Người Kinh gọi nơi ở của người Jrai là Làng, người Jrai gọi là Plơi, những nơi cư trú của người Jrai gần người Êđê gọi là Ƀon. Làng, plơi, ƀon Jrai đã có từ rất lâu đời tọa lạc chiếm ngự một phần cao nguyên miền trung Việt Nam. Cơ cấu và hình thức tổ chức làng Jrai tuy mỏng manh nhỏ bé nhưng đã bền vững lâu đời và bên trong hàm chứa nhiều điều tuyệt diệu qua đó plơi Jrai đã gìn giữ bảo tồn giống nòi Jrai, đã bảo vệ nền văn hóa truyền khẩu mỏng yếu của mình.
Con người, thần linh, hồn ma tuy ba nhưng một.
Người Jrai quan niệm vũ trụ gồm ba tầng tách biệt nhưng luôn đan xen và hổ tương với nhau : tầng thần linh, tầng con người và tầng hồn ma. Trong mọi trường hợp, mọi vấn đề về sự sống sự chết, về bệnh tật ốm đau… sự hiện hữu giao thoa hài hòa của ba tầng vũ trụ giải thích sáng tỏ cho mọi người Jrai qua phong tục tập quán, qua luật tục và qua đời sống đời thường trong quan hệ liên đới cộng đồng.
Vũ trụ quan của người Jrai được thu nhỏ biểu tỏ qua nhiều hình ảnh như plơi , nhà ở, và qua thân xác con người.
Theo quan niệm người Jrai, thân xác con người là sự kết hợp hài hòa giữa NƯỚC, Máu = mẹ, THÂN XÁC= cha, THẦN LINH = bơngat. Một căn nhà ở là hình ảnh một vũ trụ thu nhỏ qua đó mái nhà = thuộc về thần linh, sàn nhà = thuộc về con người, gầm sàn = thuộc về hồn ma. Plơi, làng của người Jrai cũng được hiểu như một vũ trụ thu nhỏ : Nhà rông = thuộc về thần linh, nhà dân làng = thuộc về con người, nghĩa trang= thuộc về hồn ma người chết.
Bơngat hay bóng hồn con người đến với thân xác khi con người được sinh ra, Bơngat trú ngụ trong thân xác nơi đó bóng hồn con người tìm được sự an toàn, không bị hồn ma ám hại, không bị thần linh bắt giữ, không bị ác thần níu kéo. Khi bóng hồn rời nơi trú ngụ, rời thân xác rong chơi, những tai ương luôn chờ sẳn và nếu không về kịp nơi mình nương náu sẽ tạo cho thân xác yếu đuối bệnh tật và nhiều trường hợp đi đến sự chết.
Plơi là nơi trú ngụ của con người, là pháo đài an toàn, là lãnh địa riêng của người sống. Thần linh của thiên nhiên rừng núi không vào plơi để gieo rắc tai ương, hồn ma người chết không tác oai gây bệnh tật trong plơi nếu chưa tìm được dịp thuận lợi. Con người khi bước ra khỏi phạm vi plơi sẽ rơi vào một thế giới khác nơi đó họ sẽ đối mặt với rất nhiều sức mạnh siêu nhiên, phải nhìn và đụng vào những phạm vi không thuộc về con người đầy những nguy hiểm rủi ro. Phạm vi một plơi, lãnh địa riêng của con người làm chủ được giới hạn bằng bìa làng, ra khỏi bìa làng là vào rừng, vào một nơi khác không còn thuộc về con người. Câu nói juă glei (đi cầu, đi việc cần) với nghĩa đen là « đạp rừng » nói rõ ranh giới làng với thiên nhiên hoang dã, người Jrai đi việc cần sát bên bìa làng nhưng đã vào glei = rừng.
Nhà ở của người Jrai cũng là hình ảnh một vũ trụ thu nhỏ. Theo quan niệm người Jrai, phần mái là nơi thuộc về thần linh, là nơi treo giữ các linh vật (yang)hay những kỷ niệm của những lần cúng tế thần linh qua những hàm răng trâu bò, sừng trâu bò. Phần sàn nhà thuộc về con người, và phần dưới gầm sàn thuộc về hồn ma. Trong ngôn ngữ Jrai Gah Ngǒcó nghĩa là ở trên cao và cũng có nghĩa là ở hướng mặt trời mọc. Mặt trời tượng trưng là người cha, là sức mạnh, là lửa. Thế giới thần linh ở hướng mặt trời mọc, người cử hành nghi thức cầu cúng luôn ngồi nhìn hướng về hướng này để làm nghi thức, để dâng lời cầu xin. Gah Yô̆ có nghĩa là phía dưới, phía mặt trời lặn, là hướng của hồn ma cư ngụ, là mặt trăng, là mẹ, là nước, là sự trìu mến. Trước những bữa ăn, người Jrai thường lấy một ít cơm thả xuống đất qua khe sàn nhà để tưởng nhớ đến hồn ma người thân đã chết.
Một nơi được gọi là Plơi khi hội đủ những yếu tố nền tảng trên. Người Jrai thường nói trong khi khấn cầu thần linh hay nói với hồn ma : Yang dǒ tơdruă kơ yang, mơnuih dǒ tơdruă kơ mơnuih, atâo dǒ tơdruă kơ atâo . (thần linh ở với thần linh, con người sống với con người, hồn ma trong thế giới hồn ma ). Sự kết hợp ba yếu tố tuy tách rời nhưng quyện lẩn thành một, thành sự hài hòa, thành thế giới Jrai, tuy ba nhưng là một. Trong plơi thần linh hiện hữu trong nhà rông, nơi cất giữ các linh vật của làng đúng sự diễn tả theo câu nói dân gian Jrai : Mơnuih dǒ sang, yang dǒ rông : con người ở trong nhà, thần linh ngụ tại nhà rông. Hay câu hmâo rông hmâo plơi : Nơi có nhà rông gọi là plơi.
Plơi và tổ chức xã hội Jrai
Plơi là nơi quy tụ nhiều gia đình Jrai cùng sống chung với nhau trên một khoảnh đất, cùng chia xẻ với nhau một mảng rừng, cùng thờ cúng một thần linh bảo trợ plơi, cùng uống chung một nguồn nước, cùng chôn chung trong một nghĩa trang. Những gia đình trong plơi thuộc nhiều dòng họ theo chế độ mẫu hệ, những gia đình này luôn giữ sự gắn bó huyết tộc qua bổn phận chung với người trong họ qua đời, liên đới với nhau trong cuộc sống đời thường và đứng bên nhau khi gặp tai ương họan nạn tạo nên sức mạnh đoàn kết của plơi.
Plơi là một tập hợp những dòng họ, những dòng họ này theo một thỏa thuận không thành văn đồng ý một người nào đó có uy tín, thông thái và nhiều kiến thức về cuộc sống và công việc đồng án đảm nhiệm vai trò tơha plơi có thể coi như người đứng đầu plơi. Tơha plơi có nghĩa đen là người già của plơi, từ đó có cụm từ ngày nay hay dùng để chỉ người đứng đầu một plơi là già làng. Theo truyền thống già làng không được bầu nhưng là một chọn lựa dân chủ, ai cũng có thể là già làng nếu những gì người đó nói đều đúng, có tình có lý, đời sống riêng tư gương mẫu, đứng đắn. Già làng nào cũng có thể bị thay thế bất cứ lúc nào nếu không đủ khả năng kết hợp mọi người trong plơi hay cuộc sống riêng tư có những hành vi đi ngược phong tục tập quán truyền thống hay phản bội bà con trong làng mình. Ngày xưa qua những truyện dân gian truyền khẩu, già làng có danh xưng là pơtao. Pơtao Jrai thường là người giàu có, nhờ vào của cải tư riêng ông ta có uy quyền và ảnh hưởng trên những người khác cùng sống trong plơi, nhưng nếu một ngày nào đó pơtaokhông còn giàu có, quyền lực của ông cũng tiêu tan nhiều khi phải làm nô lệ cho người khác.
Plơi hiện hữu và được tiếp nối cho đến ngày hôm nay nhờ vào tính liên đới của những người sống chung với nhau, nhờ vào niềm tin chung một yang bảo trợ plơi. Luật tục và tập quán truyền thống cùng những giá trị đạo đức đã gắn kết mọi người với nhau trong sự tôn trọng trật tự thiên nhiên, sự ổn định của plơi. Trật tự thiên nhiên bị rối loạn, liên quan giữa con người với nhau hay giữa con người với hai thế giới siêu hình bị sứt mẻ tổn thương sẽ đưa đến một xáo trộn bất ổn trong plơi và già làng có nhiệm vụ hòa giải.
Già làng không có quyền lực quân sự hay hành chánh trên bất cứ cá nhân nào trong plơi, già làng không có bổng lộc hay thù lao từ cộng đồng plơi. Để giải quyết những vấn đề của plơi, già làng họp trao đổi với những người già trong làng sau đó đưa ra những quyết định dựa trên tinh thần thảo luận chung. Những người đàn ông đứng tuổi trong làng được hiểu như những đại diện của từng gia đình tham gia vào việc chung. Trong gia đình riêng của mình, người đàn ông thường phải nghe theo những quyết định của những người phụ nữ hay đúng hơn « hội đồng những người mẹ » trong đại gia đình. Những người mẹ này trao đổi với nhau và họ đưa ra những ý tưởng của mình cho tất cả thành viên trong gia đình nghe. Người đàn ông dựa trên những quyết định của những người phụ nữ đến thảo luận chung với những người khác như « hội đồng những người đàn ông », những người này mang theo mình lập trường suy nghĩ của những người phụ nữ trong gia đình họ và đến tham gia như một sứ giả của mọi gia đình trong plơi. Tóm lại, mặc dù không trực tiếp tham gia vào quyết định của plơi nhưng những quyết định của nhóm đàn ông trong plơi phản ánh lập trường và quan điểm của những người phụ nữ, những người chủ gia đình.
Thành lập làng.
Trong những huyền thoại truyền khẩu việc thành lập làng có nhiều hình thức. Một nhân vật nào đó được Yang ban cho quyền lực siêu nhiên, một vật thần thiêng khi đập vào những ụ mối sẽ làm chui ra từ đất những con người tự nguyện làm việc và phục tùng người đã tạo ra mình như chủ. Tập hợp những con người này quy tụ sống chung với nhau và tạo dựng thành một plơi.
Trong kho tàng truyện dân gian có những nhân vật bị hất hủi, bị chê bai vì nghèo khổ, vì bệnh tật xấu xa phải vào sống một nơi hoang vắng, sau đó nhờ vào Yang ban cho ân huệ hay phép mầu, người này trở nên giàu có. Sự giàu có kéo những người đang sống trong plơi đến sống chung với người này để tạo thành một plơi mới.
Trong lịch sử cận đại cộng đồng Jrai, một plơi mới được tạo thành có nhiều nguyên nhân. Trong một plơi nào đó có hai dòng họ đông ngang bằng nhau, giàu có tương đương nhau thường sẽ dẩn đến tình trạng phân chia plơi vì có sự xung khắc trong ảnh hưởng và quyền lực. Dòng họ bất đồng sẽ chọn cho mình một vùng đất sau đó đưa gia đình con cháu đến lập nghiệp cùng với tôi tớ và những gia đình nào muốn theo họ tạo thành một plơimới. Có trường hợp một plơi quá đông, những người già họp nhau và thảo luận tách plơi ra làm hai hay ba, dân làng ai muốn theo người nào tùy theo sự quyết định của họ.
Trường hợp vì tai ương dịch bệnh cũng là nguyên nhân tách plơi tạo thành plơi mới. Trong bất cứ trường hợp nào tạo một plơi mới, theo phong tục Jrai có những giai đoạn phải làm sau :
Những người già nhiều kinh nghiệm cùng đi với nhau tìm một khu đất để lập làng hay dời làng. Trước khi đi họ làm nghi thức « kroi čim » (nghe tiếng chim kêu) để xin ý của thần linh, nếu điềm báo tốt họ tiếp tục hành trình đến những nơi đã dự định trước. Điều kiện đầu tiên cho một vùng đất mới để lập làng hay dời làng là phải có một giọt nước sạch, trong, đủ lớn để phục vụ cho tất cả mọi người. Khi chọn được nơi vừa ý, những người đàn ông đứng tuổi sẽ làm nghi thức « glơm tơgă » (ném rựa) để xin ý thần linh. Khi những nghi thức đã hoàn tất nhóm người này về thông báo cho mọi người và cùng quyết định ngày dời làng. Trong ngày dời làng hay đi đến làng mới, người đàn ông có uy tín được coi như già làng cùng những người đàn ông khác dẫn đầu đoàn người, kế tiếp là các chàng trai khiêng « linh vật » của làng đến nơi mới. Nếu là một cuộc tách làng, linh vật sẽ là linh vật của gia đình người có nhiều uy tín của những dòng họ tách làng. Linh vật, yang, được tôn nghinh di chuyển trong tiếng tù theo sau là những người đàn bà chủ gia đình cùng với con cái cháu chắt, mỗi người đàn bà chủ gia đình này đem theo mình một bầu nước mát.
Khi đoàn người đến vùng đất được chọn, linh vật sẽ được treo giữa vùng đất mới, nơi sẽ làm nhà rông làng. Mọi người sẽ bắt tay vào việc cất một căn chòi nhỏ tạm bợ làm nơi cất treo linh vật, trong khi đó những người phụ nữ đem bầu nước của mình đến nơi được chỉ định là nơi làm nhà của họ. Sau khi căn chòi nhỏ cất giữ linh vật đã làm xong, các gia đình bắt đầu làm nhà ở cho mình, trong khi chờ đợi họ ở tạm dưới một mái che. Đất được chia cho từng gia đình tùy theo uy thế của gia đình này, thường những gia đình giàu có được chia những lô đất ở gần nhà rông hay nói cách khác là ở giữa plơi. Những gia đình nghèo, đơn chiếc thường sống bên bìa làng, khi có chiến tranh với làng khác hay khi bị tấn công, những gia đình sống gần bìa làng như những công sự đầu tiên kẻ địch phải vượt qua để vào giữa làng.
Khi nhà cửa dân làng đã làm xong, khi mùa màn đã tạm yên, dân làng hợp sức nhau chặt cây đốn gổ làm nhà rông. Ngày xưa nhà rông tượng trưng cho sự sung túc hùng mạnh của một làng. Nhà rông là linh hồn của plơi.
Già làng được đề cử tổ chức những buổi cầu cúng thần linh tập thể hằng năm và giải quyết những vụ xung đột nhỏ trong làng. Già làng điều động phối hợp công việc với những người đàn ông khác trong làng, với nhóm thanh niên chưa vợ và với người cai quản linh vật, với người xử kiện theo luật tục, pô phat kơđi.
Sự vững chãi của plơi qua thử thách của thời gian và lịch sử.
Plơi Jrai có toàn quyền tự quyết và tự chủ. Dù to hay nhỏ plơi Jrai là một cộng đồng tự quản độc lập và bình đẵng với những plơi khác. Plơi Jrai không trực thuộc hay nằm dưới sự điều hành của một sức mạnh hay tổ chức nào ngoài plơi, mỗi plơi Jrai có một vị thần bảo trợ riêng và vị thần này chỉ biết gìn giữ những thành viên của plơi, người khác là người Jrai hay bất cứ thuộc cộng đồng tộc người nào vào plơi là toai, là khách, là người lạ. Hình phạt nặng nhất trong cộng đồng Jrai là bị đuổi ra khỏi plơi. Người bị đuổi sẽ cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối, cô đơn trước thiên nhiên hùng vĩ và phải trực tiếp đối diện với sự đe dọa của những sức mạnh siêu nhiên hiện hữu khắp nơi là thần linh, là yang. Người bị đuổi ra khỏi plơi không còn được thần linh plơi phù trợ, không được cộng đồng plơi liên đới giúp đở, không được thần linhplơi khác biết đến.
Hình thức tổ chức plơi truyền thống đã giúp cộng đồng Jrai vượt qua một chặng đường lịch sử dài đầy chông gai và đe dọa bên cạnh những cộng đồng tộc người lớn mạnh gấp nhiều lần.Plơi là một gia đình lớn của mọi nguời. Nếu trật tự của từng gia đình trong plơi được đặt nền tảng trên sự kính nể, tôn trọng và tuân theo chỉ bảo quyết định của những người phụ nữ điều khiển gia đình, trong plơi mọi sự việc đặt nền móng trên sự tin tưởng vào thần linh chung, là sức mạnh siêu nhiên quyết định sự sống còn của cả làng, là sức mạnh quyết định kết quả gặt hái gieo trồng. Mọi người trong plơi đều có trách nhiệm liên đới gìn giữ duy trì sự cân bằng quan hệ tương quan giữa ba thế giới như đã viết ở phần trên. Một hành động vi phạm vào những điều cấm, xúc phạm đến thần linh bảo trợ làng của bất cứ thành viên nào trong làng đều có thể là nguyên nhân của một trận dịch bệnh, của mất mùa thất thu, của tai ương chết chóc. Hậu quả hành động đổ lên cả làng và một sự « sửa lại cho đúng » pơkra cần phải làm để đưa mọi quan hệ giữa ba thế giới, thần linh, con người, hồn ma vào sự hài hòa trong tương giao. Một hành động ngoại tình, hiếp dâm, loạn luân sẽ làm ô uế (čơlom)không gian sống của plơi, sự việc phải được giải quyết bởi già làng và những người già, người tạo nên những hành vi này sẽ phải dâng của cúng, máu con vật hiến dâng sẽ dùng để rửa các linh vật trong nhà rông và rảy vào các cột, phênh vách nhà rông nơi cất giữ linh vật.
Sự vững chãi bền vững của plơi dựa trên sự công bằng, sòng phẳng giữa con người với con người, giữa con người với thần linh và với hồn ma. Công bằng là nền tảng của mọi mối quan hệ, công bằng là tiêu chí là phương tiện để giải quyết mọi tranh chấp kiện tụng. Công bằng là phương thức để giao cảm, trao đổi, quan hệ với thần linh hầu những điều kiện thỏa thuận được thực thi. Mọi thành viên trong plơi đều bình đẳng ngang nhau cho dù đó là một em bé mới sinh hay một người già. Quan niệm này được giải thích rất rõ khi trong làng có những nghi thức cúng tập thể, em bé mới sinh được nhìn nhận như một thành viên và em có quyền được chia phần bằng với mọi người với điều kiện em bé đã được làm những nghi thức hòa nhập vào xã hội con người.
Giữa người với người, sự công bằng phải luôn được tôn trọng dù quan hệ giữa hai bên là trong gia đình hay với cộng đồng plơi. Người nào vi phạm sự công bằng sẽ bị luật tục can thiệp qua hội đồng già làng, qua người xử kiện theo luật tục. Một hành động không công bằng như trộm cắp, gian dối, hiếp đáp kẻ yếu sẽ làm rối loạn những mối tương quan, thần linh bất bình, hồn ma không thích và cả plơi sẽ bất ổn. Mọi việc cần phải giải quyết để không gian plơi trở lại an bình như trước. Bệnh tật ốm đau nhiều khi được giải thích bởi sự không công bằng, ví dụ người trong gia đình kiện tụng nhau, bắt phạt vạ đền bù thẳng tay, người nhận của đền bù se bị bệnh lỡ loét khắp người. Một tai ương, một hoạn nạn xảy ra có thể được giải thích vì món nợ với hồn ma chưa trả hết hoặc những lời hứa chưa được thực thi. Thần linh sẽ tức giận nếu bổn phận của plơi đối với thần linh không đầy đủ, không xứng đáng.
Sự công bằng là sự thỏa thuận trao đổi giữa người cho và người nhận, giữa con người với thần linh hay hồn ma, hoặc dựa trên phong tục truyền thống. Plơi không gom góp của cải vật chất để cúng thần nhà rông nếu mùa màn cứ thất bát, dịch bệnh tràn lan lập đi lập lại nhiều lần. Hiện tượng này sẽ thôi thức một người nào đó trong làng được báo mộng hay tự tìm thấy một linh vật khác trong thiên nhiên, linh vật này sẽ được đưa vào nhà rông và nếu mọi sự trở nên tốt đẹp, mọi người sẽ kính trọng linh vật này, vị thần linh này mạnh và có bản lãnh và được coi như thần linh bảo trợ làng. Sự sòng phẳng trong trao đổi tương quan giữa những thế giới siêu hình với thế giới con người, giữa con người với nhau tạo nên một cân bằng rõ ràng và bất cứ hành vi hay sự kiện nào làm sức mẻ mối tương quan hài hòa này, plơi sẽ rơi vào sự xáo trộn và cần phải giải quyết tương tự như sự hòa hợp ba yếu tố cần thiết trong thân xác con người, sự vắng mặt hay sự suy yếu của một trong ba yếu tố là nguyên nhân bệnh đau và sự chết.
Tính liên đới trong cuộc sống đời thường gắn bó mọi thành viên trong plơi kết hợp lại với nhau. Sự gắn bó để cùng chống trả với thiên nhiên, với công việc mà sức một người, một gia đình không thể vượt qua, cần phải có sự liên kết, đóng góp của nhiều người. Sự tự nguyện tham gia vào công việc của một gia đình nào đó không mang hoàn toàn ý nghĩa tương thân tương ái nhưng là sự cho đi và chờ được trả lại.
Plơi Jrai đã đứng vững nhiều trăm năm qua để ôm ấp, bảo vệ giống nòi Jrai. Plơi Jrai đã giúp cộng đồng người Jrai gìn giữ bảo tồn văn hóa truyền thống của tổ tiên để lại, Plơi Jrai là một không gian sống đặc thù và riêng biệt của người Jrai. Trong thời đại mới, tổ chức plơi đang đứng trước những thử thách và khó khăn để hội nhập vào xã hội lớn với một tổ chức quốc gia to lớn và đều khắp. Đây là trăn trở và lo ngại của cộng đồng người Jrai. Khi tổ chức xã hội plơi không còn nữa, khi không gian sống đặc thù của người Jrai biến mất dưới những hình thức tổ chức xã hội khác, liệu nền văn hóa truyền thống của người Jrai có bị de dọa mất đi.
Quang Lâm (sưu tầm)