữ thanh gươm thần và các vật dụng của Vua Lửa không có bất kì ai trong làng dám bước ra khu vực đó trừ “vợ vua” và “công chúa”. Để hỏi chuyện, “vợ vua” là bà Kpăh H’Nhik và cô con gái Kpăh H’Nut vẫn ngồi yên bên bậu cửa rồi yêu cầu: “đưa tiền cho vợ vua chữa con mắt, công chúa mua rượu cho thằng chồng uống đã rồi kể chuyện”.
Sau khi hoàn tất “thủ tục”, bà Kpăh H’Nhik bảo cô con gái lấy ra tập album ảnh mà các nhà nghiên cứu trước đó chụp ảnh về vua Lửa Siu Luynh và tặng lại cho gia đình. Chỉ trong những tấm ảnh đó là hình ảnh vị vua cuối cùng Siu Luynh và căn nhà dài cũ, kể từ năm 1999 khi ông qua đời thì những huyền bí về vua Lửa chỉ còn nằm trên các trang giấy của các nhà nghiên cứu và những câu chuyện truyền khẩu của dân làng.
Mộ Vua Lửa Siu Luynh (mái ngói).
Chọn Hỏa vương
Vua Lửa (Hỏa vương) được đánh giá là có uy tín, ảnh hưởng về mặt thần quyền cả một khu vực rộng lớn hơn Vua Nước và Vua Gió. Từ đời Vua Lửa đầu tiên đến nay đã trải qua 14 đời, trong đó có những đời vua được lưu truyền cả trong những nghiên cứu lịch sử trong chống thực dân Pháp xâm lược. 14 đời vua truyền nối nhau thanh gươm thần và các bài cúng để thông qua Yang cầu mưa, cầu bình an cho dân làng.
Theo nghiên cứu của nhiều người vua lửa Pơtao Apui xuất hiện vào đầu thế kỷ XV… Nhiều tư liệu thư tịch của Đại Việt cũng cho biết: năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đem quân vào đánh Chiêm Thành đã sắc phong cho nước Nam Bàn ở vùng núi phía tây và nói rõ là ở đó có Vua Nước và Vua Lửa.
Qua lời kể của dân làng thì từ xa xưa đến nay, các thế hệ Vua Lửa được truyền từ đời này theo đời khác nhưng không theo kiểu cha truyền con nối mà được dân làng và các làng lân cận bầu lên khi vị vua trước chết. Và mỗi đời vua được chọn luôn nhuốm những màu sắc thần bí. Hỏa Vương gần như là người được dân làng và thanh gươm thần (đại diện cho các đấng thần linh) “chọn”, bởi người được chọn sẽ dùng thanh gươm để giao tiếp với Yang (thần linh) đồng thời phát huy những quyền năng của thanh gươm ấy.
Khi một người được chọn, ông phải đến các làng ra mắt trong vòng 1 tháng, từ tháng 3 đến tháng 4 đến khi có nước lụt…cầu mưa thì có mưa, cầu gió thì có gió. Dù Vua lửa là vị vua không ngôi cai trị, không bổng lộc nhưng năng lực thần quyền của Hỏa vương vẫn còn tác động mạnh đến người dân Jrai đến mãi bây giờ.
Thế nhưng, người đầu tiên được phong làm Hỏa vương là Ksor Chlơi lại có kết cục bi thảm khi từ chối nhận thanh gươm thần để lên làm Pơtao Apui. Bởi làm Hỏa Vương phải kiêng cử đủ thứ, đặc biệt là trong ăn uống phải kiêng: ếch, nhái, thịt chó, thịt bò... nên Chlơi đã kiên quyết từ chối khiến những người tín nhiệm bầu ông cảm thấy bị xúc phạm.
Họ kéo đến tìm Chlơi và khi ông bỏ chạy thì bị dân làng chặt đứt 2 tay, 2 chân và đầu. Lạ thay vừa lúc đó nước biển dâng lên ngập cả vùng và khi nước rút đi thì thi thể ông đã hóa đá. Hiện giờ ở tại làng Plei Dmun vẫn còn có một hòn đá giống hình người bị chặt đứt đầu, tay chân và người Jrai tin rằng đó là thi thể hóa đá của vị Hỏa vương đầu tiên.
Vợ, con gái và cháu của Vua Lửa Siu Luynh– những “hậu duệ” cuối cùng của các Pơtao Apui.
Hay Siu Nhong, Vua Lửa đời thứ 6 cũng đã từ chối “nhậm chức” khi Siu Nhong than: “Tôi cơm canh lúa gạo không đủ ăn. Tôi phải ăn cả con ếch, con nhái… vi phạm luật tục, tôi không giữ gươm được đâu”. Người Jrai đã vận động ông nhiều ngày. Họ khấn: “Nhong ơi, nếu không chịu giữ thanh gươm chắc cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi. Bây giờ trời đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cúng và cử ông làm Pơtao”. Siu Nhong đánh 7 lần vào nước và 7 ngày, 7 đêm sau mây đen ùn ùn kéo kín bầu trời và trời đổ mưa tầm tã, từ đó Siu Nhong chính thức được chọn làm Pơtao Apui.
14 đời Pơtao Apui trải qua là 14 vị vua cũng bình thường như bao người khác trong làng, không có quyền lực hay địa vị kinh tế nào trong vùng, nhà của vua cũng đơn sơ như bao mái nhà người Jrai ở trong làng khác. Thế nhưng, sự tôn kính mà người dân bản địa dành cho các Pơtao Apui vẫn tồn tại mãi đến bây giờ gắn với truyền thuyết về thanh gươm thần – vật thiêng làm cầu nối giữa các Pơtao với đấng thần linh.
(còn nữa)
Hoàng Thị Thắng (sưu tầm)