Xã Măng Cành là xã thuộc khu vực III của huyện Kon PLong, cách trung tâm huyện Kon Plong khoảng 15 km về hướng Đông, dọc theo đường Trường Sơn Đông. Là một trong những xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trực thuộc huyện Kon Plong, 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm sinh sống. Toàn xã có 487 hộ, 2089 khẩu trong đó có 141 hộ nghèo (theo thống kê năm 2013), thời tiết lạnh quanh năm.
Xã Măng Cành có 10 thôn, địa bàn rộng, nhân dân sống không tập trung, các thôn, làng nằm rải rác bên các sườn núi với điều kiện tự nhiên có phần khác biệt với các xã khác trên địa bàn huyện, xã Măng Cành với địa hình trũng nằm trên những thung lũng bên những dãy núi cao, phù hợp với canh tác lúa nước và chiếm vị trí chủ đạo trong hoạt động sản xuất sinh hoạt của người dân nơi đây. Vì vậy người dân trên địa bàn xã đã chăn nuôi khá nhiều trâu và việc chăn nuôi đó có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân.
Trước khi gieo mạ, người Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm ở Măng Cành thường dùng trâu để quần ruộng chứ họ không dùng cày hay bừa để cày ruộng như người Kinh làm. Con trâu đóng một vai trò rất quan trọng, là một tài sản lớn của mỗi gia đình người Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm. Chính vì vậy vào khoảng tháng 02 hàng năm người dân nơi đây thường tổ chức "Lễ làm chuồng trâu" lễ này có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp của người Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm đây là dịp cố kết mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, là dịp cộng đồng làng cầu mong cho con trâu khỏe mạnh không đau ốm, sinh nhiều con, giúp dân làng quần ruộng và tạ ơn các thần núi, thần sông, thần rừng phụ hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ làm chuồng trâu thường diễn ra trong 3 ngày.
+ Ngày thứ nhất: Ngày chuẩn bị
Trong một nhóm gồm có từ 3-5 gia đình có trâu họp lại và chọn ngày tổ chức lễ Sau khi họp người lớn nhất trong các hộ gia đình sẽ được bầu làm trưởng nhóm và sẽ là người quyết định ngày tổ chức lễ và phân công các thành viên trong các gia đình mỗi người một công việc để ngày tổ chức lễ được thuận lợi, suôn sẻ.
Trưởng nhóm có nhiệm vụ chọn một mảnh đất tốt bằng phẳng cách nhà khoảng vài trăm mét để làm chuồng trâu và sẽ là người trực tiếp đi đào các cây thiêng tiếng Mơ Nâm gọi là dum pô kiêng ở ngay chuông trâu cũ để chuẩn bị cho ngày mai làm lễ cúng (có gia đình chỉ có 02 đến 04 loại củ đối với những gia đình giàu có thì có từ 8-10 loại của khác nhau);
Những người phụ nữ một số dọn dẹp khu đất làm chuồng, số khác thì lên rừng hái rau, ra sông bắt cá, một nhóm sẽ đi hái lá cây kpang về đựng thức ăn để chuẩn bị nguyên vật liệu cho buổi lễ chính thức; Đàn ông có nhiệm vụ lên rừng chọn và chặt những cây gỗ nhỏ và lấy những cuộn dây buộc về làm chuồng trâu. Sau khi lên rừng lấy gỗ, họ sẽ vận chuyển gỗ này về chỗ làm chuồng, chặt ra thành những đoạn vừa đủ để làm chuồng, cột lại thành bó để ngay chỗ đất đã được chọn làm chuồng trâu có nhiệm vụ chuẩn bị nguyên vật liệu như cột cọc, cột gơơng, dây buộc, dàn cúng…
Trước kia khi chọn đất làm chuồng trâu người sẽ mời một thầy cúng đến nhà để cúng chọn đất, ngày nay khi chọn xong để làm chuồng trâu người Trưởng nhóm sẽ đại diện các gia đình cúng xua đuổi ma quỷ và những xui xẻo đi hết trước khi người nhà ra đo đạc làm chuồng. Sau khi nghi thức cúng đất xong, mọi người sẽ tiến hành đo đạc mảnh đất và đặt cọc làm chuồng.
+ Ngày thứ hai: Lễ cúng làm chuồng Trâu
Sau khi đã chọn được mảnh đất tốt thì ngày thứ hai tất cả cùng tập trung tại mảnh đất đã được chọn cùng bắt tay vào công việc làm chuồng và cúng Yang. Chuồng trâu được làm đơn giản, song nghi lễ làm chuồng trâu ngày hôm nay lại quan trọng và được thực hiện và được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ.
Khoảng 7- 8 giờ sáng công việc làm chuồng trâu bắt đầu. Mỗi thành viên trong nhóm đều có một công việc cụ thể: phụ nữ thì sẽ vận chuyển các cây đến mảnh đất được chọn, một số thì sẽ còn đàn ông thì chôn các cột xuống và quây thành chuồng , các cây được những người đàn ông chôn thẳng đứng, cách nhau khoảng 20-30cm và được buộc giằng với các cây ngang, chuồng trâu ở đây không lợp mái. Dây buộc là các loại dây rừng, như dây mây, xay cộng, xay rắc. Giữa các hàng cọc, cứ cách khoảng 1m được chôn một cây cột (long dang) để tăng độ vững chắc cho chuồng trâu. Chuồng trâu được làm to hay nhỉ tùy thuộc vào lượng trâu của từng nhóm gia đình.
Khi đã làm xong chuồng thì người quyết định của nhóm sẽ cầm hai cột gương đã chuẩn bị sẵn hai cột gương này có tên là Luông Tha và Luông H’Ne được cắm vào hai bên cánh cửa chuồng trâu, hai cột gương này thể hiện cho cặp sừng trâu cứng cáp và khỏe mạnh, trên cột người ta cột nhiều sợi tua lồ ô và những chùm lá tang với ý nghĩa tránh ma quỷ, tránh điều xấu cho đàn trâu ngoài ra còn có Khi cắm cột lên người chủ cúng với các thành viên trong các gia đình sẽ cúng cúng Yang nội dung đại khái “Hôm nay, gia đình chúng tôi làm chuồng mới cho trâu để trâu có nhà mới ở. Mong trâu ăn khỏe, đừng có đau, đẻ được nhiều con, giúp cho gia đình cày ruộng, chiều biết về chuồng...”.
Sau đó các thành viên trong nhóm đại diện cho từng gia đình sẽ tới bốn góc chuồng trâu gài những chiếc ná nhỏ có mũi tên chĩa ra ngoài. Dọc thân cột người ta còn buộc những chiếc lá cọoc dinh. Tất cả cũng với ý nghĩa tránh điều xấu làm hại đàn trâu.
Sau khi đã làm xong chuồng trâu thì người có quyền quyết định sẽ một mảnh đất ngay góc cửa ra vào chuồng trâu, họ đổ đất và trồng một thứ cây thuốc có củ giống củ nghệ theo tiếng địa phương gọi là dum pô kiêng, họ quan niệm nếu cây thuốc tốt, mọc nhánh nhiều thì đàn trâu sẽ phát triển tốt, nếu qua 10 ngày mà cây không mọc thì coi như mảnh đất mà họ chọn làm chuồng trâu không tốt phải chọn mảnh đất khác. Trong quá trình trồng cây dum pô kiêng xuống thì trưởng nhóm (người có quyền quyết định) và các thành viên khác sẽ làm lễ cúng đeo vòng cổ (một sợi chỉ trắng) cho người lớn nhất với ý nghĩa mong người này ngang bằng với Yang.
Công việc làm chuồng trâu đến đây coi như xong các thành viên trong các gia đình lần lượt lùa trâu vào chuồng. Trong khi lùa trâu, người ta chọn con to nhất, đẹp nhất đàn vào trước với những mong ước tốt lành. Việc làm chuồng trâu đã hoàn tất, phần nghi lễ tiếp theo bắt đầu. Trưởng nhóm sẽ đi lấy một loại cây thuốc cùng với 3 con cua tất cả đều đập nhỏ hòa chung với nước, sau đó họ sẽ lấy nước đó tắm cho đàn trâu của mình với mong muốn trâu được khỏe mạnh, sinh được nhiều con, ma quỷ xung quanh chuồng hãy đi nơi khác đừng ở lại đây phá đàn trâu của dân làng.
Khi trâu đã được lùa vào chuồng thì các thành viên trong các gia đình cùng với trưởng nhóm sẽ cùng làm lễ cúng, mỗi con trâu sẽ cúng một con gà.
Trước khi khấn cúng người trưởng nhóm đại diện các gia đình làm lễ cắt hai miếng nhỏ của cây thiêng (dum pô kiêng) để hỏi ý kiến của Yang: “Trong số các con trâu trong chuồng các con trâu trong chuồng con nào đã động đực rồi? con nào đang có con…?” người đại diện cộng đồng đó sẽ hỏi “Năm sau làm lễ cúng chuồng trâu tôi có được cúng nữa không?” lần sau cúng chỉ mình tôi cúng hay tất cả các thành viên trong các gia đình cùng làm lễ cúng? Mảnh đất tôi chọn làm chuồng trâu có tốt không? Hướng nào trâu muốn đi ăn nơi nào, vùng núi này hay núi khác, đồi núi này hay đồi núi kia… rồi vừa hỏi vừa khẽ thả hai miếng cây dum pô kiêng xuống, hai miếng cây dum pô kiêng lên một con dao nhỏ, sắc và lật nếu miếng đó khi rơi xuống đất một miếng úp, một miếng lật thì Yang đã đồng ý với những ước nguyện của mình, còn nếu hai miếng úp hoặc hai miếng lật là Yang không đồng ý, nếu hai miếng cây dum pô kiêng mà úp hoặc mở thì người đại diện sẽ tiếp tục xin Yang bằng cách làm lại 03 lần nữa nếu Yang không đồng ý thì sẽ không ai dám làm tiếp theo nữa.
Tiếp theo là nghi thức cúng vật hiến tế: Trưởng nhóm sẽ cùng các thành viên khác lần lượt đặt tay vào con gà sau đó sẽ làm nghi thức cắt tiết gà sẽ cắt tiết con gà (hoặc chặt đầu con gà) sau khi đã cắt tiết gà sẽ thả nó vào giữa chuồng trâu, nếu nó chạy về hướng đông thì mọi chuyện đều tốt đẹp, trâu sẽ khỏe mạnh, sinh nhiều con, nếu nó chạy về hướng tây thì năm đó trâu sẽ yếu và không có sức để cày bừa, không cho năng suất cao sau đó mỗi người đại diện cho từng hộ gia đình rứt một nhúm lông từ cánh con gà vừa khấn để trước đường trâu vào, sau đó mang con gà về trước cửa chuồng trâu để làm nghi lễ cúng. Con gà sẽ được chặt đầu, lấy phần lưỡi gà, tiết và phần đầu gà bỏ lên dàn tế bên cửa ra vào để cúng Yang, phần tiết gà sẽ được rắc lên phía 2 cây luông H’ne và Luông tha, lên cửa ra vào của chuồng trâu, việc rắc tiết gà lên 2 cây với mục đích mời Yang xuống tham dự lễ phù hộ cho trâu, tiết gà cũng được vẩy vào chuồng trâu, vẩy vào bụi cây dum pô kiêng. Vừa vẩy vừa khấn đại ý: “ …chúng tôi làm chuồng mới cho trâu, để trâu có nhà mới ở. Mong trâu khỏe mạnh, sinh đàn đẻ lũ, đừng có ốm yếu, khi đi ăn tránh đá lăn cây đổ…”. Tiếp theo sẽ lấy phần đầu gà, hai chân treo ở dàn tế, còn lông hai bên cánh gà sẽ treo ở ngay cửa ra vào sau đó lần lượt cho từng con trâu ra khỏi chuồng, mỗi con đều phải quệt lưng vào con gà đã hiến sinh. Đến đây công việc làm chuồng trâu và nghi lễ đã song. Ngày hôm đó họ thả trâu đi ăn mọi người sẽ cùng nhau về nhà để làm heo, gà để làm lễ cúng tại nhà và đãi khách. Trên đường về nhà khi đi ngang qua các con suối, những chiều cầu trên cả đoạn đường đi về nhà họ sẽ để lại một cây đót được bện hình mạng nhện về nhà với ý nghĩa mong trâu đi ăn sẽ biết đường tìm về nhà.
Khi về đến nhà mọi người sẽ cùng nhau bắt tay vào công việc chế biến các vật hiến sinh để làm lễ cúng tại nhà và làm thức ăn đãi khách. Trong quá trình chế biến vật hiến tế thì gà cúng trâu của hộ nào thì hộ đó tự làm và được nấu riêng trong một cái nồi nhỏ, nhà có bao nhiêu con trâu thì cúng bấy nhiêu con gà và tất cả thịt gà cúng sẽ được nấu trong một nồi đó. Khi được chế biến xong thì từng hộ sẽ ngồi vào cột chính cúng Yang, người có quyền quyết định ngày hôm đó sẽ đại diện các họ trong nhóm cúng và khấn trước “ Hôm bay nhóm gia đình chúng tôi tổ chức lễ cúng chuồng trâu đây là rượu và thức ăn chúng tôi cúng Yang mong người nhận lấy và ban sức khỏe cho chúng tôi, cho chúng tôi có cuộc sống no đủ, phù hộ cho trâu của chúng tôi khỏe mạnh, sinh con nhiều….” trước khi khấn thì các thành viên trong từng gia đình sẽ bốc ít cơm, rượu và ít thức ăn bỏ lên đầu của nhau với ý nghĩa các thành viên trong nhà sẽ ngang hàng với Yang để hai giới không còn khoảng cách, là người cùng một nhà, cùng ăn, cùng uống và cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Mỗi gia đình được chia một góc nhà cùng ăn cùng uống, theo phong tục của người Mơ Nâm nơi đây khi nào các gia đình trong nhóm làm chuồng trâu uống hết một ghè rượu cúng, ăn hết các thức ăn cúng tế thì khi đó khách mời mới được ăn uống, vui vẻ cả buổi chiều và tối hôm đó. Đêm ấy thật sự là lễ hội của làng.
+ Ngày thứ 3: Ngày làm cây nêu.
Thông thường, cây nêu được lấy từ cây tre dài khoảng 3-5m, được trồng chính giữa chuồng trâu để khẳng định mảnh đất nơi dựng chuồng trâu này thuộc quyền sở hữu của chúng tôi nay là chỗ ở của trâu, ma quỷ không thể xâm lấn hay làm hại đàn trâu không những vậy cây nêu còn được xem như là sợi dây tâm linh để thắt chặt mối quan hệ giữa con người với thần linh. Theo quan niệm của người Mơ Nâm (dân tộc Xơ Đăng) họ chọn cây tre làm cây nêu vì nó tượng trưng cho sự dẻo dai, cứng cáp.
Cây nêu được trang trí nhiều hoa văn và hình thù khác nhau, màu sắc cũng được trang trí sặc sỡ hơn những cây nêu nhỏ. Họ sơn màu đỏ, màu đen và màu trắng lên cây nêu. Cây nêu sẽ được dựng ở giữa chuồng trâu để cho con trâu cà mình gãi ngứa và cây nêu còn có những ý nghĩa khác nhau để xua ma quỷ, để tránh bệnh tật, tai nạn, để mang lại may mắn, sức khỏe tốt cho con trâu.
Lễ làm chuồng trâu xã Măng Cành, huyện KonPlong không những là nơi gặp gỡ giữa các thành viên trong cộng đồng làng với nhau mà còn thể hiện rõ nét bản sắc độc đáo trong văn hóa các dân tộc bản địa huyện Kon Plông nói riêng và cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum nói chung.
Lý Thị Ninh (sưu tầm)