Thiếu nữ dân tộc Lô Lô.
Dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng hiện nay có khoảng là 2.373 người, phân bố chủ yếu ở các xã Hồng Trị, Kim Cúc, Cô Ba (Bảo Lạc), xã Đức Hạnh (Bảo Lâm). Đời sống văn hóa phong phú của người Lô Lô đã góp những mảng màu tươi sáng, rực rỡ cho bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Căn cứ vào trang phục, thổ âm và đặc trưng văn hóa, người Lô Lô được chia thành hai nhóm: Lô Lô hoa và Lô Lô đen. Với đặc điểm sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế của người Lô Lô còn mang tính tự cung tự cấp, trình độ văn hóa còn hạn chế. Chỉ có trẻ em ở độ tuổi đến trường và một số thanh niên đã từng được đi học mới nói được tiếng phổ thông, còn lại đa số dân bản và người có tuổi không biết tiếng phổ thông. Do đó, điều kiện để người Lô Lô tiếp xúc với thế giới bên ngoài rất hạn chế, tình trạng đói nghèo cao.
Nhưng trái ngược với điều kiện kinh tế chưa phát triển, bản sắc văn hóa của người Lô Lô lại vô cùng đặc sắc và phong phú. Từ trẻ nhỏ đến người già trong bản hiện vẫn sử dụng trang phục truyền thống. Trang phục của người Lô Lô dựa trên nền vải chàm và được cắt, khâu thủ công. Áo của phụ nữ Lô Lô là loại áo ngắn, hở bụng, thân áo chỉ dài 30 - 35cm, tay áo có những đường viền vải màu sặc sỡ. Dọc sống lưng áo cũng được trang trí cầu kỳ bằng cách ghép vải màu, tạo thành hình tam giác, hình vuông trông rất lạ và đẹp mắt. Gam màu chủ đạo trang trí trên trang phục nữ là đỏ và vàng. Quần ống rộng có dải rút. Trang phục của nam giới
người dân tộc Lô Lô đen gần giống với trang phục của các dân tộc Tày, Nùng. Nam giới Lô Lô đen mặc áo xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải, thường chít khăn trên đầu. Quần cũng là loại quần ống rộng hơi giống kiểu quần của nam giới dân tộc Tày. Riêng trong đám ma, nam giới mặc áo dài xẻ nách, trang trí hoa văn sặc sỡ theo từng chi và dòng họ.
Trang sức phụ nữ Lô Lô khá cầu kỳ với túi trầu, nón lá và họ ưa thích trang sức bằng bạc. Đặc biệt, vòng cổ của họ không chỉ dùng một chiếc mà một bộ có từ 5 - 7 chiếc, từ nhỏ đến lớn, khi đeo không bị chồng lên nhau mà được xếp cạnh nhau trông rất đẹp. Ngoài vòng cổ, phụ nữ Lô Lô còn đeo vòng tay và khuyên tai, tất cả đều được chế tác từ kim loại bạc.
Người Lô Lô quan niệm cái chết không giống như các dân tộc khác, họ cho rằng người chết là được về đoàn tụ với tổ tiên và bắt đầu một cuộc sống mới nên họ không quá đau buồn khi trong gia đình có người chết. Đám tang người Lô Lô không thờ cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày và 100 ngày như người Kinh, cũng không tảo mộ hay làm giỗ hằng năm. Chôn cất người chết xong, sau 3 năm hoặc khi có điều kiện mới làm ma khô, tức là cải táng và đưa vào nghĩa địa chung của dòng họ. Nghi thức để tang của người Lô Lô cũng khác biệt, với người Lô lô đen ở Cao Bằng, con trai chỉ để tang bố không để tang mẹ, cách thức để tang bao gồm: đặt lên bàn thờ một chiếc khay, trong đó, có 1 - 2 cái chén, 1 điếu thuốc lào, 1 ống tre trên có úp một cái bát. Con gái chỉ để tang mẹ, không để tang bố. Cách thức để tang cũng rất đặc biệt, họ chỉ trùm chiếc áo lên đầu cho đến khi cải táng xong. Cũng có trường hợp con gái để tang mẹ bằng cách cắt một ít tóc cất vào nơi kín đáo, khi nào họ chết sẽ mang tóc đó chôn theo luôn. Thời gian để tang rất ngắn, chỉ từ lúc có người chết đến khi chôn cất xong.
Với quan niệm người chết sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới khác nên đám ma của người Lô Lô có nhiều lễ thức độc đáo, như hóa trang, nhảy múa, nhào lộn..., Phụ nữ nhảy múa trong đám tang sẽ mặc những bộ trang phục và trang sức đẹp nhất để đưa tiễn người quá cố về với tổ tiên. Đặc biệt, họ sử dụng trống đồng trong đám tang. Trống được bảo quản bằng cách chôn xuống đất, khi nào sử dụng mới đào lên. Dân tộc Lô Lô là dân tộc duy nhất ở Việt Nam còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Vì thế dân tộc Lô Lô được coi là cộng đồng lưu giữ "linh hồn" trống đồng.
Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn với huyền thoại về nạn hồng thủy. Trống của người Lô Lô luôn có một đôi gồm trống đực và trống cái. Trống treo trên giá đặt ở chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ mang thai mới được đánh trống. Đối với người Lô Lô, trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ mang tính chất tôn giáo. Họ quan niệm rằng có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên. Tộc trưởng là người giữ trống đồng, khi trong họ có người chết mới đem ra sử dụng. Trước kia trống được chôn ở dưới đất nơi sạch sẽ kín đáo, ngày nay do sợ bị mất nên một số gia đình đã đem trống cất ở trong nhà. Hiện nay trong kho Bảo tàng tỉnh có 17 trống đồng, trong đó, 11 trống là của người Lô Lô.
Dân tộc Lô Lô có những bản sắc văn hóa độc đáo. Để giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Lô Lô và phát huy trong cuộc sống hôm nay cần được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm. Với số dân ít, sống tương đối tập trung, các làng bản người Lô Lô cần tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tiếp tục đầu tư thoả đáng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hoá dân gian của dân tộc này hiện còn đang gìn giữ được. Với bản sắc riêng độc đáo của mình, các làng bản người Lô Lô có tiềm năng trở thành những điểm du lịch văn hoá hấp dẫn nếu các ngành chức năng biết đầu tư, khai thác hợp lý.
Đinh gia Khánh (sưu tầm)